TP.HCM tập huấn tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17025:2017 (ISO/IEC 17025:2017) cho các tổ chức thử nghiệm
18-11-2024“Phòng thí nghiệm có hệ thống quản lý chất lượng và bảo đảm năng lực kỹ thuật, có khả năng cung cấp các kết quả tin cậy, chính xác và có giá trị về mặt kỹ thuật”, đó là nhận định của ông Nhan Thanh Liêm - Chuyên gia Năng suất chất lượng tại lớp tập huấn về tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17025:2017 (ISO/IEC 17025:2017) cho các tổ chức thử nghiệm trên địa bàn TP.HCM. Lớp tập huấn được Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức trong 02 ngày, từ 18 - 19/11/2024 nhằm phổ biến kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp, tổ chức về giải pháp nâng cao năng suất chất lượng…
Ông Nhan Thanh Liêm - Chuyên gia Năng suất chất lượng của lớp tập huấn về tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17025:2017 (ISO/IEC 17025:2017) cho các tổ chức thử nghiệm trên địa bàn TP.HCM chia sẻ nhiều kiến thức mới và kinh nghiệm cho học viên
Theo ông Nhan Thanh Liêm - Chuyên gia Năng suất chất lượng chia sẻ, trên thế giới hiện nay có nhiều tiêu chuẩn khác nhau liên quan tới chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Một trong những bộ tiêu chuẩn được sử dụng phổ biến nhất dành cho các phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn là ISO/IEC 17025 của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế.
Tiêu chuẩn ISO 17025 là tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý chất lượng (QMS - Quality Management System) dành riêng cho các phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn. Tiêu chuẩn này do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế ISO (International Organization for Standardization) kết hợp với Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC - International Electrotechnical Commission) xây dựng và ban hành. ISO/IEC 17025 nhằm cung cấp một khuôn khổ cho việc phát triển, thực hiện, giám sát và cải tiến liên tục Hệ thống quản lý chất lượng đối với những tổ chức có các hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn, lấy mẫu nhằm đảm bảo các kết quả mà phòng thí nghiệm công bố là chính xác và đáng tin cậy.
Bộ tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 ra đời dựa trên nhu cầu về kiểm định năng lực của các phòng thử nghiệm một cách thống nhất trên toàn thế giới. Ban đầu tiêu chuẩn này có tên gọi là ISO/IEC Guide 25 (Tài liệu này được ILAC - Hợp tác Chứng nhận Phòng thí nghiệm Quốc tế, ban hành vào ngày 01/10/1978). ISO Guide 25 không đề cập đến các phòng thí nghiệm hiệu chuẩn mà chỉ đề cập đến các phòng thí nghiệm thử nghiệm. Trong tài liệu có những hướng dẫn chung để các phòng thử nghiệm có thể chứng minh năng lực kỹ thuật của mình. Tuy nhiên, Hướng dẫn vẫn cho phép các cơ quan đánh giá yêu cầu các yêu cầu khác ngoài những yêu cầu đã được nêu trong văn bản Hướng dẫn. Sau này, Tổ chức ISO đã ban hành tiêu chuẩn ISO 17025 để thay thế cho ISO/IEC Guide 25.
Lịch sử của bộ tiêu chuẩn ISO 17025 bắt nguồn từ cuộc họp năm 1975 của tổ chức Hợp tác Công nhận Phòng thí nghiệm Quốc tế (ILAC). Sự kiện đã cho thấy sự cần thiết phải có một hướng dẫn quốc tế về những yêu cầu chung đối với năng lực của các phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn.
Bộ tiêu chuẩn ISO 17025 được thể hiện lần đầu tiên dưới dạng hướng dẫn ISO/IEC Guide 25 vào năm 1990. Đến năm 2005 thì bộ tiêu chuẩn này được ra đời phiên bản thứ 2 có bao gồm 5 điều khoản: có yêu cầu quản lý chủ yếu liên quan đến hiệu lực và vận hành hệ thống Quản lý Chất lượng của PTN; Yêu cầu kỹ thuật bao gồm các yếu tố xác định tính chính xác và độ tin cậy của các thử nghiệm và hiệu chuẩn được thực hiện trong phòng thí nghiệm. Phiên bản mới nhất hiện nay của ISO/IEC 17025 được ban hành năm 2017 có 8 điều khoản: Phạm vi áp dụng; Tài liệu viện dẫn; Thuật ngữ và định nghĩa; Yêu cầu chung; Yêu cầu cơ cấu; Yêu cầu nguồn lực; Yêu cầu quá trình; Yêu cầu hệ thống quản lý.
ISO/IEC 17025:2017 là phiên bản mới nhất hiện nay của bộ tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý chất lượng cho phòng thí nghiệm. ISO 17025:2017 được ban hành thay thế cho phiên bản trước đó là ISO 17025:2005. ISO 17025 đưa ra các yêu cầu nhằm xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình thử nghiệm, hiệu chuẩn, lấy mẫu, áp dụng cho mọi quy mô tổ chức. Vì vậy, tất cả các tổ chức cung cấp dịch vụ này đều có thể áp dụng và chứng nhận ISO/IEC 17025. Năm 2018, Việt Nam đã chấp nhận hoàn toàn phiên bản ISO/IEC 17025:2017 và ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO/IEC 17025:2017 tương đương.
Lớp tập huấn đã thu hút được đông đảo đại diện các đơn vị trên địa bàn TP.HCM tham gia học tập
Nói về sự khác biệt của Tiêu chuẩn ISO 17025:2017 so với các phiên bản cũ, ông Nhan Thanh Liêm cho biết, về quan điểm tiếp cận, hiệu chuẩn cũng như thử nghiệm và phân tích mẫu là các hoạt động hàng ngày của hơn 60.000 phòng thí nghiệm trên toàn thế giới. Trong những năm qua, tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 về “Các yêu cầu chung về năng lực của các phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn” đã trở thành tài liệu tham khảo Quốc tế quan trọng cho các phòng thí nghiệm muốn chứng minh khả năng cung cấp kết quả đáng tin cậy của họ trên thị trường. Việc đáp ứng các yêu cầu của Tiêu chuẩn này cho phép các phòng thí nghiệm nâng cao khả năng tạo ra các kết quả có giá trị sử dụng ổn định.
Kể từ khi phiên bản ISO/IEC 17025:2005 được ban hành, bối cảnh thị trường và công nghệ đã có sự thay đổi đáng kể, phương pháp tiếp cận quản lý dựa trên tư duy rủi ro đã được đưa vào phiên bản mới ISO 17025:2017. Việc xem xét để sửa đổi, bổ sung và tích hợp những thay đổi trên vào phiên bản mới cho phù hợp là một đòi hỏi khách quan.
Để phản ánh những thay đổi mới nhất của điều kiện khách quan, phiên bản ISO/IEC 17025: 2017 đã bao quát các hoạt động và cách thức làm việc mới của các phòng thí nghiệm hiện nay, bao gồm các thay đổi về kỹ thuật, thuật ngữ và các phát triển về kỹ thuật công nghệ thông tin, đồng thời điều chỉnh để ISO 17025:2017 phù hợp với ISO 9001:2015 về quản lý chất lượng.
Trên cơ sở quan điểm tiếp cận nêu trên, phiên bản ISO 17025:2017 đã có nhiều thay đổi mang tính toàn diện về cả nội dung lẫn bố cục so với phiên bản ISO 17025:2005. Những thay đổi chính được tổng hợp lại bao gồm: Mở rộng phạm vi bao gồm tất cả các hoạt động trong phòng thí nghiệm như lấy mẫu, thử nghiệm, hiệu chuẩn; Điều chỉnh phương pháp tiếp cận theo quá trình để phù hợp với các tiêu chuẩn mới hơn có liên quan như ISO 9001 (quản lý chất lượng), ISO 15189 (chất lượng phòng thí nghiệm y tế) và ISO/IEC 17021-1 (yêu cầu đối với tổ chức đánh giá và chứng nhận hệ thống); Nhấn mạnh vào kết quả của quá trình thay vì mô tả chi tiết các nhiệm vụ và các bước của nó; Tập trung nhiều hơn vào việc áp dụng công nghệ thông tin, kết hợp việc sử dụng hệ thống máy tính, hồ sơ điện tử vào các kết quả, báo cáo dạng điện tử; Bổ sung chương mới giới thiệu khái niệm về tư duy dựa trên rủi ro và mô tả những điểm tương đồng với phiên bản mới ISO 9001:2015; Cập nhật thêm một số thuật ngữ để phu hợp với thế giới ngày nay, bao gồm những thay đổi trong Từ vựng Đo lường Quốc tế (VIM) và sự liên kết với những thay đổi về thuật ngữ của ISO/IEC. Cụ thể, ban hành một tài liệu riêng về những thuật ngữ và định nghĩa chung cho tất cả các tiêu chuẩn đánh giá sự phù hợp, thay đổi trong hoạt động vận hành và quản lý phòng thí nghiệm. Ví dụ như hiện nay các bản cứng của sổ tay, hồ sơ và báo cáo thử nghiệm đang dần bị loại bỏ theo hướng chuyển sang các phiên bản điện tử….
Gợi ý một số bước cơ bản trong quy trình xây dựng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 17025, bao gồm:
Bước 1: Tìm hiểu về tiêu chuẩn ISO 17025 (Nắm vững nội dung, yêu cầu và nguyên tắc của tiêu chuẩn ISO 17025; Hiểu rõ các khái niệm và nguyên tắc chung về quản lý chất lượng).
Bước 2: Xác định phạm vi và mục tiêu của Hệ thống QMS (Xác định rõ ràng phạm vi của Hệ thống QMS bao gồm các quy trình, hoạt động và phòng ban tham gia; Đặt ra các mục tiêu cụ thể mà tổ chức mong muốn đạt được thông qua Hệ thống QMS).
Bước 3: Xây dựng và triển khai Hệ thống QMS (Xây dựng các quy trình, chức năng và phương pháp liên quan đến việc quản lý chất lượng; Phân công trách nhiệm cho các hoạt động và quy trình trong Hệ thống QMS; Triển khai các biện pháp cần thiết để tuân thủ yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 17025).
Bước 4: Đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn ISO 17025 (Xác định các chỉ số và tiêu chí đo lường để kiểm tra mức độ tuân thủ tiêu chuẩn; Thực hiện kiểm tra và đánh giá định kỳ để đảm bảo rằng quy trình và hoạt động đang tuân thủ yêu cầu ISO 17025).
Bước 5: Đào tạo (Đào tạo nhân viên về các yêu cầu và quy trình trong hệ thống quản lý chất lượng; Tạo cơ hội cho việc học hỏi và nâng cao kỹ năng để cải thiện hiệu suất).
Bước 6: Đánh giá và cải thiện liên tục (Thực hiện các cuộc đánh giá nội bộ và ngoại bộ để xác định các điểm mạnh và điểm yếu của Hệ thống QMS; Dựa trên kết quả đánh giá, tiến hành các biện pháp cải thiện liên quan đến quy trình, chất lượng và hiệu suất tổng thể).
Bước 7: Chứng nhận và duy trì hệ thống QMS (Khi hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng đủ yêu cầu tiêu chuẩn, tổ chức có thể xin cấp chứng nhận ISO 17025 từ cơ quan chứng nhận uy tín; Duy trì hệ thống qua việc tiếp tục tuân thủ yêu cầu, kiểm tra và cải thiện liên tục).
Lưu ý: Việc triển khai Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 17025 là một quá trình phức tạp và đòi hỏi sự cam kết từ các cấp quản lý và nhân viên. Tùy thuộc vào quy mô và ngành nghề của tổ chức, các bước cụ thể có thể thay đổi.
Được biết, lớp tập huấn về tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17025:2017 (ISO/IEC 17025:2017) cho các tổ chức thử nghiệm trên địa bàn TP.HCM là chuỗi chương trình tập huấn được Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức miễn phí nhằm phổ biến kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp, tổ chức về giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, chuyển đổi số, giới thiệu các mô hình, công cụ cải tiến năng suất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Qua đó, nâng cao nhận thức và năng lực của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn TP.HCM, đẩy mạnh hoạt động đánh giá hiệu quả công việc (KPI) và chuyển đổi số tại từng đơn vị. Chuỗi chương trình tập huấn này sẽ còn lại 2 lớp, với chủ đề: Các giải pháp nâng cao toàn diện về năng suất cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố; Năng suất xanh và kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Doanh nghiệp, tổ chức quan tâm có thể đăng ký tham dự trực tuyến các lớp tiếp theo tại: https://forms.gle/Z3ydgbSyY9gJG5Bw5.
Nhật Linh (CESTI)