Lai tạo thành công giống mướp hương năng suất cao
25-12-2022Với năng suất lên đến 41-45 tấn/ha, giống mướp hương F1-SLP912 được kỳ vọng mở ra hướng tiếp cận mới cho các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM và khu vực Tây Nam Bộ.
Mướp hương là một trong những loại rau quả được trồng phổ biến, rất quen thuộc và gần gũi đối với người dân Việt Nam. Quả mướp được chế biến thành nhiều món ăn ngon, là loại rau tươi đầy dinh dưỡng. Ngoài ra, mướp hương cũng được sử dụng trong đông y với nhiều công dụng được lấy từ tất cả các bộ phận của cây…. Tại Việt Nam, mướp hương có nhiều cơ hội để phát triển bởi vì, nước ta là một nước nông nghiệp, có nhiều lợi thế và tiềm năng về vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nhân lực, cho phép phát triển sản xuất nhiều loại rau quả có giá trị kinh tế lớn. Trong đó, Tây Nam Bộ là vùng trồng cây hoa màu và rau lớn, và là một trong những vùng có sản lượng cung cấp các mặt hàng rau tươi chủ yếu của TP.HCM. Khí hậu vùng Tây Nam Bộ dễ chịu, điều hòa, ít bão, quanh năm nóng ẩm, tương đối ổn định với hai mùa rõ rệt, là điều kiện phù hợp phát triển rau nhiệt đới. Với điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi, diện tích đất trồng rau tăng nhanh nên vùng Tây Nam Bộ có nhiều cơ hội cho sự phát triển của mướp hương.
Tuy nhiên sự phát triển của cây mướp hương hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng của nó. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hạn chế về yếu tố giống và kỹ thuật canh tác, các giống áp dụng trong sản xuất hiện nay một phần nhỏ là các giống địa phương thụ phấn tự do, do người dân sản xuất theo phương thức truyền thống, được người dân thu hái, cất giữ theo kinh nghiệm, thường bị thoái hóa và lẫn tạp dẫn đến năng suất và giá trị thương phẩm thấp. Ngoài ra, đa số người dân sử dụng hạt giống F1 mua từ các đại lý, các giống ưu thế lai F1 tuy có nhiều ưu điểm vượt trội hơn các giống truyền thống về năng suất, chất lượng và độ đồng đều cao nhưng chưa phù hợp với yêu cầu và tập quán canh tác của người nông dân. Hơn nữa, giá thành của các giống ngoại nhập thường cao hơn các giống F1 trong nước nên thường khó được chấp nhận áp dụng vào thực tế sản xuất. Bên cạnh đó, thị hiếu người tiêu dùng là các giống mướp hương có quả thuôn thẳng, dài vừa phải, màu sắc vỏ quả đẹp, mùi thơm hấp dẫn sau khi nấu, thịt quả không bị thâm, và ngọt đậm. Vì vậy, người dân luôn mong muốn có được giống mướp hương mới đáp ứng với các tiêu chí trên.
Theo đó, để hiện thực hóa những nội dung quan trọng của Chương trình mục tiêu phát triển giống cây, giống con chất lượng cao trên địa bàn TP.HCM, và từ sự hỗ trợ kinh phí của Sở KH&CN TP.HCM, đội ngũ kỹ sư - chuyên gia tại công ty TNHH Hạt Giống Tân Lộc Phát đã triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Nghiên cứu chọn tạo giống Mướp hương lai F1 (Lufa cylindrycal L. Roem) cho thị trường TP.HCM và Tây Nam Bộ".
Quả mướp hương thu hoạch từ hạt giống thành phẩm THL L15xL44 (trái) và hạt giống của một số THL ưu tú được lai tạo trong quá trình triển khai nhiệm vụ
Đại diện nhóm thực hiện đề tài cho biết, nhóm đã khảo sát tình hình canh tác mướp hương, thị hiếu thị trường ở TP.HCM và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Theo kết quả khảo sát cho thấy, dù mướp hương có thể trồng quanh năm và điều kiện khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển, nhưng bình quân diện tích trồng mướp hương ở các địa phương tương đối nhỏ (dưới 3.300 m2/hộ), riêng ở TP.HCM thì chỉ khoảng 1.300 m2/hộ. Hiện nay, ở vùng Tây Nam Bộ đang thịnh hành giống mướp hương Taka L07, nhưng giống này thưa trái và dễ bị bệnh. Bên cạnh đó, các giống mướp hương địa phương khác cho cây khỏe, trái xanh nhưng dạng trái không đồng đều, ngoài ra do người dân sản xuất theo phương thức truyền thống nên thường bị thoái hóa và lẫn tạp dẫn đến năng suất và giá trị thương phẩm.
Kỹ sư Vũ Quốc Trưởng, chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, nhóm thực hiện đã đánh giá nguồn nguyên liệu 50 dòng mướp hương đời S6, đánh giá khả năng kết hợp chung của các dòng bằng phương pháp lai đỉnh 50 dòng mướp hương đời S6 với đối chứng Taka L07 và đánh giá độ thuần của dòng bằng kỹ thuật sinh học phân tử SSR. Sau khi loại bỏ các dòng không phù hợp, nhóm thực hiện bố trí lai định hướng 10 dòng mướp hương còn lại bằng phương pháp Griffing 4, tạo ra được 45 tổ hợp lai mướp hương mới, đồng thời theo dõi và đánh giá thêm một số đặc tính sinh trưởng của các dòng tham gia lai tạo.
Sau khi khảo sát 45 tổ hợp lai mướp hương F1 đã lai tạo được so với giống đối chứng Taka L07, nhóm thực hiện nhận thấy hầu hết các tổ hợp lai (THL) đều có những đặc điểm nổi trội hơn giống đối chứng về thời gian ra hoa, ngày thu hoạch và thời gian kết thúc thu hoạch. Trong số 45 THL, chỉ có 6 THL có năng suất cao hoặc bằng so với đối chứng, có kích thước quả nằm trong khoảng từ 30 – 40 cm, phù hợp với thị hiếu của thương lái và người tiêu dùng.
Từ 6 THL ưu tú đã chọn được ở vụ Hè Thu năm 2020, nhóm tiếp tục trồng và so sánh ở vụ Thu Đông 2020 và đã chọn ra 3 THL mướp hương triển vọng: L5xL44 và L15xL44, L15xL49. Trong đó 2 THL L5xL44 và L15xL44 có các đặc điểm vượt trội: Thời gian kết thúc thu hoạch 103,3-105,7 NSG, cùng với đặc điểm quả hình trụ, dài 31,8-35,7 cm, đường kính quả 4,0-4,2 cm, khối lượng trung bình quả 239-242 gam. Đặc biệt năng suất thực thu rất cao và vượt trội so với các giống còn lại, đạt 39,1-39,5 tấn/ha, cao hơn so với đối chứng là 10,4-10,8 tấn/ha, tỷ lệ thương phẩm 97,7-98,3%. Bên cạnh đó độ cứng quả 13,8-16,1 lbf, độ brix ở mức 7,6-7,9, quả thơm và thời gian bảo quản trung bình 5 ngày với màu sắc quả xanh đậm có kèm sọc đậm phù hợp với thị hiếu người tiêu thụ tại TP.HCM và Tây Nam Bộ.
Hình dạng quả của 3 THL mướp hương ưu tú và đối chứng Taka L07
Sau khi trồng và trình diễn hội thảo đầu bờ ở TP.HCM và các tỉnh Vĩnh Long, Long An và Tiền Giang, nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ ghi nhận kết quả qua đó cho thấy THL L15xL44 là giống thích hợp nhất cho thị trường TP.HCM và Tây Nam Bộ. Với nhiều ưu điểm vượt trội về sinh trưởng, khả năng chống chịu bệnh mốc sương tốt, thu hoạch quả khá sớm (53- 54 NSG). Dạng quả thon thẳng khá đẹp với màu sắc xanh đậm có kèm sọc đậm, ít gai, chiều dài 34,0-35,8 cm, đường kính 4,0-4,3 cm và khối lượng 245,5-249,4 gam/quả. Ngoài giá trị thương phẩm về hình dạng và màu sắc thì giống còn ăn ngon với độ ngọt đạt 7,9 (0brix) và có mùi thơm trước và cả sau khi nấu chín. Đặc biệt, năng suất của giống rất cao và vượt trội so với các giống còn lại, đạt 41-45 tấn/ha, cao hơn nhiều so với đối chứng là 10,7-14,8%, tỷ lệ thương phẩm 97,2-98,8%. Ngoài ra, giống có tính ổn định khá cao, mặc dù trồng trình diễn ở các địa điểm khác nhau nhưng giống đều cho kết quả tốt.
Tại các hội thảo này, đại diện nhiều hộ nông dân cũng cho rằng kích thước của giống thuận tiện cho việc đóng gói và vận chuyển đi xa; và hơn thế nữa, với năng suất cao vượt trội sẽ góp phần rất lớn trong việc tăng hiệu quả kinh tế của bà con.
Nông dân tại các khu vực trồng thử nghiệm cho biết, giống mướp hương mới cho năng suất cao, ổn định, rất ít gặp phải tình trạng bị sâu bệnh hại
Sau khi trồng trình diễn thành công tại TP.HCM, Vĩnh Long, Long An và Tiền Giang, tổ hợp lai ưu tú nhất là THL L15xL44 đã được tiến hành nhân hạt bố - mẹ, F1 và đăng ký bảo hộ giống (với tên hạt giống là mướp hương lai F1-SLP912) phục vụ thương mại hóa.
Các thành viên hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ trao đổi với đại diện đơn vị triển khai nhiệm vụ về chất lượng quả mướp hương sau thu hoạch
Tựu trung, giống mướp hương mới với năng suất cao, khả năng sinh trưởng phù hợp với thổ nhưỡng và thời tiết khu vực Tây Nam Bộ cũng như TP.HCM vừa được công ty TNHH Hạt Giống Tân Lộc Phát lai tạo thành công, đã mở ra một hướng tiếp cận cho các hộ gia đình, hợp tác xã, đơn vị chuyên trồng rau - củ - quả trên phạm vi toàn quốc nói chung và khu vực Nam Bộ, đặc biệt là tại TP.HCM và các tỉnh Tây Nam Bộ nói riêng khi có thêm lựa chọn để phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp hiện đại, chú trọng đến việc sử dụng các nguồn cây con giống chất lượng cao.
Cũng trong quý 4/2022, công ty TNHH Hạt Giống Tân Lộc Phát đã hoàn thành nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Nghiên cứu chọn tạo giống dưa leo lai F1 (Cucumis sativus L.) cho thị trường Đông Nam Bộ" với mục tiêu tạo ra giống dưa leo lai F1 cho thị trường Đông Nam Bộ có các đặc tính như: năng suất cao đạt trên 35 tấn/ha/vụ; trái dài 18-20 cm, thẳng, cân đối; màu xanh hơn màu trái của giống Hunter 1.0; đường kính trái ≤3,6 cmm; đường kính ruột nhỏ (≤1,2 cm); và tỷ lệ trái thương phẩm >90%; ăn giòn, ngọt tương đương với Hunter 1.0, không đắng đầu (đánh giá cảm quan); chống chịu bệnh mốc sương khá hơn so với Hunter 1.0. |
Thông tin liên hệ: Công ty TNHH Hạt Giống Tân Lộc Phát Website: tanlocphatseeds.com |