SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

'Điểm danh' những giải pháp y tế thông minh tại TP.HCM

16-12-2019

Bệnh viện số không tiếng loa, dùng robot phẫu thuật, ‘khai tử’ CPU truyền thống là những giải pháp y tế đoạt giải cao nhất giải thưởng y tế thông minh năm 2019.

Giải thưởng do UBND TP.HCM kết hợp Sở Y tế tổ chức. Từ 37 sản phẩm được chọn vào vòng 2, hội đồng chọn ra 20 sản phẩm đạt điểm cao nhất vào vòng 3 để xếp hạng giải thưởng.

4 giải nhất gồm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật nội soi với robot Da Vinci của Bệnh viện Bình Dân, mô hình "bệnh viện số" của Bệnh viện Quận Thủ Đức, hệ thống phản ứng khẩn cấp giải quyết sự cố an ninh, trật tự trong bệnh viện "Code grey" từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định, giải pháp thay thế CPU truyền thống bằng Raspberry Pi giúp tiết kiệm kinh phí và bảo vệ môi trường của Bệnh viện Nhi đồng 1.

yte9

Qua gần 3 năm triển khai robot phẫu thuật da Vinci, Bệnh viện Bình Dân đã phẫu thuật thành công cho 850 trường hợp về niệu khoa, ngoại tổng quát. Không chỉ tham gia hỗ trợ chuyển giao công nghệ phẫu thuật robot cho các bệnh viện trong nước, Bệnh viện Bình Dân còn được các bệnh viện trong khu vực đánh giá cao và mời sang hỗ trợ kỹ thuật.

yte8

Cho đến nay bệnh viện đã có 18 ê-kip phẫu thuật robot được đào tạo tại các trung tâm huấn luyện phẫu thuật robot tại Mỹ, Hàn Quốc, Singapore... và chính thức được công nhận. Ngoài ra, BV còn nhiều sáng tạo trong tiết kiệm chi phí các vật tư, thiết bị đi kèm khi triển khai phẫu thuật robot nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cuộc mổ, điều này đã làm giảm chi phí phẫu thuật robot đi một nửa nếu so sánh với giá phẫu thuật robot của các nước tiên tiến.

yte6

Với số lượt khám trung bình hơn 6.500 lượt bệnh nhân mỗi ngày nhưng Bệnh viện quận Thủ Đức hoàn toàn không có tiếng loa gọi tên bệnh nhân. Toàn bộ quy trình khám bệnh ngoại trú đã được số hoá. Tại các phòng khám của bệnh viện đều có màn hình hiển thị số thứ tự chờ khám tự động đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận tiện để người bệnh theo dõi lượt khám. Người bệnh đi khám bệnh không cần mang theo hồ sơ, toa thuốc do các bác sĩ có thể dễ dàng theo dõi lịch sử khám, chữa bệnh có trên phần mềm ứng dụng.

yte5

Bệnh viện số giúp người dân chủ động lựa chọn nhiều hình thức đăng ký khám bệnh như: đăng ký tại quầy nhận bệnh được nhân viên quét trực tiếp mã QRcode trên thẻ bảo hiểm y tế, giúp hoàn tất thủ tục nhanh chóng thay vì nhập thông tin bằng tay vào phần mềm. Ngoài ra, người bệnh có thể biết chi tiết giá dịch vụ khám chữa bệnh, số tiền cần phải đóng hoặc chênh lệch bảo hiểm y tế...

yte4

“Code Grey” là hệ thống phản ứng khẩn cấp sự cố an ninh, trật tự tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Khi kích hoạt “Code grey”, thì ngay lập tức các lực lượng được phân công nhiệm vụ từ bảo vệ đến các nhân viên chuyên trách an ninh, trật tự trong bệnh viện, cho đến sự chi viện và hỗ trợ kịp thời của công an địa phương sẽ nhanh chóng có mặt tại hiện trường và ngăn chặn kịp thời các vụ gây rối an ninh, trật tự trong bệnh viện.

yte3

Hệ thống dựa trên nền tảng API service tích hợp tổng đài ảo tạo ra các file giọng nói với nhiều cách đọc khác nhau, gọi được nhiều số điện thoại cùng lúc. Chỉ mất 1-2 phút kể từ lúc tổng đài nhấn nút báo động Code grey là Ban giám đốc, trực lãnh đạo, nhóm trực an ninh sẽ nhận được cuộc gọi tự động được gửi đến điện thoại của từng cá nhân. Ngoài Code grey, hệ thống “Auto Call” của bệnh viện còn có “Code blue” dành cho hỗ trợ khẩn cấp ngưng tim, ngưng thở, “Code red” dành cho hỗ trợ khẩn cấp cháy nổ, và “Báo động đỏ” dành cho hỗ trợ khẩn cấp khi có bệnh nhân nguy kịch.

yte2

Từ giữa năm 2016, bệnh viện Nhi Đồng 1 đã thay thế các CPU truyền thống bằng các thiết bị Raspberry Pi nhỏ gọn có kích thước chỉ bằng 1/100 CPU. Đặc điểm chính của sản phẩm này là hoạt động theo cơ chế ảo hoá máy chủ bằng phần mềm mã nguồn mở có tên là “Proxmox” để kết nối từ bo mạch qua mạng nội bộ vào máy chủ của bệnh viện.

yt1

Với hệ thống máy tính để bàn hơn 600 máy, bệnh viện đã tiết kiệm được hơn 3 tỷ đồng chi phí đầu tư trang thiết bị. Ngoài ra, do thiết bị Raspberry Pi tiêu thụ điện năng ít hơn gần 40 lần so với CPU nên hàng năm bệnh viện đã tiết kiệm thêm hàng trăm triệu đồng tiền điện. Hiện nay, đã có nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố đã chuyển đổi các CPU truyền thống sang thiết bị Raspberry Pi và đều thu được các kết quả tốt tương tự như Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Ngoài 4 giải nhất, Ban tổ chức còn trao 8 giải nhì, 8 giải ba tập trung vào các lĩnh vực như mạng lưới cấp cứu thông minh, đăng ký khám bệnh trực tuyến và các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, phần mềm để người bệnh cùng kiểm tra thông tin trước mổ, camera thông minh giám sát rửa tay, trí tuệ nhân tạo tiếp cận y học cá thể trong điều trị ung thư...

Các sản phẩm công nghệ phục vụ người bệnh từ "vườn ươm sáng tạo" của Bệnh viện Quân dân y Miền Đông vừa giành giải nhì vừa được trao giải triển vọng.

Theo PGS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết các sản phẩm được bình chọn dựa trên các tiêu chí như tính sáng tạo xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, nền tảng công nghệ cũng như giao diện sản phẩm, phạm vi triển khai, hiệu quả, khả năng nhân rộng.

 

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353