Sản phẩm |
- Sau khi phân tích kết quả thu được của các thí nghiệm khảo sát yếu tố ảnh hưởng, tối ưu quá trình trích ly β-caroten và lycopen trong bột gấc bằng dung môi CO2 siêu tới hạn và kết quả trên quy mô sản xuất công nghiệp, chúng tôi có các kết luận như sau: - Xác định được điều kiện phân tích thích hợp dùng trong phân tích sắc ký lỏng cao áp là: hỗn hợp pha động với tỉ lệ thành phần là 90%MeOH:10%THF với tốc độ dòng pha động là 1ml/phút và bước sóng phân tích là 472 nm đối với lycopen và 450 nm đối với β-caroten. - Phương pháp ngâm được sử dụng chủ yếu để trích kiệt hàm lượng hợp chất mong muốn. Với thời gian trích ly kéo dài và không có tác dụng nhiệt, phương pháp ngâm thích hợp với những hợp chất không quá nhạy cảm với ánh sáng, không khí và nhiệt độ. - Phương pháp soxhlet với thời gian trích ly ngắn hơn và có thêm tác dụng nhiệt nên thích hợp cho độ chọn lọc cao của những hợp chất không quá kém bền với nhiệt và ít nhạy cảm với ánh sáng. - Phương pháp trích ly siêu tới hạn với khoảng nhiệt độ và áp suất có thể điều khiển được cộng thêm thời gian trích ly ngắn (3 giờ), quá trình trích ly hầu như không tiếp xúc với ánh sáng nên đây là một phương pháp thích hợp cho những hợp chất kém bền với nhiệt, ánh sáng và không khí. Ngoài ra khi sử dụng thêm đồng dung môi sẽ làm tăng hiệu suất thu hồi hơn so với khi chỉ sử dụng dung môi siêu tới hạn. - Phương pháp trích ly có hỗ trợ vi sóng cho hiệu suất thu hồi các hợp chất mong muốn tương đối cao. Thích hợp không những với các hợp chất ít nhạy cảm với nhiệt và các điều kiện môi trường mà còn với những hợp chất kém bền do có thể điều khiển được các thông số vận hành, quá trình trích ly hầu như không tiếp xúc với môi trường bên ngoài và thời gian thực hiện nhanh. - Sử dụng đồng dung môi EtOH làm tăng hiệu suất trích ly β-caroten, lycopen.Nguyên liệu được ngâm trước trong một số loại dầu thực vật đạt được hiệu suất trích ly dầu cao hơn tuy nhiên hiệu suất trích ly beta caroten và lycopen thấp hơn khi trích ly chỉ sử dụng EtOH làm đồng dung môi. - Đối với quy trình trích ly β-caroten và lycopen từ màng hạt gấc sử dụng dung môi siêu tới hạn: thời gian thích hợp để trích ly là 3 giờ; nhiệt độ, áp suất và lưu lượng dòng CO2 trong khảo sát tăng đều làm tăng hiệu suất trích ly β-caroten, lycopen. Tuy nhiên, hiệu suất thu hồi β-caroten ít ảnh hưởng bởi nhiệt độ trích từ 40-80 oC; điều kiện tối ưu trong khoảng khảo sát để trích ly β-caroten, lycopen là: nhiệt độ 80 oC, áp suất 300 bar, lưu lượng dòng CO2 20 g/phút, thời gian 3 giờ và dùng 5 % ethanol làm đồng dung môi. Hiệu suất tối đa trong khoảng khảo sát của β-caroten là 93,56 %, lycopen là 32,16 %; kết quả và điều kiện thí nghiệm phù hợp với sản xuất thực tế, do đó có thể ứng dụng phương trình quy hoạch thực nghiệm để tính toán sơ bộ hiệu suất thu hồi β-caroten và lycopen trên quy mô công nghiệp. -Đối với quá trình tạo hạt bằng phương pháp nhũ hóa: các yếu tố ảnh hưởng lên quá trình tạo hệ phân tán submicron như sau tốc độ đồng hóa là 15000 vòng/phút, nhiệt độ đồng hóa ở nhiệt độ phòng, hàm lượng dầu gấc là 1,75 %, hàm lượng Lecithin là 1,50 %, Tween 80 có ảnh hưởng tốt hơn Tween 20 với hàm lượng là 0,10 %, thời gian khuấy nhũ là 14 phút, hệ phân tán submicron carotenoid có kích thước hạt trung bình vào khoảng 115 nm ( xác định bằng LDS) với sự phân bố đồng đều. Khả năng dung nạp của hệ là 80,63 mg lycopen /100 g nhũ và 3,99 g β-caroten/100 g nhũ. - Đối với quá trình tạo hạt bằng phương pháp giản nỡ nhanh chóng (RESS): nhiệt độ hoà tan, áp suất hoà tan và nhiệt độ vòi phun đều ảnh hưởng đến kích thước tạo thành của sản phẩm; kết quả đo FT-IR sản phẩm tạo ra có cấu trúc không bị biến đổi so với nguyên liệu ban đầu. |