SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

04-07-2024
Kết quả nhiệm vụ là cơ sở để TP.HCM xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030; xây dựng và quy hoạch phát triển, thực thi các chính sách quản lý Nhà nước đối với ngành chế biến lương thực thực phẩm ở TP.HCM.

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ "Nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Đây là nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Sở Công thương TP.HCM chủ trì thực hiện, PGS.TS. Mai Thanh Phong và ThS. Trần Anh Hào làm chủ nhiệm.

Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, nhiệm vụ được thực hiện với mục tiêu tổng quát là nghiên cứu các luận cứ khoa học giúp hình thành chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kết quả của nhiệm vụ đã cung cấp các báo cáo quan trọng như Báo cáo phân tích thực trạng ngành chế biến lương thực thực phẩm TP HCM; Báo cáo phân tích dự báo các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm của TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo phân tích Chiến lược phát triển các công nghệ lõi của ngành chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo tổng hợp đề án xây dựng Chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Dự thảo Chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

T7NGHIEMTHUCHEBIENTHUCPHAMh1.jpg

Chế biến lương thực thực phẩm là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của TP.HCM. Ngành chế biến lương thực thực phẩm được phân thành 2 ngành nhỏ là chế biến thực phẩm và chế biến đồ uống. Trong đó, ngành chế biến thực phẩm là thế mạnh của Thành phố, với quy mô tương đối lớn xét trong toàn ngành công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm với quy mô số lượng lao động và quỹ lương gia tăng. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành này liên tục dao động trong giai đoạn 2017 – 2022, là ngành có giá trị gia tăng (VA) chiếm 8,08% toàn ngành công nghiệp, lớn nhất trong nhóm các ngành chế biến lương thực thực phẩm. Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động có doanh thu chiếm 6,20%; lao động chiếm 8,78%; tài sản cố định chiếm 6,94%; doanh thu chiếm 11,24%; lợi nhuận chiếm 23,60% toàn ngành công nghiệp năm 2021. Mức đóng góp của các nhân tố phản ánh ngành chế biến thực phẩm vẫn tăng trưởng chủ yếu dựa vào sự gia tăng vốn cố định. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến đồ uống có VA chiếm 5,51%; số lượng doanh nghiệp đang hoạt động có doanh thu chiếm 1,34%; lao động chiếm 1,30%; tài sản cố định chiếm 3,83%; doanh thu chiếm 5,73%; lợi nhuận chiếm 16,82% toàn ngành công nghiệp. Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh 2017 – 2019, ngành chế biến đồ uống có dấu hiệu đi xuống về tất cả các chỉ tiêu, đặc biệt là giá trị sản xuất (GO), VA và lợi nhuận.

Các kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy, xuất khẩu của TP.HCM trong ngành lương thực thực phẩm có sự tăng trưởng về sản phẩm đồ uống và một số loại thực phẩm. Tuy nhiên, nhìn chung toàn ngành lại có sụt giảm khoảng 2-4% so với các năm trước do sức mua trên toàn cầu yếu. Nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ, chưa phát triển chuỗi, hạn chế về công nghệ số... Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều thách thức về phát triển thị trường và tiếp cận người tiêu dùng, cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Nguyên nhân là do ảnh hưởng từ lạm phát, xung đột quân sự kéo dài ở một số khu vực trên thế giới. Xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm tại một số thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU… đã khiến đơn hàng xuất khẩu giảm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp. Ở thị trường nội địa, mặc dù doanh nghiệp đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, kết nối xúc tiến thương mại nhưng sức mua vẫn còn yếu, chỉ số tiêu thụ lương thực thực phẩm giảm.

Qua quá trình nghiên cứu, phân tích số liệu phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm trong 5 năm gần đây, tổng hợp các báo cáo phân tích hiện trạng, tìm hiểu xu thế công nghệ của ngành, khảo sát điều tra, phỏng vấn chuyên sâu doanh nghiệp đang hoạt động, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã phân tích rõ điểm nghẽn của ngành chế biến lương thực thực phẩm xoay quanh các vấn đề về thiếu tự chủ về nguồn nguyên liệu và liên kết vùng nguyên liệu; thiếu hụt về số lượng và chất lượng người lao động; hạn chế về phát triển công nghệ và thiết bị; hệ thống logistics chưa hoàn thiện và hiệu quả; các vấn đề về môi trường chưa được quan tâm; rào cản về vốn; xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh lân cận do diện tích đất thu hẹp và giá thuê đất. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra nguyên nhân, cách khắc phục, bài học kinh nghiệm thoát nghẽn cho TP.HCM; nêu dự báo ảnh hưởng đến sự phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm thông qua phân tích các yếu tố trong và ngoài nước như thu nhập người dân và mức chi tiêu gia tăng, nhận thức về sức khỏe và tiêu dùng, yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, nguồn nguyên liệu, năng lượng, biến đổi khí hậu...

T7NGHIEMTHUCHEBIENTHUCPHAMToancanh.jpg

Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sáng 4/7/2024.

Bài học kinh nghiệm cho TP.HCM: hoàn thiện thể chế hóa khung pháp lý doanh nghiệp tạo điều kiện cho việc kinh doanh, sản xuất trong điều kiện mới và những thay đổi trong thời đại công nghệ hóa, hiện đại hóa ngày nay; xây dựng khu vực, trung tâm tập trung phát triển khoa học công nghệ làm đầu tàu, tăng cường đầu tư hợp tác nghiên cứu phát triển giữa doanh nghiệp và các trung tâm nghiên cứu, làm đầu mối chuyển giao công nghệ nhằm phát triển nguồn lực để phát triển sản phẩm và công nghệ trong sản xuất; ứng dụng phát triển công nghệ trong sản xuất, quản lý, phân phối, kinh doanh; phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, hỗ trợ nông nghiệp để đảm bảo nguồn cung theo hướng phát triển xanh và bền vững; cải thiện các quy định, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo kịp với các tiêu chuẩn thế giới; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cả về số lượng lẫn chất lượng; đẩy mạnh liên kết phát triển theo chuỗi, logistics, từ nguyên liệu đến sản phẩm đến tay người tiêu dùng; thiết kế hệ thống quản lý và kiểm soát chất lượng hiệu quả; tăng cường thúc đẩy thu hút đầu tư, các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, nguồn vốn.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, trọng tâm của nhiệm vụ này là xác định các sản phẩm và công nghệ chủ lực, tập trung phát triển của ngành chế biến lương thực thực phẩm đến năm 2030; xác định các quan điểm, mục tiêu, phương án, giải pháp nhằm phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm đến năm 2030 và xa hơn.

Theo đó, các nhóm công nghệ chính được đề xuất gồm: nhóm công nghệ chế biến (công nghệ in 3D, ép đùn, công nghệ nano, công nghệ áp suất cao…); nhóm công nghệ sau thu hoạch (thị giác máy tính, xung tia UV, giám sát thời gian thực…); nhóm công nghệ trong điều khiển và quản lý sản xuất (số hóa, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo trong phân tích thực phẩm, công nghệ nano, sắc ký hiện đại, kỹ thuật và phương pháp phân tử dựa trên DNA, cảm biến sinh học, quang phổ); nhóm công nghệ bao gói (công nghệ chân không, in 3D, bao gói thông minh…); nhóm công nghệ trong vận hành hệ thống kho và vận chuyển (robot, xe dẫn đường tự động, bản đồ số logistic…); nhóm công nghệ trong quản lý chất lượng (phân tích không phá hủy, Internet vạn vật - IoT, dữ liệu lớn, máy học, trí tuệ nhân tạo, truy xuất và xác thực nguồn gốc, công nghệ nano, thẻ RFID nhận dạng tần số vô tuyến…).  

Về giải pháp phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm đến năm 2030 và xa hơn, nhóm nghiên cứu đề xuất một số nội dung như: hướng đến chế biến theo chiều sâu, đa dạng hóa sản phẩm; tăng năng lực khai thác những điều kiện thuận lợi như vị trí địa lý trung tâm kinh tế, đầu mối giao thương; triển khai các giải pháp bảo vệ thị trường ngành chế biến lương thực thực phẩm; đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ ổn định sản xuất, mặt bằng sản xuất, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại. Đặc biệt, cần chú trọng đầu tư công nghệ tự động hóa, hệ thống quản lý chất lượng và nguồn nhân lực, nhằm tối ưu hóa sản xuất, chi phí sản xuất, số hóa sản xuất. Cùng với đó, xu hướng ngành yêu cầu doanh nghiệp phải không ngừng thích ứng với chuỗi cung ứng, sản phẩm cá nhân hóa, đảm bảo môi trường bền vững. Ngoài ra, phát triển khu vực hệ thống kho lạnh, kho dự trữ bảo quản cho ngành chế biến lương thực thực phẩm. Mặt khác, các đơn vị liên quan cần khẩn trương thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, giúp xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới vào quá trình sản xuất, đầu tư cho thương mại điện tử, nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ.    

Minh Nhã (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378