SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Nghiên cứu ứng dụng KH&CN giai đoạn 2016-2020: nhiều kết quả nổi bật

18-10-2021

Hoạt động quản lý, nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2016-2020 được đánh giá là phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nhiều kết quả nổi bật đã được ghi nhận trong việc đặt hàng nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề thực tiễn, trọng tâm là 4 ngành công nghiệp chủ lực, 9 ngành dịch vụ, ngành công nghiệp hỗ trợ, 7 chương trình đột phá và quản lý phát triển đô thị của TP.HCM.

Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, trong giai đoạn 2016 - 2020, Sở đã tổ chức nghiệm thu 470 nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN. Trong đó có 98,8% nhiệm vụ được ứng dụng vào thực tế (55,5% ứng dụng trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động quản lý cho các sở ngành, hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân, 43,3% ứng dụng gián tiếp vào giảng dạy, tài liệu tham khảo…), tăng 2,5 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.

Trong số các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN được ứng dụng, Chương trình Công nghệ Công nghiệp - Tự động hóa, Chương trình Điện, Điện tử và Công nghệ thông tin, Y tế, An ninh Quốc phòng là những chương trình có tỷ lệ ứng dụng cao nhất (trên 65%). Đối với các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN nghiệm thu, có 157 nhiệm vụ hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp (chiếm 33,4%), các nhiệm vụ này đều mang lại hiệu quả trong hoạt động phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.

Báo cáo của Sở KH&CN cũng cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động KH&CN Thành phố luôn bám sát các nghị quyết, quyết định của các cơ quan trung ương và đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố nhằm tập trung nguồn lực đầu tư, phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, chương trình phát triển sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp, hỗ trợ các ngành dịch vụ và các chương trình đột phá.

Một số kết quả nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ nổi bật của giai đoạn này như sau:

+ Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo và tự động hoá, các nghiên cứu đã góp phần thiết kế, chế tạo thành công nhiều chủng loại sản phẩm, thiết bị cơ khí đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các nghiên cứu tập trung vào giải mã công nghệ chế tạo máy CNC; thiết kế, chế tạo robot; thiết kế, chế tạo hệ thống điều khiển tự động các quá trình sản xuất và công nghệ gia công; nghiên cứu thiết kế thiết bị, công nghệ phục vụ thu hoạch, bảo quản và chế biến nông sản;…

Có thể kể đến các sản phẩm như Chuỗi khuôn dập liên hoàn sản phẩm từ kim loại tấm. Hiện nay sản phẩm được chuyển giao, ứng dụng 4 bộ khuôn liên hoàn cho 2 doanh nghiệp (Công ty Cổ phần SX-TM-DV Saki và Công ty TNHH Sản xuất Cân Nhơn Hoà), giúp tăng năng suất lao động từ 71,43% đến 321,05%, tiết kiệm lao động từ 75% đến 84,71%, giảm chi phí đầu tư thiết bị từ 2,8% đến 51,52%, giảm điện năng tiêu thụ từ 2,17% đến 74,58%,… Một sản phẩm khác là Hệ thống cấp cán bàn chải tự động với các tính năng mở rộng và đạt độ ổn định cao. Hệ thống này giúp đơn vị ứng dụng thay thế được 135 công nhân (3 ca làm việc), giảm nhân công làm việc trong môi trường độc hại (ô nhiễm tiếng ồn, cường độ công việc cao, rung động lớn và liên tục…). Hiện nay, Công ty TNHH DV Kỹ thuật Thương mại Nhất Tinh sản xuất và bán được 90 máy với giá 720 triệu đồng/máy. Hoặc Hệ thống tự động tạo khoen dây giày phục vụ công nghiệp da giày, giúp đơn vị ứng dụng thay thế được 180 công nhân. Hiện Công ty TNHH DV Kỹ thuật Thương mại Nhất Tinh sản xuất và bán được 30 máy cắt-gập-hàn khoen dây giày tự động với giá 160 triệu đồng/máy. Ngoài ra, Dây chuyền máy vắt – sấy bã sẵn năng suất 1 tấn khô/giờ được chuyển giao ứng dụng thử nghiệm tại Công ty Cổ phần Fococev Bình Phước. Hiệu quả kinh tế mang lại là giá thành bã sắn vắt - sấy khô bằng thiết bị của dự án khi sấy bằng biogas là 1.400 đồng/kg, sấy bằng củi là 1.900 đồng/kg (với giá bã sắn tươi 125 đồng/kg, 8kg tươi/1kg khô), trong khi giá thị trường là 3.600 đồng/kg. Dây chuyền tự động dập nắp nhựa có giá thành bằng 80% - 90% giá sản phẩm nhập khẩu tương đương; Máy ép viên nhiên liệu Pellet BP-600 (bằng 60-70% giá sản phẩm nhập khẩu tương đương của Trung Quốc và Ấn Độ); Hệ thống băng tải đai tự động vận chuyển bao gói, giá thành bằng 50% giá sản phẩm nhập khẩu tương đương;…

Các sản phẩm hỗ trợ quy trình sản xuất có thể kể đến Quy trình sản xuất tinh gọn cho doanh nghiệp may, áp dụng tại Xí nghiệp 123, Công ty Cổ phần may Hữu Nghị. Kết quả nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp giảm thời gian không tạo ra giá trị gia tăng ước tính xuống còn 4%. Quy trình công nghệ sơ chế, xử lý, đóng gói và bảo quản rau ăn lá sau thu hoạch đã giúp tăng thời gian bảo quản rau củ quả lên gấp 2-3 lần so với phương pháp truyền thống, giảm tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch xuống dưới 2% (biện pháp truyền thống hao hụt 10-15%), nhờ vậy giảm chi phí bảo quản và tăng hiệu quả sản xuất cho người dân.

07HDKHLVNCKH20162020h4.jpg

Sản phẩm thiết bị điện: đề tài Chế tạo dây hợp kim nhôm 6201 dùng để sản xuất cáp điện đã xây dựng được quy trình công nghệ nấu luyện hợp kim nhôm 6201 và sản xuất thử cáp hợp kim nhôm AAAC 7x2,7mm tại nhà máy sản xuất cáp điện. Sản phẩm hóa chất nhựa cao su: công nghệ chế biến mủ cao su thiên nhiên đạt tiêu chuẩn sản xuất lốp ô tô radial. Đây là kết quả của đề tài Nghiên cứu công nghệ chế biến mủ cao su thiên nhiên đạt tiêu chuẩn sản xuất lốp ôtô radial.

Sản phẩm đồ uống: các loại trà thảo mộc (chùm ngây, tía tô, lá vối); quy trình sản xuất sữa đậu nành bổ sung sữa bột nguyên kem và probiotic thay thế sữa cao năng lượng dành cho người bệnh nặng kém dung nạp lactose cần nuôi ăn bằng ống thông (sonde) và sữa đậu nành bổ sung sữa bột nguyên kem và probiotic. Đây được xem là quy trình có giá trị nhân văn trong việc ứng dụng bổ sung dinh dưỡng rộng rãi cho bệnh nhân nặng có thu nhập thấp (giá thành sản phẩm thấp hơn gần 50% so với giá sản phẩm cùng loại trên thị trường).

+ Trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử viễn thông, các nghiên cứu hướng đến tạo ra các sản phẩm thông minh phục vụ đề án “Đô thị thông minh” và “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV” dựa trên nền tảng công nghệ IoT, Blockchain, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo; an ninh thông tin; công nghiệp vi mạch bán dẫn và cảm biến.

Có thể kể đến Công nghệ thiết kế, chế tạo bộ đèn LED và giải pháp quản lý chiếu sáng thông minh đồng bộ. Sản phẩm đang được triển khai thử nghiệm tại Đại học Quốc gia, Khu Công nghệ cao TP.HCM và định hướng áp dụng rộng rãi trên địa bàn Thành phố, phục vụ cho Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh. Từ kết quả nghiên cứu, Trường Đại học Bách Khoa tiếp tục hợp tác cùng Công ty Điện Quang triển khai dự án sản xuất thử nghiệm, tiến đến việc thương mại hóa và cung cấp sản phẩm ra thị trường. Thiết bị điều khiển tiết giảm năng lượng cho hệ thống chiếu sáng dùng đèn cao áp, đã được triển khai lắp đặt thử nghiệm ở Quận 6, giúp tiết kiệm khoảng 40% tổng năng lượng cho chiếu sáng. Kết quả nghiên cứu là nền tảng cho Công ty TNHH Vilight phát triển và hoàn thiện sản phẩm kinh doanh chiến lược của đơn vị, giúp doanh nghiệp đạt doanh thu khoảng 22 tỷ đồng. Trong năm 2018, trên cơ sở các sản phẩm mang hàm lượng KH&CN cao, Công ty TNHH Vilight đã được Sở KH&CN cấp Giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH&CN. Mẫu ki-ốt căn-tin giao dịch thanh toán tự động, hệ thống bán và kiểm soát vé tự động đã được triển khai áp dụng trong trường học, phục vụ giao dịch thanh toán và quản lý cho khu nghỉ dưỡng, bến xe, doanh nghiệp. Đây là kết quả của đề tài Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ và thiết kế, chế tạo hệ thống máy giao dịch thanh toán linh hoạt đa năng. Công nghệ bảo mật hệ thống PACS (Picture Archiving and Communication System) ứng dụng chẩn đoán hình ảnh số và Hệ thống phần mềm khai thác dữ liệu DICOM trên nền Web phục vụ hội chẩn y tế qua thiết bị Mobile và Smart tivi do công ty Cổ phần công nghệ thông minh Ưu Việt (INext) nghiên cứu phát triển, hiện đã được ứng dụng tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Thành phố,…

07HDKHLVNCKH20162020h2.jpg

+ Trong lĩnh vực vật liệu mới, nhiều nghiên cứu thành công và triển khai thương mại hóa sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp năng lượng, xây dựng, cơ khí chế tạo máy, điện tử, hóa dược. Một số sản phẩm tiêu biểu như: bột nanolycopen ứng dụng vào sản xuất viên nang chống nắng; keo tản nhiệt từ nền vật liệu carbonnanotube và graphen để ứng dụng trong các thiết bị điện tử; công nghệ MEMS trong chế tạo linh kiện cảm biến áp suất,…

+ Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ nền tạo được các quy trình công nghệ, sản phẩm phục vụ các lĩnh vực công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường, đặc biệt nghiên cứu gen trong việc chọn giống cây, giống con chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Các nghiên cứu phục vụ chương trình giống, cây con chất lượng cao giai đoạn 2016-2025, qua đó đã góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp Thành phố phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, làm chủ công nghệ sản xuất giống cây, giống con và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Giai đoạn 2016-2020, các nghiên cứu về nhân giống, chọn tạo giống đã góp phần sản xuất 71.198,4 tấn hạt giống các loại của 38 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn Thành phố (trong đó có 11.000 tấn hạt giống rau), đáp ứng khoảng 1 triệu ha đất gieo trồng. Đồng thời lai tạo thành công các tổ hợp lai giữa nhóm lan nhập nội và nhóm lan rừng và chọn lọc 20 dòng lai được vào mẫu để nhân giống, công nhận giống mới và sản xuất cung cấp cho thị trường; xây dựng bộ sưu tập nguồn gen gồm 360 mẫu giống hoa lan các loại (lan rừng Việt Nam và lan ngoại nhập), 124 mẫu giống kiểng lá, 77 mẫu giống hoa nền, 100 mẫu giống dược liệu, trong đó có nhiều mẫu giống quý hiếm, phục vụ công tác bảo tồn, lai tạo giống mới và nhân giống cho sản xuất phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

07HDKHLVNCKH20162020h1.jpg

+ Trong lĩnh vực nông nghiệp, một số kết quả nghiên cứu đáng chú ý như Thu thập và thuần dưỡng các loài cá tỳ bà bướm (Sewellia sp) đã điều tra điều kiện tự nhiên về nơi phân bố, đặc điểm sinh học, sinh sản của loài và tình hình khai thác các loài cá tỳ bà bướm tại các tỉnh miền Nam Trung bộ. Đề tài có thể chuyển giao quy trình thuần dưỡng cho các hộ nuôi cá cảnh, góp phần bảo tồn chuyển vị nguồn cá ngoài tự nhiên đang bị suy giảm và có nguy cơ tuyệt chủng. Kết quả nghiên cứu được Trại cá cảnh Tân Xuyên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao ứng dụng trực tiếp vào hoạt động sản xuất. Đề tài Đánh giá tác động môi trường của việc nuôi hàu (Crassostrea spp.) bằng vỏ xe đã xây dựng được các phân vùng nghiên cứu, trạm thu mẫu và bố trí thí nghiệm theo điều kiện sinh thái, môi trường và kỹ thuật nuôi hàu; nghiên cứu được một số giải pháp để giảm thiểu tác động xấu và phát triển bền vững nghề nuôi hàu ở Cần Giờ. Kết quả nghiên cứu được huyện Cần Giờ ứng dụng để chuyển giao cho các vùng nuôi hàu. Đề tài Tạo vi nhũ tương (Chitosan - dầu neem - dầu vỏ hạt điều) sử dụng để phòng chống mọt gạo (Sitophilus oryzae) đã tiêu chuẩn hoá được nguồn nguyên liệu dầu vỏ hạt điều và nghiên cứu được quy trình tạo dung dịch vi nhũ chitosan-neem, tạo chế phẩm; thử nghiệm diệt mọt gạo (Sitophilus oryzae) quy mô phòng thí nghiệm và thử nghiệm trong kho chứa nhỏ; đánh giá được hiệu quả kinh tế; đánh giá độc tính của chế phẩm chitosan-neem dạng lỏng và dạng viên nén xông hơi. Kết quả nghiên cứu có thể chuyển giao cho doanh nghiệp sản xuất. Ngoài ra, các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN hỗ trợ chương trình phát triển sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao mô hình, phục vụ phát triển nhóm sản phẩm thủy sản chủ lực và nhóm sản phẩm có tiềm năng ngành nông nghiệp của Thành phố. Cụ thể như rau, hoa - cây kiểng: quy trình trồng rau ăn lá, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trồng hoa (hương thảo, dừa cạn, hoa đồng tiền, hoa chuông, dạ yến thảo,…); heo (con giống, thịt): chọn lọc giống lợn Yorkshire và Landace có khả năng sinh sản cao; quy trình nuôi các loại thủy hải sản (tôm tít, tôm thẻ chân trắng, cua, cá);…

+ Trong lĩnh vực y tế, đã nghiên cứu và ứng dụng thành công những kỹ thuật tiên tiến của thế giới trong chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao, sinh học phân tử và ứng dụng robot, laser trong phẫu thuật và vi phẫu thuật. Mô hình tiên lượng tử vong ở bệnh nhân chấn thương đã xác định các yếu tố tiên lượng tử vong sớm (trong 24 giờ đầu) và tử vong trong bệnh viện (30 ngày) ở bệnh nhân chấn thương. Sản phẩm của nhiệm vụ (Xây dựng mô hình tiên lượng tử vong ở bệnh nhân chấn thương vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy) giúp cung cấp thêm dữ liệu cho cấp quản lý về tình hình chấn thương, nhằm tìm các giải pháp phòng ngừa chấn thương và giảm tỷ lệ tử vong do chấn thương.

+ Trong lĩnh vực môi trường và đô thị, đã Thiết kế và chế tạo thiết bị quan trắc ngập tại các điểm thường xuyên ngập nặng, kết quả nghiên cứu được Trạm Thủ Dầu Một (Bình Dương) và 3 điểm ngập nặng tại Quận 2, Quận Thủ Đức, Quận 9 (TP.HCM) ứng dụng. Đánh giá được Tác động xã hội của các đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn Thành phố, làm cơ sở khoa học đề xuất chính sách thu phí phù hợp hơn trong thời gian tới. Xây dựng được Phương pháp luận quy hoạch hệ thống chiếu sáng công cộng bằng đèn LED, đây là cơ sở để giúp cho cơ quan quản lý có tài liệu hướng dẫn chuyên sâu, giúp tiết kiệm thời gian và ngân sách trong việc đánh giá, thẩm định các tiêu chuẩn của các dự án chiếu sáng công cộng. Kết quả nghiên cứu về Bản đồ lan truyền ô nhiễm đối với nguồn nước đã ứng dụng các phần mềm hiện đại, giúp nhà quản lý giảm thiểu chi phí giám sát môi trường hàng năm, giúp dân cư sống phụ thuộc vào hệ thống sông/kênh nhận diện và giảm thiểu được rủi ro về sức khỏe từ nguồn nước bị ô nhiễm. Thông qua nhiệm vụ đã cung cấp công cụ và giải pháp hỗ trợ cho các nhà quản lý, giám sát môi trường trên địa bàn Thành phố.

Giai đoạn 2021 - 2025, hoạt động KH&CN TP.HCM gắn liền với nhiệm vụ tái cấu trúc các chương trình nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực KH&CN. Mục tiêu của chương trình tái cấu trúc là thực hiện có hiệu quả các chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm; nghiên cứu ứng dụng, phát triển, giải mã và chuyển giao một số công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV để tạo ra các sản phẩm phục vụ doanh nghiệp và các đề án đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố; gắn kết các thành phần để hình thành hệ sinh thái hợp tác giữa khu vực nghiên cứu với khu vực công nghiệp nhằm tạo lập môi trường thúc đẩy phát triển công nghệ, làm chủ công nghệ, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm; đưa Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo vào hoạt động và sẽ là cầu nối giữa khu vực nghiên cứu với khu vực công nghiệp, đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ cho các ngành công nghiệp, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các trường, viện và hợp tác với các tổ chức quốc tế nghiên cứu phát triển công nghệ;…

Theo đó, các chương trình nghiên cứu KH&CN giai đoạn 2021 – 2025 gồm: nghiên cứu ứng dụng công nghệ phục vụ đô thị thông minh và chuyển đổi số; nghiên cứu phát triển công nghệ công nghiệp; nghiên cứu chăm sóc sức khỏe; nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao; nghiên cứu quản lý và phát triển đô thị; chương trình Vườn ươm khoa học và công nghệ Trẻ.

Lam Vân (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378