Phát triển bền vững nghề nuôi yến tại TP.HCM
26-10-2022Đầu tư về công nghệ, giải pháp quản lý hiệu quả sẽ giúp nghề nuôi yến tại TPHCM phát triển bền vững.
Hiện nay, nuôi yến tại TP.HCM được xác định là một trong những nghề tiềm năng, có khả năng thu nguồn lợi kinh tế cao. Vì vậy, trong những năm qua số lượng nhà nuôi yến tăng lên rất nhanh ở các quận huyện. Có tất cả 19 quận/huyện ghi nhận có nhà yến với tổng số 727 nhà. Trong đó, nhiều nhất là tại huyện Cần Giờ với 496 nhà (chiếm 70%), quận 9 cũ (nay là TP.Thủ Đức) với 62 nhà (chiếm 8,7%), Nhà Bè với 31 nhà (chiếm 4,3%). Các quận/huyện khác có số lượng nhà yến dưới 30 chiếm 17% tổng số lượng nhà yến trên toàn thành phố.
Một số nhà nuôi yến trên địa bàn TPHCM
TP.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi để nuôi yến như địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu ôn hòa với nền nhiệt độ cao và tương đối ổn định trong năm. Bên cạnh đó, tần suất xuất hiện của bão ít và ít chịu ảnh hưởng của bão là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi yến trong nhà trên địa bàn. Bên cạnh đó, TP.HCM có diện tích đất nông nghiệp còn nhiều (42,1% tổng cơ cấu đất đai của thành phố), thị trường tiêu thụ lớn, nhiều cơ hội ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi yến,…
Tuy nhiên, việc nuôi yến tại TP.HCM vẫn còn gặp nhiều khó khăn như tốc độ đô thị hóa nhanh làm giảm nguồn cung cấp thức ăn, môi trường sống tự nhiên của yến; chi phí đầu tư lớn, mức độ rủi ro cao trong quá trình nuôi;… Ngoài ra, việc phát triển các nhà nuôi chim yến phân tán chưa tập trung trong các vùng quy hoạch phần lớn còn mang tính tự phát nhỏ lẻ, nên các mối quan hệ sản xuất còn ở mức thấp chưa hình thành các mối liên kết tạo chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm và thương hiệu yến sào.
Trong khi đó, các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển và tái cơ cấu nông nghiệp chưa cụ thể đối với nghề nuôi yến trong nhà, đặc biệt là nguồn vốn vay để đầu tư cũng như tái sản xuất đối với nghề nuôi yến trong nhà. Bên cạnh đó, TP.HCM chưa có kế hoạch phát triển nghề nuôi chim yến nhà nên khó khăn cho địa phương trong việc quản lý các nhà yến mới và nhà yến cải tạo lại.
Lẽ đó, dù nghề nuôi yến tại TP.HCM đã mang lại nguồn thu đáng kể cho các hộ dân. Tuy nhiên, theo đánh giá tác động của nghề nuôi chim yến tới môi trường - xã hội của nhiệm vụ "Nghiên cứu hiện trạng, và đề xuất giải pháp quản lý, phát triển bền vững nghề nuôi yến ở TPHCM" do Viện sinh học nhiệt đới làm cơ quan chủ trì thực hiện, thì nhà nuôi yến tại khu vực nông thôn, đô thị, tập trung đông dân cư, việc phát loa dẫn dụ ảnh hưởng lớn tới khu dân cư xung quanh.
Khu vực có nhà nuôi yến, càng ra xa thì mức độ ảnh hưởng càng giảm. Các nhà yến tại khu vực nông thôn, ít dân cư mức độ ảnh hưởng thấp, càng ra xa hầu như không có sự ảnh hưởng. Trong đó, độ ồn trung bình tại khu vực nhà nuôi yến ở Cần Giờ và phường Long Phước, quận 9 cũ (nay là TP Thủ Đức) cao hơn QCVN 26, lần lượt là 71,1 và 71,4 DbA. Đa số các nhà yến nằm trong khu vực nội thành, đông dân cư đều gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh như tiếng ồn mở liên tục, mùi hôi từ lông và phân chim yến. Chính quyền địa phương tại các khu vực này đang có phương án không cấp phép cho nhà yến mới, tiến tới ngưng hoạt động các cơ sở nuôi yến gây ô nhiễm, kém hiệu quả. Đối với vi sinh vật gây bệnh, cho thấy, nhóm vi khuẩn Samonella, khu vực nhà yến có tỷ lệ là 11/30, mật độ nhóm vi khuẩn Samonella ghi nhận được tương đối cao với giá trị trung bình là 6,36 ± 1,24 CFU/25 g đất.
Nhà yến trong khu dân cư (trái) và trong khu vực nuôi tôm tại huyện Cần Giờ
Để đáp ứng được nhu cầu phát triển và phương thức quản lý thích hợp nghề nuôi yến ở TP.HCM, cần có các nghiên cứu liên quan đến đánh giá và đề xuất các vùng nuôi, kỹ thuật nuôi, kỹ thuật sau thu hoạch, phương thức quản lý vừa có hiệu quả kinh tế vừa đáp ứng được giảm thiểu tác động đến môi trường và con người. Trên cơ sở đó, nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu hiện trạng, và đề xuất giải pháp quản lý, phát triển bền vững nghề nuôi yến ở TPHCM” đã được triển khai bởi thạc sỹ Lương Đức Thiện và cộng sự tại Viện sinh học nhiệt đới.
Tăng lợi nhuận nhờ đầu tư công nghệ
Qua khảo sát của nhóm thực hiện nhiệm vụ cho thấy, kỹ thuật, thiết kế và vật liệu thi công nhà yến tại TP.HCM khá đa dạng, nhiều chủng loại, thay đổi và sáng tạo liên tục,nhằm đáp ứng cho điều kiện thời tiết tại TP.HCM và tăng năng suất cũng như chất lượng tổ yến sau khi thu hoạch. Cụ thể, như nhà mái vòm, mái bằng, kết cấu bằng tôn hoặc bê tông. Vật liệu cho chim bám vào làm tổ có thể là xi măng, gỗ hoặc vật liệu khác.
Bên trong một nhà yến tại huyện Cần Giờ, TP.HCM có sử dụng ván gỗ để tạo môi trường thuận lợi, thu hút chim yến làm tổ
Để dẫn dụ chim yến tại TP.HCM, thạc sỹ Lương Đức Thiện cho biết, các công nghệ thực hiện cũng khá đa dạng. Trong đó, với 3 phương pháp dẫn dụ chính là bằng âm thanh, phân chim yến và tạo mùi thu hút chim yến. Sự kết hợp của cả ba phương pháp này giúp cho việc thu hút chim yến vào nhà yến được hiệu quả hơn, từ đó làm tăng sản lượng tổ yến và doanh thu.
Công nghệ hỗ trợ quản lý nhà yến cũng khá đa dạng chủng loại, xuất xứ và không ngừng được cải tiến giúp việc vận hành nhà yến được hiệu quả hơn như hệ thống kiểm soát điều kiện không khí tự động, hệ thống camera giám sát và quản lý từ xa.
Hệ thống hẹn giờ tự động và âm thanh trong nhà yến
Qua khảo sát, nhóm thực hiện nhiệm vụ cho thấy, có hai phương thức nuôi yến trong nhà tại TP.HCM, là phương thức nuôi theo nhà yến kết hợp và phương thức nuôi theo nhà yến chuyên dụng.
Trong đó, phương thức nuôi chuyên dụng có sự đầu tư bài bản về hạ tầng cũng như công nghệ nuôi, giúp tăng chất lượng tổ yến thô tại các nhà nuôi yến. Tuy nhiên, chi phí đầu tư xây dựng và vận hành của nhà yến sử dụng phương thức kết hợp và chuyên dụng chênh lệch khá lớn. Tổng chi phí trung bình theo phương thức kết hợp khoảng 90 triệu đồng/năm, sản lượng trung bình khoảng kg/năm, doanh thu trung bình 160 triệu đồng/năm. Trong khi, tổng chi phí theo phương thức chuyên dụng khoảng 112 triệu đồng/năm, cho sản lượng trung bình 9 kg/năm và doanh thu khoảng 200 triệu đồng/năm.
Nâng cao hiệu quả và giảm thiểu tác động từ nghề nuôi yến
Qua khảo sát hiện trạng, đánh giá tác động của việc nuôi yến, nhóm tác giả cho rằng cần có quy hoạch cụ thể về vùng nuôi yến trên địa bàn thành phố và hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục pháp lý có liên quan đến tổ chức, cá nhân trong việc phát triển nghề nuôi chim yến tại thành phố theo đúng quy hoạch. Trong Bản đồ hiện trạng sử dụng đất tại TP.HCM năm 2020 cho thấy khu vực trung tâm TP.HCM tập trung dân cư khá đông, kéo dài qua phía Đông của các quận Bình Thạnh, quận 2 và quận 9 cũ (nay thuộc TP Thủ Đức), vì thế những khu vực này không thuận lợi cho việc phát triển nuôi chim yến.
Theo đó, 3 khu vực có tiềm năng lớn trong việc phát triển nghề nuôi yến tại TP.HCM là huyện Củ Chi, Cần Giờ và khu vực quận 9 cũ (nay là TP Thủ Đức), đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về vùng nuôi yến tiềm năng như: diện tích thảm thực vật lớn đảm bảo nguồn thức ăn (côn trùng) cho chim yến sinh sống và phát triển. Mật độ dân cư tại các khu vực này khá thưa thớt nên việc phát triển nghề nuôi yến ít ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.
Vùng nuôi yến cần có nhiều thảm thực vật và hệ thống sông bên cạnh
Ngoài ra, việc xây dựng tiêu chí đánh giá vị trí xây dựng nhà yến, giúp người nuôi xác định khu vực nên xây nhà yến, là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của nhà yến. Hiện nay, kích thước xây dựng nhà yến không có tiêu chí về kích thước nhất định, nhưng theo thống kê cho thấy, nhà yến kích thước chiều ngang tối thiểu trên 5m, chiều dài trên 20m cho sản lượng tổ yến cao hơn các nhà yến có kích thước nhỏ hơn. Về chiều cao của nhà yến, cần thiết kế chiều cao tầng dao động 3,5m đến 4,5m sẽ cho hiệu quả nuôi cao nhất.
Nhóm thực hiện khuyến nghị, cần xây dựng các quy trình, quy phạm và các tiêu chuẩn về chăn nuôi động vật thực hiện trên đối tượng chim yến. Hướng dẫn các tổ chức và cá nhân nuôi chim yến thực hiện đúng các quy định về sử dụng âm thanh dẫn dụ, công tác phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cấp phép xây dựng, quản lý chất lượng công trình đối với các trường hợp sử dụng nhà nuôi chim yến không đúng công năng. Phát hiện và xử lý triệt để các trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, cơi nới nhà ở thành nhà nuôi chim yến không khai báo với chính quyền địa phương và không nằm trong quy hoạch đã được UBND TP.HCM phê duyệt.
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất, trong thời gian tới, các hộ và đơn vị nuôi yến cần đặc biệt chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong nhà yến nhằm đem lại hiệu quả vận hành và tăng năng suất nuôi yến, như hệ thống phun sương hẹn giờ, hệ thống phát âm thanh hẹn giờ, hệ thống điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm bên trong nhà yến tự động. Ngoài ra, các giải pháp CNTT sẽ mang lại sử chủ động trong quản lý và vận hành điều kiện môi trường tự động như nhiệt độ, độ ẩm, âm thanh, đóng mở cửa tự động nhằm giảm bớt chi phí nhân công vận hành.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ấp nở, dẫn dụ và nuôi chim yến; quy trình chế biến sản phẩm từ tổ yến, truy xuất nguồn gốc của tổ yến để đảm bảo chất lượng và thương hiệu của tổ yến khi bán ra thị trường; Xây dựng cơ sở dữ liệu về các yếu tố bên trong nhà yến, kinh nghiệm nuôi yến từ các nhà yến thành công để tập hợp thành những quy chuẩn cụ thể trong xây dựng nhà yến.
Bên cạnh đó, cần có những nghiên cứu về nhân nuôi côn trùng phù hợp làm thức ăn bổ sung cho chim yến, bên cạnh đó cần nghiên cứu đánh giá các vùng tiềm năng có chim yến về làm tổ. Ngoài ra, có những nghiên cứu và đánh giá sự cân bằng giữa số lượng nhà yến nên xây dựng và quần thể đàn tại khu vực hiện có để tránh mất cân bằng dẫn đến năng suất của nhà yến thấp.
Thông tin liên hệ: Viện Sinh học nhiệt đới Địa chỉ: 9/621 Xa lộ Hà nội, P. Linh Trung, TP. Thủ Đức, TP.HCM E-mail: viensinhhocnd@gmail.com - ducthien38@yahoo.com Điện thoại: 028 39325995 - 0972452256 Website: http://www.itb.ac.vn |