SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thúc đẩy chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu: cần "tiếng nói chung"

03-10-2024
Ngày 03/10, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học "Triển khai các giải pháp thương mại hóa, đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh".

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, Thành phố đã đầu tư rất nhiều nguồn lực vào nghiên cứu khoa học (NCKH), tạo ra nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị, đồng thời đạt được thành công bước đầu trong việc chuyển giao công nghệ (CGCN), thương mại hóa (TMH) các kết quả NCKH, sáng chế/giải pháp hữu ích. Điều này được thể hiện qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn tăng và ở mức cao trong giai đoạn 2016 - 2022 (đạt trung bình 46,7%), trong đó đóng góp của khoa học và công nghệ (KH&CN) vào tăng trưởng TFP là 74%. Đồng thời, trong giai đoạn 2016 - 2022, năng suất lao động xã hội của TP.HCM cao gấp 2 lần so với cả nước và bình quân đạt 272 triệu đồng, năng suất lao động của doanh nghiệp có hàm lượng khoa học và công nghệ cao thuộc 4 ngành công nghiệp và 9 ngành dịch vụ trọng yếu gấp 1,67 lần năng suất lao động xã hội của Thành phố.

01HDKHLVhoithaothuongmaihoaKQNCh2.jpg

Ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại hội thảo

Để đưa nhanh kết quả NCKH hình thành từ ngân sách Nhà nước vào thực tiễn, Thành phố đã ban hành và triển khai các chương trình/đề án như Dự án Thương mại hóa thí điểm hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm từ công nghệ trong hoạt động nghiên cứu triển khai tại Khu Công nghệ cao TP.HCM giai đoạn 2017 - 2020, Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, tại Sở KH&CN cũng đã xây dựng và triển khai Kế hoạch thúc đẩy hoạt động thương mại hóa kết quả NCKH, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2025.

Công tác TMH kết quả NCKH, phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ từ các viện, trường cũng được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức. Một số mô hình đã được thành lập để thúc đẩy TMH kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ như mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp từ trường đại học, viện nghiên cứu; trung tâm dịch vụ CGCN (TTO); mô hình hợp tác 3 nhà (nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nước) trong quá trình triển khai nghiên cứu.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi những kết quả NCKH thành sản phẩm, dịch vụ có giá trị thương mại vẫn còn nhiều hạn chế. Hoạt động chuyển giao và TMH kết quả nghiên cứu của các viện, trường hầu hết được thực hiện bởi chính mối quan hệ của các nhà khoa học, thông qua các trung tâm nghiên cứu, trung tâm dịch vụ CGCN (TTO) trực thuộc viện, trường. Do đó, trong quá trình đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cần có "tiếng nói chung" với nhu cầu thị trường.

Ông Minh cũng cho rằng, việc TMH thành công kết quả từ nhiệm vụ KH&CN sẽ trở thành yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của đổi mới sáng tạo. Vì vậy, cần có giải pháp để tăng cường đầu tư cho KH&CN không chỉ từ phía Nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp; nâng cao nhu cầu công nghệ tự thân của doanh nghiệp; tăng cường liên kết viện, trường và doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, nơi biến các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cùng nhiều đại diện sở, ban, ngành, doanh nghiệp,… đã lắng nghe các bài tham luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thương mại hóa kết quả NCKH; trao đổi, thảo luận, đề xuất, góp ý xoay quanh các nội dung về thực trạng cơ chế, chính sách và giải pháp tạo động lực TMH kết quả NCKH, phát triển công nghệ hình thành từ ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, các báo cáo tham luận được trình bày gồm: Nhận định về khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp (bà Nguyễn Thị Thu Sương, Quyền Trưởng phòng Quản lý Khoa học – Sở KH&CN TP.HCM); Đánh giá thực trạng thương mại hóa kết quả nghiên cứu tại Trường Đại học Bách Khoa (PGS.TS. Phạm Đình Anh Khôi, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ); Thúc đẩy ứng dụng nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghệ thông tin - truyền thông vào thực tiễn (PGS.TS. Quản Thành Thơ, Trường Đại học Bách Khoa); Mô hình TTO tại Trung tâm Nghiên cứu Triển khai Khu Công nghệ cao (ThS. Bùi Quang Vinh, Trung tâm Nghiên cứu Triển khai - Khu Công nghệ cao TP.HCM).

01HDKHLVhoithaothuongmaihoaKQNCh3.jpg

Bà Nguyễn Thị Thu Sương (Quyền Trưởng phòng Quản lý Khoa học – Sở KH&CN TP.HCM) trình bày báo cáo tham luận tại hội thảo

Về thực trạng TMH kết quả NCKH sử dụng ngân sách Nhà nước, bà Nguyễn Thị Thu Sương cho biết, giai đoạn 2014 - 2018, số lượng nhiệm vụ có kết quả được TMH thành công là 13%, tuy nhiên, hiện tại, tỷ lệ này giảm còn 5%. Trong số các doanh nghiệp khởi nghiệp tại TP.HCM, số doanh nghiệp khởi nguồn từ viện nghiên cứu, trường đại học (spin-off) chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 5%. Kết quả khảo sát độ sẵn sàng TMH của đề tài NCKH được nghiệm thu trong giai đoạn 2014 - 2018 cho thấy, nhóm đề tài sẵn sàng chuyển giao chiếm 37%, đề tài đã được TMH chiếm 13%. Tính chung cả 2 nhóm, tỷ lệ các đề tài NCKH có khả năng TMH khá cao (50%), tuy nhiên việc đưa các kết quả NCKH có tiềm năng ra thị trường không phải dễ dàng.

Theo bà Sương, cần nhìn nhận một số nguyên nhân hạn chế TMH kết quả NCKH như thiếu cơ chế kết nối giữa đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp, vấn đề bí mật kinh doanh, nhiều doanh nghiệp chưa thật sự tin tưởng các nhà khoa học; các quy định pháp luật hiện hành còn rào cản (xem kết quả nghiên cứu là tài sản công), cơ chế quản lý phức tạp, chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm ra thị trường,…

Do đó, Sở KH&CN đề xuất "Đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh" nhằm tháo gỡ một số vướng mắc, rào cản, tạo thêm chính sách ưu đãi và hỗ trợ nguồn lực để đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường. Đề án là hoạt động cụ thể hóa nội dung ký kết hợp tác giữa Ban cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM. Trong đề án này, Sở mạnh dạn đề xuất mục tiêu ở giai đoạn thí điểm cần có 10 sản phẩm KH&CN được thương mại hóa; hình thành ít nhất 5 quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa viện, trường - Nhà nước - doanh nghiệp; số lượng tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả nghiên cứu KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước được chuyển giao và TMH đạt 10% - 15%.

Các giải pháp triển khai đề án gồm lựa chọn các kết quả nghiên cứu tiềm năng; xây dựng cơ chế tài chính và hỗ trợ pháp lý; hình thành mạng lưới hợp tác giữa Nhà nước, viện nghiên cứu và doanh nghiệp; thực hiện chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp KH&CN. Để thực hiện, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ lập danh mục các nhiệm vụ KH&CN có tiềm năng TMH với các tiêu chí về tính khả thi (kỹ thuật), tiềm năng thị trường, kinh nghiệm đội ngũ quản lý, mô hình kinh doanh và khả thi tài chính, tác động xã hội và môi trường,... Cơ quan nhận chuyển giao phải triển khai các hoạt động thúc đẩy TMH như thành lập doanh nghiệp KH&CN, thành lập doanh nghiệp spin-off, góp vốn cùng doanh nghiệp khác, nhượng quyền sử dụng sản phẩm trí tuệ,... Quá trình thực hiện đề án sẽ được theo dõi đánh giá để rút kinh nghiệm và điều chỉnh nhằm phù hợp tình hình thực tế, bà Sương chia sẻ.

01HDKHLVhoithaothuongmaihoaKQNCh5.jpg

Phần trao đổi, thảo luận, đề xuất giải pháp tại hội thảo 

Các ý kiến thảo luận, góp ý, đề xuất tại hội thảo đánh giá cao đề án này và nhận định đề án có thể tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc hiện nay trong CGCN và TMH kết quả NCKH. Việc triển khai các cơ chế tài chính và hỗ trợ pháp lý trong đề án được xem là hoạt động hỗ trợ pháp lý quan trọng giúp xác lập quyền sở hữu cho nhà khoa học tạo ra công nghệ, thúc đẩy hoạt động thương mại hóa, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.

Các chia sẻ, thảo luận tại hội thảo cũng cho rằng, quá trình NCKH tạo ra sản phẩm có thể chuyển giao đã rất nhiều khâu, để TMH sản phẩm nghiên cứu còn nhiều hoạt động khác như định giá công nghệ, hoàn thiện sản phẩm, đánh giá khả năng chuyển giao, tìm thị trường,… Nhà khoa học không chỉ tập trung nghiên cứu tạo ra sản phẩm mà còn phải phát triển công nghệ, phát triển thị trường,… Hơn nữa, hoạt động CGCN và TMH kết quả NCKH vốn khá phức tạp, đa dạng, còn gặp rào cản về cơ chế chính sách, tài chính,… Do vậy, để tăng khả năng thành công, bên cạnh việc tháo gỡ các vướng mắc, rào cản, hoạt động CGCN và TMH kết quả NCKH cần tìm được "tiếng nói chung" giữa các đơn vị nghiên cứu (viện, trường), doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.

Lam Vân (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537358