SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Đưa mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

19-05-2021

Các mô hình phù hợp với định hướng phát triển cá cảnh của TP.HCM, có tiềm năng nhân rộng để người dân tiếp cận với công nghệ nuôi và sản xuất cá cảnh chất lượng cao cho thị trường.
Ngày 14/5/2021, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã có buổi làm việc tại 2 địa điểm đang ứng dụng thực tế các mô hình sản xuất cá cảnh trên địa bàn Thành phố, là cơ sở sản xuất cá cảnh của ông Nguyễn Văn Phương (Củ Chi) và Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu Cơ Công nghệ cao Phước Hạnh.
Các mô hình nằm trong Chương trình “Hỗ trợ chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp” do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM triển khai, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ (Ban Quản lý Nông nghiệp Công nghệ cao cao TP.HCM) chủ trì thực hiện.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Phương đã nhận chuyển giao và triển khai mô hình sản xuất giống cá dĩa đỏ (Symphysodon sp.). Trong đó, cơ sở sản xuất sử dụng quy trình sản xuất giống cá dĩa đỏ bằng phương pháp ấp trứng nhân tạo (can thiệp sớm) để khắc phục được một số khó khăn trong sản xuất giống, như cá dĩa bố mẹ không nuôi con, cá dĩa bố mẹ ăn trứng… Bên cạnh đó, cơ sở cũng sử dụng quy trình nuôi sinh khối Artemia làm thức ăn cho cá dĩa đỏ để chủ động được nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, nhằm khắc phục được việc khan hiếm trong sử dụng trùn chỉ làm thức ăn cho cá. Ngoài ra, với thức ăn sinh khối Artemia không mang mầm bệnh nên sẽ tăng tỷ lệ sống của cá trong quá trình nuôi.

mhinh

Mô hình sản xuất cá dĩa đỏ được ứng dụng thành công tại cơ sở sản xuất cá cảnh của ông Nguyễn Văn Phương

Kết quả của đợt thu hoạch ghi nhận tổng số cá dĩa sản xuất trong năm là 11.161 con, cá dĩa đạt kích thước từ 5 - 8cm, cá đẹp, màu sắc sặc sỡ đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu cá dĩa ra thị trường cá cảnh. Từ kết quả này, có thể khẳng định rằng mô hình sản xuất giống cá dĩa đó mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất cao, có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển tại TP.HCM.
Hiện nay, ở một số cơ sở nuôi và kinh doanh cá cảnh, nguồn thức ăn thường không cố định và “rẻ” hơn do đánh bắt, vớt từ tự nhiên, nên không thể đảm bảo ổn định chất lượng cá. Do đó, việc nuôi cá để xuất khẩu phải được định hướng ngay từ đầu, từ đó xây dựng các tiêu chí phù hợp, chẳng hạn như xác định nguồn thức ăn cho cá để cá có đủ dinh dưỡng, phát triển đồng đều, đạt đủ và ổn định các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo ông Lê Hữu Anh (phụ trách kỹ thuật của cơ sở), với mô hình sản xuất giống cá dĩa đỏ đã sản xuất thành công cả về cách nuôi lẫn nguồn cung thức ăn như trên, cơ sở chỉ cần nghiên cứu thêm về kỹ thuật đóng kiện hàng xuất khẩu để đảm bảo tỷ lệ cá sống đạt 100%. Đạt được điều đó sẽ giảm thiểu rủi ro do cá chết, đồng thời giúp bên mua giảm chi phí vận chuyển hao phí do cá chết.
Vì chi phí vận chuyển cao hơn gấp nhiều lần chi phí mua cá, nên nếu cá chết thì sẽ là thiệt thòi rất lớn cho bên mua, và ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị cung cấp cá.”, ông Lê Hữu Anh cho biết.

mhinh1

Kiểm tra quy trình nuôi sinh khối Artemia làm thức ăn cho cá dĩa đỏ

Trong khi đó, mô hình sản xuất cá chép Koi kiểu hình Taisho Sanshoku được chuyển giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu Cơ Công nghệ cao Phước Hạnh. Hợp tác xã có diện tích lớn và phù hợp cho sản xuất giống cá cảnh nên thuận lợi trong việc triển khai mô hình, đặc biệt, có sử dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn nên chi phí xử lý nước nuôi thấp. Hợp tác xã cũng có mối liên kết chặt chẽ với các cửa hàng và đơn vị tiêu thụ cá chép Koi, được nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Tại buổi làm việc, đại diện Hợp tác xã cho biết cá chép Koi kiểu hình Taisho Sanshoku sau thu hoạch có độ đồng đều cao, cá khỏe mạnh, màu sắc đẹp, cơ thể cân đối, hoa văn rõ nét đáp ứng được tiêu chuẩn cá chép Koi trên thị trường hiện nay, đáp ứng được nhu cầu về nguồn cá chép Koi thương phẩm cho các công ty xuất khẩu và cửa hàng cá cảnh tại TP.HCM. Lợi nhuận ước tính của việc ứng dụng mô hình đạt trên 800 triệu đồng/năm, đồng thời còn tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người lao động địa phương.

mhinh2

Kiểm tra chất lượng cá chép Koi nuôi trong ao

Thực tế, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giống cá chép Koi có nhiều ưu điểm như: chủ động điều khiển kiểu hình con giống được sản xuất ra, tăng tỷ lệ kiểu hình cá con đẹp - đạt tiêu chuẩn, nâng cao khả năng kháng bệnh của cá và giúp cá tiêu hóa thức ăn tốt hơn, kiểm soát môi trường nuôi luôn trong sạch để cá sinh trưởng và phát triển tốt. Vì vậy, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giống cá chép Koi sẽ thúc đẩy mở rộng sản xuất cá chép Koi trên địa bàn thành phố, góp phần việc định hướng sản xuất cá cảnh trong tương lai và đẩy mạnh ngành cá cảnh của thành phố ngày càng phát triển.

mhinh3

Cá con nuôi trong bể có sức sống khỏe, màu sắc bắt mắt

Các mô hình nói trên đáp ứng “Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2020-2030” nhằm thúc đẩy lĩnh vực sản xuất cây con giống của TP.HCM, vừa phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ trong nước, nắm vững và làm chủ quy trình kỹ thuật công nghệ cao đưa vào ứng dụng triển khai, vừa làm thay đổi tư duy nhận thức của người dân về tiếp thu ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập và ổn định đời sống kinh tế - xã hội. Từ đó, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ (2020 - 2025) với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp thành phố là nền nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, là trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn của khu vực, xây dựng các chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng trong nông nghiệp.


Hoàng Kim - cesti.gov.vn


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353