Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải gắn liền với bảo vệ tài sản trí tuệ
15-06-2023Thông tin được chia sẻ tại chương trình Talkshow “Nhận diện tài sản trí tuệ để tối ưu hóa việc thương mại hóa và bảo vệ trước các rủi ro về xâm phạm quyền trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức ngày 15/6/2023.
Chương trình Talkshow nhằm giúp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhận diện và sử dụng tài sản trí tuệ (TSTT) làm công cụ hỗ trợ hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), bảo vệ trước các rủi ro xâm phạm quyền trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST). Đặc biệt, khi doanh nghiệp Việt Nam đang trong tiến trình ứng dụng các mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo trong giai đoạn chuyển đổi số, thì các thông tin, kiến thức, kinh nghiệm về quản trị TSTT càng trở nên quan trọng hơn nhằm tránh các rủi ro không đáng có và giúp doanh nghiệp tăng doanh thu tối đa khi thương mại TSTT phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung (Phó phòng Sở hữu trí tuệ - Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, nắm bắt được tầm quan trọng của TSTT, thời gian qua, Sở KH&CN đã triển khai chương trình huấn luyện, đào tạo quản trị viên TSTT trên địa bàn Thành phố. Chương trình này nhằm giúp các tổ chức, trường, viện, trung tâm nghiên cứu, đặc biệt là các doanh nghiệp dần hình thành được bộ phận nhân sự quản trị TSTT, qua đó hình thành nguồn nhân lực về quản trị TSTT trên địa bàn Thành phố.
Trong kế hoạch hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT), năm 2023, Sở khởi động chương trình mới thông qua những buổi Talkshow với sự tham gia của các doanh nghiệp, chuyên gia cùng chia sẻ, trao đổi những câu chuyện, kinh nghiệm thực tế để từ đó thực hiện tốt hơn công tác quản trị TSTT, tiếp tục thúc đẩy hình thành nguồn nhân lực và bộ phận quản trị TSTT tại các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, cũng như lan tỏa tinh thần, văn hóa SHTT trong cộng đồng.
Các chuyên gia, doanh nghiệp tham gia chia sẻ tại chương trình Talkshow
Tại chương trình Talkshow, các báo cáo viên, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã cùng chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm về nhận diện và quản trị TSTT, bảo vệ và thương mại hóa TSTT trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp ngành yến sào,… Cụ thể gồm: bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vườn ươm Khởi nghiệp Việt), luật gia Chu Mạnh Quân (Công ty Luật TNHH Liên Minh), ông Trần Duy Hưng (Giám đốc Công ty TNHH Pymid), bà Danh Thị Mỹ Ngọc (Giám đốc Công ty TNHH Yến tổ Daknest).
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, các sản phẩm trí tuệ mới được tạo ra nếu không được quan tâm xác lập quyền SHTT hoặc không thỏa điều kiện xác lập quyền, khi được đưa vào làm ý tưởng khởi nghiệp sẽ đối mặt với rủi ro là bị một người khác khiếu kiện vì xâm phạm quyền SHTT tương ứng đã được họ xác lập. Mặt khác, khi không quan tâm xác lập quyền SHTT trên lãnh thổ khởi nghiệp, thị trường quốc tế tương ứng cũng sẽ bị bỏ ngỏ, nhà khởi nghiệp không có cơ hội cạnh tranh ở nước ngoài. Đối với các nhà đầu tư, nếu người khởi nghiệp không tạo được rào cản SHTT (lợi thế pháp lý cho dòng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mới đã chứng minh được khả năng xâm nhập thị trường), dòng tiền của nhà đầu tư sẽ không có khả năng thu hồi hoặc không đạt được hiệu suất đầu tư kỳ vọng, do đó động lực đầu tư hoặc hỗ trợ sẽ bị cản trở. Trong thực tế, việc bảo hộ độc quyền SHTT là một trong những điều kiện tiên quyết cho các đơn vị khởi nghiệp, cũng là động lực giúp các nhà đầu tư có phương án đầu tư hoặc thoái vốn tại một dự án đã thành công. Đây cũng là lý do các doanh nghiệp KNĐMST luôn phát triển gắn liền với hoạt động tác nghiệp như quản trị TSTT, nhận diện và bảo vệ các TSTT.
Chia sẻ về những khó khăn và thuận lợi trong quá trình khởi nghiệp, ông Trần Duy Hưng cho biết, từ việc tham gia lớp đào tạo quản trị viên TSTT, ông bắt đầu tiếp cận quá trình xác lập tài sản trí tuệ trong lĩnh vực yến sào. Với thế mạnh trong lĩnh vực nuôi yến, ý tưởng đầu tiên được ông Hưng đăng ký xác lập quyền SHTT là đà bê tông đa tầng (giải pháp hữu ích: cơ cấu đà tổ yến tạo tổ yến đảo hình bát). Sản phẩm thành công, được thương mại rất nhanh và tạo được tiếng vang trên thị trường yến sào Việt Nam. Tuy nhiên, thất bại sau đó thuộc về kỹ thuật gọi yến, chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của chủ nhà yến. Tiếp đến, ông Hưng cũng đăng ký SHTT cho nhiều ý tưởng khác như lưới tổ yến đảo hình bát, thiết bị nhận dạng - định danh và chụp hình trạng thái tổ yến, quy trình truy xuất thông tin nguồn gốc tổ yến, kiểu dáng công nghiệp - hộp đựng yến sào, bảo hộ nhãn hiệu độc quyền (Pymid),…
Về bài học kinh nghiệm, ông Hưng nhấn mạnh đến khía cạnh người đăng ký SHTT nên thận trọng trong việc tra cứu sáng chế, cần có chiến lược kinh doanh bài bản trước khi công bố đơn ra bên ngoài, tránh phụ thuộc quá nhiều vào người tư vấn, lưu ý vấn đề bí mật kinh doanh…
Phần thảo luận, trao đổi tại chương trình
Luật gia Chu Mạnh Quân cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam quan tâm xác lập quyền SHTT sẽ tạo được rào cản pháp lý, tránh được rủi ro về xâm phạm quyền. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, điều này không dễ dàng. Lời khuyên cho trường hợp này là cấp quyền sử dụng (cho thuê/bán lại quyền) đối với những sáng chế đã được bảo hộ để có thể khai thác được TSTT của mình. Hiện nay, sản phẩm trí tuệ trong doanh nghiệp có thể được tạo ra từ hai nguồn là tự nghiên cứu và nhận chuyển giao từ bên ngoài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên quan tâm đến nguồn sản phẩm trí tuệ từ mô hình đổi mới sáng tạo mở (hợp tác với các đối tác có kết quả nghiên cứu tốt để cùng khai thác, phát triển sản phẩm trí tuệ).
Về những vấn đề ông Trần Duy Hưng chia sẻ, ông Quân cho biết, việc tra cứu sáng chế nên lưu ý đến tính mới trên phạm vi toàn thế giới. Lợi ích của tra cứu sáng chế không chỉ phục vụ đăng ký SHTT, mà còn cung cấp thông tin cho quá trình nghiên cứu khoa học để từ đó các nhà nghiên cứu có thể cải tiến giải pháp, sản phẩm của mình. Trong chương trình phát triển TSTT được Chính phủ ban hành năm 2020 có nội dung chiến lược tập trung khai thác những sáng chế của thế giới không bảo hộ tại Việt Nam hoặc đã hết hạn. Đây là một gợi ý hay cho các nhà nghiên cứu, sáng chế Việt Nam có thể khai thác hiệu quả của các sáng chế trên thế giới, giúp phát triển và thương mại TSTT cho doanh nghiệp.
Về bí mật kinh doanh, theo ông Quân, đây là một tài sản có giá trị của doanh nghiệp nhưng đa phần đang được bảo vệ theo cách đơn giản (tự cất giữ), chưa có nhiều doanh nghiệp thực hiện bảo hộ kinh doanh. Hiện nay, các điều kiện để bảo hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật về SHTT gồm: bí mật kinh doanh là tài sản không dễ dàng có được, không phải là hiểu biết thông thường; đem lại lợi thế cho người sở hữu; được chủ doanh nghiệp áp dụng các biện pháp bảo mật cần thiết để không bị bộc lộ ra bên ngoài. Tuy nhiên, doanh nghiệp không cần phải đăng ký xác lập quyền đối với bí mật kinh doanh, mà cần quan tâm thực hiện các thủ tục quản trị nội bộ để đạt được các điều kiện bảo hộ kinh doanh. Đối với các sản phẩm, sáng chế, công nghệ, giải pháp kỹ thuật, bí quyết công nghệ,… chưa đến thời điểm khai thác hoặc chưa đến thời điểm đăng ký SHTT cũng có thể áp dụng biện pháp bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vườn ươm Khởi nghiệp Việt) trình bày tham luận tại chương trình
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung nhấn mạnh thêm, trong giai đoạn thương mại sản phẩm trí tuệ, doanh nghiệp khởi nghiệp cần xem xét các khía cạnh: lựa chọn và kiểm tra cách đặt tên doanh nghiệp (thương hiệu), nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bằng độc quyền sáng chế; nắm giữ quyền và chọn hình thức kinh doanh (cách thức, mô hình đưa sản phẩm ra thị trường);… Ở giai đoạn được xem là thành công của một doanh nghiệp khởi nghiệp, các nội dung về quản trị TSTT cần quan tâm đến công tác thẩm định giá các tài sản vô hình và tài sản trí tuệ trong giá trị của doanh nghiệp, phát triển tập tài sản trí tuệ, giao dịch bảo đảm bằng tài sản trí tuệ, bán thanh lý tài sản trí tuệ...
Lam Vân (CESTI)