SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI, ÁP DỤNG VÀ QUẢN LÝ HỆ THỐNG TRUY XUẤT NGUỒN GỐC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH HIỆN NAY Chung

Ngày thông báo: 28-12-2022

Từ năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương sớm thực hiện, ban hành nhiều chính sách nhằm triển khai thực hiện và thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa như: Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo thuộc Dự án Mô hình Chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020 (ban hành theo Quyết định số 4199/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh); Đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc trứng gia cầm thuộc Dự án Mô hình Chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số 3583/QĐ-UBND ngày 08 tháng 7 năm 2017); Đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm thuộc Dự án Mô hình Chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số 3584/QĐ-UBND ngày 08 tháng 7 năm 2017); Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 – 2020 (Quyết định số 231/QĐ-UBND ngày 20 tháng 01 năm 2016). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Kế hoạch số 3355/KH-SNN ngày 14 tháng 12 năm 2016 về triển khai thí điểm truy xuất nguồn gốc rau trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh…

Các chương trình, đề án này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể đã và đang hình thành thói quen thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong các cơ sở sản xuất để bảo đảm quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ý thức được việc cần thiết phải thực hiện truy xuất nguồn gốc trong giao dịch, mua bán sản phẩm, hàng hóa để phần nào yên tâm chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong giao dịch và nhiều lợi ích khác nữa. Cùng với thời gian, các hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đã tạo được niềm tin, thu hút được sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã và đang sử dụng nhiều hình thức khác nhau thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa như dãy mã số mã vạch, mã QR code,… nhiều loại ứng dụng khác nhau để thực hiện nhận diện và quản lý sản phẩm, hàng hóa; Các ứng dụng được sở, ban ngành, doanh nghiệp đã và đang sử dụng chưa mang tính kết nối dữ liệu và thống nhất trong cả nước. Thực trạng này làm cho việc quản lý, truy xuất dữ liệu không nhất quán và chưa đồng bộ, mang tính tự phát và còn nhiều hạn chế, khó khăn trong kết nối và chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu cũng như thực hiện các giao dịch thương mại trong nước và xuất khẩu.

Thực hiện triển khai Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1039/QĐ-UBND ngày 08 tháng 4 năm 2022 phê duyệt Kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định số 1039/QĐ-UBND) và Quyết định số 1040/QĐ-UBND ngày 08 tháng 4 năm 2022 phê duyệt Kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 (Quyết định số 1040/QĐ-UBND).

Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh được giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Ban Quản lý An toàn thực phẩm và các sở ngành liên quan và UBND quận huyện, thành phố Thủ Đức triển khai thực hiện kế hoạch, định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thực hiện Quyết định số 1039/QĐ-UBND và Quyết định số 1040/QĐ-UBND, Thành phố sẽ tập trung vào các nhóm việc cụ thể như: Rà soát các văn bản về truy xuất nguồn gốc; Tập huấn về truy xuất nguồn gốc; Lập danh mục các sản phẩm, hàng hóa ưu tiên truy xuất nguồn gốc trên địa bàn; Xây dựng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc của thành phố, kết nối với hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc Quốc gia.

Trước mắt trong năm 2022, năm đầu của kế hoạch, Thành phố sẽ triển khai thực hiện các công việc như: Tổ chức tuyên truyền phổ biến về Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và các hoạt động liên quan truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; Rà soát các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc; Xây dựng danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc của Thành phố; Khảo sát, thu thập thông tin về hiện trạng, nhu cầu xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật nhằm chuẩn bị cho việc triển khai hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của Thành phố khi Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia được đưa vào vận hành; Tham mưu UBND Thành phố ban hành danh mục sản phẩm hàng hóa ưu tiên truy xuất nguồn gốc trên địa bàn…

Để triển khai thực hiện Quyết định số 1039/QĐ-UBND và Quyết định số 1040/QĐ-UBND của Thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 1445/KH-SKHCN ngày 27 tháng 5 năm 2022 về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022.

Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia tổ chức 01 Hội nghị về tuyên truyền cho công tác truy xuất nguồn gốc (tháng 6/2022 với hơn 100 lượt người tham dự), 03 lớp phổ biến về tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc cho các đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước, quận huyện, các doanh nghiệp, hiệp hội liên quan, bao gồm: TCVN 12850:2019 - Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc; TCVN 13166-1:2020 Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu đối với chuỗi cung ứng thịt gia súc và gia cầm - Phần 1: Yêu cầu chung; TCVN 13166-4:2020 Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu đối với chuỗi cung ứng thịt gia súc và gia cầm - Phần 4: Thịt lợn; TCVN 13166-1:2020 Truy xuất nguồn gốc -Yêu cầu đối với chuỗi cung ứng thịt gia súc và gia cầm - Phần 1: Yêu cầu chung; TCVN 13166-5:2020 Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu đối với chuỗi cung ứng thịt gia súc và gia cầm - Phần 5: Thịt gia cầm; TCVN 12827:2019 Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu đối với chuỗi cung ứng rau quả tươi (tháng 11/2022 với 265 lượt người tham dự).

Sở Khoa học và Công nghệ cũng phối hợp các Sở ngành, quận huyện đề xuất danh mục ưu tiên truy xuất nguồn gốc để trình UBND Thành phố ban hành nhằm định hướng hoạt động truy xuất nguồn gốc cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Ban Quản lý ATTP, các sở ngành, quận huyện tiếp tục thực hiện triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, chú trọng vào công tác huấn luyện cho người làm công tác truy xuất nguồn gốc ở doanh nghiệp, thiết lập hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối với cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia khi đưa vào vận hành, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên truy xuất nguồn gốc thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, đảm bảo một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ kiểu mẫu thuộc các lĩnh vực rau quả tươi, gia súc và gia cầm, thủy sản, thực phẩm,... trên địa bàn Thành phố sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác trao đổi dữ liệu với hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước, quốc tế.

Phòng Quản lý Tiêu chuẩn và TBT - Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353