SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Nghiệm thu nhiệm vụ "Nghiên cứu tình hình nhiễm giun đũa chó và hiệu quả điều trị bằng Albendazole ở học sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh"

30-09-2024
Kết quả nghiên cứu ghi nhận, tác dụng của Albendazole với liều 10-15 mg/kg/5 ngày, uống sau ăn chia 2 lần/ngày, đáp ứng tốt với các ca bệnh nhiễm giun đũa chó, đồng thời đưa ra phác đồ điều trị mới ít tốn kém và mang lại hiệu quả rõ rệt.

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu tình hình nhiễm giun đũa chó và hiệu quả điều trị bằng Albendazole ở học sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Đây là nhiệm vụ do trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chủ trì thực hiện.

TOANCANH.png

Quang cảnh buổi nghiệm thu. 

Tại buổi nghiệm thu, PGS.TS.BS Hà Văn Thiệu, đồng chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, bệnh giun đũa chó hay bệnh ấu trùng di chuyển nội tạng có tên khoa học là Toxocara canis, thuộc nhóm “bệnh động vật lây sang người”. Những năm gần đây, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu và chứng minh được rằng ký sinh trùng giun đũa chó không những ký sinh ở ruột chó mà còn gây bệnh sang người, làm tổn thương gan, não, phổi, mắt... hoặc bất cứ đâu mà chúng di chuyển đến. Mặc dù đã có những hướng điều trị, can thiệp nhất định về mặt y học, tuy nhiên do thói quen sinh hoạt của chó khiến bệnh rất dễ lây nhiễm sang người, dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh vẫn khá cao trên thế giới và tại Việt Nam. Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng và không đặc hiệu nên việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn, đặc biệt, tại Việt Nam cũng như tại TP.HCM rất ít nghiên cứu tập trung về tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó, liệu trình điều trị, theo dõi sau điều trị để đánh giá sự đáp ứng và những tác dụng ngoại ý của thuốc với đối tượng chuyên biệt là trẻ em.

Nhiệm vụ nghiên cứu được thực hiện hướng đến 2 mục tiêu là xác định tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó trên học sinh tại TP.HCM và đánh giá hiệu quả, cũng như các yếu tố liên quan đến kết quả điều trị của Albendazole trên học sinh nhiễm ấu trùng giun đũa chó tại TP.HCM.

Nhóm đã thực hiện các nội dung chính: khám và thu thập chỉ số nhân trắc, các triệu chứng lâm sàng của 960 mẫu; tái khám và theo dõi diễn tiến điều trị sau 1 tháng; tái khám và theo dõi diễn tiến điều trị sau 6 tháng; theo dõi trong 6 tháng; phân tích tỷ lệ nhiễm giun đũa chó, yếu tố nguy cơ, tỷ lệ điều trị thành công và thất bại, lâm sàng, cận lâm sàng trước và sau điều trị, tác dụng phụ của Albendazole; mô tả hình thái học và dịch tễ học giun đũa chó, cơ chế miễn dịch và cơ chế bệnh sinh nhiễm giun đũa chó, đặc điểm lâm sàng nhiễm giun đũa chó; chẩn đoán và triển vọng về chẩn đoán nhiễm giun đũa chó; điều trị, hướng dẫn điều trị và phòng bệnh giun đũa chó; hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi sau điều trị giun đũa chó…

Theo PGS.TS.BS Hà Văn Thiệu, Albendazol là một dẫn chất Benzimidazol carbamat, lần đầu tiên được phê duyệt là thuốc điều trị giun cho người vào năm 1982. Đề tài này được tiến hành với 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là điều tra cắt ngang nhằm xác định tỷ lệ nhiễm giun đũa chó và giai đoạn 2 là nghiên cứu can thiệp nhằm đánh giá hiệu quả của việc điều trị Albendazol trên trẻ nhiễm ấu trùng giun đũa chó. Nhóm nghiên cứu đã chọn mỗi khối lớp ở mỗi cụm trường tối thiểu 16 học sinh từ 3-15 tuổi tại các trường trên địa bàn Thành phố.

THUYETTRINH1.png

PGS.TS.BS Hà Văn Thiệu (chủ nhiệm nhiệm vụ) báo cáo kết quả đề tài tại buổi nghiệm thu.

Qua cuộc điều tra cắt ngang mẫu nghiên cứu gồm 986 học sinh đưa vào mẫu nghiên cứu (nam: 474 và nữ: 512), nhóm thực hiện đã ghi nhận một số nội dung như: học sinh tiểu học chiếm tỷ lệ nhiễm cao là 45%; về tỷ lệ ELISA (phương pháp xét nghiệm miễn dịch hấp phụ liên kết enzyme) dương tính giun đũa chó theo đặc điểm chung của mẫu nghiên cứu, tỷ lệ ELISA dương tính giun đũa chó theo 2 giới nam và nữ lần lượt là 14% và 15%; học sinh trung học cơ sở có tỷ lệ ELISA dương tính giun đũa chó cao là 21%, chiếm tỷ lệ thấp là học sinh mầm non với 9,1%.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhóm mẫu không triệu chứng lâm sàng chiếm tỷ lệ khá cao (79,1%). Trong nhóm có triệu chứng lâm sàng, triệu chứng mẩn ngứa có tỷ lệ 10,1 %, đau bụng là 8,2%, nổi mề đay là 33,4%, không ghi nhận trường hợp nào có triệu chứng yếu cơ, gan lớn, co giật. Về đặc điểm cận lâm sàng: xét nghiệm sinh hóa máu cho thấy, tỷ lệ tăng IgE (globin miễn dịch E) ở nhóm ELISA dương tính giun đũa chó là 37% và nhóm âm tính là 23%; tỷ lệ tăng BCAT (bạch cầu ái toan) tăng nhẹ là 38%, tăng cao là 2,2% ở nhóm ELISA dương tính giun đũa chó và nhóm âm tính tăng nhẹ là 29%, tăng cao là 0,2%.

Kết quả trước và sau điều trị 1 tháng, 6 tháng cho thấy, với số học sinh ELISA dương tính giun đũa chó tuân thủ điều trị tham gia khám và được xét nghiệm sau điều trị là 107 em, điều trị bằng Albendazole với liều 10-15 mg/kg/5 ngày, uống sau ăn chia 2 lần/ngày, hầu hết các triệu chứng lâm sàng đều giảm sau khi điều trị. Cụ thể, các triệu chứng mẫn ngứa, đau bụng, mề đay đều giảm sau khi điều trị, lần lượt chỉ còn còn 6,5%, 5,6% và 3,7%. Sau điều trị, hết triệu chứng lâm sàng chiếm tỷ lệ 96,2%; BCAT về bình thường và còn tăng nhẹ lần luợt là 71% và 29%; IgE về bình thường và còn tăng lần lượt là 57,9% và 42,1%; OD (mật độ quang) về bình thường là 28%, giảm < 30% là 17,8%, không giảm là 32,7%.

Kết quả nghiên cứu cũng ghi nhận một số yếu tố liên quan tới việc điều trị thất bại giun đũa chó, là nơi ở (quận, huyện), trình độ học vấn người nuôi dưỡng, nghề nghiệp người nuôi dưỡng, xử lý phân chó mèo. Cụ thể, với mô hình 1 (đặc điểm dân số): nhóm điều trị thất bại ở huyện Nhà Bè trình độ học vấn người nuôi dưỡng cấp 2, cấp 3 và nghề nghiệp người nuôi dưỡng (khác) chiếm tỷ lệ lần lượt 79,2%, 75,3% và 78%; mô hình 2 (đặc điểm kiến thức, hành vi): điều trị thất bại ở nhóm không xử lý phân chó chiếm tỷ lệ cao 92,2%.

Báo cáo trước Hội đồng tư vấn nghiệm thu, đại diện nhóm nghiên cứu khẳng định, nhiệm vụ đã thành công trong việc phát hiện được tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó trong cộng đồng, sự biến đổi các chỉ số xét nghiệm cận lâm sàng, tư vấn cách phòng bệnh về lây nhiễm giun đũa chó tại các trường học, điều trị kịp thời đối với các em học sinh nhiễm ấu trùng giun đũa chó. Với những kết quả này, đề tài sẽ là tài liệu tham khảo mang tính khoa học giúp các địa phương thực hiện chương trình phòng chống giun lựa chọn được chiến luợc sát hợp với từng khu vực, đồng thời, góp phần đưa ra một hướng điều trị hiệu quả và tiết kiệm hơn.

Nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị, đề xuất một số nội dung như: cần tuyên truyền cho người dân về việc phòng, chống bệnh do nhiễm ấu trùng giun đũa chó qua việc không thả rông, hạn chế bồng bế chó, đặc biệt là trẻ em; vệ sinh tay trước khi ăn; dùng các phương tiện bảo hộ lao động như ủng, găng… khi làm việc tiếp xúc trực tiếp với đất; tẩy giun cho chó định kỳ nhằm hạn chế các yếu tố nguy cơ nhiễm; trẻ em ngứa, mề đay, ban đỏ, xét nghiệm máu có tăng bạch cầu ái toan >0,38, chưa rõ nguyên nhân, cần hướng đến tầm soát bệnh giun đũa chó;… 

Minh Nhã (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353