SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM: Gần 200 cơ sở tham gia chuỗi thực phẩm an toàn đạt chuẩn VietGap

21-12-2018

Trong số đó, đáng chú ý có sự tham gia của các cơ sở sản xuất thực phẩm của 11 tỉnh, thành lân cận, tạo ra chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho người dân thành phố.

TP.HCM: Gần 200 cơ sở tham gia chuỗi thực phẩm an toàn đạt chuẩn VietGap - 1

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM (thứ 2 từ trái sang) tham quan một mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại một hội chợ tổ chức trên địa bàn quận Tân Bình. Ảnh: Hà Thế An.

Thông tin này được ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, nêu ra tại hội thảo “Kết nối sản xuất và tiêu dùng nông sản thực phẩm Việt chất lượng cao”.

Hội thảo do Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn và Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức sáng 20/12.

Ông Trung cho biết, sau những nỗ lực trong việc quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, đến nay 187 cơ sở tham gia chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn cung cấp cho thị trường TP.HCM. Đáng chú ý có sự tham gia của các cơ sở sản xuất thực phẩm của 11 tình thành lân cận.

Tất cả các cơ sở sản xuất này đều đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGap. Sắp tới, Sở NN&PT nông thôn TP.HCM sẽ thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc cho các mặt hàng như trứng, rau quả,…

“Thời gian qua, chúng tôi cũng đã mở 10 chợ phiên an toàn tại các quận, huyện để người dân có thể tiếp cận với nguồn thực phẩm sạch từ các nhà cung cấp có uy tín và phải đạt chuẩn VietGap. Tổng doanh thu của 10 chợ phiên vào khoảng 200 tỉ đồng. Điều đó cho thấy, nhu cầu thực phẩm sạch của người dân là rất lớn”- ông Trung cho biết.

Bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc BSA cho biết, theo một khảo sát trên 80 hợp tác xã, hội nông dân sản xuất nông sản tại Đồng Tháp, chỉ có 18% nhà sản xuất đạt chứng nhận VietGap. Điều đó cho thấy, nông dân vẫn chưa coi trọng tiêu chuẩn chất lượng. Vấn đề lớn nhất khiến họ ngại tiếp cận và đưa tiêu chuẩn vào sản xuất chính là chi phí.

Mới đây BSA đã ký kết hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ để hỗ trợ cho nhân dân xây dựng tiêu chuẩn chất lượng nông sản, gia tăng giá trị gia tăng cho nông sản.

“Chúng tôi cũng đã làm việc với Tổ chức GlobalGAP (cấp chứng nhận GlobalGAP cho sản phẩm nông nghiệp) xây dựng bộ quy trình tiêu chuẩn với tên gọi Localgap. Đây là tiêu chuẩn trung gian để người dân có thể tiếp cận với thị trường quốc tế với chi phí thấp hơn so với GlobalGAP. Mỗi sản phẩm Localgap sẽ được cấp mã số GLN và được minh bạch thông tin trên website của GlobalGAP”- bà Hạnh nói.

Theo bà Vũ Thanh Hoa, đại diện Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Bộ NN&PTNT, từ năm 2013, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương 2 tỉnh Tiền Giang và Thanh Hóa tổ chức thí điểm triển khai đề án chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn.

Đề án nhằm mục tiêu kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng với các đơn vị sản xuất bằng việc xây dựng mô hình quản lý tiên tiến, thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm…

Sau khi triển khai thí điểm 2 tỉnh, đến tháng 11/2018, toàn bộ 63 tỉnh, thành trên cả nước đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi. Đến nay đã có 1096 chuỗi, 1426 sản phẩm và 3174 điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi.

“Chúng tôi đã vận động được khoảng 100 hợp tác xã, 250 công ty trong đó có một số tập đoàn lớn tham gia chuỗi”- bà Hoa nói.

 
Hà Thế An - khampha.vn

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353