Hội nghị tập huấn: Chuyển đổi số trong hoạt động của tổ chức công
20-06-2023Chuyển đổi số đòi hỏi có sự tham gia chung sức của mọi thành phần từ Chính phủ, đến doanh nghiệp, tổ chức, từng người dân trong mọi ngành nghề và lĩnh vực.
Nhằm mục tiêu phổ biến thông tin, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cơ bản về xây dựng chính quyền số, thúc đẩy thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Ủy ban nhân dân Quận Tân Phú tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hội nhập quốc tế năm 2023, Chuyên đề: “Chuyển đổi số tại cơ quan Nhà nước trong bối cảnh mới” vào ngày 05 tháng 05 năm 2023. Tham dự Hội nghị có sự tham gia của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn Quận Tân Phú.
Thạc sĩ Đậu Ngọc Linh, Giảng viên Khoa Nhà nước & Pháp luật, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tại Hội nghị
Tại hội nghị, Thạc sĩ Đậu Ngọc Linh, Giảng viên Khoa Nhà nước & Pháp luật, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu tổng quan về chuyển đổi số, các quy định về chuyển đổi số trong tổ chức công và khung năng lực số dành cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Theo Thạc sĩ Đậu Ngọc Linh, chuyển đổi số là quá trình thay đổi mang tính tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Chuyển đổi số đòi hỏi có sự tham gia chung sức của mọi thành phần từ Chính phủ, đến doanh nghiệp, tổ chức, từng người dân trong mọi ngành nghề và lĩnh vực.
Năm 2023, là Năm Dữ liệu số quốc gia, theo Quyết định số 328/QĐ-UBND ngày 06/02/2023 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố về phê duyệt Chiến lược quản trị dữ liệu của TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số đó là: Y tế; Giáo dục; Tài chính – ngân hàng; Nông nghiệp; Giao thông vận tải và logistics; Năng lượng; Tài nguyên và môi trường; Sản xuất công nghiệp.
Cũng theo Thạc sĩ Đậu Ngọc Linh, Covid-19 dù không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến quá trình chuyển đổi số, nhưng nó là một trong những yếu tố tác động, khiến cho thế giới phải thay đổi để thích nghi và phát triển. Dù cho Covid-19 không diễn ra thì quá trình chuyển đổi số cũng sẽ vẫn diễn ra, có thể sẽ chậm hơn, đơn giản hơn. Điều này đặt ra rất nhiều thách thức đối với việc thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia:
Thứ nhất, thiếu khung pháp lý cho những vấn đề mới trong thời đại công nghệ số: công nghệ số, xã hội số, kinh tế số làm xuất hiện nhiều mối quan hệ xã hội mới, chưa có tiền lệ, … đây là những khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Những vấn đề mới, đặc biệt là các mối quan hệ kinh tế số đòi hỏi cần có những quy định pháp lý kịp thời, phù hợp, vừa quản lý hiệu quả vừa phải tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu khoa học và công nghệ hiện đại: sự giao thoa công nghệ trên thế giới ngày càng mạnh mẽ và thuận lợi giúp cho Việt Nam có thể tận dụng được thành tựu công nghệ số để phát triển. Tuy nhiên, nếu trình độ nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu phát triển của khoa học và công nghệ, Việt Nam sẽ bỏ qua cơ hội phát triển và có nguy cơ tụt hậu. Tốc độ phát triển nhanh chóng của tri thức, công nghệ số tạo nên sức ép cho người lao động phải không ngừng học hỏi, đổi mới, sáng tạo trước nguy cơ dễ bị đào thải.
Thứ ba, trình độ công nghệ thông tin của người dân: khi tham gia vào quy trình thủ tục của chính phủ số, hạn chế về năng lực sử dụng công nghệ thông tin của người dân là một thách thức lớn trong công tác quản lý. Nếu người dân không theo kịp với tốc độ phát triển, không có khả năng ứng dụng công nghệ trong lao động và công việc giữa Nhà nước với người dân cũng là sự khó khăn cho hoạt động quản lý xã hội.
Thứ tư, vấn đề an toàn và an ninh mạng trong thời đại công nghệ số: số lượng người dùng internet và các ứng dụng công nghệ số ở Việt Nam ngày càng tăng. Kỹ thuật số giúp mọi người làm việc, giao tiếp thuận lợi hơn rất nhiều nhưng cũng là mối đe dọa đến sự an toàn nếu như bị lộ thông tin cá nhân của người dùng trên không gian mạng.
Thạc sĩ Đậu Ngọc Linh chia sẻ, trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nếu như lực lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước không có sự chuẩn bị và trang bị cho mình năng lực số cần thiết thì sẽ rất khó khăn để bảo đảm và nâng cao chất lượng công việc và thực thi công vụ.
Cũng tại Hội nghị, ông đã giới thiệu tới đại biểu tham dự 6 bước trong quy trình chung triển khai chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, bao gồm:
- Thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác chuyển đổi số;
- Đánh giá thực trạng và xác định mục tiêu chiến lược;
- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện;
- Đào tạo năng lực, tư duy số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;
- Xây dựng và khai thác dữ liệu, quy trình, công nghệ;
- Bảo mật thông tin, kiểm soát chất lượng, đánh giá cải tiến.
Theo ông, nhà nước cần nên tăng cường tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức. Các chương trình này sẽ giúp cán bộ, công chức thích nghi nhanh hơn với sự thay đổi của môi trường số, quan trọng nhất là biết khai thác dữ liệu và công nghệ để phục vụ quá trình công tác
Với mong muốn tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cán bộ công chức, viên chức và doanh nghiệp; trong thời gian tới, Trung tâm Hội nhập quốc tế sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình hữu ích phục vụ cho cán bộ công chức, viên chức và doanh nghiệp./.
Nguồn: CIIS - hoinhap.org.vn