Quang cảnh buổi làm việc tại Sở KH&CN TP.HCM, chiều 14/7.
Mở đầu buổi làm việc, ông Lê Thanh Minh đã giới thiệu khái quát về định hướng phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của TP.HCM. Theo đó, Thành phố đang tích cực chuyển dịch sang mô hình kinh tế tri thức, với khoa học - công nghệ được xác định là động lực tăng trưởng then chốt. Các lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch, công nghệ sinh học, sản xuất thông minh và công nghệ thông tin đang được ưu tiên đầu tư và hỗ trợ từ nhiều cơ chế chính sách mới.
Đáng chú ý, Thành phố đã khởi động các sáng kiến trọng điểm như Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, sàn giao dịch công nghệ, sandbox thử nghiệm công nghệ và các chương trình nghiên cứu trung hạn. Thành phố cũng nỗ lực thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, gắn đổi mới sáng tạo với phát triển kinh tế địa phương và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Ông Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM (ngồi giữa) phát biểu tại buổi làm việc.
Giáo sư Ali Abbas chia sẻ rằng Đại học Sydney - hiện xếp hạng thứ 25 thế giới theo QS Rankings - là một trung tâm học thuật đa ngành mạnh về kỹ thuật, khoa học vật liệu, y sinh, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng và năng lượng. Với hơn 6.000 sinh viên và khoảng 1.000 nghiên cứu sinh sau đại học trong khối kỹ thuật, trường có hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại và nhiều trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế.
Giáo sư Ali Abbas đặc biệt nhấn mạnh chiến lược phát triển công nghệ lõi phục vụ lợi ích cộng đồng mà Đại học Sydney đang theo đuổi. Theo ông, sự tương đồng trong định hướng chiến lược giữa trường và TP.HCM, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ xanh, công nghệ thông minh và kỹ thuật y sinh, tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác bền vững và hiệu quả.
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi cụ thể các hướng hợp tác tiềm năng, chủ yếu tập trung vào ba trụ cột: thành lập trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm liên kết, phát triển các chương trình đào tạo nhân sự ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ và xây dựng nền tảng thúc đẩy thương mại hóa công nghệ - từ ươm tạo khởi nghiệp đến kết nối đầu tư.
Sở KH&CN TP.HCM thể hiện rõ mong muốn Đại học Sydney sẽ đóng vai trò đồng hành trong việc đào tạo chuyên gia đầu ngành, đặc biệt là trong các lĩnh vực Thành phố còn thiếu nhân lực chất lượng cao như AI, an ninh mạng, công nghệ sinh học, vật liệu mới. Việc tiếp nhận chuyên gia từ Đại học Sydney đến giảng dạy và nghiên cứu tại TP.HCM được đánh giá là rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Về phía mình, Đại học Sydney cũng bày tỏ quan tâm đặc biệt đến mô hình Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM - dự kiến đưa vào hoạt động chính thức trong tháng 8 năm nay. Nhà trường sẵn sàng hỗ trợ Thành phố về mặt chuyên gia, công nghệ và kinh nghiệm vận hành trung tâm theo chuẩn quốc tế. Theo Giáo sư Ali Abbas, TP.HCM có đầy đủ điều kiện để trở thành điểm đến của các trung tâm tri thức quốc tế nếu biết phát huy vai trò điều phối chiến lược, tạo không gian thử nghiệm chính sách và tích hợp nguồn lực xã hội vào quá trình phát triển KH&CN.
Giáo sư Ali Abbas - Đại học Sydney trao đổi tại buổi làm việc chiều 14/7.
Dù có nhiều điểm tương đồng, hai bên cũng thẳng thắn chia sẻ những rào cản còn tồn tại trong triển khai hợp tác. TP.HCM hiện vẫn thiếu các cơ chế tài chính đủ linh hoạt để thu hút chuyên gia quốc tế, trong khi các quy định pháp lý về sở hữu trí tuệ, thương mại hóa công nghệ, hợp tác quốc tế… vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Đại diện Sở KH&CN khẳng định, Sở sẽ đóng vai trò điều phối kết nối giữa Đại học Sydney với các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ của TP.HCM. Cùng với các chính sách hỗ trợ hiện có, Sở mong muốn hiện thực hóa các mô hình hợp tác học thuật - công nghệ với Đại học Sydney thành những kết quả cụ thể, có tác động thực tiễn.
Về phía Đại học Sydney, Giáo sư Ali Abbas cam kết sẽ giới thiệu các đối tác phù hợp, chia sẻ mô hình quản trị trung tâm đổi mới sáng tạo, hỗ trợ TP.HCM tiếp cận các chương trình tài trợ nghiên cứu quốc tế và phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu ứng dụng.
Kết thúc buổi làm việc, hai bên nhất trí việc duy trì liên hệ thường xuyên, trước mắt là khẩn trương xây dựng lộ trình hợp tác rõ ràng với các mục tiêu ngắn, trung và dài hạn, từ đó từng bước cụ thể hóa các nội dung hợp tác đã thống nhất.
Buổi làm việc với Giáo sư Ali Abbas chiều ngày 14/7 cho thấy tầm nhìn dài hạn của TP.HCM: chủ động hội nhập, kiến tạo không gian đổi mới và phát triển trên nền tảng tri thức. Những trao đổi tại cuộc họp không chỉ khẳng định vai trò kết nối của TP.HCM trong mạng lưới khoa học quốc tế, mà còn đặt ra yêu cầu hành động cụ thể để biến ý tưởng thành thực tiễn - từ các sáng kiến học thuật đến giải pháp phục vụ đời sống và phát triển kinh tế bền vững.
Đại diện hai bên cùng chụp hình lưu niệm.
Minh Nhã (CESTI)