SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM: Trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế có KPI và phải báo cáo tiến độ 3 tháng/lần

11-01-2024
Thông qua các chỉ số đo lường kết quả tác động, Thành phố có cơ sở đánh giá về mức độ thành công của Đề án “Xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế” khi tổng kết và có cơ sở đề xuất điều chỉnh, bổ sung giai đoạn tiếp theo (nếu có).

Ngày 11/1/2024, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế” và “Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 19/2023/NQ-HĐND ngày 11 tháng 11 năm 2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố”.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố có gần 2.300 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (chiếm 50% số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp của cả nước), hơn 200 quỹ đầu tư mạo hiểm, 53 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 97 Trường đại học và cao đẳng, hơn 500 sự kiện khởi nghiệp và gần 80 cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức mỗi năm. TP.HCM đang tiến gần đến Top 100 Thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu. Do đó, việc hình thành trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế không chỉ nhằm nâng cao vị thế của Thành phố về khoa học và công nghệ ở khu vực Đông Nam Á theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW, mà cũng sẽ lan tỏa mạnh hơn khoa học và công nghệ đến sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

DeanCoE.jpg

Mục tiêu của Đề án “Xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế” là hỗ trợ một số tổ chức khoa học và công nghệ công lập có tiềm lực trên địa bàn TP.HCM phát triển trở thành trung tâm nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất 02 đơn vị tiệm cận trình độ quốc tế; đến năm 2030 có ít nhất 05 đơn vị tiệm cận, đạt chuẩn quốc tế; đến 2045 có ít nhất 05 đơn vị đạt chuẩn quốc tế.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sương (Q. Trưởng phòng Quản lý Khoa học - Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), trong giai đoạn 5 năm (kể từ thời điểm được phê duyệt tham gia Đề án), tổ chức khoa học và công nghệ công lập phấn đấu đạt được các tiêu chí gồm: Công bố trung bình mỗi năm ít nhất 10 bài báo trên các tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu Web of Science, Scopus; Được cấp ít nhất 05 bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích, hoặc 10 văn bằng bảo hộ giống cây trồng, hoặc 05 văn bằng bảo hộ đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; Có ít nhất 10 hoạt động chuyển giao công nghệ, hoặc 10 hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoặc có 01 sản phẩm khoa học và công nghệ được công nhận; Có ít nhất 03 hợp đồng hợp tác nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo với các tổ chức nghiên cứu phát triển, doanh nghiệp. Ngoài ra, tổ chức khoa học và công nghệ công lập cũng cần có năng lực phát triển bền vững, năng lực lãnh đạo, quản trị tổ chức và hiệu quả ứng dụng phục vụ phát triển Thành phố.

Để được tham gia Đề án, tổ chức khoa học và công nghệ công lập cần chuẩn bị hồ sơ năng lực giới thiệu các nội dung gồm: Chương trình, dự án khoa học và công nghệ trong giai đoạn từ 3-5 năm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đáp ứng định hướng phát triển của Thành phố; Kế hoạch hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế; Hồ sơ minh chứng năng lực, nguồn lực để đảm bảo tổ chức thực hiện chương trình, dự án khoa học và công nghệ.

Hoàng Kim (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353