Phát triển trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm
22-11-2019Khi muốn phát triển các ứng dụng có ý nghĩa cho cuộc sống về trí tuệ nhân tạo, chúng ta phải cần nhiều nhóm chuyên gia cho những lĩnh vực khác nhau.
Đó là nhận định của PGS-TS Trần Minh Triết – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM về chính sách phát triển trí tuệ nhân tạo trong việc xây dựng thành phố trở thành thành phố thông minh.
PGS - TS Trần Minh Triết đang trình bày về những ứng dụng của AI trong chuyển đổi số tại một sự kiện về AI, do Sở KH&CN TP.HCM phối hợp với Sở TT&TT TP.HCM và ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức mới đây.
Ứng dụng công nghệ AI vào sản xuất và đời sống cũng như công tác quản lý hành chính nhà nước được lãnh đạo TP.HCM đánh giá là yếu tố quan trọng để xây dựng, phát triển thành phố nhanh, bền vững, sớm trở thành đô thị thông minh, đồng thời là cơ hội vàng để ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới, song song với những kết quả nhảy vọt về tăng trưởng kinh tế.
Chính vì vậy từ năm 2018, lãnh đạo TP.HCM đã chủ trương đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách cho nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất và đời sống, đồng thời tích hợp một số lĩnh vực AI vào đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh.
Phát triển trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm, là ‘hiến kế’ của PGS-TSTrần Minh Triết – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM.
Thưa ông, với hiến kế phát triển trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm, ông có thể phân tích thêm về vấn đề này?
PGS - TS Trần Minh Triết: Trước tiên, tôi nghĩ rằng Việt Nam có tiềm lực về con người, nguồn nhân lực có khả năng tham gia vào xu hướng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo phục vụ cho cuộc sống.
Trước hết, khi muốn phát triển các ứng dụng có ý nghĩa cho cuộc sống về trí tuệ nhân tạo, chúng ta phải cần nhiều nhóm chuyên gia cho những lĩnh vực khác nhau. Đầu tiên, nhóm chuyên gia nghiên cứu mô hình lý thuyết, tập trung nhiều vào những cơ sở lý thuyết nền tảng bên dưới để tạo ra những kết quả nghiên cứu có ảnh hưởng lớn về mặt lý thuyết ở tầm khu vực và thế giới. Điều này được thực hiện trong các trường, viện nghiên cứu.
Nhóm thứ hai là nhóm các chuyên gia có khả năng để ứng dụng được những mô hình lý thuyết vào trong các bài toán thực tế, để có khả năng giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. Đây là sự kết hợp từ những bài toán từ thực tế do Thành phố đặt ra, do doanh nghiệp đặt ra. Khi ấy, chính các chuyên gia trong các trường, viện nghiên cứu sẽ cùng phối hợp với Thành phố, các doanh nghiệp để tạo ra những giải pháp thích ứng với điều kiện thực tế. Bởi vì, chúng ta không có khả năng đưa một giải pháp vốn có sẵn ở nước ngoài và áp dụng trực tiếp ngay tại Việt Nam, mà cần quá trình thích nghi, cần có dữ liệu thực tế từ bên trong cuộc sống để mình làm cho thật sự phù hợp.
Vấn đề thứ ba, làm sao có một đội ngũ chuyên gia có khả năng đi triển khai sâu và rộng những giải pháp đã được đề xuất và xây dựng. Bởi vì, từ khi có giải pháp và đưa ra ứng dụng cũng cần quá trình để cho người sử dụng làm quen với giải pháp đó, cũng như hoàn thiện cách tương tác một cách tự nhiên nhất, để giúp cho người dùng thấy rằng phần được đưa ra nó rất quen thuộc, dễ sử dụng và hiệu quả trong cuộc sống.
Vậy theo ông, đối tượng “con người” ở giai đoạn nào trong việc ứng dụng và phát triển AI là quan trọng nhất, thưa ông?
PGS - TS Trần Minh Triết: Thật ra, khi nhắc đến việc phát triển AI hướng đến con người là trung tâm. Mục tiêu chúng ta nhắc đến vai trò của con người ở góc nhìn toàn diện. Cái đầu tiên cần nhắc đến là mục tiêu của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo là phục vụ cho cuộc sống con người tốt hơn.
Cho nên, các bài toán thực tế nó luôn luôn hướng đến nhu cầu của con người, con người được hỗ trợ tốt hơn như thế nào trong môi trường đó. Đó chính là động lực, mục tiêu của việc nghiên cứu.
Để được như vậy, mình cần có những chiến lược phù hợp, để lấy con người làm trung tâm trong việc bồi dưỡng, hướng dẫn và phát triển. Vậy, chúng ta cần có những người nghiên cứu chuyên sâu, cần những người phát triển các giải pháp cụ thể, cần những người triển khai, cần cả người sử dụng thông minh để có thể dùng được những hệ thống đó. Nhưng, nguồn gốc ban đầu chính là ứng dụng hướng đến con người.
Thưa ông, trong mối liên kết với “bốn nhà” là nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học và nhà đầu tư, từ thực tế cơ sở nghiên cứu, ông đánh giá tứ giác này hiện ra sao?
PGS - TS Trần Minh Triết:: Ở góc độ đơn vị nghiên cứu và đào tạo, nhà trường luôn tạo điều kiện để cho tất cả những chuyên gia trong trường có khả năng hợp tác và tham gia tích cực vào các dự án xuất phát từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, nhà đầu tư, cùng giải quyết những bài toán do Thành phố đặt ra, các chuyên gia trong trường rất sẵn sàng. Đồng thời, trường cũng tạo điều kiện để khuyến khích việc lan tỏa các kiến thức của những thầy cô đi trước có khả năng lan tỏa sâu rộng đến các sinh viên, học sinh trường phổ thông có tiềm năng và đam mê lĩnh vực này.
Như vậy, phía trường đại học đã có sự sẵn sàng về mặt nhân lực, chuyên môn, tinh thần.
Rất mong, sắp tới sẽ có những mối quan hệ hợp tác, chính sách khuyến khích để sự sẵn sàng đó được hòa nhập vào trong hệ sinh thái phát triển AI do Thành phố gắn kết với các doanh nghiệp, đặt ra các bài toán thực tế, cùng với các nhà đầu tư để hỗ trợ, hiện thực hóa vấn đề đó.
Cảm ơn ông!