TP.HCM tổ chức Hội thảo Thực tiễn đăng ký bảo hộ và quản trị nhãn hiệu tại doanh nghiệp
01-11-2023Trong thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tự đánh mất nhãn hiệu, chưa biết cách sử dụng, quản lý nhãn hiệu sau đăng ký bảo hộ. Nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về đăng ký bảo hộ, quản lý, khai thác, phát triển nhãn hiệu tại thị trường Việt Nam cũng như quốc tế. Qua đó, giúp doanh nghiệp sử dụng và sở hữu trí tuệ như một công cụ hỗ trợ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững.
Ngày 27/10/2023, tại Hội trường Sài Gòn Innovation Hub, 273 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM đã diễn ra Hội thảo “Thực tiễn đăng ký bảo hộ và quản trị nhãn hiệu tại doanh nghiệp”. Hội thảo do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm thông qua câu chuyện của doanh nghiệp và những phân tích, ý kiến của chuyên gia đến cộng đồng với kỳ vọng nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ và quản trị nhãn hiệu trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Khách mời của Hội thảo là 2 chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ: Ông Võ Hưng Sơn - Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ Cơ sở, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và bà Nguyễn Thị Thanh Trúc - Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển thương hiệu Điểm tựa vàng; đại diện doanh nghiệp chia sẻ câu chuyện là bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Công ty cổ phần Viet Tiles; đại diện Ban tổ chức có bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng hơn 100 đại biểu là đại diện của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tới từ Hội doanh nghiệp, Hội liên hiệp phụ nữ và các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM cùng tham dự.
Hơn 100 đại biểu cùng tham dự Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ, theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu là một trong những đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ và có số lượng đơn đăng ký bảo hộ rất lớn. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung về số lượng các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước hiện nay thì con số này vẫn còn rất thấp.
“Trên thực tiễn năm 2022 chúng tôi nhận thấy, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu chú trọng nhiều hơn đến vấn đề sở hữu trí tuệ, có nhiều doanh nghiệp cũng đã chú trọng đi đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, cũng còn nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đến vấn đề này, phải chờ đến khi doanh nghiệp bán hàng được rồi mới đi đăng ký nhãn hiệu hay thậm chí có những doanh nghiệp tồn tại 5 năm, 10 năm nhưng vẫn chưa có đăng ký, phải cho đến khi xảy ra vấn đề về tranh chấp nhãn hiệu thì mới bắt đầu quan tâm, tìm hiểu hoặc cũng có doanh nghiệp đi đăng ký nhưng chỉ là đề phục vụ hoàn thiện hồ sơ ở các Sở ban ngành khác và đăng ký rồi, có rồi cũng bỏ tủ chứ không thật sự chú trọng đến việc sử dụng nhãn hiệu của mình làm sao để nó trở thành một công cụ hữu hiệu góp phần giữ ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thúc đẩy doanh nghiệp phát triển hơn, bền vững hơn… và đó chính là câu chuyện về quản trị tài sản sở hữu trí tuệ. Do đó, thông qua Hội thảo này, chúng tôi mong muốn sẽ truyền một thông điệp tới quý doanh nghiệp và cộng đồng là hãy thật sự chú tâm tới tài sản sở hữu trí tuệ vì nó rất là quan trọng. Hiện nay, chúng tôi cũng đang tiếp tục triển khai kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển và hình thành nguồn nhân lực về quản trị tài sản sở hữu trí tuệ trên địa bàn TP.HCM và đây cũng là chương trình với kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong câu chuyện này”, bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung bộc bạch.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu khai mạc Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, ông Võ Hưng Sơn - Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ Cơ sở, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã có phần giới thiệu những quy định về hướng dẫn thủ tục đăng ký cũng như các biện pháp bản vệ quyền sở hữu trí tuệ trong nước.
Theo ông Võ Hưng Sơn, hiện nay các doanh nghiệp đã dần nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng nhãn hiệu để phân biệt sản phẩm của mình với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh khác, nhưng không phải tất cả các chủ thể đều nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu thông qua việc đăng ký nhãn hiệu và vẫn có những nhầm lẫn giữa nhãn hiệu và thương hiệu, nhãn hiệu và tên thương mại… điều này rất dễ phát sinh những xung đột quyền giữa tên thương mại, thương hiệu với nhãn hiệu được bảo hộ.
“Về nhãn hiệu đây là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Cũng có nhãn hiệu mang tính chất tập thể và đây là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên, của các tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó. Bên cạnh đó còn có nhãn hiệu mang tính chất chứng nhận và đây là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ tin cậy, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. Căn cứ vào đó nhãn hiệu sẽ được bảo hộ nếu đáp ứng thêm được các điều kiện như có dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp của các yếu tố nêu trên, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa và đây cũng là một điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ 2023. Đồng thời, cũng phải có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác”, ông Võ Hưng Sơn thông tin.
Ông Võ Hưng Sơn chia sẻ nhiều thông tin về nhãn hiệu và vấn đề sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu
Cũng theo ông Võ Hưng Sơn, doanh nghiệp khi có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu cần chuẩn bị các tài liệu sau đây, trước khi nộp đơn: (1) Mẫu nhãn hiệu được in trên giấy, kích thước không quá 8cm x 8cm, số lượng 7 mẫu, trong đó 2 mẫu dán vào 2 tờ khai và 5 mẫu nộp theo đơn đăng ký; (2) Danh mục: sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu, ví dụ sản phẩm như quần, áo, giày, dép, dược phẩm, trái cây tươi ... hay dịch vụ như dịch vụ lưu trú (khách sạn), dịch vụ mua bán, dịch vụ nhà hàng ăn uống… Khi nộp đơn đăng ký phải có tờ khai đăng ký nhãn hiệu kèm theo danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu lấy từ website www.ipvietnam.gov.vn; Mẫu nhãn hiệu; Chứng từ nộp phí, lệ phí. Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, với cùng 1 nhãn hiệu nếu có 2 đơn khác ngày ưu tiên cấp cho đơn có ngày ưu tiên sớm hơn còn cùng 1 nhãn hiệu, nếu có 2 đơn cùng ngày ưu tiên, các bên thỏa thuận nộp chung để cùng là đồng sở hữu hoặc bị từ chối.
“Một số dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu như dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế; Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài; Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế; Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ; Hình và hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng…”, ông Võ Hưng Sơn chia sẻ.
Tại Hội thảo bà Nguyễn Thị Thanh Trúc - Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển thương hiệu Điểm tựa vàng đã giới thiệu, chia sẻ nhiều kinh nghiệm liên quan đến cách thức và những lưu ý trong đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế và quản trị nhãn hiệu tại thị trường quốc tế.
Cụ thể, đối với vấn đề đăng ký nhãn hiệu quốc tế thường được hiểu là khi tiến hành thủ tục đăng ký nhãn hiệu vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ quốc gia mà chủ đơn sinh sống. Xét tại lãnh thổ Việt Nam thì có 2 trường hợp: Người Việt Nam đăng ký ra bất kỳ 1 quốc gia nào trên thế giới; Bất kỳ 1 chủ thể quốc gia nào đó trên thế giới nộp đơn đăng ký vào Việt Nam.
Thủ tục đăng ký nhãn hiệu quốc tế có 2 cách: (1) Nộp trực tiếp, nộp hồ sơ vào từng cơ quan sở hữu trí tuệ của từng quốc gia; chịu sự điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ tại từng quốc gia đó và hiện thế giới có hơn 193 quốc gia. (2) Nộp đơn thông quan Wipo, nộp 1 đơn vào Wipo và chỉ định các quốc gia cần được bảo hộ; chịu sự điều chỉnh của 2 hệ thống Luật Sở hữu trí tuệ (riêng của từng quốc gia và chung của Wipo www.wipo.int gồm Nghị định thư Madrid và thỏa ước Madrid), hiện nay có 114 thành viên bao gồm các quốc gia và tổ chức.
Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc - Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển thương hiệu Điểm tựa vàng chia sẻ tại Hội thảo
“Khi doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế và quản trị nhãn hiệu tại thị trường quốc tế tốt thì sẽ khuyến khích hoạt động đầu tư sáng tạo và định hướng nghiên cứu để tránh lãng phí, không những thế nó sẽ thúc đẩy được sự phát triển bền vững của doanh nghiệp… Do đó, doanh nghiệp cần tra cứu thông tin và đăng ký các đối tượng sở hữu trí tuệ trước khi đưa ra thị trường; Gốc rễ của năng lực cạnh tranh là chất lượng sản phẩm, dịch vụ và uy tín của doanh nghiệp; Bản chất của xây dựng các tài sản trí tuệ là hướng đến sự xác nhận của người tiêu dùng và đối tác; Nên kết hợp quyền sở hữu trí tuệ trong cùng một sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh; Cần bền bỉ và lâu dài trong quảng bá, truyền thông, xây dựng và phát triển thương hiệu và càng cũ càng có giá”, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc nhận định.
Cũng tại Hội thảo bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Công ty cổ phần Viet Tiles đã chia sẻ câu chuyện thực tế của doanh nghiệp về những khó khăn, về việc bảo hộ nhãn hiệu và quá trình giành lại nhãn hiệu cũng như quản trị tài sản trí tuệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Công ty cổ phần Viet Tiles, là nhà cung cấp gạch bông sản xuất bằng phương pháp truyền thống thủ công với những nguyên liệu xanh thân thiện với môi trường, sản phẩm được xuất khẩu trên 40 quốc gia. Tuy nhiên, công ty đã từng gặp khó khăn trong việc đăng ký nhãn hiệu và nguy cơ đánh mất nhãn hiệu”, bà Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Công ty cổ phần Viet Tiles chia sẻ tại Hội thảo
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, cuối năm 2014 công ty của bà đã nộp đơn đăng ký để được bảo hộ nhãn hiệu, tuy nhiện Cục Sở hữu trí tuệ từ chối vì nhãn hiệu tương tự gây nhầm lẫn với 3 nhãn hiệu khác. Công ty cũng đã nộp đơn yêu cầu hủy văn bằng đối với các nhãn hiệu được xem là đối chứng nhưng tới nay vẫn chưa nhận được phản hồi vì phải chờ các đối chứng trên không tiếp tục đăng ký.
“Đây là kinh nghiệm xương máu của riêng bản thân mình cũng như của công ty. Nếu ngay từ những ngày đầu thành lập năm 2013 công ty thực sự quan tâm đến vấn đề bảo hộ thì đã không bị các đối thủ cạnh tranh chiếm mất quyền bằng việc mua tên miền với tên tương tự nhãn hiệu công ty là VIETTILES và VIETTILE. Hiện nay, để khắc phục một phần vấn đề này chúng tôi cũng đang hướng tới phát triển thương hiệu thị trường quốc tế như đăng ký thành công nhãn hiệu tại Malaysia, đang trong quá trình xem xét và chờ cấp đăng ký tại Cambodia và đang hoàn thiện đơn đăng ký tại Korea hay cũng đã đăng ký 6 kiểu dáng công nghiệp để bảo hộ tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp dưới hình thức kiểu dáng công nghiệp của công ty. Cho nên thật sự cũng hy vọng các anh chị, doanh nghiệp phải quan tâm hơn không chỉ là chất lượng sản phẩm, dịch vụ và nội tại của doanh nghiệp mà còn là các quyền và nghĩa vụ của chúng ta nếu hiểu đủ, đúng và thực hiện nghiêm túc”, bà Nguyễn Thị Hiền ngậm ngùi nói.
Đại diện các doanh nghiệp đặt câu hỏi, trao đổi cùng các chuyên gia tại Hội thảo
Được biết, trong tháng 11 tới đây, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ phối hợp cùng với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức hội nghị tuyên truyền và tập huấn về những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ vừa mới được ban hành trong năm nay.
Nhật Linh (CESTI)