SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Khai thác thông tin sở hữu công nghiệp trong đánh giá xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và những vấn đề thực tiễn cần lưu ý trong giám định, xử lý tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp

11-08-2023
Đây là những nội dung chính, quan trọng của lớp tập huấn cho các cán bộ, công chức thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn Thành phố vừa được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức.

1082023kh.jpg

Lớp tập huấn đã thu hút được hơn 60 học viên tới từ các đơn vị trực thuộc Công an TP.HCM, Cục Quản lý thị trường TP.HCM và Cục Hải quan TP.HCM cùng tham dự

Ngày 10/8/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức lớp tập huấn "Khai thác thông tin sở hữu công nghiệp trong đánh giá xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và những vấn đề thực tiễn cần lưu ý trong giám định, xử lý tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp" cho đối tượng là các cán bộ, công chức thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn TP.HCM. Lớp tập huấn đã thu hút được hơn 60 học viên tới từ các đơn vị trực thuộc Công an Thành phố, Cục Quản lý thị trường Thành phố và Cục Hải quan Thành phố.

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Nhung - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ, trong thời gian vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã nhận được rất nhiều đề nghị cung cấp thông tin, góp ý kiến chuyên môn về sở hữu trí tuệ và hướng dẫn thủ tục giám định sở hữu công nghiệp của các cơ quan thực thi bảo vệ quyền như Công an, Hải quan, Quản lý thị trường... để phục vụ công tác ngành.

"Về phía Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, sau khi nhận được đề nghị, chúng tôi cũng đã rất tích cực phối hợp, trao đổi thông tin và hỗ trợ các đơn vị. Tuy nhiên, để hoạt động thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn Thành phố được tốt hơn thì ngày hôm nay chúng tôi cũng đã mời về đây các chuyên gia đến từ Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ để thông tin, hướng dẫn cũng như chia sẻ những kinh nghiệm... qua đó, chúng ta sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn, có thể nắm bắt được các cách thức, phương pháp và áp dụng được kiến thức của lớp học này vào hoạt động công vụ. Chúng tôi cũng mong muốn rằng, thông qua lớp học này, các đồng chí sẽ thẳng thắn trao đổi những khó khăn, vướng mắc của mình và đơn vị của mình có thể đang gặp phải trong quá trình thực thi nhiệm vụ để cùng góp ý tháo gỡ...", ThS. Nguyễn Thị Ngọc Nhung nói.

1082023kh1.jpg

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Nhung - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu khai mạc lớp tập huấn

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Nhung, cho biết thêm, lớp tập huấn được tổ chức cũng nhằm triển khai Kế hoạch Chiến lược sở hữu trí tuệ và Phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030 theo Quyết định số 266/QĐ-UBND ngày 19/01/2023 của Uỷ ban nhân dân Thành phố. Cũng như, tranh bị kiến thức, kỹ năng tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp cho các cán bộ thực thi bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp phục vụ công tác phân tích, đánh giá hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn về sử dụng dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp để xử lý tranh chấp, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

"Trong Quyết định số 266, Sở Khoa học và Công nghệ có 2 nhiệm vụ rất là quan trọng đó là huấn luyện để nâng cao năng lực thực thi cho cán bộ, công chức, các cơ quan thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Cũng như, tìm kiếm, cung cấp các giải pháp và công nghệ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm quyền... do đó, nếu trong quá trình thực thi nhiệm vụ các đơn vị gặp khó khăn hay cần các công cụ, giải pháp thì liên hệ Sở hoặc đặt hàng cho Sở để đi tìm kiếm, nghiên cứu và chuyển giao để mình ứng dụng vào công việc tốt hơn", ThS. Nguyễn Thị Ngọc Nhung chia sẻ.

Tại lớp tập huấn, ThS. Bùi Tiến Quyết - Trưởng phòng Phòng Đào tạo thông tin, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giới thiệu cho các học viên những nội dung quan trọng về thông tin sở hữu công nghiệp và các công cụ khai thác thông tin sở hữu công nghiệp. Cũng như, hướng dẫn tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp nhằm đánh giá tình trạng bảo hộ, mức độ tương tự hoặc khả năng xung đột quyền đối với kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hỗ trợ phục vụ công tác phân tích, đánh giá hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp cho các cơ quan thực thi công vụ. 

Cụ thể, đối với thông tin sở hữu công nghiệp là thông tin về các đối tượng sở hữu công nghiệp như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý... chúng bao gồm, thông tin về đơn đăng ký của các đối tượng sở hữu công nghiệp là người nộp đơn, tác giả, số đơn và ngày nộp đơn, đối tượng sở hữu công nghiệp xin đăng ký bảo hộ quyền ưu tiên...; thông tin về xử lý đơn đăng ký là các thông báo, quyết định về thẩm định, công bố đơn, cấp, từ chối cấp văn bằng bảo hộ; thông tin về văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp là chủ văn bằng, số văn bằng, ngày cấp, đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ, yêu cầu hoặc phạm vi bảo hộ chử đối tượng sở hữu công nghiệp, thông tin về việc chuyển nhượng, li xăng quyền sở hữu công nghiệp... Đặc điểm của thông tin sở hữu công nghiệp là công cụ giúp vận hành toàn bộ hệ thống bảo hộ sở hữu công nghiệp đạt mục tiêu của hệ thống này và là nguồn lực của chu trình sở hữu trí tuệ, từ khi tạo dựng, phát triển tài sản trí tuệ đến khi xác lập quyền, bảo vệ quyển và thương mại hóa tài sản trí tuệ. Đặc biệt là một trong ba trụ cột của khởi nghiệp sáng tạo cũng như là kết nối các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Còn đối với các chủ thể khai thác thông tin sở hữu công nghiệp là các cơ quan quản lý nhà nước; cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp; doanh nghiệp bao gồm các viện nghiên cứu, trường đại học; các tổ chức trung gian như đại diện sở hữu công nghiệp, tư vấn, giám định, định giá...; các hiệp hội, hội nghề nghiệp; các tổ chức, cá nhân khác. 

1082023kh2.jpg

ThS. Bùi Tiến Quyết - Trưởng phòng Phòng Đào tạo thông tin, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ các nội dung về thông tin sở hữu công nghiệp, các công cụ khai thác thông tin và hướng dẫn cách tra cứu thông tin 

Dựa trên đó, sẽ có các công cụ khai thác thông tin sở hữu công nghiệp như các cơ sở dữ liệu thông tin; các bảng phân loại quốc tế về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu; các đĩa quang; công báo sở hữu công nghiệp; sổ đăng bạ quốc gia; cơ sở dữ liệu thông tin về sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ như IPLib, DigiPat, WIPO PUBLISH; nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ như IP PLATFORM; cơ sở dữ liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO như PatentScope, Global Design Database, Global Brand Database; cơ sở dữ liệu của quốc gia, khu vực trên thế giới như cơ quan Sở hữu trí tuệ Châu Ân EUIPO, Đông Nam Á Asean, Nhật Bản JPO, Hàn Quốc, Hoa Kỳ USPTO, Trung Quốc...

1082023kh3.jpg

Các học viên chia sẻ những khó khăn, những vấn đề gặp phải trong quá trình thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với các chuyên gia đến từ Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ

Cũng tại lớp tập huấn, TS. Nguyễn Hữu Cẩn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giới thiệu các điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi liên quan đến thực thi quyền sở hữu công nghiệp như: Quyền tự bảo vệ (Điều 198); Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự (Điều 212); Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ (Điều 213); Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 214)... Đồng thời, chia sẻ, hướng dẫn về cách đánh giá yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cũng như cách thức thực hiện yêu cầu giám định sở hữu công nghiệp và sử dụng kết luận giám định nhằm giúp các cơ quan thực thi có thêm những kiến thức, kỹ năng giải quyết những khó khăn trong quá trình thực thi và những vấn đề thực tiễn cần lưu ý trong giám định, xử lý tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp.

Cụ thể, với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự theo Điều 212, cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hay ở Điều 213 về hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ có nêu, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu; hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó và việc gắn dấu hiệu này được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân không có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Riêng, việc đánh giá yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hay cách thức thực hiện yêu cầu giám định sở hữu công nghiệp và sử dụng kết luận giám định. TS. Nguyễn Hữu Cẩn cũng lưu ý.

"Kết quả giám định sở hữu trí tuệ là một trong các nguồn chứng cứ để các cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết vụ việc tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Việc giám định liên quan đến sở hữu trí tuệ không phải chỉ có giám định sở hữu trí tuệ theo Luật Sở hữu trí tuệ mà còn có hình thức giám định tư pháp", TS. Nguyễn Hữu Cẩn chia sẻ.

1082023kh4.jpg

TS. Nguyễn Hữu Cẩn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày về Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi cũng như chia sẻ, hướng dẫn cách đánh giá yếu tố xâm phạm quyền, yêu cầu giám định và sử dụng kết luận giám định

Được biết, ngoài lớp tập huấn nêu trên, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng sẽ tiếp tục tổ chức lớp tập huấn với chủ đề "Tên thương mại, nhãn hiệu và những vấn đề thực tiễn cần lưu ý trong đăng ký kinh doanh" cho Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng như các đối tượng là cán bộ, công chức phụ trách cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và giải quyết tranh chấp tên thương mại của quận huyện và TP. Thủ Đức, diễn ra vào ngày 11/8/2023.

Nhật Linh (CESTI)

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378