Nhiều thành quả nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ ứng dụng tế bào gốc
09-12-2023Hàng loạt báo cáo tham luận cung cấp thông tin, kiến thức về những tiến bộ, đột phá mới trong lĩnh vực gen và tế bào gốc, tiềm năng ứng dụng của tế bào gốc được chia sẻ tại hội nghị khoa học "Các công nghệ và sản phẩm ứng dụng từ tế bào gốc".
Hội nghị khoa học lần thứ XII với chủ đề "Các công nghệ và sản phẩm ứng dụng từ tế bào gốc" do Hội Tế bào gốc TP.HCM tổ chức ngày 08/12/2023 tại TP.HCM. Sự kiện thu hút hơn 250 nhà nghiên cứu, chuyên gia y học, cộng đồng y học và khoa học từ Việt Nam, Ý, Hàn Quốc, Singapore. Hội nghị quy tụ 17 bài tham luận chất lượng, được chia thành 4 phiên trình bày với 2 chủ đề chính: Những tiến bộ về liệu pháp về gen và tế bào gốc; Tiềm năng ứng dụng của tế bào và tế bào gốc (TBG).
Ông Lê Thanh Minh (Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại hội nghị
Theo ông Lê Thanh Minh (Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), lĩnh vực liệu pháp gen và TBG đã và đang đặt ra nhiều thách thức và cơ hội. Từ việc nắm bắt khả năng chữa trị các bệnh các bệnh lý di truyền đến khả năng tái tạo mô cơ thể, chúng ta đang chứng kiến thành quả to lớn của sự tiến bộ về khoa học và công nghệ (KH&CN). TP.HCM đã có những chính sách đột phá nhằm thúc đẩy hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ưu tiên của Thành phố, trong đó có lĩnh vực gen và TBG. Cụ thể như NQ 13/2023/NQ-HĐND ngày 19/9/2023 của HĐND về mức chi triển khai đề án Hỗ trợ hệ sinh thái hởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 tại TP.HCM; NQ 19/2023/NQ-HĐND ngày 11/11/2023 của HĐND về ưu đãi tiền lương, tiền công và các phúc lợi khác, thù lao thực hiện nhiệm vụ KH&CN; NQ 20/2023/NQ-HĐND hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Thành phố cho chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; Đề án xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế;…
Với những chính sách này, Thành phố kỳ vọng sẽ thu hút, giữ chân và hội tụ được những tinh hoa về KH&CN trong lĩnh vực ưu tiên của Thành phố, phấn đấu đưa TP.HCM trở thành trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo đạt trình độ quốc tế, góp phần phát triển kinh tế xã hội Thành phố. Do đó, hội nghị này không chỉ là cơ hội để giới thiệu những nghiên cứu mới, mà còn là dịp gặp gỡ, học hỏi, chia sẻ, xây dựng kết nối và hình thành những nhóm nghiên cứu mạnh và trung tâm xuất sắc, thậm chí xây dựng nên một hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực gen và TBG.
"Tôi vinh dự và hoan nghênh khi chứng kiến sự hội tụ của những tâm huyết và tri thức, nơi chúng ta có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ và thảo luận về những đột phá khoa học mang tính cách mạng trong lĩnh vực liệu pháp gen và TBG. Hội nghị lần này sẽ mở ra những cơ hội mới, kích thích sự sáng tạo và tạo ra những dấu ấn đáng kể trong lĩnh vực liệu pháp gen và TBG", ông Lê Thanh Minh chia sẻ.
Hội nghị thu hút đông đảo đại biểu tham dự
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã trình bày nhiều báo cáo tham luận nổi bật như: Từ tế bào sinh dưỡng đến tế bào gốc: Đạo đức trong nghiên cứu và ứng dụng (PGS.TS. Nguyễn Văn Thuận, Phòng Thí nghiệm Tái lập chương trình tế bào - Đại học Quốc tế TP.HCM); Liệu pháp tế bào điều trị bệnh nan y - Chúng ta đang ở đâu? (GS.TS.BS. Nguyễn Thanh Liêm, Viện Nghiên cứu tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec); Mô hình hóa bệnh tim bằng cách sử dụng các mô hình khối tế bào 3 chiều trong hộp nuôi cấy (GS.TS. Bong Seng Soh, Phòng Thí nghiệm Phát triển mô hình bệnh lý và điều trị - Viện Sinh học phân tử và Tế bào, Singapore); Tương lai đầy hứa hẹn của công nghệ nuôi cấy tế bào thực vật (TS. Sang Hyun Mohsi, Cao đẳng Y khoa Đại học Chung-Ang, Hàn Quốc); Hoạt động chống virus của tế bào gốc: Giải thích hợp lý cho việc sử dụng chúng trong ứng dụng lâm sàng (TS.BS. Ciro Gargiulo, Bệnh viện Quốc tế FV và Phòng khám đa khoa Vigor Health TP.HCM); Hiệu quả của việc cấy ghép các tấm tế bào gốc trung mô từ mô dây rốn người trong điều trị nhồi máu cơ tim ở chuột (TS. Phạm Lê Bửu Trúc, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM); Liệu pháp tế bào CAR-T: từ nghiên cứu đến ứng dụng (TS. Cao Sỹ Luân, Khoa Di truyền học phân tử - Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM); Tế bào gốc ung thư - ứng viên tiềm năng cho phương pháp điều trị nhắm trúng đích bằng thuốc thảo dược (TS.BS. Huỳnh Thanh Tuấn, Nhà sáng lập nhóm Hợp tác y tế Việt Nam - Đài Loan); Cải tiến tỉ lệ tạo phôi và Blastocyst hỗ trợ sản xuất tế bào gốc phôi - Inner cell mass (ICM) bằng kỹ thuật ICSI trên mô hình động vật (PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình, Khoa Y dược – Đại học Thủ Dầu Một); Suy gan cấp trên nền mạn: Báo cáo ca lâm sàng điều trị thành công bằng thay huyết tương kết hợp ghép tế bào gốc trung mô dây rốn (TS.BS. Mai Văn Điển, Ngân hàng tế bào gốc Mekostem – Công ty CP Hóa dược phẩm Mekophar); Bước đầu ứng dụng PRF kết hợp BM-MSC trong phẫu thuật nội soi điều trị tổn thương sụn khớp gối tại Bệnh viện Đại học Y Dược (PGS.TS.BS. Bùi Hồng Thiên Khanh, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM); Góc nhìn từ ISCT: Những cân nhắc chính về quá trình hậu sản xuất các sản phẩm thuốc tế bào và gen (TS. Nguyễn Thị Sâm, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam); Một số phương thức sản xuất tế bào gốc trung mô trị liệu (ThS. Đặng Châu Ngô Hoàng, Trung tâm Thao tác tế bào, Đơn vị Tế bào gốc – Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh);…
Ông Nguyễn Thanh Liêm (Viện trưởng Viện Nghiên cứu tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec) cho biết, đến nay, hàng trăm nghìn bệnh nhân ung thư và các bệnh khác đã được cứu sống nhờ ghép tế bào gốc tạo máu. Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của liệu pháp tế bào đối với nhiều loại bệnh trên mô hình động vật. Nhiều nghiên cứu ngẫu nhiên và phân tích tổng hợp ở người cũng đã chứng minh tính an toàn và hiệu quả của liệu pháp tế bào đối với bệnh nan y như bệnh về gan mật, hệ thần kinh, bệnh hô hấp và tự miễn.
Theo ông Liêm, đối với bệnh xơ gan, hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu, nhưng nhiều nghiên cứu đã cung cấp đủ bằng chứng về hiệu quả của liệu pháp ghép tế bào gốc. Một nghiên cứu phân tích gộp năm 2023 với 13 nghiên cứu trên 854 bệnh nhân cho thấy, liệu pháp ghép tế bào gốc giúp giảm mức độ nặng của bệnh, duy trì chức năng gan và giảm tỷ lệ tử vong so với nhóm chứng (không ghép tế bào gốc). Đối với bệnh tiểu đường, thế giới cũng có nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả của liệu pháp ghép tế bào gốc. Năm 2020, một nghiên cứu tiến bộ dùng tế bào gốc trung mô dây rốn với 172 bệnh nhân và 71 nhóm chứng, 5 nghiên cứu dùng tế bào đơn nhân từ máu cuống rốn, kết quả cho thấy liệu pháp ghép tế bào gốc trung mô dây rốn giúp cải thiện chỉ số HbA1c, giảm liều insulin ở bệnh nhân tiểu đường. Đối với lĩnh vực trẻ hóa, chống lão hóa, một số nghiên cứu ứng dụng liệu pháp tế bào gốc bước đầu cho thấy cải thiện hoạt động thể lực cũng như các chỉ số sinh học về miễn dịch. Ngoài ra, liệu pháp tế bào gốc những năm gần đây cũng được ứng dụng nhiều đối với bệnh đột quỵ, chấn thương sọ não, chỉ định điều trị hồi phục các di chứng thần kinh. Một số nghiên cứu cho thấy, khả năng hồi phục các di chứng thần kinh sau đột quỵ và sau chấn thương sọ não được cải thiện rõ rệt hơn ở nhóm được truyền tế bào gốc so với nhóm chứng (không sử dụng liệu pháp TBG).
Các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế trình bày nhiều báo cáo tham luận có giá trị
TS.BS. Ciro Gargiulo cho biết, tầm quan trọng của TBG trong quá trình phát triển, tái tạo và sửa chữa mô được khẳng định qua khả năng tự đổi mới và biệt hóa thành các tế bào trưởng thành của chúng. Tế bào gốc hiện diện trong tất cả các cá thể và chúng có khả năng hoạt động đến cuối cuộc đời. Tuy nhiên, sự hiểu biết về vai trò điều biến miễn dịch và tác động quan trọng của chúng trong bảo vệ vật chủ khỏi virus vẫn còn hạn chế. Gần đây, các nhà khoa học đã nhấn mạnh việc sử dụng tế bào trong lĩnh vực trị liệu miễn dịch, đặc biệt là mở rộng tiềm năng sử dụng tế bào gốc theo hướng có thể phục hồi các hoạt động cụ thể của cơ thể thay vì chỉ sử dụng các giao thức nghiên cứu thông thường.
PGS.TS.BS. Trần Công Toại (Chủ tịch Hội Tế bào gốc TP.HCM) phát biểu tại hội nghị
PGS.TS.BS. Trần Công Toại (Chủ tịch Hội Tế bào gốc TP.HCM) cho rằng, TBG với khả năng đặc biệt của mình, đã mở ra một thế giới mới về điều trị bệnh, y học tái tạo. Việc ứng dụng TBG đã đạt được bước tiến đáng kể khi chữa trị thành công nhiều loại bệnh lý, từ các bệnh lý ung thư cho đến các vấn đề tim mạch, thậm chí là lão hóa. Thành công này không chỉ thấy rõ sức mạnh của TBG mà còn cho thấy sự sáng tạo của cộng đồng nghiên cứu TBG ở Việt Nam và quốc tế.
Triển lãm một số sản phẩm và công nghệ ứng dụng tế bào gốc
Hội nghị khoa học lần thứ XII với những bài tham luận chất lượng và các phiên thảo luận chuyên sâu, các chuyên gia hàng đầu đã cùng nhau chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, cung cấp thông tin về những tiến bộ, thành quả đạt được trong lĩnh vực liệu pháp gen và tế bào gốc. Đây cũng là cơ hội để kết nối hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu, tổ chức y tế và doanh nghiệp. Các phiên networking, triển lãm sản phẩm trong khuôn khổ hội nghị giúp kết nối và khám phá những dự án tiên tiến và công nghệ mới, từ đó thúc đẩy sự hợp tác tiếp theo để tạo ra những giải pháp tiên tiến cho sức khỏe con người.
Lam Vân (CESTI)