SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TPHCM có 2 điểm sáng về sản xuất và đầu tư công nghệ là Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) và Khu Công nghệ cao (SHTP). Hơn 10 năm hình thành và phát triển, 2 khu này đã tạo ra những giá trị lớn về công nghệ, đóng góp vào sự phát triển của TPHCM.  

Mỗi giai đoạn có những nhiệm vụ khác nhau, nhưng thời nay, không chỉ là cho thuê đất với những ưu đãi để thu hút các công ty công nghệ, mà QTSC và SHTP còn trở thành nơi ra đời của những sản phẩm sáng tạo, đón đầu xu hướng công nghệ mới.

Chuyển hướng đón đầu công nghệ mới ảnh 1
Hơn 10 năm hình thành và phát triển, QTSC và SHTP đã tạo ra những giá trị lớn về công nghệ. Ảnh: T.Ba
 Giảm dần doanh nghiệp gia công

Hiện QTSC có 160 doanh nghiệp phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) và các doanh nghiệp khởi nghiệp với tổng vốn đăng ký kinh doanh trên 2.600 tỷ đồng. Tổng doanh thu năm 2018 của các doanh nghiệp CNTT hoạt động tại QTSC ước đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2014; trong đó, thị trường xuất khẩu vẫn đóng vai trò quan trọng với giá trị đạt gần 350 triệu USD, tăng 38,7% so với năm 2017.

Theo đánh giá của Vụ CNTT (Bộ TT-TT), QTSC không chỉ là khu CNTT tập trung được thành lập đầu tiên trong cả nước mà còn là khu được đánh giá hoạt động thành công nhất ở Việt Nam, đồng thời cũng được đánh giá cao trong khu vực. Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC, trong 10 năm đầu hoạt động của QTSC, doanh nghiệp nước ngoài luôn chiếm thế thượng phong, nhưng đến nay, trong tổng số 160 doanh nghiệp hoạt động tại khu, chỉ có 50 doanh nghiệp nước ngoài, còn hơn 100 đơn vị là doanh nghiệp Việt.

Sự chuyển dịch cũng diễn ra bên trong QTSC, không còn chỉ là sản xuất phần mềm mà các doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất phục vụ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau. Phần lõi vẫn là phần mềm nhưng đã gắn thêm với cơ - điện tử, truyền thông… Quan trọng hơn, không ít doanh nghiệp Việt nơi đây cũng chuyển sang đổi mới sáng tạo, tức tự làm ra những sản phẩm công nghệ, giải pháp cung cấp cho khách hàng, thị trường chứ không nhất thiết chỉ gia công, đặt hàng cho các công ty nước ngoài như trước đây.

Đồng hành cùng các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, QTSC cũng tạo ra những sản phẩm phục vụ doanh nghiệp như triển khai hệ thống đo đếm dữ liệu điện kế từ xa nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh doanh và chất lượng dịch vụ cho khách hàng; tạo ra Smart Water - giải pháp công nghệ quản lý, theo dõi chỉ số nước sử dụng của khách hàng, đọc chỉ số nước tự động hàng tháng, lưu trữ số liệu và xuất ra các thông báo cước phí cho khách hàng theo kỳ thanh toán; hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh…

Ông Lâm Nguyễn Hải Long đề nghị: “Để phù hợp với xu thế chuyển dịch sang sáng tạo, nhà nước cần tạo cơ chế, chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp hoạt động trong QTSC có thể tự do sáng tạo”.

Chú trọng doanh nghiệp R&D

Tính đến nay, SHTP đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho gần 150 dự án, trong đó có 93 dự án trong nước và 55 dự án FDI… SHTP hiện có nhà đầu tư thuộc các tập đoàn, công ty công nghệ cao hàng đầu thế giới như Intel, Sanofi, Samsung, Schneider, Datalogic, Jabil… Đáng chú ý, trong năm 2018, SHTP đã tiếp xúc tại chỗ 81 nhà đầu tư bao gồm nhà đầu tư, đơn vị tư vấn đầu tư và tổ chức xúc tiến đầu tư quốc tế đến tìm hiểu thông tin, cơ hội đầu tư, hợp tác. Trong đó, nhóm ngành sản xuất công nghệ cao được quan tâm nhiều nhất chiếm 49,38%, nhóm nghiên cứu và phát triển (R&D) chiếm 25,92%, còn lại là nhóm ngành thương mại dịch vụ và phát triển hạ tầng. Theo SHTP, con số 25,92% từ nhà đầu tư có R&D là “điểm ngắm” vì đây là khởi nguồn cho đổi mới sáng tạo, một trong những mục tiêu của giai đoạn hiện nay.

Các doanh nghiệp Việt trong SHTP cũng đã tạo ra những sản phẩm mang tính thương mại hóa cao như: thiết bị WMC-01, Reader WMC-01, quy trình sản xuất methanol từ hỗn hợp hydro/cacbonic bằng lò phản ứng dạng màng, sản phẩm băng vết thương dạng gel, chế phẩm chống nắng dùng qua đường uống (Biosuncare), thiết bị giám sát chất lượng nước online TCCheck TC-918, sản phẩm thủy tinh thể nhân tạo, sản phẩm Server xác thực người dùng trên môi trường web và mobile theo tiêu chuẩn FIDO của UAF… Đây là những sản phẩm xuất phát từ quá trình đổi mới sáng tạo.

Hiện SHTP có những công nghệ đang có tác động lớn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, robot… Cùng với định hướng phát triển của TPHCM xây dựng Khu đô thị sáng tạo tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, SHTP sẽ xây dựng, hoàn thiện một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, để cùng với Đại học Quốc gia TPHCM trở thành “hạt nhân” trong Khu đô thị sáng tạo của thành phố. Song song đó, SHTP cũng đã thành lập 5 phòng thí nghiệm, thu hút 16 tiến sĩ và thạc sĩ đến làm việc. Vườn ươm doanh nghiệp SHTP đã hỗ trợ 25 dự án thương mại hóa sản phẩm thành công, 100% dự án ươm tạo có công nghệ do chính người Việt Nam sở hữu và phát triển. Đây là những tiền đề lớn trong việc đổi mới sáng tạo ở SHTP.

Theo Ban quản lý SHTP, khu vẫn tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng đối với các dự án về khoa học và công nghệ để đáp ứng với tốc độ phát triển hiện hữu như triển khai thi công dự án nâng cấp Phòng thí nghiệm công nghệ bán dẫn và dự án Đầu tư trang thiết bị MEMS, khởi công xây dựng dự án Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao... Đây là hướng để tiếp cận và đón đầu sự phát triển của công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất… 

BÁ TÂN - SGGP

Thực hiện tiêu chuẩn chất lượng dù cực nhưng lại giúp doanh nghiệp thấy vui hơn vì môi trường đảm bảo, sản phẩm của mình xuất sang được nhiều quốc gia khó tính. 

Những điều này được các đại diện doanh nghiệp, chuyên gia chia sẻ tại buổi tọa đàm “Đôi cánh nào để hàng Việt bay ra thị trường thế giới” do Hội doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao tổ chức chiều 20/02. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chương trình tôn vinh 542 doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao năm 2019.

Làm tiêu chuẩn chất lượng, cực thì cực nhưng qua rồi thì… sướng - 1

Một gian hàng đạt tiêu chuẩn Global Gap bên ngoài hội thảo được nhiều người quan tâm. Ảnh: Hà Thế An.

Cực mà vui

Ông Hải Vũ hiện đang kinh doanh làm sản phẩm nhựa mang thương hiệu Rạng Đông nhưng mấy năm gần đây có làm thêm mảng nông nghiệp. Có một lần, đối tác đến từ Úc yêu cầu ông tìm nguồn trái cây sạch để mua.

Ông tìm về quê hương mình ở Tiền Giang gặp đại diện xã và Hội nông dân xã đặt vấn đề bán quả mãng cầu gai xuất khẩu. Nhưng khi hỏi về việc thực hiện tiêu chuẩn của nông dân, ông mới biết rằng, nông dân chỉ làm đạt 10% tiêu chuẩn. Nhiều người than rất khó làm và khi lấy tiêu chuẩn xong rồi thì họ lại làm theo tập quán.

“Tôi mất mối kết nối để xuất mãng cầu gai sang Úc và thật sự tiếc cho nông dân. Làm tiêu chuẩn sao khó đến thế”- ông Hải Vũ trải lòng.

Đồng cảm với câu chuyện làm tiêu chuẩn, ông Nguyễn Công Luận, Phó tổng giám đốc công ty rau quả thực phẩm Antesco, cho biết cách đây mấy năm ông thực hiện tiêu chuẩn Global Gap cho trang trại rau quả với quy mô nhỏ để thí điểm. Khi chọn xong phần đất đạt tiêu chuẩn, ông tiến hành thực hiện các quy trình theo chuẩn để trồng rau.

Sắp đến ngày đoàn kiểm tra tiêu chuẩn đến kiểm tra để chứng nhận, bỗng dưng có một hộ gia đình mở trang trại chăn nuôi bò ngay khu vực gần nguồn nước nơi ông trồng rau. Điều này đe dọa đến nguồn nước trồng rau của trang trại ông Luận.

Trong đêm ông phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp yêu cầu gia đình nuôi bò tháo dỡ và dời địa điểm chăn nuôi.

“Nếu không có chính quyền, chắc chúng tôi sẽ thất bại trong hành trình làm tiêu chuẩn cho trang trại rau. Biết là làm tiêu chuẩn cực lắm, nhưng khi xuất được sang thị trường nước ngoài cảm giác vui sướng vô cùng”- ông Luận nói.

Hiện nay các sản phẩm rau, củ của Antesco xuất hiện ở 90% cửa hàng ăn uống (sử dụng làm món tráng miệng) tại Nhật Bản.

Ông Luận cho biết thêm, chỉ có làm những điều thực tế, thực hiện thí điểm những khu vực trồng rau theo tiêu chuẩn, chất lượng thì nông dân họ mới tin và làm theo. “Thực hiện theo tiêu chuẩn trước hết là mang lại lợi ích cho chính mình với không gian xanh, môi trường sạch rồi sau này là giá trị gia tăng của sản phẩm và lợi nhuận”- ông Đúc kết.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm minh bạch Việt Nam, để nhiều người dân hơn thực hiện các tiêu chuẩn, chất lượng không chỉ đến từ giải pháp kỹ thuật mà còn liên quan đến vấn đề thị trường, marketing và cả một hệ sinh thái trong lĩnh vực này.

“Thuyết phục người dân làm theo tiêu chuẩn là phải cùng nhau xây dựng được giá trị chung, tìm đầu ra cho những sản phẩm của họ thì khi đó mới có nhiều người hơn làm thực phẩm tiêu chuẩn chất lượng”- bà Minh nói.

Theo Th.s Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia chuỗi an toàn thực phẩm, nông dân Việt Nam chưa quen với xây dựng tiêu chuẩn và có trách nhiệm với môi trường. Một vấn đề khác đến từ câu chuyện chi phí khi áp dụng tiêu chuẩn. Vì thế, hiện nay Hội doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao đã xây dựng tiêu chuẩn trung gian là “Local Gap” đạt được khoảng 30% các tiêu chí của GlobalGap để giúp nông dân làm tiêu chuẩn với chi phí thấp hơn nhiều.

“Nông dân chỉ mất tối đa 3 năm để từ Local Gap lên Global Gap. Chúng tôi sẽ kết hợp với đơn vị khuyến nông từng địa phương cùng thay đổi hành vi sản xuất của nông dân. Tất cả sẽ cùng chung tay để tiêu chuẩn xuất hiện ở nhiều nơi trên đất nước chúng ta”- Th.s Thanh nói.

Người tiêu dùng sẽ “soi” tiêu chuẩn chất lượng nhiều hơn

Bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền thương hiệu, dẫn chứng một trong những xu hướng hiện tại và tương lai của người tiêu dùng là trải nghiệm sản phẩm (theo Global Consumer Trends Survey năm 2017).

Cụ thể, người tiêu dùng sẽ lựa chọn sản phẩm bằng trải nghiệm 5 đến 6 điểm chạm. Các điểm chạm này theo cách thức tiếp thị của doanh nghiệp. Có đến 4 điểm chạm theo trải nghiệm sản phẩm trên mạng internet và 2 điểm chạm trực tiếp tại các cửa hàng bán sản phẩm.

Điều đó theo bà Vân, hoạt động trải nghiệm sản phẩm trực tuyến là một xu hướng hiện nay mà người tiêu dùng đang thực hiện. Tuy nhiên, xu hướng trải nghiệm sản phẩm trực tiếp cũng chiếm vị trí quan trọng. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng các Experience Center (trung tâm trải nghiệm) để phục vụ khác hàng.

“Dù là phương pháp kinh doanh trực tiếp hay trực tuyến thì mục tiêu quan trọng nhất là doanh nghiệp phải tạo ra những cơ hội trải nghiệm cho khách hàng bằng các phương pháp khác nhau. Người tiêu dùng đang có xu hướng mua trải nghiệm nhiều hơn là mua sản phẩm”- bà Vân nhấn mạnh.

Làm tiêu chuẩn chất lượng, cực thì cực nhưng qua rồi thì… sướng - 2

Các doanh nghiệp, chuyên gia chia sẻ câu chuyện làm tiêu chuẩn chất lượng của mình tại hội thảo. Ảnh: Hà Thế An.

Cũng theo bà Vân, tiêu chuẩn, chất lượng gắn với hành vi mua sắm người dân. Họ đòi hỏi cao hơn về chất lượng sản phẩm, sự thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe của mình.

Sản phẩm thân thiện môi trường, an toàn cho sức khỏe sẽ là chìa khóa mua được lòng trung thành của người tiêu dùng với sản phẩm của một doanh nghiệp. Tăng sức khỏe, tăng xanh, cuộc sống xanh là xu hướng tiêu dùng trong tương lai mà bất cứ doanh nghiệp nào muốn hội nhập đều phải đáp ứng.

“Chúng ta phải chuyển động với xu thế của thế giới. Tiêu chuẩn chất lượng mở ra cuộc chơi công bằng, mở ra cho mọi người, và không có bảo hộ nào. Vì thế doanh nghiệp đi theo tiêu chuẩn không thể đi một mình mà cần cộng tác với các đối tác để cùng nhau xây dựng”- bà Vân nói.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Cục phó, Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến hết năm 2018 Việt Nam có khoảng 11.500 tiêu chuẩn trên tất cả lĩnh vực. Đến năm 2020 có hoảng 12.000 tiêu chuẩn với độ hài hòa khoảng 60% so với tiêu chuẩn quốc tế.

"Để doanh nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng nhiều hơn, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, chúng tôi sẽ đồng hành với Hội doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao hỗ trợ đắc lực cho hoạt động này. Chúng tôi sẽ tổ chức các chương trình tư vấn và hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước để doanh nghiệp làm tiêu chuẩn chất lượng", ông Linh cho biết thêm.

 

Hà Thế An - khampha.vn

Từ ngày 15.2.2019, Văn phòng đại diện Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Viện KHSHTT) tại TP.HCM sẽ chính thức đi vào hoạt động.

 

Lễ khai trương Văn phòng đại diện Viện KHSHTT tại TP.HCM diễn ra vào ngày 15.2 nằm trong chương trình hợp tác giữa Viện KHSHTT và Sở KH&CN TP.HCM. Văn phòng đại diện sẽ được đặt tại số 273 Điện Biên Phủ, phường 7, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

Đây sẽ là đầu mối tiếp nhận các yêu cầu, trưng cầu giám định về sở hữu công nghiệp, định giá tài sản trí tuệ, tổ chức đào tạo về SHTT và quản trị tài sản trí tuệ, cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về SHTT và các dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên địa bàn Thành phố và khu vực phía Nam.

Thêm địa chỉ 'gỡ rối tơ lòng' về hữu trí tuệ cho doanh nghiệp tại TP.HCM - 1

TP.HCM và khu vực phía Nam là nơi tập trung nhiều trường ĐH, viện nghiên cứu, doanh nghiệp lớn trên cả nước. Đặc biệt, những năm gần đây phong trào khởi nghiệp tại thành phố và khu vực đang diễn ra rất sôi động với sự ra đời của nhiều startup cùng các sản phẩm, công nghệ mới.

Chính vì thế, nhu cầu với các dịch vụ SHTT trong khu vực ngày càng lớn. Sự ra đời của Văn phòng đại diện Viện KHSHTT tại TP. Hồ Chí Minh sẽ giúp các giúp các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên địa bàn thành phố và khu vực phía Nam tiếp cận các dịch vụ SHTT nhanh chóng, thuận tiện hơn. Nhờ đó, các cơ quan, tổ chức và cá nhân sẽ tiết kiệm được đáng kể chi phí, thời gian.

Tại lễ khai trương, Viện KHSHTT và Sở KH&CN TP.HCM sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác về sở hữu trí tuệ. Theo đó, 2 bên sẽ phối hợp triển khai các hoạt động tư vấn, thông tin, đào tạo, giám định, thẩm định giá, nghiên cứu khoa học về sở hữu trí tuệ, nhằm phục vụ và hỗ trợ việc phát triển và quản trị tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cũng như hoạt động quản lý nhà nước.

Đồng thời, Viện KHSHTT và Sở KH&CN TP.HCM cũng hợp tác với một số cơ quan khác như Cục Quản lý thị trường TP.HCM, Cục Hải quan TP.HCM, Hội Sáng chế Việt Nam, Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức... để triển khai thỏa thuận hợp tác về SHTT.

Thêm địa chỉ 'gỡ rối tơ lòng' về hữu trí tuệ cho doanh nghiệp tại TP.HCM - 2

Số lượng lớn người tham gia những buổi tập huấn về SHTT do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức cho thấy nhu cầu với hoạt động SHTT của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Ảnh: Tập huấn “Hướng dẫn soạn thảo đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực Điện - Điện tử" do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức tháng 4.2018

Sau Lễ khai trương, sẽ diễn ra Hội thảo “Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ, quản trị tài sản trí tuệ” do Viện KHSHTT phối hợp với Sở KH&CN TP.HCM và Trung tâm quốc gia về Đào tạo và Thông tin Nhật Bản (INPIT). 

Sự hiện diện của Văn phòng đại diện Viện KHSHTT được kỳ vọng sẽ góp phần gia tăng hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại khu vực phía Nam trong hoạt động phát triển tài sản trí tuệ, từng bước tạo dấu ấn về vai trò của SHTT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.

 
Phạm Sơn - khampha.vn

Ngày 21/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành khoa học và công nghệ (KH&CN).

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nỗ lực, sáng tạo của đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật ở các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp cho đến từng người dân, qua đó góp phần tăng cường tiềm lực khoa học của đất nước.

Sự đóng góp đó không chỉ dừng lại ở các đề tài KHCN, mà đã đi sâu vào giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc sống.     

Khoa học và Công nghệ phải giải quyết được các vấn đề trong cuộc sống - 1

Phó Thủ tướng nêu một vài số liệu cụ thể như năm 2018, Việt Nam có 8.393 công trình công bố khoa học quốc tế so với 6.202 công trình của năm 2010; chỉ số đổi mới sáng tạo tiếp tục tăng điểm từ thứ 47 lên thứ 45 trên thế giới; hơn 50% DN đánh giá công tác kiểm tra chuyên ngành, do Bộ KH&CN làm đầu mối, có tiến bộ rõ rệt… “Qua đó có thể thấy rằng kết quả đạt được của ngành KH&CN là rõ, thực chất”.

Tuy nhiên với những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng nhấn mạnh không được quên Việt Nam vẫn là nước có thu nhập trung bình thấp, vẫn thuộc nhóm quốc gia “non trẻ” gồm 58/100 quốc gia, đứng cuối cùng trong 4 nhóm quốc gia về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Đơn cử trong 8 nhóm tiêu chí đánh giá của WEF có 2 nhóm thuộc về hạ tầng sản xuất truyền thống, 6 nhóm còn lại thuộc về động lực cho nền sản xuất tương lai thì có 2 nhóm liên quan đến KH&CN và nhân lực trình độ cao, Việt Nam đứng thứ 90.

Để cải thiện thứ hạng của các nhóm tiêu chí này, Phó Thủ tướng cho rằng không chỉ liên quan đến ngành KH&CN, công nghệ sản xuất mà cả chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá việc năm vừa qua có nhiều viện nghiên cứu của DN tư nhân được thành lập là tín hiệu đáng mừng. Tiến tới các nghiên cứu khoa học công bố quốc tế, sở hữu trí tuệ chủ yếu từ khối DN tư nhân; kết nối các viện nghiên cứu của DN tư nhân với các cơ sở nghiên cứu của nhà nước, trong trường ĐH một cách bình đẳng, cùng tham gia vào các chương trình nghiên cứu KH&CN.

Cùng với đó, những sản phẩm mang hàm lượng KH&CN cao của DN, chứ không chỉ những sản phẩm được nhà nước hỗ trợ, cần được tạo điều kiện thuận lợi thâm nhập thị trường trong nước và quốc tế.

Bởi theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, “chúng ta có nhiều chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, đổi mới công nghệ nhưng về cơ bản vẫn chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các sản phẩm của DN Việt Nam có hàm lượng KH&CN tiếp cận thị trường trong nước và thế giới. Bộ KH&CN cần tiếp tục tăng cường đối thoại với các DN, hiệp hội DN để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc..." 

Khoa học và Công nghệ phải giải quyết được các vấn đề trong cuộc sống - 2

Trăn trở về “hoạt động KH&CN chưa đủ thuyết phục” ở các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đây là một bất cập lớn, rất cần khắc phục trong năm 2019.

Trước hết, sở KH&CN phải tập trung tham mưu cho lãnh đạo, thông tin đầy đủ đến các sở ngành, chính quyền địa phương về những chỉ số mà ngành KH&CN được giao thực hiện, làm đầu mối chủ trì về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trước thực tế các sở KH&CN chưa nắm được tình hình ứng dụng KH&CN, công nghệ thông tin của người dân, DN trên địa bàn các tỉnh, Phó Thủ tướng yêu cầu thiết lập hệ thống thu thập dữ liệu, đánh giá chính thức về vấn đề này.

Đề cập đến việc triển khai đề án hệ tri thức Việt số hoá và lập bản đồ số của Việt Nam, Phó Thủ tướng lưu ý đây là một nhiệm vụ quan trọng mà các sở KH&CN cần tích cực tham gia trong thời gian tới.

Đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục phối hợp với các bộ ngành trong những hoạt động KHCN, song Phó Thủ tướng lưu ý năm 2019 Bộ cần bàn kỹ với Bộ GD&ĐT để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, xây dựng xã hội học tập với tư duy khoa học mới, cách làm mới.

Nhắc lại tinh thần “năm 2019 phải làm tốt hơn 2018”, Phó Thủ tướng đề nghị ngành KH&CN cần quán triệt và cùng với đó phải bắt tay vào nghiên cứu các định hướng, vấn đề lớn về KH&CN để nhiệm kỳ tới tiếp tục có những bước đổi mới mạnh mẽ, căn bản, thực chất.

 
Bảo Trung - khampha.vn

Với việc sử dụng cảm biến siêu âm, khi có người vào khu vực, buồng hút thuốc sẽ tự vận hành hệ thống đèn, quạt hút khói bằng than hoạt tính.

Buồng hút khói thuốc nơi công cộng giá chỉ 2 triệu của sinh viên - 1

Sản phẩm buồng hút khói của nhóm sinh viên trường ĐH Cần Thơ. Ảnh: Gia Hiên.

Hướng đến đối tượng hút thuốc nơi công cộng, nhóm sinh viên đến từ ĐH Cần Thơ thiết kế buồng lọc khói thuốc bằng than hoạt tính.

Đây là một trong 27 dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPICS) do dự án BUILD-IT và chương trình STEM của Dow Việt Nam tổ chức tại TP.HCM mới đây.

Với việc nhận được 2 triệu đồng hỗ trợ ban đầu từ Ban tổ chức, các thành viên nhóm đã xây dựng căn phòng cao 2m có rèm kéo, hở chân, có cảm biến siêu âm phát hiện người đi vào và tự động bật đèn, quạt hút ở phía trên.

Khói nhả ra được gom lên tầng trên của buồng, lọc qua ba lớp than hoạt tính, đồng thời quạt giúp đảo không khí nên người đứng bên trong không bị ngộp, không nóng. Theo nhóm, lý tưởng nhất là đặt buồng ở bên ngoài tòa nhà, người hút thuốc vừa tự do hút, vừa không ảnh hưởng lên người xung quanh.

Đây là một trong những ý tưởng nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia nước ngoài Dự án BUILD-IT. Ngoài ra, năm nay, số lượng ý tưởng tham gia khá đông đảo với hơn 150 sinh viên khối ngành kỹ thuật của 6 trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ, ĐH Lạc Hồng, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP. HCM, ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM).

Không chỉ tranh tài, các sinh viên được hướng dẫn bởi giảng viên tại trường đã được tập huấn để thực hiện dự án theo quy trình từ lên ý tưởng, khảo sát nhu cầu khách hàng đến hiện thực hóa giải pháp, thử nghiệm, trình bày bằng tiếng Anh.

Tại vòng báo cáo, mỗi đội thuyết trình 4 phút để gây ấn tượng cho ban giám khảo là chuyên gia học thuật, doanh nghiệp, đại diện cơ quan nhà nước.

Xu hướng thiết kế năm nay tập trung lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như thiết bị hỗ trợ lên xuống cầu thang cho người đang phục hồi chức năng, gậy dò đường 3 cảm biến kết hợp đèn báo cho người khiếm thị; giải quyết phế phẩm nông sản như sản xuất hạt nêm làm từ lõi bắp, nước rửa chén sinh học từ vỏ thơm với bồ hòn, ủ thức ăn thừa, hệ thống thu hoạch, vận chuyển xoài tự động…

Kết quả, ba dự án tốt nhất được chọn ra là gậy thông minh cho người già từ ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, gậy dẫn đường cho người khiếm thị kết hợp đèn còi báo hiệu của ĐH Bách Khoa Đà Nẵng và thiết bị chống trộm của ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM).

Chương trình được tài trợ bởi USAID, dự án BUILD-IT, ĐH Bang Arizona, Dow Việt Nam và Khu Công nghệ cao TP.HCM.

 
Gia Hiên - Hà Thế An (khampha.vn)
Trong năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 108.374 đơn sở hữu công nghiệp các loại, tăng 5,9% so với năm 2017.  
 

Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí  phát biểu tại cuộc tọa đàm. Ảnh: TB

Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí phát biểu tại cuộc tọa đàm. Ảnh: TB

Ngày 22-1, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Tọa đàm công tác thông tin, truyền thông về SHTT nhằm đánh giá những kết quả đạt được của năm 2018 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2019.

Tại đây, Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí cho biết, trong năm 2018, Cục SHTT đã tiếp nhận 108.374 đơn sở hữu công nghiệp các loại (tăng 5,9% so với năm 2017), bao gồm: 63.617 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 8,1% so với năm 2017) và 44.757 đơn khác.

Cục SHTT đã xử lý được 79.634 đơn các loại, trong đó có 42.867 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 9,2% so với năm 2017) và  36.776 đơn/yêu cầu các loại khác; đồng thời cấp văn bằng bảo hộ cho cho 29.040 đối tượng sở hữu công nghiệp (tăng 2,6% so với năm 2017).

Về tình hình bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho các đặc sản, tính đến 31-12-2018, Việt Nam đã bảo hộ 69 CDĐL quốc gia và 6 CDĐL của nước ngoài. Trong hơn 10 năm qua, số CDĐL quốc gia được bảo hộ đã tăng 3,5 lần. Đến nay đã có 34 tỉnh/thành phố đã có CDĐL được bảo hộ, 11 tỉnh/thành phố có từ 2 CDĐL trở lên, đó là: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Kạn, Tiền Giang, Bình Thuận, Bạc Liêu, Đồng Nai, Hà Giang, Quảng Nam.
Về cơ cấu sản phẩm được bảo hộ CDĐL, có 47% sản phẩm là trái cây, 23% là các sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp, 12% là thủy sản, 8% là gạo, còn lại là các sản phẩm khác. Có 05 sản phẩm không phải là thực phẩm được bảo hộ là: nón lá Huế, thuốc lào Tiên Lãng, thuốc lào Vĩnh Bảo, cói Nga Sơn và hoa mai vàng Yên Tử. Đa phần các sản phẩm được bảo hộ CDĐL của Việt Nam là các sản phẩm tươi sống và nguyên liệu như: hạt cà phê, quế vỏ, hoa hồi... 

Ông Đinh Hữu Phí cho biết, quá trình bảo hộ CDĐL cho các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã tác động tích cực và rõ ràng đến nhận thức, sự quan tâm, đầu tư nguồn lực của các địa phương. Đồng thời, CDĐL cũng đã tác động rõ ràng đến nhận thức của doanh nghiệp, người dân về danh tiếng, giá trị của các sản phẩm được bảo hộ. Về cơ bản, CDĐL đã tác động đến giá trị của sản phẩm, giá bán của các sản phẩm sau khi CDĐL được bảo hộ đều có xu hướng tăng, như: cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi; mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75-80%; nước mắm Phú Quốc tăng 30-50%; chuối ngự Đại Hoàng tăng 100-130%; bưởi Phúc Trạch tăng 10-15%;... 

Về tình hình cấp các bằng bảo hộ và nhãn hiệu chứng nhận, đến 31-12-2018, số lượng văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể (NHTT) là 981 và Nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) là 293 được cấp cho các đặc sản địa phương. Sau khi văn bằng bảo hộ dược cấp, giá trị của các sản phẩm, đặc biệt là của các sản phẩm nông nghiệp đều được tăng lên, thể hiện ở giá bán trên thị trường của một số sản phẩm và hiệu quả khi sử dụng các nhãn hiệu. Như các sản phẩm: gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn - Hải Dương; su su Sa Pa – Lào Cai; cá thát lát Hậu Giang; gà đồi Yên Thế - Bắc Giang; hoa địa lan Đà Lạt – Lâm Đồng;…

Theo kế hoạch, trong năm 2019, Cục SHTT dự kiến đăng ký 10 CDĐL cho các đặc sản địa phương. Ngoài ra, 39 CDĐL của Việt Nam đã được Liên minh châu Âu đồng ý bảo hộ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu có hiệu lực. Việt Nam hiện đã đang ký thành công 4 chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài (03 tại Thái Lan và 01 tại EU). Cục SHTT đang phối hợp tích cực với Cục Chế biến thực phẩm Nhật Bản để đăng ký thành công 03 CDĐL của Việt Nam tại Nhật Bản.

TRẦN BÌNH - SGGP

Sáng nay (18/1) tên lửa phóng vệ tinh MicroDragon có nhiệm vụ quan sát các khu vực bờ biển Việt Nam đã được phóng thành công tại Nhật Bản vào lúc 7:59:37 giờ Việt Nam.

 

Vào lúc 8h55 phút (giờ Hà Nội), vệ tinh MicroDragon của Việt Nam đã tách thành công khỏi tên lửa Epsilon số 4 của Nhật Bản, đi vào quỹ đạo, bắt đầu làm việc trong không gian.

Trước đó, tên lửa Epsilon số 4 được điểm hỏa và phóng lên quỹ đạo vào lúc 7h50 phút cùng ngày, sau khoảng 52 phút, tên lửa bắt đầu thả các vệ tinh mà nó mang theo vào quỹ đạo. Vệ tinh MicroDragon là vệ tinh thứ 3 được thả vào không gian, sau khi rời khỏi mặt đất 1 tiếng 5 phút. Vệ tinh cuối cùng được thả ra là vệ tinh NEXUS sau 1 tiếng 10 phút.

Nhiệm vụ chủ đạo của MicroDragon là chụp ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ cho ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam.

Phóng thành công vệ tinh do Việt Nam chế tạo - 1

Tên lửa Epsilon số 4 mang theo vệ tinh Microdragon và 6 vệ tinh khác của Nhật Bản đã được phóng lên quỹ đạo từ 9:50:20 – 9:59:37 (giờ Nhật Bản) tức 7:50:20 – 7:59:37 (giờ Việt Nam). Ảnh: JAXA.

Phóng thành công vệ tinh do Việt Nam chế tạo - 2

Toàn cảnh lửa Epsilon số 4 được phóng lên quỹ đạo. 

Phóng thành công vệ tinh do Việt Nam chế tạo - 3

Tên lửa Epsilon số 4  trước khi rời bệ phóng. Ảnh JAXA.

Phóng thành công vệ tinh do Việt Nam chế tạo - 4

Công tác chuẩn bị để phóng tên lửa Epsilon số 4 vào quỹ đạo. 

Vệ tinh MicroDragon sẽ sử dụng hệ 2 máy ảnh đa phổ với bộ lọc tinh thể lỏng có thể điều chỉnh (LCTF) có thể chụp được ở 12 dải phổ (từ 412nm đến 1020nm), ảnh độ phân giải mặt đất tốt nhất là 78 m, kích thước ảnh khoảng 36×48 km khi vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo 500km.

Ảnh chụp từ vệ tinh MicroDragon có thể dùng để phối hợp dữ liệu với các dữ liệu viễn thám sẵn có, để tìm kiếm các ứng dụng mới hay tăng cường chất lượng của ứng dụng cũ nhằm xác nhận khả năng ứng dụng của dòng vệ tinh micro.

MicroDragon là một sản phẩm nằm trong Hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản, bộ phận của Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái Đất” (viết tắt là Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam).

Dự án sử dụng nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, điều phối bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. 

Dự kiến sau khi phóng khoảng 1 - 2 ngày, vệ tinh MicroDragon sẽ thu nhận được những tín hiệu đầu tiên; sau khi hoạt động thử nghiệm trên quỹ đạo trong khoảng từ 1 -3 tháng, vệ tinh có thể vận hành ổn định theo đúng thiết kế. Hiện nay, vệ tinh đang được phối hợp điều khiển bằng hệ thống trạm mặt đất của Đại học Tokyo, ISAS/JAXA và Đại học Tokyo Denki, tại Nhật Bản.

 

Vệ tinh MicroDrago nặng 50kg, được phát triển bởi 36 học viên (là các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) theo học tại 5 trường Đại học tại Nhật Bản gồm: Đại học Tokyo, Đại học Keio, Đại học Hokkaido, Đại học Tohoku và Học viện Công nghệ Kyushu. Vệ tinh này được chế tạo dưới sự đào tạo và hướng dẫn của các giáo sư, chuyên gia tại các trường này từ năm 2013 đến năm 2017.

Thảo Hiền - Liên Cơ (khampha.vn)

Học sinh tiểu học và THCS sẽ tham gia thi tài đối kháng ở 4 sân chơi điều khiển robot: đá bóng, chiếc cầu tình bạn, thử thách đường đua và bóng chuyền.

 

TP.HCM: Robot học sinh tranh tài đá bóng, đua xe - 1

Học sinh THCS tại TP.HCM tham gia một cuộc thi robot. Ảnh: Hà Thế An.

Vào ngày 19/01 sắp tới, 146 học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn Quận Gò Vấp, TP.HCM sẽ tham gia tranh tài với các trò chơi về robot trong 4 hạng mục thi.

Sân chơi này nhằm tuyển chọn các thí sinh xuất sắc tham gia cuộc thi Robotacon năm 2019 do Sở giáo dục và Đào tạo TP.HCM phối hợp với Eli Education tổ chức vào tháng 5 tới.

Học sinh tiểu học và THCS sẽ tham gia thi tài đối kháng ở 4 sân chơi điều khiển robot: đá bóng, chiếc cầu tình bạn, thử thách đường đua và bóng chuyền.

Theo ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó phòng giáo dục và đào tạo Quận Gò Vấp, sân chơi robot nhằm tăng cường kỹ năng thực hành ứng dung kiến thức STEM cho học sinh. Đồng thời, cuộc thi tạo cơ hội giao lưu và thi đấu cho học sinh yêu thích khoa học kỹ thuật. Các giáo viên, nhà trường cũng sẽ có thêm kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động sáng tạo cho học sinh trong môi trường giáo dục.

Trước khi tham dự cuộc thi cấp Quận, 146 học sinh đã được tham gia khóa tập huấn về kỹ năng điều khiển robot tại trường THCS Nguyễn Trãi. Doanh nghiệp tham gia tổ chức cuộc thi cũng đã cử chuyên gia, hỗ trợ học sinh kỹ năng trong quá trình thi và hỗ trợ robot để các em thi đấu.

Hà Thế An - khampha.vn
Việc gắn liền quá trình xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho hàng hóa nông sản được xem là nhu cầu bức thiết hiện nay đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. 
Trong đó, chỉ dẫn địa lý (CDĐL) được xem là yếu tố có tính “sống còn” khi hàng hóa nông sản Việt Nam muốn vươn xa ra thị trường quốc tế. Hiện nay, CDĐL đã trở thành một công cụ đặc biệt được ưu tiên hỗ trợ ở nhiều quốc gia, khu vực như châu Âu, châu Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc…
Đừng thờ ơ với chỉ dẫn địa lý ảnh 1
Nông sản, đặc biệt là rau củ quả sạch rất cần tham gia vào chỉ dẫn địa lý. Ảnh: TẤN BA
 Vẫn chưa khai thác hết tiềm năng

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, một trong những giải pháp bảo đảm phát triển thị trường bền vững cho nông sản là bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với CDĐL. Bởi CDĐL gắn với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất, đặc trưng về chất lượng và danh tiếng của sản phẩm. CDĐL trở thành một nội dung ưu tiên trong các mối quan hệ hợp tác kinh tế hiện nay. Do đó, việc đưa ra CDĐL trở thành dấu hiệu quen thuộc đối với người tiêu dùng trên thị trường là rất cần thiết.

Tại Việt Nam, theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), tính tới 31-7-2018 đã bảo hộ cho 62 CDĐL quốc gia và 6 CDĐL nước ngoài. Hiện, đã có 38 tỉnh, thành phố có CDĐL được bảo hộ. Trong số CDĐL này, 47% sản phẩm là trái cây; 23% sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp; 12% thủy sản; 8% gạo; còn lại là các sản phẩm khác.

Các sản phẩm không phải là thực phẩm được bảo hộ là nón lá Huế; thuốc lào Tiên Lãng; thuốc lào Vĩnh Bảo; chiếu cói Nga Sơn và hoa mai vàng Yên Tử. Cũng theo Cục Sở hữu trí tuệ, CDĐL đã tác động tới giá trị của sản phẩm. Giá bán của sản phẩm sau khi CDĐL được bảo hộ có xu hướng tăng. Trong đó, cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi; mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75%-80%; nước mắm Phú Quốc tăng 30%-50%; chuối ngự Đại Hoàng tăng 130%-150%; bưởi Luận Văn (Thanh Hóa) giá tăng 3,5 lần; cam Vinh tăng hơn 50% sau khi CDĐL được đăng bạ và quản lý…

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, trong 5 năm gần đây, số lượng CDĐL của Việt Nam gia tăng nhanh, nhưng nhìn chung, Việt Nam chưa khai thác hết được tiềm năng và thế mạnh để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản Việt. Mô hình quản lý CDĐL vẫn chưa kết nối với những đặc điểm về tổ chức sản xuất trong nông nghiệp và thương mại sản phẩm. Sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các ngành KH-CN, nông nghiệp và công thương ở một số địa phương đã làm cho quá trình tổ chức mô hình quản lý CDĐL như một trách nhiệm của riêng ngành KH-CN.

Trong khi đó bản chất của quá trình quản lý CDĐL là xây dựng cơ chế để kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm trong toàn bộ quá trình từ sản xuất đến thương mại nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng đặc thù và có nguồn gốc xuất xứ và đáp ứng nhu cầu của thị trường về số lượng. Xuất phát từ tình hình này, tháng 8-2018, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương đã ký kết quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý CDĐL.

Quy chế phối hợp này bảo đảm sự phối hợp thống nhất, hiệu quả giữa 3 bộ trong công tác xây dựng và quản lý CDĐL của Việt Nam; phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội của bảo hộ CDĐL, nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm mang CDĐL…

Cần có sự tham gia tích cực

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí nhận định, trong bối cảnh hiện nay, để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hướng tới đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của thị trường quốc tế, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản được xác định là giải pháp quan trọng. Quy chế phối hợp giữa 3 bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở để các bộ phối hợp, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hỗ trợ các CDĐL phát huy tối đa hiệu quả, giá trị của sản phẩm được bảo hộ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Việt trong bối cảnh hội nhập thị trường quốc tế. Đặc biệt, sự phối hợp giữa 3 bộ sẽ phát huy được ưu thế về năng lực chuyên môn, nguồn lực con người và tài chính của từng bộ, đồng thời tạo ra sự thống nhất, bổ trợ lẫn nhau trong các hoạt động xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, việc phối hợp xây dựng và quản lý CDĐL là vấn đề cấp thiết đối với ngành nông nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, giá trị nông sản Việt. Hiện nay, ngay đối với thị trường trong nước và thế giới đều đặt vấn đề về “truy xuất nguồn gốc” nên việc đảm bảo yêu cầu chất lượng hàng hóa sản phẩm nông nghiệp rất quan trọng.

Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ chuẩn hóa trên 2.000 sản phẩm nông nghiệp liên quan đến sở hữu trí tuệ. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thì cho rằng, không chỉ ngành công thương mà các ngành khác nếu làm tốt việc xây dựng và quản lý CDĐL sẽ mang lại giá trị gia tăng cho giá trị hàng hóa, sản phẩm sản xuất trong nước và xuất khẩu; đồng thời, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới. Tuy nhiên, cần có sự tham gia tích cực và có tính chủ động của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp. Các bộ ngành không thể làm thay mà chỉ hỗ trợ, đồng hành để các đối tượng đó làm tốt công việc và xây dựng CDĐL đúng định hướng.

Hiện nay hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam về đăng ký bảo hộ CDĐL đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên khi thực thi vẫn còn bộc lộ một số khó khăn. Ở cấp độ trung ương chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ có liên quan nhằm xây dựng những định hướng và nội dung thống nhất để lồng ghép các nguồn lực, phân công lĩnh vực hỗ trợ để nâng cao hiệu quả, thống nhất về chính sách và giải pháp hỗ trợ cho xây dựng và quản lý CDĐL. Vì vậy, sự hợp tác giữa 3 bộ nói trên sẽ tạo ra cơ chế phối hợp thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL. Đây cũng cơ sở để từng địa phương xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành về CDĐL trên địa bàn mình… 

TRẦN LƯU - SGGP

Cần giới thiệu các dự án khởi nghiệp nông nghiệp với các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần, thậm chí là quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ nhằm mục tiêu giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp này có thêm nguồn lực phát triển.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhắn nhủ như vậy tại lễ phát động chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” do T.Ư Đoàn TNCSHCM và Bộ NN&PTNT phối hợp tổ chức tại ĐH Nông lâm TP.HCM vừa qua.

Khuyến khích thanh niên khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương - 1

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham quan các sản phẩm nông nghiệp tại ĐH Nông lâm TP.HCM.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ( gọi tắt OCOP) giai đoạn 2018-2020, nhằm khuyến khích thanh niên tham gia tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Chương trình này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt và chính thức hoạt động từ tháng 5 năm 2018.

Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn với trọng tâm là khởi nghiệp. Theo đó, OCOP phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Điều này nhằm khuyến khích thanh niên nông thôn đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp bằng những dự án ứng dụng khoa học và công nghệ trên mảnh đất quê hương mình.

Nói về OCOP, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, cho biết chương trình khởi nghiệp từ OCOP nhằm đưa các sản phẩm có tính chất địa phương có thể trở thành sản phẩm của vùng, thậm chí là của quốc gia, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị.

Để đạt được điều này, Phó Thủ tướng cho rằng các sản phẩm phải được gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ cũng như đảm bảo xây dựng thương hiệu bài bản.

Theo Phó Thủ tướng, dù mới được Chính phủ phê duyệt và triển khai tại hơn 30 địa phương trong cả nước kể từ tháng 5 năm ngoái, đã có rất nhiều sản phẩm OCOP trong cả nước đạt chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh. Nhiều ông chủ doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ quốc tế và trong nước trực tiếp đến nông thôn tìm kiếm sản phẩm OCOP để đưa vào siêu thị.

Phó Thủ tướng đề nghị T.Ư Đoàn và Bộ NN&PTNT nỗ lực phổ biến, tuyên truyền sâu rộng về chương trình để qua đó tìm kiếm, phát hiện các mô hình tốt, cách làm hay trong lực lượng thanh niên, sinh viên.

“Hằng năm, chúng ta cần quan tâm xét chọn, giới thiệu các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu với các quỹ đầu tư mạo hiểm của tư nhân, quỹ đầu tư thiên thần và kể cả quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ nhằm mục tiêu giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp này có thêm nguồn lực phát triển”- Phó thủ tướng Vương Đinh Huệ nhắn nhủ.

Khuyến khích thanh niên khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương - 2

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các lãnh đạo đặt tay lên quả cầu, chính thức phát độngc hương trình "Mỗi xã một sản phẩm".

Anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCSHCM, cho rằng chương trình này chính là cơ hội, hướng đi tốt để thanh niên vươn lên khởi nghiệp, tham gia phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. 

“Chúng tôi tin tưởng rằng khởi nghiệp của thanh niên, sinh viên Việt Nam, đặc biệt là khởi nghiệp từ chương trình OCOP sẽ là hướng đi hiệu quả, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”, anh Lê Quốc Phong nói. 

Dịp này, T.Ư Đoàn và Bộ NN&PTNT thực hiện ký kết kế hoạch phối hợp triển khai hoạt động khởi nghiệp từ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trong thanh niên, sinh viên giai đoạn 2019-2020. 

 
Hà Thế An - khampha.vn

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353