Cơ chế thí điểm một số nội dung, giải pháp để các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sử dụng Quỹ hiệu quả hơn cho việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN), đầu tư hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, phát triển KH&CN và chuyển đổi số.
Ngày 13/12, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Tọa đàm "Đề xuất cơ chế thí điểm sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2025 - 2028".
Theo ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN), thời gian qua, TP.HCM được đánh giá là địa phương năng động nhất cả nước về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST). Các mô hình tăng trưởng hiện nay đều cho thấy vai trò động lực của khoa học, công nghệ và ĐMST, trong đó chủ yếu dựa vào nguồn lực từ các doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, công nghệ và ĐMST. Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng sẵn có, Thành phố cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong việc tháo gỡ các rào cản về cơ chế sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN) phát biểu tại buổi tọa đàm
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố trong Kế hoạch số 3527/KH-UBND về triển khai Chương trình phối hợp công tác giữa Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM, Sở KH&CN xây dựng Đề án Thí điểm cơ chế sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2025 - 2028. Đề án tập trung nghiên cứu thực trạng trích lập, sử dụng Quỹ của doanh nghiệp và công tác quản lý Quỹ trên địa bàn TP.HCM; đề xuất một số nguyên tắc, nội dung, đối tượng và giải pháp thí điểm cơ chế sử dụng Quỹ phù hợp với đặc thù của Thành phố. Thông qua buổi tọa đàm, Sở mong muốn lắng nghe, ghi nhận các ý kiến đóng góp, kiến nghị, thảo luận và đề xuất của các doanh nghiệp để hoàn thiện hơn các chính sách, tạo cơ chế mới “thông thoáng” hơn để doanh nghiệp “mạnh dạn” sử dụng Quỹ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao sức cạnh tranh,… Từ đó đóng góp cho sự phát triển chung của Thành phố trong giai đoạn mới.
Ông Phan Quốc Tuấn (Phó Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ - Sở KH&CN) trình bày một số nội dung dự thảo đề xuất cơ chế thí điểm sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố
Báo cáo dự thảo đề xuất cơ chế thí điểm sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, ông Phan Quốc Tuấn (Phó Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ - Sở KH&CN) cho biết, cơ sở pháp lý về Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp đến nay khá đầy đủ, trong đó, Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN và Thông tư số 67/2022/TT-BTC thay thế Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC về cơ bản đã tháo gỡ một số nội dung vướng mắc của doanh nghiệp trong việc sử dụng Quỹ cho các khoản chi tiêu lớn như chi cho đổi mới, chuyển giao công nghệ hay mua sắm nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, tăng sự chủ động, tự chủ trong việc quyết định sử dụng Quỹ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ,...
Tuy nhiên, hiện nay, việc trích, sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế, vướng mắc, bất cập, số lượng doanh nghiệp thành lập Quỹ chưa nhiều và số tiền sử dụng chưa cao. Theo thống kê, số tiền trích lập Quỹ trên cả nước đạt trên 23.000 tỷ đồng (tổng số 1.281 lượt doanh nghiệp) và sử dụng trên 14.000 tỷ đồng. So với tổng số doanh nghiệp hiện có, số doanh nghiệp đã thực hiện trích lập Quỹ là khá khiêm tốn. Số trích Quỹ và sử dụng Quỹ tập trung vào một số tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp lớn. Riêng trên địa bàn TP.HCM có 127 doanh nghiệp báo cáo thành lập Quỹ, trong đó có 79 doanh nghiệp nhà nước và 45 doanh nghiệp ngoài nhà nước; 44 doanh nghiệp sản xuất và 80 doanh nghiệp thương mại – dịch vụ. Tổng số tiền trích Quỹ hơn 6.202 tỷ đồng, số tiền chi sử dụng Quỹ hơn 2.108 tỷ đồng.
Phần trao đổi, thảo luận tại buổi tọa đàm
Một số nguyên nhân hạn chế, khó khăn của doanh nghiệp khi sử dụng Quỹ có thể nhận thấy: doanh nghiệp còn lúng túng trong việc thực hiện quy định về phương thức thực hiện nhiệm vụ KH&CN (tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của Luật KH&CN và Nghị định số 08/2014/NĐ-CP) dẫn đến không áp dụng được mà phải chuyển sang hình thức đấu thầu lựa chọn tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ; văn bản pháp luật của Nhà nước thiếu vắng các chế tài, quy định cụ thể để khuyến khích sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp cho khoa học, công nghệ và ĐMST. Bên cạnh đó, Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN là văn bản hướng dẫn chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp nên có một số nội dung không phù hợp và chưa cụ thể cho việc sử dụng Quỹ đối với các doanh nghiệp Nhà nước; chưa cho phép chi cho đối tượng ngoài doanh nghiệp; nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đang áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước chưa thực sự phù hợp khi đầu tư khởi nghiệp ĐMST do độ rủi ro cao;… Ngoài ra, để đầu tư đổi mới máy móc thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần thực hiện theo một quy trình kỹ lưỡng nhiều giai đoạn, từ lúc có ý tưởng, lựa chọn công nghệ đến khi triển khai đầu tư và đưa vào hoạt động phục vụ sản xuất kinh doanh và kéo dài nhiều năm tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy, Quy định tại khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN và điểm c khoản 1 Điều 5 của Thông tư số 67/2022/TT-BTC cho phép doanh nghiệp được sử dụng Quỹ mua máy móc, thiết bị đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp sản xuất kinh doanh trong hai năm là 2022 và năm 2023 (thời gian hiệu lực của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội) về cơ bản không đủ thời gian để doanh nghiệp triển khai, thực hiện.
Theo ông Phan Quốc Tuấn, cơ chế thí điểm được đề xuất trên nguyên tắc khuyến khích doanh nghiệp chủ động thực hiện các nội dung đầu tư cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, thực hiện hoạt động chuyển đổi số phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh; khuyến khích doanh nghiệp phối hợp với các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST triển khai nhiệm vụ. Các tổ chức, cá nhân liên quan khi tham gia triển khai cơ chế này không bị xử lý trách nhiệm, doanh nghiệp không bị thu hồi phần ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Sở cũng gợi ý đề xuất một số giải pháp thí điểm nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về nội dung chi hỗ trợ từ Quỹ phát triển KH&CN của Thành phố; chi đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST; chi thực hiện đổi mới công nghệ, chuyển đổi số; chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
Cụ thể, đối với nội dung chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN, đề xuất doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên địa bàn Thành phố căn cứ theo Quy chế KH&CN, nhiệm vụ KH&CN của đơn vị được thực hiện theo các phương thức tuyển chọn, giao trực tiếp, xét tài trợ không thông qua đấu thầu; được thanh toán toàn bộ phần kinh phí chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN trong trường hợp nhiệm vụ bị dừng hoặc kết quả thực hiện không đạt yêu cầu đặt hàng vì nguyên nhân khách quan xác định theo Quy chế KH&CN); được tự lựa chọn các nhiệm vụ KH&CN liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, không giới hạn lĩnh vực nghiên cứu nhiệm vụ KH&CN, không phụ thuộc ngành nghề kinh doanh chính;... Đối với nội dung chi thực hiện đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đề xuất thí điểm áp dụng cơ chế "sandbox" với các doanh nghiệp sử dụng Quỹ cho những dự án mới, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ mới và chuyển đổi số; doanh nghiệp được mua mới máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh không kèm điều kiện thay thế bằng công nghệ tiên tiến hơn;... Về chi đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST, cho phép doanh nghiệp Nhà nước thực hiện đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị; doanh nghiệp được phép áp dụng hình thức chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN cho nhiệm vụ chi đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho khởi nghiệp. Ngoài ra, đề xuất Quỹ phát triển KH&CN của Thành phố được phép chi hỗ trợ nhưng không quá 30% tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN/dự án đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Việt Dũng chủ trì thảo luận và trao đổi, giải đáp một số thắc mắc của doanh nghiệp tại buổi tọa đàm
Đồng tình với những nội dung gợi ý, đề xuất của Sở KH&CN, các ý kiến trao đổi tại buổi tọa đàm cho rằng, doanh nghiệp còn dè dặt, cân nhắc khi sử dụng Quỹ vì thực tế triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các quy định pháp lý về trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ gần đây có nhiều điểm mới, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, tuy nhiên chưa được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và còn nhiều phức tạp, khiến chính sách ưu đãi về thuế không phát huy hết tác dụng, nếu nhiệm vụ thực hiện không thành công, chậm tiến độ sẽ bị xem xét xử lý, truy cứu trách nhiệm,… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng băn khoăn về những vướng mắc trong quy định chuyển giao tài sản hình thành từ Quỹ chưa hết hao mòn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; về xác định mua máy móc, thiết bị như thế nào là đổi mới công nghệ; chưa nắm rõ thủ tục thanh quyết toán tài chính, lo ngại việc phải chứng minh về tính phù hợp của nội dung chi khi sử dụng Quỹ cho chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, thuê/mua sắm/sử dụng các phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin,...
Vì vậy, Đề án “Thí điểm cơ chế sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố” được kỳ vọng khi triển khai sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động, tích cực chi sử dụng Quỹ hiệu quả hơn, thúc đẩy mục tiêu định hướng đến năm 2028, tổng giá trị Quỹ được sử dụng cho các nhiệm vụ KH&CN, dự án R&D, đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm mới đạt ít nhất 60%; hỗ trợ 10 dự án khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực KH&CN được nhận tài trợ từ Quỹ; tăng 30% kinh phí sử dụng từ Quỹ của doanh nghiệp được thí điểm để triển khai các dự án chuyển đổi số, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, quản lý của doanh nghiệp,… Đây cũng là một trong những nội dung, nhiệm vụ chủ yếu mà Chương trình phối hợp công tác số 51-CTPH/BCSĐBKHCN-TUTPHCM giữa Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố đã đề ra.
Lam Vân (CESTI)
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, thảo luận về khả năng hợp tác trong các dự án nghiên cứu, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như công nghệ sinh học, điện tử, robot và trí tuệ nhân tạo.
Chiều ngày 11/12, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tiếp và làm việc với nhóm chuyên gia của KIST Techno Venture Foundation (Quỹ đầu tư công nghệ KIST) – Hàn Quốc.
Tại buổi làm việc, ông Sanghwan Kim (Giám đốc KIST Techno Venture Foundation) bày tỏ mong muốn kết nối, chia sẻ thông tin, tìm hiểu các hoạt động của hai bên và thảo luận về tiềm năng hợp tác trong nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN), hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của Hàn Quốc và TP.HCM, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hai nước, qua đó tăng cường hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam.
Quang cảnh buổi làm việc tại Sở KH&CN TP.HCM
Đại diện nhóm nghiên cứu phía Hàn Quốc, ông Gyeolye Lee cho biết, KIST Techno Venture Foundation là một tổ chức trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST), có vai trò chính là hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, hỗ trợ thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Hàn Quốc. Thông qua hoạt động của Trung tâm V-KIST tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đang thực hiện dự án nhằm hỗ trợ các startup Hàn Quốc mở rộng kết nối với các nguồn lực và thị trường toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Theo một báo cáo nghiên cứu của SBA (Cơ quan Kinh doanh Seoul) công bố hồi cuối năm 2023, Việt Nam được các startup Hàn Quốc đánh giá là thị trường nước ngoài tiềm năng nhất, vượt qua cả Mỹ và Trung Quốc. Do vậy, dự án của nhóm V-KIST nhằm hỗ trợ các startup Hàn Quốc tăng cơ hội thành công trong việc thâm nhập thị trường Việt Nam. Dự án tâp trung khảo sát nghiên cứu các thông tin chi tiết về xu hướng phát triển công nghệ mới và thị trường, môi trường kinh doanh, các công nghệ tiềm năng và nhu cầu của thị trường Việt Nam,… Qua đó kết nối và xây dựng các mối quan hệ hợp tác, giúp các bên tham gia hiểu rõ hơn về nhau, tạo ra các cơ hội hợp tác công nghệ, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, đặc biệt đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như công nghệ sinh học, điện tử, robot và trí tuệ nhân tạo.
Nhóm nghiên cứu V-KIST (bên trái) giới thiệu một số hoạt động của Korea Techno Venture Foundation và KIST Techno Venture Foundation
Phía Hàn Quốc cũng giới thiệu và chia sẻ một số thông tin, kinh nghiệm hoạt động của Korea Techno Venture Foundation trong việc thúc đẩy thương mại hóa công nghệ toàn cầu, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp tại Hàn Quốc. Korea Techno Venture Foundation với các hoạt động chính là ươm tạo doanh nghiệp (Business Incubating); tiếp thị công nghệ (Technology Marketing); kết nối mạng lưới toàn cầu (Global Networking) đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các startup từ giai đoạn ý tưởng đến khi thương mại hóa sản phẩm, đồng thời kết nối các startup Hàn Quốc với thị trường quốc tế. Trong đó, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp với các dịch vụ hỗ trợ linh hoạt cho các startup từ giai đoạn ý tưởng đến khi chính thức thành lập công ty, đã ươm tạo thành công hơn 300 doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra hơn 4.100 việc làm, tổng doanh thu của các doanh nghiệp được ươm tạo hơn 337 triệu USD. Các doanh nghiệp được ươm tạo cũng đạt được nhiều thành tích như niêm yết trên sàn chứng khoán, được mua lại bởi các tập đoàn lớn, đạt doanh thu hàng năm trên 10 triệu USD.
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) cũng giới thiệu một số thông tin về hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM; các chính sách hỗ trợ hệ sinh thái và nhu cầu kết nối, hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố. Theo đó, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Thành phố là nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST và ngày càng lớn mạnh, đang tiến đến Top 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năng động nhất toàn cầu. TP.HCM hiện có gần 2300 startup (chiếm 50% startups của cả nước), 186 quỹ đầu tư, 45 cơ sở ươm tạo, 100 trường đại học - cao đẳng đang hoạt động; mỗi năm tổ chức khoảng 500 sự kiện và 80 cuộc thi về ĐMST và khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thành phố được hình thành với diện tích hơn 17.000m2, cùng với mạng lưới 45 tổ chức ươm tạo, nâng tổng diện tích hỗ trợ lên hơn 34.000m2, đây là môi trường thuận lợi cho các startup phát triển.
Thành phố cũng ban hành và triển khai các chính sách đặc thù về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết số 98/2023/QH15, cụ thể như Nghị Quyết số 19/2023/NQ-HĐND Quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện được hưởng ưu đãi tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức KH&CN công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ KH&CN; Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND Quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP.HCM; Nghị quyết số 20/2024/NQ-HĐND Quy định các tiêu chí, lĩnh vực, nội dung hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn TP.HCM (sandbox);…
Trong năm 2023, Thành phố đã hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 2.586 doanh nghiệp; hỗ trợ ươm tạo, phát triển 308 dự án; hỗ trợ 40 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm;… Qua đó thúc đẩy đầu tư của xã hội cho hoạt động KH&CN bình quân trên 1%/GRDP, ước tính bình quân giai đoạn 2021 - 2023 chi đầu tư cho KH&CN của xã hội đạt 0,88%/GRDP.
Ông Sanghwan Kim và nhóm nghiên cứu của KIST Techno Venture Foundation chụp hình lưu niệm với đại diện lãnh đạo Sở KH&CN TP.HCM và các đại diện phòng ban thuộc Sở
Thống nhất với những thông tin trao đổi, chia sẻ và đề xuất tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Minh cho biết, Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo TP.HCM là "hạt nhân" của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sẽ tập trung vào các hoạt động tập hợp, kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái của Thành phố, trong và ngoài nước; lan tỏa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cung cấp các dịch vụ về khởi nghiệp và ĐMST; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, R&D và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; kết nối các nguồn lực của xã hội cho hệ sinh thái, hợp tác trong nước và quốc tế về lĩnh vực khởi nghiệp và ĐMST,… Do vậy, Sở sẵn sàng kết nối, hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế về lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trong đó có các đối tác từ Hàn Quốc. Hy vọng, thời gian tới, hai bên sẽ triển khai hoạt động hợp tác cụ thể nhằm hỗ trợ các startup của Hàn Quốc và TP.HCM, góp phần thúc đẩy hợp tác công nghệ giữa các bên tham gia.
Lam Vân (CESTI)
Sáng ngày 12/12/2024, tại Hội trường Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã diễn ra Tọa đàm lấy ý kiến hoàn thiện xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 tại TP.HCM. Sự kiện được tổ chức nhằm mục tiêu thống nhất các nội dung trong dự thảo kế hoạch, đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể để xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn trở thành một trụ cột trong nền kinh tế quốc gia, tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Quang cảnh buổi Tọa đàm.
Trao đổi tại buổi Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Sương (Trưởng phòng - Phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) chia sẻ, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang trải qua giai đoạn phát triển vượt bậc, đặc biệt với sự gia tăng nhu cầu về chip trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và các công nghệ tự động hóa. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu hiện tại vẫn phụ thuộc vào một số ít quốc gia, tạo ra nguy cơ đứt gãy và thiếu hụt nguồn cung.
Việt Nam, với vị trí địa lý chiến lược và nguồn nhân lực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) dồi dào, đang có cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Các chính sách của Đảng và Nhà nước hiện đang tập trung vào việc xây dựng hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và thu hút đầu tư, nhằm đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Nguyễn Thị Thu Sương (Trưởng phòng - Phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) trao đổi tại sự kiện.
Theo thông tin tại buổi Tọa đàm, mục tiêu của Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam chia ra hai giai đoạn. Cụ thể, ngắn hạn (đến 2030): đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn, tập trung vào các lĩnh vực thiết kế vi mạch, đóng gói, kiểm thử và sản xuất; nâng cao năng lực cho 1.300 giảng viên để giảng dạy và nghiên cứu chuyên sâu về bán dẫn tại các cơ sở giáo dục đại học; hình thành 4 phòng thí nghiệm bán dẫn cấp quốc gia tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia; xây dựng cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào ngành công nghiệp bán dẫn. Dài hạn (đến 2050): Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu về sản xuất chip chuyên dụng và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn đồng bộ, bao gồm nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, và kiểm thử, thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp và Nhà nước; đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Trên tinh thần đó, Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại TP.HCM đặt ra hai mục tiêu chính:
Giai đoạn đến năm 2030: đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực chuyên môn cao trong các lĩnh vực thiết kế, sản xuất và kiểm thử vi mạch bán dẫn, phát triển 500 giảng viên chuyên sâu, phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu trong Thành phố; nâng cấp ít nhất 2 phòng thí nghiệm bán dẫn hiện đại đạt chuẩn quốc gia, đặt tại Đại học Quốc gia TP.HCM và Khu Công Nghệ Cao.
Giai đoạn đến năm 2050: đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu toàn bộ chuỗi giá trị bán dẫn; đưa TP.HCM trở thành trung tâm cung ứng nhân lực bán dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á và thế giới; hoàn thiện hệ sinh thái bán dẫn, bao gồm nghiên cứu, thiết kế, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm.
TS. Trịnh Xuân Thắng trình bày tham luận “Triển khai chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh tại SHTP giai đoạn 2025-2030” tại sự kiện.
Để đạt được các mục tiêu trên, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ phối hợp thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Cụ thể, cần tập trung triển khai các nội dung như: đẩy mạnh giáo dục STEM từ cấp phổ thông đến đại học, với trọng tâm là các chuyên ngành liên quan đến công nghiệp bán dẫn, bên cạnh đó, tổ chức các khóa học ngắn hạn và chương trình đào tạo lại, nhằm nâng cao kỹ năng cho lao động trong ngành công nghệ thông tin và điện tử; triển khai mô hình hợp tác công-tư để kết nối doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục trong việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực; xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển ngành bán dẫn; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và các dự án đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực bán dẫn; hoàn thiện và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm bán dẫn cấp quốc gia, cung cấp cơ sở vật chất cho nghiên cứu, đào tạo, sản xuất, đồng thời, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, bao gồm giao thông, điện, nước và viễn thông, để hỗ trợ các khu công nghiệp bán dẫn; đầu tư xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn tại các khu vực trọng điểm; tăng cường hợp tác với các quốc gia có nền công nghiệp bán dẫn phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…, cùng với đó, thu hút các chuyên gia và nhà khoa học Việt kiều trở về đóng góp cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước; tham gia các hiệp định quốc tế để mở rộng thị trường và nâng cao vị thế của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
TS. Nguyễn Minh Sơn trình bày tham luận “Thực trạng và xu hướng phát triển nguồn nhân lực bán dẫn tại Thành phố Hồ Chí Minh” tại sự kiện.
Đóng góp ý kiến tại Tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, Thành phố hội tụ đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và mạng lưới hợp tác quốc tế để trở thành đầu tàu trong việc triển khai các mục tiêu của Chương trình, thế nhưng việc phối hợp với các đơn vị để cùng triển khai thực hiện nhiệm vụ thì cần có hướng dẫn cụ thể, sát hợp với thực tế. Nếu cách thức phối hợp rõ ràng, thì việc giải quyết các “bài toán” dài hơi cho ngành công nghiệp bán dẫn là hoàn toàn khả thi.
Mặt khác, dù TP.HCM đã ban hành nhiều chính sách thu hút chuyên gia, nhưng chưa thực sự thu hút được những chuyên gia đầu ngành, có khả năng định hướng phát triển thị trường trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Do vậy, việc xây dựng chính sách thu hút các chuyên gia tình nguyện nước ngoài, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động công nghệ cao cần được chú trọng hơn nữa.
Buổi Tọa đàm sáng 12/12 phần nào đã cung cấp nền tảng quan trọng để hoàn thiện dự thảo “Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam”. Đồng thời, các ý kiến và đề xuất từ sự kiện giúp định hình hướng đi rõ ràng cho ngành công nghiệp bán dẫn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia. Với những giải pháp đồng bộ và sự quyết tâm của các bên liên quan, Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu vào năm 2050.
Minh Nhã (CESTI)
Sáng ngày 12/12/2024, tại Hội trường Saigon Innovation Hub (273 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM) đã diễn ra Hội nghị tập huấn về “Đổi mới sáng tạo nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước tại Quận, Huyện, Thành phố Thủ Đức”. Báo cáo viên là ông Trần Ninh Đông - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.
Theo ông Trần Ninh Đông, có nhiều cách hiểu về khái niệm đổi mới sáng tạo, nhưng về bản chất, đổi mới sáng tạo là tìm ý tưởng, giải pháp để giải quyết một vấn đề hiện hữu của cá nhân, tổ chức nhằm mang lại giá trị cho cộng đồng, cho xã hội.
“Đổi mới sáng tạo phải xuất phát điểm là hiểu rõ vấn đề chúng ta đang muốn giải quyết, từ đó thúc đẩy hoạt động sáng tạo và hợp tác để tìm ra giải pháp”, ông Trần Ninh Đông chia sẻ.
Đổi mới sáng tạo có 3 đặc trưng cơ bản. Thứ nhất là phải tạo ra cái mới hoặc ít nhất là có sự cải tiến đáng kể. Cái mới hay sự cải tiến, có thể là trên thế giới đã làm nhưng chúng ta chưa áp dụng, nay nghiên cứu để vận dụng vào trường hợp cụ thể và mang lại hiệu quả, thì vẫn được xem là đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, cái mới so với cái hiện hữu phải triển khai trên thực tế, không phải ý tưởng nằm trên giấy. Điều này thúc đẩy chúng ta hành động, kết hợp nhiều bên tìm kiếm đối tác để hiện thực hóa ý tưởng.
Và thứ ba là giải pháp, sáng kiến đó khi áp dụng phải có tính lan tỏa, tạo ra giá trị cho xã hội.
Đối với khu vực công, đổi mới sáng tạo là tìm giải pháp để giải quyết những vấn đề cụ thể trong nhiệm vụ của bộ máy chính quyền nhằm mang lại hiệu quả tốt hơn hiện tại.
Ông Trần Ninh Đông - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM
Cũng theo ông Trần Ninh Đông, đổi mới sáng tạo được xem là một trong những phương pháp hiệu quả ở cả khu vực tư nhân và nhà nước. Đổi mới sáng tạo trong khu vực công có những đặc thù riêng, đó là đổi mới sáng tạo về dịch vụ, quy trình, về những quy định và chính sách.
Dịch vụ công trực tuyến là một sự cải tiến để người dân có thể làm thủ tục hành chính tại bất cứ đâu thay vì xếp hàng chờ đợi tại cơ quan chính quyền.
Vấn đề thứ hai, cần liên tục đổi mới trong khu vực công là quy trình. Thủ tục hành chính là những quy định có sẵn, chúng ta có thể sáng tạo cách thực hiện, đổi mới quy trình để mang lại giá trị tốt hơn.
Thứ ba, đổi mới những quy định trong thẩm quyền của đơn vị khi không còn phù hợp, cản trở sự phát triển của xã hội. Khu vực công ở khía cạnh này là các cấp Trung ương, Bộ, ngành…
Vấn đề thứ tư, có thể thực hiện đổi mới sáng tạo ở chính quyền cấp Thành phố, Quận, Huyện là chính sách, như là chính sách hỗ trợ người nghèo, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học…
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất trong thực hiện đổi mới sáng tạo ở khu vực công là tính quan liêu, thiếu tinh thần khởi tạo và thiếu chiến lược đổi mới sáng tạo, nghĩa là tinh thần luôn luôn tìm cái mới, giải pháp mới để công việc thường ngày có hiệu quả hơn.
Nhiều khó khăn, khúc mắc của các đơn vị nêu ra... và đều được ghi nhận và trả lời thấu đáo
Để triển khai có hiệu quả các bài toán lớn cho Thành phố, giúp cụ thể hóa các nhiệm vụ trong hoạt động đổi mới sáng về lĩnh vực quản lý nhà nước, cần thực hiện theo 5 bước. Cụ thể là xây dựng nội dung, công bố rộng rãi cho cộng đồng, tuyển chọn đơn vị thực hiện, tổ chức phối hợp thực hiện, triển khai ứng dụng vào thực tế và đánh giá kết quả.
Cùng với đó là 7 nhiệm vụ cụ thể, đầu tiên là thành lập Tổ công tác tại mỗi đơn vị để triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công của Thành phố. Thứ hai, nâng cao năng lực cho các tổ công tác này.
Thứ ba, triển khai xây dựng các bài toán lớn về hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại một số lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể. Thứ tư, triển khai các nhiệm vụ đổi mới sáng tạo hàng năm trong hoạt động quản lý nhà nước được phân công tại các đơn vị.
Thứ năm, thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố tham gia phát triển các giải pháp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số... Thứ sáu là phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu dùng chung cho các Sở ban ngành và các cơ sở dữ liệu mở cho cộng đồng để hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công.
Cuối cùng là thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế về đổi mới sáng tạo trong khu vực công.
“TP.HCM xác định việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công nói chung và chuyển đổi số nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, thường xuyên. Đây là động lực chính nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ cho người dân thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các quản lý nhà nước của chính quyền. Thông qua buổi tập huấn này, chúng tôi mong muốn nâng cao năng lực, trình độ, kiến thức về đổi mới sáng tạo, khoa học quản lý và công nghệ số cho Tổ công tác đổi mới sáng tạo tại Ủy ban nhân dân Quận, Huyện và Thành phố Thủ Đức nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động công vụ, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố”, ông Trần Ninh Đông chia sẻ thêm.
Được biết, Hội nghị tập huấn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Phòng Kinh tế, Văn phòng Ủy ban nhân dân 21 Quận, Huyện, Văn phòng Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân, Phòng Tài chính, Phòng Kinh tế - Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Khoa học - Công nghệ và Thông tin Thành phố Thủ Đức...
Nhật Linh (CESTI)
Với chủ đề “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vì sự phát triển bền vững”, WHISE 2024 sẽ diễn ra từ ngày 16-22/12/2024, với chuỗi sự kiện nổi bật tập trung vào 2 ngày chính 17-18/12/ 2024 tại Trung tâm Hội nghị 272 (số 272 Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM).
Tuần lễ Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM 2024 (WHISE 2024), một trong những sự kiện lớn nhất trong năm về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp do UBND TP.HCM tổ chức, sẽ khai mạc vào ngày 17/12/2024 và kết hợp triển lãm sản phẩm/dịch vụ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. WHISE 2024 do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và các đối tác trong hệ sinh thái (các tổ chức quốc tế, đại học, doanh nghiệp và các đơn vị thuộc hệ sinh thái khởi nghiệp trong và ngoài nước) phối hợp triển khai thực hiện.
Hưởng ứng chủ đề năm 2024 của Thành phố: “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội”, WHISE 2024 không chỉ là cơ hội để tổng kết và tôn vinh những thành tựu nổi bật của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM trong năm qua, mà còn cho thấy những giá trị thiết thực mang lại cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo từ Nghị quyết số 98/2023/QH15, đó là sự kết nối đa dạng các nguồn lực, thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo vì cộng đồng, phát huy vai trò hỗ trợ của Nhà nước, truyền cảm hứng sáng tạo cho thế hệ trẻ và hướng tới sự phát triển bền vững.
WHISE 2024 quy tụ hơn 150 gian hàng, trong đó có sự tham gia của các đối tác quốc tế. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp và tập đoàn công nghệ giới thiệu sản phẩm đổi mới sáng tạo tới công chúng. WHISE 2024 không chỉ là sự kiện kết nối mà còn là cánh cửa mở ra tương lai, thúc đẩy đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững.
Dự kiến, trong khuôn khổ WHISE 2024 sẽ có các diễn đàn và hội thảo quốc tế như: Diễn đàn Quốc tế về Đại học Khởi nghiệp (17/12) với sự góp mặt của các mô hình từ các trường đại học hàng đầu thế giới; Hội thảo về Trí tuệ nhân tạo và Ứng dụng cho Hành chính Công (18/12), khẳng định cam kết của TP.HCM trong thúc đẩy công nghệ tiên phong; Hội thảo về Phát triển Bền vững và các ứng dụng công nghệ giáo dục AI…
Bên cạnh đó, WHISE 2024 sẽ tạo dấu ấn ở nhiều cuộc thi đổi mới sáng tạo tiêu biểu như: Trao giải I-Star 2024 và công bố các dự án xuất sắc trong lĩnh vực phát triển bền vững, công nghiệp văn hóa, trí tuệ nhân tạo và đổi mới sáng tạo khu vực công; Chung kết Cuộc thi Smart City 2024, tìm kiếm các sáng kiến xây dựng đô thị thông minh; Cuộc thi Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh lần 2 năm 2024. Dự kiến, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng sẽ công bố các dự án/giải pháp xuất sắc được ươm tạo trong 4 cuộc thi: (i) Cuộc thi Tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo trong khu vực công - Gov.Star 2024, (ii) Cuộc thi “Tìm kiếm dự án đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa năm 2024 – InnoCulture 2024”, (iii) Cuộc thi “Tuyển chọn các dự án đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực phát triển bền vững trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 – GIC 2024” và (iv) Cuộc thi “Tìm kiếm dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo Thành phố Hồ Chí Minh- AI.STAR 2024”.
Trong khuôn khổ WHISE 2024 còn có các chương trình kết nối hệ sinh thái: Hội thảo chia sẻ về “Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngành y tế theo Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ”; GEFE Student Day: ngày hội sinh viên kết nối với các nhà lãnh đạo, các chuyên gia, những nhà tuyển dụng tiềm năng trong lĩnh vực kinh tế xanh và phát triển bền vững; Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo giữa TP.HCM và các tỉnh/thành phố. WHISE 2024 cũng mang đến cơ hội hợp tác giữa các startup và nhà đầu tư trong và ngoài nước với Chương trình Kết nối Đầu tư S.Venture.
Hoàng Kim (CESTI)
Văn hóa đổi mới sáng tạo phải được xây dựng ngay từ giáo dục tiểu học để hướng dẫn cho học sinh cách làm việc đội nhóm, hình thành tư duy xây dựng giải pháp giải quyết vấn đề…
Đó là ý kiến của TS. Kevin Murphy - Chủ tịch J.E. Austin Associates tại sự kiện Kết nối sáng tạo Inno - Coffee tháng 12 chủ đề “Đánh giá tác động và tăng cường năng lực mạng lưới đổi mới sáng tạo cho phát triển bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh”. Sự kiện do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức vào ngày 6/12/2024 nhằm tham khảo ý kiến chuyên gia nước ngoài về bức tranh toàn cảnh tính kết nối giữa đổi mới sáng tạo và sự phát triển kinh tế bền vững ở Thành phố, về cách thức phát triển mạng lưới đổi mới sáng tạo thêm hiệu quả. Ông Hub Langstaff – Giám đốc Quốc gia Swiss EP Vietnam cũng tham dự sự kiện này.
Chia sẻ tại sự kiện, TS. Kevin Murphy cho rằng đổi mới sáng tạo phải là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Theo ông, cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư sang mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo. Tuy đã có một số thành tựu về đổi mới sáng tạo nhưng Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để đạt được vị thế mới (xếp hạng 44/133 quốc gia về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024, chưa có mặt trong Top 100 cụm khoa học và công nghệ thế giới).
Báo cáo “Một quốc gia nhỏ, không giáp biển có thể trở thành mô hình đổi mới toàn cầu như thế nào” từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy Thụy Sĩ có hệ thống giáo dục vững chắc từ bậc mẫu giáo đến sau đại học. Nước này có mật độ các trường đại học nằm trong Top 500 tính theo đầu người cao nhất thế giới, dẫn đầu là những ngôi sao sáng trên toàn cầu là Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (Zurich) và EPFL (Lausanne). Quy mô nhỏ đã giúp phát triển các lĩnh vực đổi mới theo chủ đề. Trong số đó có Hiệp hội Crypto Valley, có nguồn gốc từ Zug và tập trung vào phát triển chuỗi khối quốc tế; Drone Valley, với hai cơ sở tại Lausanne và Zurich, tập trung vào việc phát triển máy bay không người lái có ứng dụng trong các lĩnh vực như năng lượng mặt trời và bảo vệ môi trường; và Swiss Food and Nutrition Valley, nơi tăng cường đổi mới hệ thống thực phẩm. Thụy Sĩ chi hơn 3% GDP cho R&D, trong đó khu vực tư nhân chiếm khoảng hai phần ba.
Theo đó, khuyến nghị cho sự phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở TP.HCM, TS. Kevin Murphy cho rằng đổi mới sáng tạo đợi đến đại học mới bắt đầu là quá muộn. Theo ông, văn hóa đổi mới sáng tạo phải được xây dựng ngay từ giáo dục tiểu học để hướng dẫn cho học sinh cách làm việc đội nhóm, hình thành tư duy xây dựng giải pháp giải quyết vấn đề, hình thành cách suy nghĩ như thế nào để giải quyết vấn đề, chủ động phối hợp với bạn học có giải pháp tốt hơn để giải quyết vấn đề. Ở bậc trung học thì tổ chức các buổi ngoại khóa nhằm tăng cường khả năng làm việc đội nhóm ở học sinh.
Hoàng Kim (CESTI)
GRP không chỉ là công cụ giảm thiểu các rào cản pháp lý mà còn góp phần nâng cao năng suất và chất lượng của doanh nghiệp. Bằng cách đơn giản hóa các quy định, minh bạch hóa quy trình, giảm gánh nặng hành chính, TP.HCM đang phấn đấu để tạo nền tảng vững chắc cho một môi trường kinh doanh thân thiện và hiệu quả.
Sáng ngày 29/11/2024, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức buổi tập huấn về thực hành xây dựng thể chế, quy định tốt GRP. Sự kiện mang đến một diễn đàn trao đổi chuyên sâu về phương pháp và công cụ quản lý hiện đại nhằm cải thiện chất lượng thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị công tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, bà Nguyễn Thị Mai Phương (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia) cho biết, thủ tục hành chính phức tạp không chỉ gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp mà còn làm giảm hiệu quả quản lý của Nhà nước. Những năm gần đây, Việt Nam bắt đầu triển khai nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, trong đó có việc xây dựng và thực thi các thể chế, quy định nhằm phù hợp với yêu cầu thực tế, cụ thể qua việc cắt giảm thành phần hồ sơ, thời gian thực hiện... Trong bối cảnh đó, với tiềm năng cải thiện môi trường pháp lý, tăng cường niềm tin của công chúng, khả năng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy định tốt GRP (Good Regulatory Practices) được kỳ vọng sẽ tạo đà bật cho môi trường kinh doanh hiện đại, trở thành lợi thế cạnh tranh lớn của Việt Nam trong thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế.
Theo bà Phương, GRP được hiểu là tập hợp những quá trình, hệ thống, công cụ, phương pháp đã được các tổ chức quốc tế công nhận, giúp xây dựng, thực thi các quy định/chính sách một cách hiệu quả, minh bạch, toàn diện và bền vững.
Bà Nguyễn Thị Mai Phương (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia) trình bày các nội dung tại buổi tập huấn.
Cụ thể, các quy trình của GRP gồm: hệ thống rà soát các quy tắc và quy định hiện tại; hệ thống kiểm tra và cải thiện các quy tắc và quy định mới; phương pháp để tham vấn và góp ý với các bên có liên quan; các sáng kiển để cải thiện việc thực thi quy định; tiếp cận về các thực hành đổi mới trong quản lý quy định. Hỗ trợ cho từng quy trình là các công cụ tương ứng: đánh giá sau thực thi – chương trình rà soát và cắt giảm gánh nặng thủ tục hành chính; đánh giá tác động quy định/ RIA – RIS; tham vấn công chúng, thông báo và góp ý; chiến lược tuân thủ/ cải cách thực thi và kiểm tra; quy định linh hoạt – Agile Regulation/ Regulatory Sandbox, quy định dựa trên nguyên tắc đạo đức, nghiên cứu hành vi/ chiến lược tầm nhìn.
Trên thế giới, GRP đã được áp dụng tại nhiều quốc gia như Anh, Brunei, Malaysia, Thái Lan, Singapore... giúp cải thiện môi trường pháp lý, tăng cường năng suất lao động và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các nguyên tắc của GRP như minh bạch, tham vấn cộng đồng, đánh giá tác động quy định (Regulatory Impact Assessment - RIA), rà soát sau thực thi đã trở thành “tiêu chuẩn vàng” để đảm bảo hiệu quả và sự đồng thuận khi ban hành chính sách. Nhìn lại trong nước, Việt Nam cũng đã áp dụng các công cụ của GRP trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như RIA từ 2008, tham vấn công chúng đối với các dự thảo và đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Việc áp dụng GRP sẽ tạo ra những quy định dễ hiểu hơn, giảm chi phí và thời gian tuân thủ cho doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy năng suất và tăng trưởng kinh tế. Không chỉ vậy, GRP còn hỗ trợ xây dựng các khung pháp lý nhất quán, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Dù có nhiều tiềm năng, việc triển khai GRP tại Việt Nam vẫn đối mặt với các thách thức như nhận thức chưa đồng đều, thiếu sự phối hợp giữa các cấp quản lý và hạn chế về nguồn lực. Trao đổi tại buổi tập huấn, bà Phương cũng đề xuất các hoạt động ngắn hạn nhằm thực hiện hiệu quả GRP gồm: nâng cao nhận thức và tăng cường cam kết thông qua các diễn đàn, hội nghị và chiến dịch tuyên truyền; tổ chức các buổi đào tạo nghiêm túc, xây dựng kỹ năng thực thi GRP; thực hiện các chương trình thí điểm, từ đó rút ra bài học để triển khai trên diện rộng; tận dụng công nghệ số để cải thiện hiệu quả quản lý và giám sát quy định; thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh lành mạnh giữa các tỉnh, ngành trong áp dụng GRP; phát động phong trào GRP, tạo động lực mạnh mẽ cho các bên tham gia; thể chế hóa GRP, đưa GRP vào khung pháp lý quốc gia; tận dụng GRP như một thế mạnh bền vững, nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút đầu tư.
Trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu đã cùng thảo luận, trao đổi về những nội dung liên quan đến vai trò, tầm quan trọng của xây dựng thể chế, quy định tốt trong cải cách thủ tục hành chính, nhằm đảm bảo kết quả của các chính sách/quy định được ban hành hiệu quả, minh bạch, toàn diện và bền vững. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình xây dựng thể chế, quy định tốt để cải cách thủ tục hành chính của một số quốc gia trong khu vực nhằm cải thiện chất lượng môi trường pháp lý cho doanh nghiệp, người dân và xã hội.
Chương trình tập huấn ngày 29/11 không chỉ trang bị kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, mà còn đặt nền móng cho việc áp dụng GRP trên phạm vi rộng hơn trong cả nước. Thông qua việc triển khai hiệu quả GRP, TP.HCM sẽ tiếp tục giữ vai trò tiên phong trong cải cách hành chính, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Minh Nhã (CESTI)
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, thảo luận về khả năng hợp tác tiềm năng, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (AI) và biến đổi khí hậu.
Chiều 28/11, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tiếp và làm việc với ông Philipp AGATHONOS (Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Áo tại Việt Nam) nhân dịp chuyến thăm của ông đến TP.HCM từ ngày 28-29/11/2024.
Ông Philipp AGATHONOS chia sẻ, Chính phủ Áo rất quan tâm, khuyến khích các cơ hội hợp tác với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Trong chuyến thăm TP.HCM lần này, Ngài Đại sứ cũng đã có buổi làm việc với Đại học Quốc gia TP.HCM nhằm tìm hiểu, thúc đẩy các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo như trao đổi sinh viên, giảng viên, các chương trình đào tạo chung, chương trình nghiên cứu chung.
Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN), ông Philipp AGATHONOS bày tỏ sự quan tâm và đánh giá cao hoạt động của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM trong vai trò hỗ trợ thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chương trình nghiên cứu phát triển KH&CN của Thành phố. Ngài Đại sứ cũng nhận thấy cơ hội hợp tác với TP.HCM rất rộng mở, đặc biệt trong các lĩnh vực nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ môi trường, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh,…
Về nghiên cứu ứng dụng AI, ông Philipp AGATHONOS cho biết, Bộ Ngoại giao Áo đang hợp tác với một số tổ chức tư nhân nghiên cứu đưa ra các công cụ AI giải quyết các vấn đề cụ thể trong lĩnh vực công tác của nhân viên ngoại giao. Qua đây cũng cho thấy một số kinh nghiệm trong việc hợp tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân. Tại nước Áo cũng có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển liên quan đến đổi mới sáng tạo, trong đó có chương trình hỗ trợ trao đổi startup từ Áo đi ra quốc tế (định hướng đi qua châu Á) và ngược lại. Tuy nhiên, cần hình thành báo cáo định hướng về các phương án, chương trình, nội dung hợp tác cụ thể để trình Chính phủ Áo phê duyệt và có chính sách hỗ trợ.
Quang cảnh buổi làm việc
Giới thiệu về hoạt động khoa học và công nghệ tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thu Sương (Phòng Quản lý khoa học – Sở KH&CN TP.HCM) cho biết, Thành phố đang triển khai một số chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo và biến đổi khí hậu, tập trung vào 6 chương trình gồm: Chương trình nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ phục vụ Đô thị thông minh và chuyển đổi số; Chương trình nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ công nghiệp; Chương trình nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe; Chương trình nghiên cứu phát triển, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; Chương trình nghiên cứu ứng dụng phục vụ quản lý và phát triển đô thị; Chương trình vườn ươm khoa học và công nghệ trẻ.
Thành phố cũng ban hành và triển khai các chính sách đặc thù về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết số 98/2023/QH15, cụ thể như Nghị Quyết số 19/2023/NQ-HĐND về quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện được hưởng ưu đãi tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND về quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 20/2024/NQ-HĐND về quy định các tiêu chí, lĩnh vực, nội dung hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (sandbox);…
Về trí tuệ nhân tạo, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 575/QĐ-UBND về phê duyệt Chương trình "Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030" với nhiều nhiệm vụ cụ thể như: Đề án xây dựng hạ tầng số; Đề án xây dựng hạ tầng tính toán hiệu năng cao; Dự án xây dựng Cổng thông tin giải pháp và ứng dụng AI; Hạng mục xây dựng cơ chế, chính sách về AI; Đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển và chuyển giao AI Thành phố Hồ Chí Minh; Đề án xây dựng mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển AI tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo; Đề án Đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành AI;…
Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, Thành phố cũng đã ban hành và triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ về đánh giá biến đổi khí hậu (nghiên cứu các mô hình tính toán về thay đổi các yếu tố khí tượng và mực nước dâng do biến đổi khí hậu, cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu cho TP.HCM,…); nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu (sức khỏe, cơ sở hạ tầng, nguy cơ xảy ra sự cố, khu dân cư,…) và đánh giá khả năng thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu; nghiên cứu các giải pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu, giảm khí nhà kính, các quy trình, công nghệ mới phục vụ bảo vệ môi trường,…
Tại buổi làm việc, bà Sương cũng đề xuất một số hướng hợp tác, cụ thể như chuyển giao công nghệ xây dựng hạ tầng tính toán, nền tảng dữ liệu lớn (Big Data) để hỗ trợ phát triển AI tại Việt Nam; mở các khóa đào tạo trực tuyến và ngoại tuyến do chuyên gia Áo giảng dạy; hỗ trợ triển khai các dự án thí điểm sử dụng AI trong quản lý hành chính công và hỗ trợ người dân. Về biến đổi khí hậu, đề xuất hợp tác nghiên cứu và ứng dụng năng lượng mặt trời, gió, và các giải pháp lưu trữ năng lượng; phát triển các dự án bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn và tái trồng rừng; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm thiên tai dựa trên công nghệ; chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ trong quản lý chất lượng không khí, kiểm soát ô nhiễm; tổ chức các hội thảo quốc tế và chương trình giáo dục cộng đồng về biến đổi khí hậu;...
Ông Philipp AGATHONOS, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Áo tại Việt Nam (chính giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện lãnh đạo và đại diện các phòng, ban của Sở KH&CN TP.HCM
Thống nhất với những thông tin trao đổi, chia sẻ và đề xuất tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm phát triển KH&CN hàng đầu của cả nước và trong khu vực. Bên cạnh những kết quả đạt được trong giai đoạn 2021 – 2025 về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, Thành phố cũng xây dựng và triển khai các cơ chế chính sách nhằm nâng cao tiềm lực KH&CN như thúc đẩy hình thành các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế (CoE); thành lập Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố; tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vươn tầm ra thế giới; thúc đẩy hình thành các trung tâm nghiên cứu/nhóm nghiên cứu mạnh, thúc đẩy hợp tác quốc tế về nghiên cứu phát triển AI, phát triển bền vững tại TP.HCM,… Do vậy, Sở KH&CN sẵn sàng kết nối hợp tác nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút các chuyên gia từ Áo tham gia vào các hoạt động này. Ông Lê Thanh Minh cũng gởi lời mời đại diện Đại sứ quán Áo tại Việt Nam tham dự chuỗi sự kiện WHISE 2024 (Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2024), đặc biệt mong muốn Ngài Đại sứ có thể tham gia trình bày tham luận và chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo khoa học quốc tế định hướng nghiên cứu về AI và ứng dụng cho TP.HCM sẽ diễn ra ngày 18/12 trong khuôn khổ sự kiện WHISE 2024.
Ông Philipp AGATHONOS bày tỏ sự hào hứng và đồng ý với những thông tin chia sẻ cũng như lời mời của Sở KH&CN TP.HCM. Đồng thời mong muốn hai bên sẽ có những hoạt động hợp tác cụ thể trong thời gian tới để cùng tham gia hỗ trợ giải quyết các vấn đề thực tế của TP.HCM, từ đó phát huy các tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Áo.
Lam Vân (CESTI)
Ngày 27/11/2024, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức lớp tập huấn “Tư duy và hành động 5S, nâng cao hiệu quả làm việc”.
Tại lớp tập huấn, các học viên tiếp cận và tìm hiểu mô hình 5S. Đây là mô hình quản lý, sắp xếp nơi làm việc có nguồn gốc từ Nhật Bản, đã được nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam nghiên cứu và áp dụng. 5S là mô hình mang đến những lợi ích, năng suất chất lượng rất hiệu quả cho các tổ chức, doanh nghiệp nếu thực sự áp dụng, triển khai.
Theo báo cáo viên Nguyễn Thế Nam (Trung tâm Hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2), mục đích của việc áp dụng 5S không chỉ đơn thuần ở việc nâng cao điều kiện và môi trường làm việc trong một tổ chức, mà quan trọng hơn là làm thay đổi cách suy nghĩ, thói quen làm việc và tăng cường khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân trong tổ chức. Triết lý áp dụng 5S là tự mỗi người giữ cho nơi làm việc của mình sạch và ngăn nắp là cách làm tối ưu; thay vì cố gắng dọn dẹp nơi làm việc, trước tiên hãy cố gắng không làm bẩn nó (phòng bệnh hơn chữa bệnh).
Trong khuôn khổ lớp tập huấn, các học viên đã tìm hiểu và thực hành lần lượt các bước trong 5 khâu Seiri – Sàng lọc, Seiton – Sắp xếp, Seiso – Sạch sẽ, Seiketsu – Săn sóc, Shitsuke – Sẵn sàng. Theo đó, khâu Sàng lọc sẽ giúp phát hiện những vật, tài liệu thừa – không còn sử dụng, hoặc tìm lại được những vật, tài liệu có ích vốn đã thất lạc. Khâu Sắp xếp sẽ giúp nơi làm việc hiệu quả (dễ tìm, dễ thấy, thuận tiện khi sử dụng vật, tài liệu) và hỗ trợ nắm bắt thời hạn tối thiểu và tối đa lưu giữ vật, tài liệu. Khâu Seiso – Sạch sẽ giúp tạo môi trường làm việc sạch sẽ, thoải mái, máy móc được vận hành tốt, và vệ sinh dọn dẹp cũng là một hành động để kiểm tra. Khâu Seiketsu – Săn sóc là duy trì sự sạch sẽ ngăn nắp, động viên khen thưởng cái tốt, cuốn hút mọi người cùng tham gia. Khâu Shitsuke – Sẵn sàng là làm các việc kể trên một cách tự giác, tạo thành thói quen yêu thích thực hành 5S.
Trong quy trình triển khai 5S, tổ chức sẽ thành lập Ban 5S. Người phụ trách 5S trong tổ chức có vai trò cực kỳ quan trọng, là tấm gương về 5S để mọi người noi theo. Việc triển khai 5S cần tuyên truyền cụ thể về mục tiêu, hoạt động, hướng dẫn thực hiện từng S, kết quả đánh giá… 5S cần bắt đầu bằng giáo dục và đào tạo để mọi người đều thấu hiểu và tự nguyện tham gia.
Hoàng Kim (CESTI)
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Ứng dụng sinh thiết lỏng và yếu tố nguy cơ để chẩn đoán sớm 6 loại ung thư” do tác giả Hồ Phạm Thục Lan cùng cộng sự (Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) chủ trì thực hiện, nhằm phục vụ chẩn đoán sớm 6 loại ung thư thường gặp ở Việt Nam.
Tại buổi nghiệm thu, ThS. BS. Hồ Phạm Thục Lan (chủ nhiệm nhiệm vụ) cho biết, ung thư hiện là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Mỗi năm, hàng trăm nghìn người Việt Nam được chẩn đoán mắc ung thư, trong đó, ung thư di căn ở giai đoạn muộn là nguyên nhân của 90% các trường hợp tử vong. Tuy nhiên, các biện pháp chẩn đoán ung thư hiện nay chủ yếu dựa trên hình ảnh học, nội soi và sinh thiết mô thường gây đau đớn, tốn kém và khó thực hiện ở giai đoạn đầu, hoặc nhiều trường hợp khối u khó tiếp cận. Trong bối cảnh này, sinh thiết lỏng có đặc điểm gắn liền với sinh bệnh học của ung thư ngay từ cấp độ tế bào, đã nổi lên như một phương pháp chẩn đoán tiềm năng với nhiều ưu điểm vượt trội. Phương pháp này mang lại độ chính xác cao, mở ra cơ hội phát hiện sớm cũng như theo dõi hiệu quả 6 loại ung thư phổ biến tại Việt Nam là ung thư phổi, vú, đại trực tràng, buồng trứng, gan và dạ dày.
Quang cảnh buổi nghiệm thu.
“Thực hiện đề tài, nhóm chúng tôi hướng đến mục tiêu ứng dụng sinh thiết lỏng và yếu tố dịch tễ lâm sàng cho chẩn đoán sớm 6 loại ung thư thường gặp, góp phần phát triển dấu ấn sinh học mới, tối ưu hóa các phương pháp để phân lập, phân tích những đặc điểm phân mảnh cfDNA giúp tăng hiệu suất chẩn đoán ung thư giai đoạn sớm”, bà Lan chia sẻ thêm.
Cũng theo bà Lan, khác với sinh thiết mô truyền thống, sinh thiết lỏng là phương pháp ít xâm lấn hơn, sử dụng mẫu máu để phát hiện các dấu ấn sinh học ung thư, bao gồm DNA tự do từ tế bào ung thư (cfDNA). Phương pháp này không chỉ giảm thiểu rủi ro và sự khó chịu cho bệnh nhân mà còn có khả năng phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm. Hơn nữa, sinh thiết lỏng cho phép theo dõi tiến triển bệnh và hiệu quả điều trị theo thời gian thực.
Với đề tài này, nhóm tác giả đã tiến hành 3 nội dung chính là thu thập đối tượng nghiên cứu (gồm ước tính cỡ mẫu, xây dựng quy trình chọn nhóm bệnh, xây dựng quy trình chọn nhóm chứng: bắt cặp theo tuổi và giới tính của nhóm bệnh); xây dựng dữ liệu cho mô hình chẩn đoán (gồm xác định yếu tố nguy cơ của 6 loại ung thư cho quần thể nghiên cứu và xây dựng profile dữ liệu đột biến gen cho 6 loại ung thư); xây dựng mô hình chẩn đoán sớm cho 6 loại ung thư dựa trên sinh thiết lỏng và yếu tố lâm sàng.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã thu thập 658 ca ung thư từ 4 Bệnh viện ở TP.HCM (Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch) và 658 ca chứng từ nghiên cứu VOS (nghiên cứu về loãng xương ở Việt Nam), được bắt cặp theo nhóm tuổi và giới tính. Tuổi trung bình của các đối tượng là 56, nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn nữ, ngoại trừ trong trường hợp ung thư vú.
Các ca ung thư bao gồm 6 loại thường gặp: phổi, gan, vú, đại trực tràng, dạ dày, thận, tất cả đều ở giai đoạn sớm (I-III) và chưa di căn. Kết quả mô bệnh học tương đồng với các nghiên cứu trong nước, tuy nhiên, phần lớn các ca có độ biệt hoá trung bình hoặc kém, cho thấy bệnh vẫn được phát hiện muộn, đặc biệt đối với ung thư phổi và dạ dày. Hơn nữa, có sự khác biệt lớn giữa phân loại giai đoạn cTNM (đánh giá phân độ TNM theo lâm sàng) và pTNM (đánh giá phân độ TNM theo giải phẫu bệnh) ở tất cả các loại ung thư.
Về các yếu tố nguy cơ, mỗi loại ung thư có những yếu tố riêng, tuy nhiên nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận các yếu tố kinh điển trong y văn như thuốc lá, rượu bia, tiền sử gia đình, nhiễm khuẩn HBV, HCV và H. pylori. Ngoài ra, chế độ ăn uống nhiều rau củ quả là yếu tố bảo vệ, trong khi ăn nhiều thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Triệu chứng lâm sàng, bao gồm triệu chứng tại chỗ do khối u và các triệu chứng toàn thân, phù hợp với các nghiên cứu trong và ngoài nước, tuy nhiên, các triệu chứng thường không điển hình, đồng thời xuất hiện ở giai đoạn muộn.
Trong nghiên cứu, phân tích cfDNA được thực hiện trên toàn bộ hệ gen bằng Whole Genome Sequencing, trên tập huấn luyện gồm 100 ca ung thư giai đoạn III-IIIb và 250 ca chứng, sử dụng mô hình mạng nơ-ron. Mô hình tối ưu của nhóm nghiên cứu gồm hai yếu tố: Wise-1 về lệch bội và InsideMonomer của Motif cuối đoạn, với chỉ 2.900 biến, giúp tối giản quy trình xử lý và tối ưu hiệu quả kinh tế.
Khi sử dụng mô hình Wise-1 + InsideMonomer với ba chỉ số LRScore, SVMScore và RFScore trên bộ kiểm định đa ung thư và từng loại ung thư, kết quả ghi nhận độ phân định cao giữa ung thư và không ung thư, nhưng hiệu suất chẩn đoán thay đổi theo loại bệnh, với AUC từ 0,67 đến 0,96, độ nhạy dao động từ 20% đối với ung thư thận và 84% đối với ung thư gan, tại độ đặc hiệu 98%.
Kết hợp thêm các yếu tố nguy cơ lâm sàng của quần thể nghiên cứu vào mô hình di truyền (bao gồm ba chỉ số LRScore, SVMScore, và RFScore), phân tích bằng BMA và các phương pháp học máy, hiệu suất chẩn đoán của mô hình kết hợp không cải thiện nhiều, ngoại trừ ung thư vú, khi AUC tăng từ 0,67 lên 0,83. Tuy vậy, mô hình kết hợp vẫn có giá trị lâm sàng, giúp phân tầng nguy cơ tốt hơn, từ đó lựa chọn đối tượng có nguy cơ cao để thực hiện phân tích di truyền.
ThS. BS. Hồ Phạm Thục Lan (chủ nhiệm nhiệm vụ) báo cáo kết quả đề tài tại buổi nghiệm thu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các mô hình chẩn đoán sớm có thể ứng dụng hiệu quả vào thực tế lâm sàng qua hai bước:
- Bước 1: tại tuyến cơ sở chăm sóc sức khoẻ ban đầu, sử dụng các mô hình học máy hoặc nomogram dành riêng cho yếu tố nguy cơ để nhận diện các đối tượng có nguy cơ cao. Tiếp theo sẽ rà soát các triệu chứng lâm sàng có liên quan ung thư được ghi nhận từ nghiên cứu. Nếu có triệu chứng gợi ý sẽ chuyển qua bước 2.
- Bước 2: tại tuyến trên chuyên khoa, sẽ thực hiện xét nghiệm sinh thiết lỏng để chẩn đoán sớm ung thư và dùng mô hình chẩn đoán sớm (nomogram và học máy) để quyết định bệnh nhân cần thực hiện tiếp các xét nghiệm để chẩn đoán xác định.
Nhằm hỗ trợ tốt hơn cho việc ứng dụng mô hình vào thực tiễn lâm sàng, nhóm thực hiện đề tài cũng đề xuất một số nội dung như cần có những nghiên cứu đoàn hệ với quy mô lớn, thiết kế riêng cho từng loại ung thư để tìm đặc điểm phân mảnh cfDNA riêng biệt cho mỗi loại khối u, đặc biệt đối với những loại ung thư có tỷ lệ phát hiện thấp; cần tận dụng những tiến bộ trong lĩnh vực học máy, học sâu, mạng nơ-ron để tích hợp hợp lý các yếu tố lâm sàng, sinh thiết lỏng, chẩn đoán hình ảnh và các dữ liệu omics khác (proteomics, microbiomics, metabolomics), nhằm nâng cao độ nhạy, độ đặc hiệu của mô hình, đồng thời giảm thiểu tỷ lệ dương tính giả và âm tính giả; đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước với các nhóm chuyên về sinh học phân tử, di truyền học, học máy...
Báo cáo trước Hội đồng tư vấn nghiệm thu, đại diện nhóm nghiên cứu nhận định, việc kết hợp xét nghiệm chẩn đoán sớm với phân tầng nguy cơ trên nhóm nguy cơ cao sẽ nâng cao hiệu quả chẩn đoán. Điều này không chỉ mở ra triển vọng cho việc kết hợp sinh thiết lỏng và các yếu tố dịch tễ lâm sàng để phát triển công cụ chẩn đoán sớm hiệu quả, mà còn góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, cải thiện chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân ung thư.
Minh Nhã (CESTI)