TP.HCM tìm kiếm các giải pháp phát triển sản xuất thông minh
28-06-2024Ngày 28/6, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao tổ chức hội nghị "Tìm kiếm các giải pháp phát triển sản xuất thông minh - kinh nghiệm từ cộng đồng doanh nghiệp".
Theo bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), ngày 06/4/2024, Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Thông báo số 353/TB-VP về kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Phan Văn Mãi tại cuộc họp nghe báo cáo chương trình chế tạo chip và sản phẩm bán dẫn vi mạch và dự án sản xuất nông nghiệp. Trong đó, Chủ tịch Phan Văn Mãi chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao. Do vậy, hội nghị được thực hiện nhằm tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi thảo luận và tìm kiếm ý tưởng đề xuất đặt hàng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển nhà máy thông minh, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tại TP.HCM.
Tại hội nghị, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã trình bày các báo cáo tham luận như Sản xuất bồi đắp trong xu thế công nghệ liên ngành (ông Nguyễn Xuân Hùng, Viện Công nghệ liên ngành CIRTECH - Đại học Công nghệ TP.HCM); Sáng kiến số hóa sản xuất (ông Phạm Phan Anh, Công ty TNHH Mitsubishi Electric Việt Nam); Các giải pháp phục vụ trong phát triển sản xuất thông minh (ông Tống Phước Thiện, Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ Điện Tự động Biển Đông - ESTEC); Các cơ chế, chính sách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố (ông Phan Quốc Tuấn, Sở KH&CN TP.HCM).
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, sản xuất bồi đắp (tên gọi quen thuộc là in 3D) đang mang đến một cuộc cách mạng trong nhiều ngành nghề từ giáo dục, y tế đến các lĩnh vực công nghiệp. Nó có khả năng tạo ra các sản phẩm phức tạp và tùy chỉnh với độ chính xác cao, giảm thiểu lãng phí vật liệu và tiết kiệm thời gian sản xuất. Trong 10 năm qua, CIRTECH đã đạt được những kết quả trong chương trình nghiên cứu về công nghệ in 3D, có thể phát triển theo xu hướng ứng dụng của sản xuất bồi đắp hiện nay. Cụ thể như, trong lĩnh vực y tế, in 3D được sử dụng để tạo ra các mô cấy y tế tùy chỉnh, dụng cụ phẫu thuật và mô hình giải phẫu; trong ngành xây dựng, sản xuất bồi đắp được sử dụng để xây dựng các tòa nhà và cấu trúc phức tạp, giảm thiểu lãng phí vật liệu và tiết kiệm thời gian thi công. Đối với ngành cơ khí chế tạo, in 3D được sử dụng để tạo ra các nguyên mẫu, dụng cụ và phụ tùng thay thế, hoặc sửa chữa chi tiết, góp phần giảm chi phí và tiết kiệm tài nguyên cũng như tối thiểu thời gian sản xuất, cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng; ngành thời trang, sản xuất bồi đắp được sử dụng để tạo ra các sản phẩm thời trang tùy chỉnh, giảm thiểu lãng phí vải và thúc đẩy tính bền vững;…
Các báo cáo viên trình bày tham luận tại hội nghị
Ông Tống Phước Thiện cho rằng, để phát triển sản xuất thông minh, cần quan tâm đến hệ thống sản xuất sử dụng các công nghệ kỹ thuật số nhằm đạt được những cải tiến năng suất, tính linh hoạt và cải thiện chất lượng sản phẩm. Cụ thể, hệ thống này phải có khả năng tự động hóa và kiểm soát vận hành sản xuất (kết nối các thiết bị, máy móc và hệ thống PLC, Robot, CNC trong nhà máy, giám sát và vận hành); khả năng hỗ trợ sản xuất (lập kế hoạch sản xuất tiên tiến, thực thi sản xuất, quản lý chất lượng, quản lý năng lượng, quản lý bảo trì sửa chữa,…); khả năng tích hợp các hệ thống công nghệ thông tin và công nghệ vận hành (IT và OT) để tạo ra một hệ thống sản xuất thống nhất, nơi mà dữ liệu được chia sẻ và sử dụng một cách hiệu quả. Ngoài ra, hệ thống sản xuất thông minh còn có khả năng thu thập, tổng hợp dữ liệu của nhiều nguồn khác nhau, phân tích dữ liệu các mối liên kết có giá trị, từ đó tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu lãng phí; sử dụng các thuật toán AI (trí tuệ nhân tạo) và ML (học máy) để trợ lý vận hành, tự động hóa các quy trình, dự đoán sự cố,…
Với vai trò là nhà cung cấp giải pháp trong lĩnh vực tự động hóa và số hóa cho các ngành công nghiệp tại Việt Nam, ESTEC cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong quá trình triển khai sản xuất thông minh và chuyển đổi số. Theo ông Thiện, áp dụng hệ thống sản xuất thông minh có thể mang lại nhiều lợi ích như giúp quản lý tập trung các mô hình sản xuất đa dạng PLC, CNC, Robot, IoT; thông tin sản xuất từ máy móc thiết bị đến người vận hành được quản lý chính xác và tường minh, hiển thị trực tuyến; tạo kênh thông tin thông suốt giữa các đơn vị sản xuất, phòng ban, cấp quản lý sản xuất trong nhà máy; hỗ trợ cho các hoạt động bảo hành, bảo trì máy móc thiết bị; kết nối thông tin của hệ thống tự động hóa đến các hệ thống lập kế hoạch sản xuất hoặc thực thi sản xuất MES;…
Tuy nhiên, quá trình triển khai sản xuất thông minh và chuyển đổi số cũng đi kèm những khó khăn thách thức đối với doanh nghiệp, bởi sản xuất thông minh không chỉ đơn thuần là áp dụng công nghệ vào sản xuất mà còn là cách tiếp cận toàn diện trong quản lý để tối ưu hóa hiệu quả, giảm chi phí và tăng năng suất.
Phần trao đổi, thảo luận tại hội nghị
Đồng tình với góc nhìn này, các ý kiến thảo luận tại hội nghị cũng cho rằng, hiện nay, phát triển sản xuất thông minh gắn với chuyển đổi số, sản xuất sạch, sản xuất xanh, phát triển bền vững là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thường phải đối mặt với hạn chế về nguồn lực, kinh phí và khả năng thích ứng với công nghệ. Song, để tiếp cận sản xuất thông minh và chuyển đổi số, trước hết phải bắt đầu từ "ý chí", nhận thức chuyển đổi số là chuyển đổi về tư duy vận hành, từ đó đặt ra mục tiêu và quyết tâm thực hiện; tiếp đến là quá trình triển khai áp dụng công nghệ mới, cùng với việc tiếp cận các cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Ông Phan Quốc Tuấn (đại diện Sở KH&CN) trình bày về các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, sản xuất thông minh
Về các chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất thông minh, ông Phan Quốc Tuấn cho biết, trong những năm qua, Sở KH&CN TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp như Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng, sản phẩm hàng hóa; Hỗ trợ huấn luyện nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ; Hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Các nội dung hỗ trợ gồm huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức cho các doanh nghiệp về các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, các mô hình, công cụ cải tiến năng suất trong lĩnh vực chuyên ngành; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ cho sản xuất thông minh; tiền công lao động trực tiếp cho cá nhân, nhóm cá nhân thực hiện dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án, thuê chuyên gia, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tiền thù lao tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ;…
Năm 2024, Sở tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ với mục tiêu tổ chức triển khai các chương trình, đề án của Chính phủ (hệ thống truy xuất nguồn gốc, đo lường nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế); triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ và phát triển tài sản trí tuệ; trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu trên địa bàn Thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thông minh, chuyển đổi số, kinh tế xanh - chuyển đổi xanh.
Trong đó, TP.HCM đang triển khai một số hoạt động, chương trình hỗ trợ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực sản xuất thông minh như: Quỹ Phát triển KH&CN TP.HCM hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực, bao gồm sản xuất thông minh. Quỹ cũng tài trợ cho các dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và các hoạt động khởi nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, Chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SpeedUp) do Sở KH&CN quản lý đang triển khai các chính sách hỗ trợ cho các startup và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SEMs) trong việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao; cung cấp các gói tài trợ, tư vấn, đào tạo và kết nối mạng lưới cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thông minh.
Bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) phát biểu tại hội nghị
Bà Nguyễn Thị Kim Huệ cho biết thêm, bên cạnh Chương trình Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2025 (với 6 chương trình gồm: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ phục vụ đô thị thông minh và chuyển đổi số, Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao, Nghiên cứu phát triển công nghệ công nghiệp, Nghiên cứu quản lý và phát triển đô thị, Nghiên cứu chăm sóc sức khỏe, Vườn ươm khoa học và công nghệ Trẻ), Sở KH&CN đang triển khai các chương trình chính sách hỗ trợ cụ thể khác liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, sản xuất thông minh mà các doanh nghiệp, trường, viện nghiên cứu trên địa bàn Thành phố có thể tham gia. Hiện nay, lợi thế của TP.HCM là các cơ chế chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo khá đầy đủ. Do vậy, Sở KH&CN mong muốn thông qua những hoạt động hội thảo, hội nghị sẽ kết nối các bên cùng tiếp cận thông tin, chia sẻ giải pháp để tiến tới xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất thông minh, nhà máy thông minh trong các doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế của TP.HCM.
Lam Vân (CESTI)