SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Xây dựng bộ chuẩn dữ liệu ứng dụng cho bệnh án điện tử và liên thông bệnh viện

15-12-2022

Phần mềm EMR xây dựng theo bộ chuẩn dữ liệu đề xuất có khả năng liên thông dữ liệu giữa các hệ thống thông tin y tế và phòng ban khác nhau trong bệnh viện,giữa các bệnh viện với nhau, từ đó tăng cường khả năng khai thác và quản lý thông tin dữ liệu của hồ sơ bệnh án.

Thực tế cho thấy, nhu cầu triển khai bệnh án điện tử (BAĐT) là rất cấp thiết và hoàn toàn phù hợp với chiến lược chuyển đổi số quốc gia nói chung và của ngành y tế nói riêng, cũng như bám sát định hướng xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó có lĩnh vực y tế số, y tế điện tử.

Tuy nhiên, việc ứng dụng BAĐT chắc chắn sẽ không thành công triệt để nếu thiếu đi sự tồn tại của một bộ chuẩn dữ liệu chung, để thông qua đó các hồ sơ BAĐT có thể được luân chuyển - trao đổi thuận lợi và chính xác giữa các cơ sở y tế.

Để giải quyết bài toán này, nhóm kỹ sư - chuyên gia tại Trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) đã triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ “Xây dựng, thử nghiệm bộ chuẩn dữ liệu dựa trên các nền tảng tiêu chuẩn quốc tế HL7 FHIR và DICOM ứng dụng cho bệnh án điện tử và cho liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện”.

Theo đó, nhiệm vụ xây dựng phần mềm thử nghiệm bệnh án điện tử EMR theo chuẩn HL7 FHIR nhằm phục vụ quá trình phân tích đánh giá khả năng ứng dụng BAĐT và liên thông dữ liệu của bộ chuẩn dữ liệu đề xuất, cũng như phương án hỗ trợ một số bệnh viện tham gia thử nghiệm hiệu chỉnh bộ chuẩn dữ liệu đề xuất.

TS. Nguyễn Chí Ngọc, chủ nhiệm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ cho biết, ba mục tiêu trọng yếu của nhiệm vụ được nhóm chuyên gia thuộc Trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) hướng đến chính là khai thác ứng dụng bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe cá nhân…; nghiên cứu đề xuất cấu trúc bộ danh mục, bộ chuẩn dữ liệu dựa trên các nền tảng thế giới; và chuyển từ analog sang digital.

NV-37-H1.jpg

Sơ đồ liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện

Theo lời TS. Nguyễn Chí Ngọc, tại Điều 8 mục 3 Thông tư 46/2018 về Bệnh án điện tử quy định “phần mềm hồ sơ bệnh án điện tử phải có khả năng kết xuất bản điện tử theo tập tin định dạng XML”; và tại Điều 14 về Tiêu chuẩn công nghệ thông tin y tế quy định “Hồ sơ bệnh án điện tử phải áp dụng các tiêu chuẩn CNTT như Tiêu chuẩn HL7 (Health Level 7) gồm kiến trúc lâm sàng HL7 CDA và HL7 FHIR, và Tiêu chuẩn hình ảnh số và truyền tải trong y tế (DICOM) phiên bản 2.0 trở lên”.

Được biết, hiện nay tiêu chuẩn HL7 có 4 phiên bản nổi trội, đều được quy định bắt buộc hoặc khuyến nghị sử dụng bởi Bộ Y tế; và FHIR là một khuôn khổ tiêu chuẩn thế hệ tiếp theo kết hợp các tính năng tốt nhất của HL7 v2, HL7 v3, và HL7 CDA nhằm tận dụng các công nghệ dịch vụ web mới nhất. Ngoài ra, phim in X-quang truyền thống hiện vẫn còn được sử dụng rộng rãi trong y tế, và ứng dụng ảnh DICOM thay phim truyền thống đang được nhiều đơn vị y tế chủ động khai thác, hướng đến tính hiện đại trong công tác khám, chữa bệnh.

TS. Nguyễn Chí Ngọc nhấn mạnh, mục tiêu của nhiệm vụ là xây dựng bộ chuẩn dữ liệu chung phục vụ cho hồ sơ BAĐT và liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện, đồng thời nghiên cứu triển khai thử nghiệm bộ chuẩn dữ liệu BAĐT tại một số bệnh viện khu vực TP.HCM nhằm tăng tính linh hoạt và nâng cao hiệu quả trong quá trình chẩn đoán và điều trị tại các bệnh viện.

NV-37-H2.jpg

Toàn cảnh buổi nghiệm thu nhiệm vụ

Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức trong năm 2022, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, sản phẩm của đề tài đã hoàn thành các nội dung đề ra cho hai giai đoạn nghiên cứu - hoàn thiện, cụ thể là: Nghiên cứu bộ tiêu chuẩn HL7 FHIR và DICOM ứng dụng cho BAĐT và cho liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện; nghiên cứu chi tiết hiện trạng bệnh án theo quy định của Bộ Y tế và hiện trạng sử dụng bệnh án giấy tại các bệnh viện tham gia nhiệm vụ trong xây dựng bộ chuẩn dữ liệu cho BAĐT và cho liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện; nghiên cứu các bộ danh mục y tế phục vụ xây dựng bộ chuẩn dữ liệu cho BAĐT và cho liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện; nghiên cứu chuẩn dữ liệu tóm tắt bệnh án và công bố bộ chuẩn dữ liệu cho BAĐT và cho liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện; nghiên cứu thử nghiệm bộ chuẩn dữ liệu đề xuất tại các bệnh viện nhằm phục vụ ứng dụng BAĐT và liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện cũng như khả năng cung cấp dữ liệu trực tiếp đến Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

TS. Nguyễn Chí Ngọc cho biết có 2 bệnh viện (Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) đã thực hiện thành công việc ứng dụng bộ chuẩn dữ liệu đề xuất cùng với ứng dụng EMR là sản phẩm của nhiệm vụ. Cùng với đó, trong quá trình phối hợp triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ này, tại Bệnh viện Thống Nhất, nhiệm vụ đã đào tạo, hướng dẫn 15 bác sỹ và điều dưỡng (7 ở khoa Y học cổ truyền và 8 ở khoa Ngoại tiêu hóa). Tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nhiệm vụ đã đào tạo hướng dẫn 4 nhân viên kỹ thuật phòng Công nghệ thông tin và các bác sỹ, điều dưỡng tại 3 khoa thử nghiệm (Nội Thần kinh, Ngoại Thần kinh, Nội tiêu hóa).

 NV-37-H3.jpg

Bệnh án điện tử đi kèm ứng dụng EMR tích hợp bộ chuẩn dữ liệu đề xuất

Sau thời gian thử nghiệm hiệu chỉnh, có 2 bệnh  viện (1 bệnh viện thử nghiệm tại 3 khoa với  các mẫu hồ sơ bệnh  án thực tế, và 1 bệnh viện  thử nghiệm tại 2 khoa với các ca khám chữa bệnh trong thời gian thực) đã thực hiện thành công bộ chuẩn dữ liệu đề xuất trong việc khai thác ứng dụng BAĐT và liên thông dữ liệu.

Kết quả hiệu chỉnh và thử nghiệm cho thấy phần mềm EMR xây dựng theo bộ chuẩn dữ liệu đề xuất có khả năng hiển thị và lưu trữ đầy đủ bộ hồ sơ bệnh án theo quy định của Bộ Y tế, cho phép nhập dữ liệu và in ra các mẫu giấy phiếu này, đồng thời xuất dữ liệu ra định dạng XML theo chuẩn dữ liệu HL7 FHIR.

Ở phạm vi quốc tế, hiện có rất nhiều chuẩn dữ liệu cho việc hình thành và trao đổi dữ liệu BAĐT. Mặc dù các cơ sở khám chữa bệnh có quy mô và chuyên khoa khác nhau, dòng thông tin và yêu cầu về thông tin ở các bệnh viện về cơ bản là giống nhau. Thứ nhất, sự vụ liên quan tới quản lý nhân sự, quản lý tài chính, quản lý cơ sở vật chất, quản lý bệnh nhân tạo thành dòng thông tin quản lý. Thứ hai, hồ sơ bệnh án bao gồm thông tin hành chính, lâm sàng và cận lâm sàng tạo nên dòng thông tin liên quan đến bệnh nhân. Tất cả những thông tin này sẽ được lưu giữ trong hệ thống thông tin bệnh viện (Hospital Information System - HIS). Nếu HIS tuân thủ theo một chuẩn chung, thông tin hai chiều giữa các phòng ban, giữa các khoa trong bệnh viện, và giữa các bệnh viện với nhau có thể được trao đổi. Về mặt cấu trúc, HIS là một tập hợp dữ liệu lớn bao gồm nhiều thành phần dữ liệu khác nhau. Trong đó, phần thông tin quản lý, hành chính và lâm sàng thường ở dạng văn bản, phần thông tin  cận  lâm  sàng  thường  được liên kết  với  hệ  thống  thông  tin  xét  nghiệm (Laboratory Information System - LIS), hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh (Radiology Information System - RIS) và hệ thống lưu trữ và truyền nhận hình ảnh (Picture Archiving and Communication System - PACS). Các cơ sở khám chữa bệnh cũng như các cơ sở xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh có thể tách biệt nhau. Hơn nữa, thông tin cận lâm sàng có thể cần chuyển từ cơ sở này sang cơ sở khác tùy vào từng ca bệnh. Do đó, cần một chuẩn liên kết thông tin giữa các thành phần LIS, RIS, PACS với HIS. Tổ chức Health Level 7 (HL7) đã phát triển chuẩn dành riêng cho việc trao đổi thông tin y tế với phiên bản đầu tiên ra mắt vào năm 1987. Đến năm 1994, chuẩn này đã được Viện tiêu chuẩn dữ liệu quốc gia Mỹ (American National Standards Institute - ANSI) chính thức công nhận, và áp dụng trên toàn cầu.

HL7 International chỉ định một số tiêu chuẩn, hướng dẫn và phương pháp linh hoạt mà các hệ thống chăm sóc sức khỏe khác nhau có thể giao tiếp với nhau. Các tiêu chuẩn này tập trung vào các lớp ứng dụng, đó là "lớp 7" trong mô hình OSI, xác định cách thông tin được đóng gói và truyền từ một bên khác, thiết lập ngôn ngữ, cấu trúc và các loại dữ liệu cần thiết để tích hợp liền mạch giữa các hệ thống. Tiêu chuẩn HL7 hỗ trợ thực hành lâm sàng và việc quản lý, phân phối, và đánh giá các dịch vụ y tế, và được công nhận là thông dụng nhất trên thế giới. Mục đích của HL7 là đơn giản hóa việc tương tác và hợp tác hoạt động giữa các ứng dụng chăm sóc sức khỏe. HL7 tập trung chủ yếu vào việc chuẩn hóa các định dạng dữ liệu tổng quát. Hiện nay, HL7 hỗ trợ trao đổi các thông tin sau: nhập viện/ xuất viện và chuyển viện, quản lý tài chính, trao đổi dữ liệu chăm sóc sức khỏe, trao đổi dữ liệu hồ sơ y tế, trao đổi thông tin BAĐT, trao đổi thông tin quản lý bệnh viện.

Trong phạm vi một bệnh viện, thông tin được quản lý bởi một ứng dụng có tên gọi là hệ thống thông tin quản lý bệnh viện HIS. Ứng dụng này có thể giám sát và kiểm soát tất cả các hoạt động xảy ra và do đó HIS sẽ có các giao tiếp (interface) với các hệ thống khác như RIS, phòng tài chính, nhân sự, nhà thuốc, v.v… cũng như hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử EMR và hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR - electronic health record). Bên cạnh đó, hệ thống còn có thể được truy xuất từ Internet thông qua một ứng dụng trên nền tảng web. Nhờ vậy, HL7 cho phép truyền thông tin giữa các ứng dụng khác nhau (được phát triển bởi các công ty phần mềm khác nhau) trong bệnh viện.
Tiêu chuẩn HL7 cũng có thể được sử dụng để trao đổi thông tin liên quan đến bệnh nhân, bác sĩ, nguồn tài nguyên và tài liệu giữa các bệnh viện khác nhau. Ở cấp độ này, HL7 cung cấp các giao thức đồng bộ dữ liệu để trao đổi thông tin ổn định, độc lập giữa các bệnh viện (không phụ thuộc vào hệ điều hành, phần mềm, hệ thống cơ sở dữ liệu, v.v…)

Chia sẻ thêm về tính hiệu quả của nhiệm vụ, TS. Nguyễn Chí Ngọc khẳng định, có thể khẳng định rằng, với số lượng 54 bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế TP.HCM và hơn 1.000 bệnh viện, cơ sở y tế tại Việt Nam, nhu cầu triển khai bệnh án điện tử là rất lớn.

"Khi triển khai thành công sẽ giảm rất nhiều chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý cho bệnh viện. Sản phẩm của nhiệm vụ được công bố công khai nên các bệnh viện, cơ sở y tế tại Việt Nam và các nhà cung cấp phát triển có thể khai thác sử dụng phù hợp với nhu cầu và tính chất đặc thù của đơn vị. Về mặt khoa học công nghệ, việc hình thành một chuẩn dữ liệu chung cho ngành y tế Việt Nam bám sát với yêu cầu thế giới giúp bảo đảm khả năng làm chủ quy trình đồng thời bảo đảm tính độc lập với các phần mềm chưa chuẩn hóa trên thị trường. Do được nghiên cứu và phát triển trong nước, hệ thống chuẩn dữ liệu chung này sẽ bảo đảm thích nghi với các quy định của Bộ Y tế và ngành Bảo hiểm xã hội", TS. Nguyễn Chí Ngọc thông tin thêm, "Mặt khác, do bám sát với tiêu chuẩn dữ liệu thế giới, khả năng tương thích và trao đổi thông tin với các hệ thống nước ngoài được bảo đảm. Nhờ vậy, chi phí phát triển và hiệu chỉnh tiêu chuẩn dữ liệu trong tương lai cũng sẽ giảm đi đáng kể. Ngoài ra, sản phẩm của đề tài có thể được sử dụng trong đào tạo và nghiên cứu thông qua các bộ tài liệu kỹ thuật mô tả các chuẩn quốc tế HL7 và DICOM. Thông qua các hoạt động của nhiệm vụ sẽ thúc đẩy quá trình triển khai hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao trong y tế".

NV-37-H4.jpg


Nhân viên y tế tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương sử dụng ứng dụng EMR với bộ chuẩn dữ liệu đề xuất

Về hướng phát triển mở rộng của nhiệm vụ, TS. Nguyễn Chí Ngọc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tiếp tục xây dựng triển khai bộ chuẩn dữ liệu đề tài thành nền tảng cho khoa học y tế; mở rộng đào tạo đại trà ứng dụng HL7 FHIR và SNOMED CT; Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ứng dụng HL7 FHIR, SNOMED CT; để từ đó đề xuất với Bộ Y tế cũng như Sở Y tế TP.HCM về việc sử dụng bộ chuẩn dữ liệu bệnh án điện tử trên phạm vi TP.HCM nói riêng và toàn quốc nói chung.

Hay nói cách khác, các giải pháp cấu trúc dữ liệu và bộ công cụ liên quan là sản phẩm của nhiệm vụ khoa học - công nghệ do Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM triển khai thực hiện một lần nữa khẳng định tính tiên phong của việc gắn liền sản phẩm nghiên cứu khoa học vào thực tiễn đời sống xã hội mà các đơn vị trường viện đóng trên địa bàn TP.HCM đang hướng tới, đồng thời cho thấy rằng TP.HCM là địa phương đi đầu trong triển khai, hỗ trợ các giải pháp liên quan đến y tế thông minh, từng bước xây dựng TP.HCM trở thành một đô thị thông minh hiện đại gắn liền với chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, và quản lý nhà nước.

Thông tin liên hệ:

Trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM)

Địa chỉ: 268 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, Tp.HCM

Điện thoại: 028-38647256 - 0906115228

E-mail: khcn@hcmut.edu.vn - ncngoc@hcmut.edu.vn

Website: hcmut.edu.vn


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378