SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển ngành cơ khí - tự động hóa TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

28-05-2024
Kết quả nhiệm vụ là cơ sở để TP.HCM xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030; xây dựng và quy hoạch phát triển, thực thi các chính sách quản lý nhà nước đối với ngành cơ khí - tự động hóa ở TP.HCM.

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ "Nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển ngành cơ khí - tự động hóa TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Đây là nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Sở Công thương TP.HCM chủ trì thực hiện, PGS.TS. Trần Thiên Phúc và ThS. Nguyễn Thị Kim Ngọc làm chủ nhiệm.

Theo nhóm nghiên cứu, nhiệm vụ được thực hiện với mục tiêu tổng quát là nghiên cứu các luận cứ khoa học giúp hình thành chiến lược phát triển ngành cơ khí - tự động hóa (CK-TĐH) Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kết quả của nhiệm vụ đã cung cấp các báo cáo quan trọng như Báo cáo tổng hợp đề án xây dựng chiến lược phát triển ngành cơ khí - tự động hóa ở TP.HCM đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo tóm tắt đề án xây dựng chiến lược phát triển ngành cơ khí - tự động hóa ở TP.HCM đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Dự thảo Chiến lược phát triển ngành cơ khí - tự động hóa ở TP.HCM đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Danh mục các dự án cần đầu tư để phát triển ngành cơ khí - tự động hóa ở TP.HCM đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

01KQNCLVNTDTnganhcokhitdhh202.jpg

Cụ thể, qua phân tích thực trạng ngành CK-TĐH ở TP.HCM cho thấy, CK-TĐH vẫn là ngành chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Thành phố, chiếm tỷ trọng 17.19% (năm 2022) trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp Thành phố. Trong giai đoạn từ năm 2010-2020, doanh nghiệp CK-TĐH trên địa bàn Thành phố có nhiều nỗ lực về đầu tư công nghệ, cải tiến sản phẩm, chủ động nguồn vốn; đã phát triển một số sản phẩm CK-TĐH tiêu biểu, có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng trong và ngoài nước, bao gồm CK-TĐH khuôn mẫu, CK-TĐH công nghệ cao, máy móc thiết bị và phụ tùng,…

Các nhóm sản phẩm chủ lực của ngành CK-TĐH là sản xuất từ kim loại đúc sẵn; sản xuất thiết bị điện; sản xuất xe có động cơ; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân loại vào đâu; sản xuất phương tiện vận tải khác. Trong đó, ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn có số lượng doanh nghiệp lớn, doanh thu nhóm ngành cao, nhưng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh còn khá nhỏ. Nhìn chung, các sản phẩm của ngành CK-TĐH tỷ suất lợi nhuận chưa cao, chủ yếu vẫn dựa vào lao động; năng lực làm chủ công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, dễ chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài (nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu); lực lượng lao động có trình độ, được đào tạo bài bản chiếm tỷ lệ chưa lớn, chế độ đãi ngộ khó cạnh tranh với công ty nước ngoài; nguồn nguyên liệu sản xuất đa số còn nhập khẩu, giá thành cao, cơ sở hạ tầng chưa đồng đều;… Ngoài ra, năng lực thiết bị và công nghệ hiện tại ngành CK-TĐH thích hợp với chế tạo kết cấu và sửa chữa. Một số doanh nghiệp nhóm máy động lực, CK-TĐH ô tô, xe máy có dây chuyền sản xuất với nhiều thiết bị chuyên dụng nhưng chưa sản xuất được nhiều chi tiết có yêu cầu kĩ thuật cao. Mặc dù ngành CK-TĐH vẫn là đầu tàu phát triển của vùng phía Nam và cả nước nhưng có xu hướng mất vị thế. Các doanh nghiệp CK-TĐH phần lớn chưa làm chủ được nguồn vốn, đa phần thiếu hụt vốn, công nghệ lạc hậu, đơn giản,… Trước những tác động mạnh mẽ của làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), doanh nghiệp CK-TĐH đối diện không ít thách thức trong việc cải tiến công nghệ, bắt kịp xu hướng, nâng cao trình độ lao động, chất lượng cơ sở hạ tầng, để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Qua quá trình nghiên cứu, phân tích số liệu phát triển ngành CK-TĐH trong giai đoạn từ năm 2010-2022, tổng hợp các báo cáo phân tích hiện trạng, tìm hiểu xu thế công nghệ của ngành, khảo sát điều tra, phỏng vấn chuyên sâu doanh nghiệp đang hoạt động, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã phân tích rõ điểm nghẽn của ngành CK-TĐH xoay quanh các vấn đề về đổi mới công nghệ, thiếu nhân lực chất lượng, nguồn lực hạ tầng, cạnh tranh quốc tế. Đồng thời chỉ ra nguyên nhân, cách khắc phục, bài học kinh nghiệm thoát nghẽn cho TP.HCM; nêu dự báo ảnh hưởng đến sự phát triển ngành CK-TĐH thông qua phân tích các yếu tố trong nước và ngoài nước như xoay trục Châu Á - Thái Bình Dương, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, việc đứt gãy chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu, tác động của CMCN 4.0 và trí tuệ nhân tạo (AI), yếu tố môi trường ngành, yếu tố môi trường bên trong doanh nghiệp, hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, các chính sách phát triển xanh, bền vững Việt Nam đã cam kết thực hiện đến năm 2050.

Trong đó, về điểm nghẽn đổi mới công nghệ, việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ CK-TĐH còn hạn chế, dẫn đến các doanh nghiệp không có đủ tài nguyên và sự hỗ trợ để áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quy trình sản xuất. Nguồn vốn đầu tư vào hoạt động khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo vẫn còn ở mức thấp, chỉ chiếm 2,1% trên tổng nguồn vốn đầu tư (năm 2021). Việc chuyển giao công nghệ cũng gặp nhiều khó khăn, các công nghệ mới và tiên tiến chưa được áp dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp cơ khí TP.HCM do hạn chế về tài chính,… Về nguồn lực hạ tầng, có đến 72% doanh nghiệp ngành CK-TĐH nằm xen kẽ ở các khu dân cư, số doanh nghiệp nằm trong các khu/cụm công nghiệp là 28%, nhưng tại các khu/cụm này chưa hình thành được các mạng lưới liên kết chuỗi cung ứng cho ngành. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành CK-TĐH có mặt bằng sản xuất kết hợp với nhà ở nên không gian sản xuất chật hẹp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc đầu tư mặt bằng sản xuất mới cần vốn đầu tư lớn và rủi ro cao nên doanh nghiệp có xu hướng gắn bó với mặt bằng sản xuất chật hẹp, vì vậy khó đáp ứng được các đơn hàng lớn và khó tiếp cận cơ hội kinh doanh. Về khả năng cạnh tranh quốc tế, nhóm nghiên cứu phân tích một số thách thức và yếu tố cạnh tranh trong ngành cơ khí hiện nay gồm công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh, thương hiệu và tiếp thị.

01KQNCLVNTDTnganhcokhitdhh303.jpg

Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ tại Sở KH&CN TP.HCM chiều 24/5/2024

Bài học kinh nghiệm cho TP.HCM: khuyến khích đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến là yếu tố quan trọng để thoát khỏi điểm nghẽn của ngành cơ khí - tự động hóa. Bên cạnh đó, tạo môi trường ủng hộ, khuyến khích hợp tác giữa các bên liên quan, thiết lập quy định và chuẩn mực chất lượng, đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực,… Thời gian tới, ngành CK-TĐH Thành phố cần tập trung một số vấn đề như: xác định việc tạo dựng thị trường là yếu tố tiên quyết, xử lý tình trạng gian lận thương mại, nhập khẩu tràn lan thiết bị đã qua sử dụng; tạo dựng nguồn vốn vay dài hạn, lãi suất ưu đãi theo đặc thù sản xuất cho các doanh nghiệp ngành CK-TĐH; có chính sách hỗ trợ sản xuất và khuyến khích tiêu thụ sản phẩm CK-TĐH trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế; triển khai các chương trình kết nối kinh doanh, tăng cường liên kết, liên doanh giữa doanh nghiệp trong nước với nhau và với doanh nghiệp lớn trên thế giới để tiếp nhận công nghệ và tiêu chuẩn hóa sản phẩm;...

Nhóm nghiên cứu cho biết, trọng tâm của nhiệm vụ này là phân tích chiến lược phát triển ngành bao gồm phân tích chiến lược phát triển công nghệ lõi của ngành, tiêu chí lựa chọn sản phẩm chiến lược, tiêu chí lựa chọn sản phẩm tiềm năng, các công nghệ cần tập trung nghiên cứu, phát triển. Kết quả, đã đề xuất các sản phẩm chiến lược cho Thành phố, gồm nhóm các sản phẩm công nghiệp chủ lực (Thành phố đủ điều kiện để phát triển) và nhóm các sản phẩm công nghiệp tiềm năng (định hướng phát triển các sản phẩm chiến lược trong tương lai); hoàn thành Dự thảo Chiến lược phát triển ngành cơ khí - tự động hóa TP.HCM đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, mục tiêu dài hạn đến năm 2050, định hướng phát triển công nghệ, sản phẩm ưu tiên và 7 nhóm giải pháp để thực hiện chiến lược.

Trong đó, nhóm các sản phẩm công nghiệp chủ lực định hướng các loại sản phẩm ưu tiên phát triển cho ngành CK-TĐH là: thép kết cấu; cơ khí chính xác, thiết kế chế tạo khuôn mẫu; cơ khí nông nghiệp; máy, thiết bị phục vụ tự động hóa sản xuất; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; sản xuất thiết bị điện. Nhóm các sản phẩm công nghiệp tiềm năng gồm các sản phẩm cơ khí cung cấp cho các dự án công trình giao thông đô thị, đường sắt đô thị; thiết kế, chế tạo vi mạch; phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Các nhóm giải pháp để thực hiện chiến lược bao gồm: (1) giải pháp phát triển nguồn nhân lực; (2) giải pháp phát triển khoa học công nghệ; (3) giải pháp về hỗ trợ và thu hút vốn đầu tư; (4) giải pháp về hỗ trợ mặt bằng sản xuất; (5) giải pháp về các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, truyền thông, kết nối cung cầu sản phẩm; (6) giải pháp về cơ chế, chính sách; (7) giải pháp cụ thể đối với các sản phẩm ưu tiên phát triển.

Lam Vân (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378