SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM áp dụng phương thức 5 bước thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công

09-09-2022

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ cho các đơn vị ngay trong giai đoạn đầu để làm quen, kết nối với các thành phần trong hệ sinh thái, đảm bảo nhận được thông tin từ chuyên gia, cùng tương tác với vấn đề muốn giải quyết, tìm ra giải pháp hoàn thiện.

Ngày 7/9/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội nghị triển khai thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) khẳng định: “Vấn đề có rất nhiều, nguồn lực thì có hạn, nhiệm kỳ thì ngắn, nên chọn vấn đề cần ưu tiên có thể giải quyết được ngay, có tính lan tỏa.”.

220907hk1.jpg

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đang đồng hành cùng các Sở ban ngành, Thành phố Thủ Đức và UBND quận – huyện triển khai thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công ở 3 nội dung cụ thể gồm:

+ Inno-Coffee: sự kiện kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đây là cơ hội để các đơn vị có chung nhu cầu trình bày vấn đề cần giải quyết, nhận tư vấn từ phía chuyên gia (Viện – trường, doanh nghiệp), nhằm tìm kiếm hướng giải pháp đổi mới sáng tạo phù hợp để hợp tác triển khai.

+ R&D: chính sách hỗ trợ nghiên cứu phát triển giải pháp. Đây là chính sách áp dụng sau khi đơn vị đã tìm được hướng giải quyết vấn đề.

+ Sandbox: chính sách hỗ trợ thử nghiệm để các bên hoàn thiện giải pháp giải quyết vấn đề.

Phát hiện vấn đề và xác định vấn đề ưu tiên cũng chính là khâu quan trọng trong phương thức thực hiện triển khai xây dựng các bài toán lớn về hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công (cho một số lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể). Phương thức này gồm 5 bước: Xây dựng nội dung các bài toán lớn (khảo sát, đánh giá, phát hiện vấn đề, phân loại vấn đề, mô tả vấn đề để xây dựng nội dung bài toán); Công bố rộng rãi cho cộng đồng về nội dung bài toán lớn; Tuyển chọn đơn vị chủ trì thực hiện; Tổ chức phối hợp thực hiện; Triển khai ứng dụng các nội dung của bài toán lớn và đánh giá kết quả.

220907hk3.jpg

Ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) trình bày phương pháp xác định vấn đề ưu tiên

Theo đó, các đơn vị cần xác định rõ mục đích mong muốn là gì, sau đó tìm xem vấn đề phát sinh ở đâu. Đây là việc không phải của riêng cá nhân hay nhóm người nào đó nên rất cần có sự chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo đơn vị trong việc định danh vấn đề, định danh nguồn nhân lực sẽ tham gia giải quyết. Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ ngay cho các đơn vị ngay trong giai đoạn đầu để làm quen, kết nối với các thành phần trong hệ sinh thái, đảm bảo nhận được thông tin từ chuyên gia, cùng tương tác với vấn đề muốn giải quyết, tìm ra giải pháp hoàn thiện.

Bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) chia sẻ, từ năm 2021, bài toán quản trị chợ tại các quận - huyện đã được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM triển khai theo phương thức 5 bước kể trên. Cụ thể, sau khi khảo sát nhu cầu ở các đơn vị, Sở nhận ra các quận Bình Thạnh và Phú Nhuận và nhiều đơn vị khác có vấn đề chung là gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý chợ. Sở đã theo sát và hướng dẫn các đơn vị viết bản mô tả vấn đề cần giải quyết. Trong buổi Inno-Coffee sau đó, lãnh đạo quận Bình Thạnh đã nêu rõ vấn đề trong nhu cầu quản lý chợ, mời Viện – trường và doanh nghiệp cùng tham gia góp ý để đặt hàng giải quyết vấn đề. Đến nay, bài toán quản trị chợ đã tiến hành đến bước 5 - triển khai ứng dụng trong thực tế.

220907hk2.jpg

Bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) chia sẻ kinh nghiệm giải quyết bài toán quản lý chợ

Bà Chu Vân Hải khẳng định, ở bước 5 này, rất cần có sự cam kết của lãnh đạo để cung cấp nguồn lực, đưa cái mới vào ứng dụng. Sự tương tác giữa đơn vị cung cấp giải pháp đổi mới sáng tạo với đơn vị nhận chuyển giao cần được tiến hành liên tục để đảm bảo kết quả đạt hiệu quả tốt nhất. Từ đó, bài toán lớn về quản lý chợ có thể triển khai nhân rộng cho các đơn vị khác.

Dự kiến trong tháng 10/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ tổ chức khóa tập huấn Govtech cho các thành viên trong tổ công tác thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công của các đơn vị theo hình thức online.

Hoàng Kim (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353