Nhà sáng chế đừng để tấm bằng sở hữu trí tuệ là “gánh nặng”
02-08-2019Có đến 50% bằng sáng chế được cấp tại Mỹ chỉ “để trưng”, không đóng phí thường niên, và từ đó trở thành gánh gặng của người được cấp bằng.
Sáng chế khi chưa tạo ra nhiều giá trị kinh tế nhiều khi là "gánh nặng" của nhà khoa học và doanh nghiệp. Trong ảnh: TS Trần Thị Ngọc Lan, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM làm các thí nghiệm hóa học. Ảnh: Hà Thế An.
Số liệu này được thống kê mới đây từ Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) về hoạt động của nhà sáng chế sau khi được cấp bằng tại quốc gia này. Từ cơ sở thống kê này, ông Tony Ngô, người có hơn 20 năm tư vấn về sở hữu trí tuệ của USTPO cho rằng, sáng chế khi cấp bằng mà không thương mại hóa thì coi như sáng chế đó không có giá trị và trở thành “gánh nặng” của nhà sáng chế.
Bằng sáng chế - công cụ để thương mại hóa ý tưởng
Ông nói rằng, tấm bằng chỉ là công cụ để những nhà sáng chế tiếp tục thương mại hóa ý tưởng, công nghệ của mình. Nếu được cấp bằng rồi mà bỏ không thì coi như đó là sự lãng phí rất lớn. Vì hằng năm, người được cấp bằng sẽ phải đóng phí thường niên. Và có rất nhiều người vì không đóng phí nên gặp phải rắc rối khi xảy ra tranh chấp.
“Khi đó sẽ xảy ra kiện tụng và khiến nhà sáng chế phải mất thời gian, mệt mỏi và tốn khá nhiều tiền để giải quyết tranh chấp cùng với tòa án. Số tiền chi trả cho một vụ việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ tại Hoa Kỳ cũng không hề nhỏ”- ông Tony Ngô nói.
Vị chuyên gia từ USTPO cũng cho rằng, bằng sở hữu trí tuệ là công cụ để chiến lược hóa sản phẩm. Tức là biến tấm bằng thành công cụ tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, chứ không phải cấp bằng rồi “để trưng”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc IP Group nêu lên thống kê có 54% những người làm startup cho rằng, bằng sáng chế giúp thay đổi doanh nghiệp của họ, giúp doanh nghiệp họ đi lên.
“Mở một quán trà sữa nhưng với mô hình mới lạ cũng hoàn toàn có thể đăng ký sở hữu trí tuệ. Sở hữu trí tuệ luôn hiện diện ở mọi mặt cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ở VN hiện nay chưa coi trọng bằng sáng chế vì tư duy ngắn hạn. Doanh nghiệp chủ yếu ở quy mô nhỏ, việc kinh doanh họ không biết ngày mai thế nào nên vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được coi trọng”- ông Thuận nói.
Đứng ở góc độ quản lý nhà nước, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Saigon Innovation Hub, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chỉ ra rằng, một khảo sát mới đây cho thấy, việc định giá doanh nghiệp tại Việt Nam hiện có 95% dựa vào tài sản hữu hình (gồm: đất đai, máy móc, nhà xưởng,…). Điều đó cho thấy, vai trò của sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa được coi trọng.