SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM tìm phương án vận hành cơ chế phối hợp trong hoạt động ứng phó sự cố bức xạ

25-07-2024
Chiều 25/7, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM tổ chức Hội thảo về vận hành cơ chế phối hợp trong ứng phó sự cố bức xạ trên địa bàn Thành phố.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), Thành phố hiện có hơn 880 cơ sở đang sử dụng gần 2500 thiết bị bức xạ, 65 cơ sở đang sử dụng nguồn phóng xạ. Với số lượng này, Thành phố sẽ là nơi có nguy cơ gây mất an toàn an ninh nếu không có cơ chế vận hành ứng phó sự cố. Từ năm 2016, Thành phố đã có Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn TP.HCM (được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt tại Quyết định số 2840/QĐ-BKHCN), trong đó có quy định về cơ chế phối hợp và quy trình ứng phó khi xảy ra sự cố bức xạ. Do vậy, hội thảo này được tổ chức nhằm chia sẻ và thảo luận về cơ chế phối hợp trong ứng phó sự cố bức xạ, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị về công tác đảm bảo an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ và ứng phó sự cố, cũng như nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo của các cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ huy, phối hợp tổ chức và điều hành hoạt động ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân. Qua hội thảo, Sở cũng mong muốn lắng nghe, ghi nhận các ý kiến, đề xuất để lựa chọn được phương thức vận hành cơ chế phối hợp, triển khai thực hiện tốt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ trên địa bàn Thành phố.

07HDKHLVhoithaoungphoSCBXh3.jpg

Bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, các tham luận đề dẫn được trình bày như Công tác quản lý an toàn bức xạ trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2024 (bà Huỳnh Lưu Thanh Giang, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ - Sở KH&CN TP.HCM); Hoạt động ứng phó sự cố bức xạ, các vấn đề về kỹ thuật, triển khai kế hoạch, kiềm chế liều và kinh nghiệm trong diễn tập ứng phó sự cố (ông Lã Trường Giang, Trung tâm Hỗ trợ Kỹ thuật an toàn bức xạ hạt nhân và Ứng phó sự cố); Giả định tình huống ứng phó sự cố mất an toàn phóng xạ tại bệnh viện (ông Nguyễn Duy Hiếu, Khoa Kỹ thuật phóng xạ - Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM).

07HDKHLVhoithaoungphoSCBXh2.jpg

Phần trình bày các tham luận đề dẫn

Theo bà Huỳnh Lưu Thanh Giang, TP.HCM hiện có 886 cơ sở đang sử dụng 2489 thiết bị bức xạ (gồm 783 cơ sở sử dụng 2069 thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế, 103 cơ sở sử dụng 420 thiết bị bức xạ công nghiệp và lĩnh vực khác); 65 cơ sở đang sử dụng nguồn bức xạ tập trung vào các lĩnh vực xạ trị, y học hạt nhân, nghiên cứu, đào tạo, dầu khí, chụp ảnh phóng xạ công nghiệp và đo đạc trong xây dựng (gồm 9 cơ sở y tế, 38 cơ sở công nghiệp, 18 cơ sở nghiên cứu, giáo dục, khác) với 312 nguồn phóng xạ đang sử dụng và 51 nguồn phóng xạ đang lưu giữ. Về công công tác quản lý an toàn bức xạ, từ 2021 đến nay, TP.HCM đã thực hiện cấp 932 giấy phép, gia hạn 75 giấy phép, sửa đổi 35 giấy phép, cấp 713 chứng chỉ nhân viên bức xạ, phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố cơ sở, cấp 539 giấy xác nhận khai báo thiết bị.

Đánh giá sơ bộ việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn bức xạ trong X-quang y tế cho thấy, 100% các cơ sở khi cấp phép lần đầu đều có kiểm định thiết bị, tuy nhiên chỉ có khoảng 90% cơ sở thực hiện kiểm định định kỳ theo quy định; 95% đạt tiêu chuẩn về diện tích phòng đặt thiết bị, 5% có diện tích nhỏ hơn quy định; 100% cơ sở đảm bảo quy trình vận hành thiết bị, nội quy an toàn; 98% đạt yêu cầu về đèn, biển cảnh báo; 90% cơ sở được trang bị áo chì bảo vệ, liều kế cá nhân;… Ngoài ra, khoảng 60% các đơn vị đã thực hiện khai báo, 28% thực hiện báo cáo định kỳ hàng năm, 36% lập hồ sơ theo dõi sức khỏe nhân viên bức xạ, 35% lập sổ theo dõi vận hành thiết bị.

Về công tác chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, Sở KH&CN thường xuyên cử cán bộ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do Cục An toàn bức xạ hạt nhân tổ chức; đã trang bị 2 máy dò tìm nguồn phóng xạ và các trang bị thiết bị bảo hộ. Sở cũng thực hiện đánh giá, đo đạc và lập bản đồ phông phóng xạ trên địa bàn Quận 5 và Quận Bình Thạnh. Các kết quả đo đạc phông phóng xạ trong khu vực khảo sát đều nằm trong giới hạn cho phép. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, đã thực hiện ứng phó và xử lý kịp thời đối với 2 sự cố liên quan đến nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ.

07HDKHLVhoithaoungphoSCBXh4.jpg

Phần trình bày các tham luận đề dẫn

Về hoạt động ứng phó sự cố bức xạ, ông Lã Trường Giang đã trình bày một số nội dung cụ thể về các đại lượng và đơn vị đo lường trong an toàn bức xạ, thiết bị ghi đo bức xạ và ứng phó sự cố, kiểm soát liều chiếu cá nhân (kiềm chế liều), các giai đoạn ứng phó sự cố, kinh nghiệm diễn tập ứng phó sự cố,… Theo đó, có thể chia quá trình ứng phó sự cố thành 6 giai đoạn cơ bản: tiếp nhận và xử lý thông tin; thông báo; huy động và triển khai; can thiệp (khắc phục sự cố); kết thúc hoạt động ứng phó và phục hồi; đánh giá, phân tích hậu quả và báo cáo về sự cố. Để tổ chức diễn tập thành công, việc xây dựng kịch bản cần chi tiết, chỉ rõ các bước triển khai, xác định cụ thể trách nhiệm các bộ phận, vị trí, cá nhân, bám sát kế hoạch ứng phó sự cố đã xây dựng và được phê duyệt. Ngoài ra, việc tổ chức đào tạo riêng biệt đối với các lực lượng tham gia diễn tập có vai trò quan trọng giúp việc diễn tập thành công, đạt được mục đích, yêu cầu. Trưởng ban chỉ huy ứng phó sự cố và người chỉ huy ứng phó sự cố tại hiện trường cần trao đổi, xem xét kỹ kịch bản diễn tập, thống nhất các bước triển khai diễn tập.

07HDKHLVhoithaoungphoSCBXh6.jpg

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp, đề xuất

Với tham luận Giả định tình huống ứng phó sự cố mất an toàn phóng xạ tại bệnh viện, ông Nguyễn Duy Hiếu đã đưa ra 2 tình huống giả định mất an toàn phóng xạ tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Qua đó, các ý kiến thảo luận tại hội thảo đã tập trung đóng góp, đề xuất về quy trình ứng phó sự cố, phương án diễn tập ứng phó sự cố, cơ chế phối hợp trong ứng phó sự cố bức xạ trên địa bàn Thành phố,… Nhiều ý kiến cho rằng, việc lựa chọn xây dựng kịch bản, tình huống là rất quan trọng để triển khai diễn tập ứng phó sự cố sao cho sát với thực tế nhất. Kinh nghiệm cho thấy, thực tế hiện nay, các tình huống sự cố có khả năng dễ xảy ra nhất trong quá trình vận chuyển nguồn phóng xạ từ sân bay, trong các tình huống tai nạn giao thông,… Khi tổ chức diễn tập, việc xây dựng được kịch bản tốt và vận hành cơ chế phối hợp tốt sẽ giúp mang lại hiệu quả phòng ngừa lớn, đồng thời ngăn ngừa và xử lý được các vấn đề liên quan đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Kim Huệ cho biết thêm, Sở KH&CN phối hợp cùng Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM đưa ra 2 tình huống giả định, cũng như dự thảo kịch bản diễn tập cơ chế phối hợp trong ứng phó sự cố bức xạ để làm tiền đề tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ trên địa bàn Thành phố trong thời gian sắp tới. Trong quá trình triển khai, các đơn vị sử dụng thiết bị bức xạ, nguồn bức xạ và các đơn vị phối hợp, hỗ trợ có thể chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất mô hình, lựa chọn phương án phù hợp thực tiễn, để từ đó vận hành được cơ chế phối hợp trong ứng phó sự cố bức xạ trên địa bàn Thành phố, giúp triển khai thực hành hiệu quả Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn TP.HCM.

Lam Vân (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378