Gắn sản xuất nông nghiệp đô thị với phát triển nguồn cây giống chất lượng cao
20-10-2022Giống khổ qua F1 NLU 0122 với năng suất cao, trọng lượng quả trung bình, dạng quả đẹp, vỏ xanh vừa và bóng, được xác định là phù hợp thói quen của người tiêu dùng tại khu vực Đông Nam bộ. Giống lai là kết quả của việc lai tạo, cải tiến sử dụng quỹ gene của cây khổ qua bản địa và hoang dã có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh hại.
Thực tế cho thấy, đối với cây khổ qua - là một trong số các cây rau ăn quả chính yếu thuộc họ bầu bí - thì việc nhập giống khổ qua từ các nước trên thế giới vào Việt Nam là công việc hằng niên và tiêu tốn khoản đầu tư tương đối lớn. Tuy các giống nhập nội cho năng suất cao, quả đẹp, nhưng việc nhập khẩu hạt giống khổ qua từ nước ngoài không những gây thất thoát kinh phí, mà còn tạo ra sự lệ thuộc vào nguồn giống nước ngoài.
"Thực trạng này đòi hỏi cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu, lai tạo tạo ra nhiều giống khổ qua mới nhằm chủ động được nguồn giống, sử dụng quỹ gene bản địa sẵn có mang tính thích nghi cao với điều kiện canh tác ở Việt Nam, lai tạo thành công giống năng suất cao, chất lượng phù hợp thị trường và chống chịu tốt, tạo ra những giống năng suất cao, thích nghi tốt và chất lượng phù hợp thị trường", TS. Phan Đặng Thái Phương, chủ nhiệm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Chọn lọc, khảo nghiệm và trình diễn một số dòng khổ qua lai F1 phù hợp với điều kiện vùng Đông Nam bộ" nhận định.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của ngành công nghệ sinh học, kỹ thuật chỉ thị phân tử đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong hỗ trợ chọn giống cây trồng. Với các ưu điểm như đánh giá, chọn lọc các dòng dựa vào kiểu gene, do đó không bị tác động bởi các yếu tố môi trường và đồng thời giúp chọn chính xác những cá thể mang gene mong muốn. Ngoài ra, sử dụng nguồn vật liệu lai tạo từ một số giống bản địa là một chiến thuật lai tạo giống cây trồng mới đã và đang tiến hành ở Việt Nam và trên thế giới. Các giống bản địa có một số tính trạng thích nghi với điều kiện canh tác tại địa phương là nguồn vật liệu di truyền ưu tú triển vọng trong quá trình lai tạo giống mới.
Hướng đến việc cung cấp giống rau ăn quả mới cho các hộ gia đình, hợp tác xã cũng như công ty, đơn vị sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, trong đó chú trọng đến việc sử dụng nguồn cây - con - giống chất lượng cao, tại khu vực TP.HCM nói riêng và Đông Nam bộ nói chung, TS. Phan Đặng Thái Phương và các cộng sự tại Viện nghiên cứu Công nghệ Sinh học và môi trường (Trường Đại học Nông Lâm TPHCM) đã kế thừa một số dòng khổ qua thuần triển vọng từ kết quả của đề tài “Nghiên cứu lai tạo giống khổ qua F1 năng suất phục vụ cho vùng Đông Nam bộ”, từ đó xây dựng bộ tổ hợp lai có chất lượng cao để tiến hành lai tạo, khảo nghiệm và trình diễn một số dòng/giống khổ qua lai F1 phục vụ cho vùng Đông Nam bộ.
Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, giống khổ qua lai tạo mới sẽ được sử dụng là giống khổ qua thương mại nhằm phục vụ cho nhu cầu giống khổ qua ở vùng Đông Nam bộ, và riêng khu vực TP.HCM được xác định là thị trường đầy tiềm năng trong tương lai.
Cụ thể công việc thu thập các dòng khổ qua triển vọng đã được thu thập ở vùng Đông Nam bộ từ tháng 10/2015 đến tháng 10/2017. Tiếp đến, công việc đánh giá di truyền về độ thuần bằng công cụ chỉ thị phân tử và đánh giá kiểu hình trên đồng ruộng đã được tiến hành. Tiếp đến, 4 dòng khổ qua có độ thuần và khả năng lai tạo triển vọng đã được chọn lọc. Từ quá trình đánh giá và chọn lọc tổ hợp lai, nhóm nghiên cứu đã lai tạo thành công giống khổ qua lai F1 NLU 0122 mang ưu thế lai mong đợi.
Dạng quả của một số dòng khổ qua triển vọng sử dụng làm vật liệu trong quá trình lai tạo
Tại Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức trong năm 2022, TS. Phan Đặng Thái Phương, chủ nhiệm triển khai nhiệm vụ đã có phần báo cáo kết quả và ghi nhận về giống khổ qua F1 NLU 0122 như sau: giống khổ qua F1 NLU 0122 thể hiện là giống sinh trưởng và phát triển tốt ở vụ Đông Xuân 2022 khi tiến hành trồng thử nghiệm tại 3 vùng chuyên canh cây rau màu (huyện Củ Chi, TP.HCM; huyện Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Giống khổ qua F1 NLU 0122 cho năng suất/cây cao hơn 20-30% so với giống đối chứng, khả năng phân nhánh mạnh, sinh trưởng rất khỏe, khả năng chống chịu bệnh phấn trắng, bệnh sương mai ở mức trung bình.
Kết quả đánh giá tổ hợp lai cũng đã khẳng định rằng 3 tổ hợp lai (THL1, THL2, THL3) thuộc giống NLU 0122 đều triển vọng phục vụ cho sản xuất hạt giống thương mại. Cụ thể, giống THL1 (F1-1-2020) cho dạng trái khổ qua thương mại có kích thước trung bình chiều dài quả từ 7-10cm, đường kính quả 3-5cm, trọng lượng quả từ 70-80gam, có gai đều, bóng phù hợp với thị hiếu thị trường ở khu vực TP.HCM.
Năng suất trồng thử nghiệm giống NLU 0122 ở vụ Đông Xuân 2022 trên vùng đất chuyên canh trồng cây rau màu được xác định ở mức 26-27 tấn/hecta. Khả năng chống chọi với sâu bệnh hại của giống THL1 (F1-1-2020) ở mốc 60 ngày sau trồng tại vụ Hè Thu năm 2021 đã cho thấy, giống có khả năng kháng trung bình đối với bệnh phấn trắng và bệnh sương mai (ghi nhận cấp 3 trong thang đánh giá dựa theo chỉ số bệnh); cũng như khả năng kháng trung bình đối với rầy xanh và ruồi đục quả (ghi nhận cấp 2 - Trung bình: 11-20 % quả bị hại trong bảng phân cấp cây bị hại).
Về một số đặc tính liên quan đến phẩm chất quả thương mại, giống THL1 (F1-1-2020) được đánh giá ở mức dạng vỏ quả xanh vừa, bóng và có vị đắng vừa (theo thang đánh giá của khảo nghiệm DUS trên cây mướp đắng).
Là một phần của nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã tổ chức các buổi hội thảo đầu bờ kết hợp trồng trình diễn tại huyện Củ Chi - TP.HCM, huyện Trảng Bom - tỉnh Đồng Nai, và thị xã Phú Mỹ - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ đó ghi nhận những nhận xét, đánh giá tích cực từ bà con nông dân. Theo đó, giống khổ qua mới NLU 0122 được đánh giá là giống khổ qua triển vọng với khả năng sinh trưởng khỏe, phân cành nhánh mạnh, năng suất, kích thước quả vừa, màu sắc vỏ quả xanh vừa, bóng.
TS Phan Đặng Thái Phương trao đổi với hội khuyến nông và bà con nông dân tại một hội thảo đầu bờ nhằm giới thiệu giống khổ qua lai F1 NLU 1022
Đánh giá về tác động kinh tế - xã hội, TS. Phan Đặng Thái Phương khẳng định, nhiệm vụ khoa học - công nghệ đã góp phần làm sáng tỏ vai trò của ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực khoa học cây trồng, cụ thể là ứng dụng chỉ thị phân tử trong công tác đánh giá độ thuần của dòng bố mẹ. Ngoài ra, đề tài còn mở ra một hướng nghiên cứu ứng dụng cải tiến giống mới từ nguồn vật liệu bản địa sẵn có. Nghiên cứu ứng dụng quỹ gene có nguồn gốc bản địa và hoang dại trong cải tiến giống cây trồng năng suất, tính chống chịu và chất lượng là chiến thuật đã và đang cần thực hiện ở Việt Nam và trên thế giới. Ngoài ra, mục tiêu hướng đến của đề tài nghiên cứu còn là sử dụng nguồn vậ liệu dòng/giống khổ qua bản địa đã phù hợp với điều kiện canh tác ở vùng Đông Nam bộ lai tạo giống khổ qua F1.
Nhằm hướng đến phục vụ sản xuất hạt giống khổ qua trong tương lai, rất cần thiết hoàn thiện về hiệu quả kinh tế của các công việc thực hiện trong quy trình sản xuất hạt giống với tiêu chí: “Giá bán hạt giống khổ qua F1 tự lai tạo không qua nhập nội sẽ rẻ hơn, ngoài ra việc sản xuất hạt giống khổ qua lai F1 còn được tự chủ động lai tạo, không phụ thuộc vào việc nhập khẩu giống", đại diện nhóm nghiên cứu triển khai nhiệm vụ khẳng định "chiến thuật tự lai tạo hạt giống khổ qua lai F1 là công việc cần thiết nhằm góp phần phục vụ nhu cầu trồng khổ qua của người nông dân mang lại hiệu quả kinh tế và hướng đến phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp an toàn trên cây rau màu".
Thông tin liên hệ: Viện nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) Địa chỉ: Khu phố 6, Phường Linh Trung, TP. Thủ Đức, TP.HCM Email: thaiphuong@hcmuaf.edu.vn Số điện thoại: 0792187879 |