Nhằm định hướng cho các Doanh nghiệp, Trường, Viện phát huy đầy đủ vai trò của khoa học và công nghệ, hướng đến hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, tổ chức xuất sắc tập trung phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 430/QĐ-UBND ngày 05/02/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh vai trò của khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng các chính sách phát triển kinh tế, xã hội Thành phố. Cũng như, phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ Thành phố trong thời kỳ chuyển đổi số.
Ngày 09/6/2023, tại Hội trường 1 Trung tâm Hội nghị 272 (số 272 Võ Thị Sáu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM) đã diễn ra Hội thảo “Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội Thành phố”. Đây là sự kiện được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố. Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng hơn 200 đại biểu là đại diện của các Sở, ban, ngành; Trường Đại học, cao đẳng; Doanh nghiệp, Viện, Trung tâm nghiên cứu; chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của Thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
Hội thảo đã thu hút hơn 200 đại biểu là đại diện của các Sở, ban, ngành; Trường Đại học, cao đẳng; Doanh nghiệp, Viện, Trung tâm nghiên cứu; chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 tham dự
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận định, trong thời đại hiện đại của chúng ta, khoa học và công nghệ đã trở thành trụ cột không thể thiếu tham gia xây dựng và phát triển kinh tế xã hội. TP.HCM, với tầm nhìn và sự quyết tâm lớn, đã nhìn thấy sự quan trọng của việc tận dụng và phát triển tiềm năng khoa học và công nghệ trong quá trình chuyển đổi số. Hoạt động khoa học và công nghệ của Thành phố giai đoạn 2012 - 2021 đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện. Cơ cấu kinh tế của Thành phố đã chuyển biến tích cực, dịch vụ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao đã làm nền tảng cho sự phát triển Thành phố. Tỷ trọng 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học công nghệ cao: cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hoá chất - nhựa, cao su và chế biến tinh lương thực thực phẩm đang tăng dần qua các năm. Ngành nông nghiệp Thành phố đang chuyển dần sang nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây, giống con và các sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị sản xuất tập trung có năng suất cao. Kết quả này được thể hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn tăng và ở mức cao trong giai đoạn 2011 - 2020, đạt trung bình 35,62%, trong đó đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng TFP là 74% . Đồng thời, trong giai đoạn 2012 - 2021, năng suất lao động xã hội của Thành phố cao hơn 2,7 lần so với cả nước, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cao gấp 1,7 lần so với cả nước. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố ngày càng lớn mạnh và đang tiến gần đến Top 100 Thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu theo bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các quốc gia năm 2022 của Trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu - StartupBlink công bố.
Ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu khai mạc Hội thảo
Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục phấn đấu giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố cần tập trung phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong việc phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 430/QĐ-UBND ngày 05/02/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố.
“Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực nêu trên. Đầu tiên, Thành phố cần đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu và phát triển công nghệ, đặc biệt là các lĩnh vực có ưu tiên như công nghệ xanh, trí tuệ nhân tạo, và IoT. Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi để chuyển giao công nghệ từ các trung tâm nghiên cứu sang doanh nghiệp, từ ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm và dịch vụ thực tế. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa các doanh nghiệp công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và cộng đồng địa phương sẽ tạo ra một môi trường thúc đẩy sự phát triển bền vững hơn. Tóm lại, Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 4410/KH-UBND ngày 22/11/2022 về thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2025 trên địa bàn TP.HCM, để việc triển khai Kế hoạch mang lại hiệu quả thiết thực Thành phố cần sự chung tay của quý chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội rất lớn góp phần tạo ra nhiều động lực mới, giải pháp mới trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đầy phát triển mạnh mẽ kinh tế xã hội Thành phố trong bối cảnh hiện nay”, ông Nguyễn Hồ Hải nói.
Cũng theo TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, hoạt động khoa học và công nghệ của Thành phố giai đoạn vừa qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ ngày càng hoàn thiện với nhiều quy định mới để đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ gắn mà thực sự đồng hành, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Thành phố. Những thành quả này đưa Thành phố trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục và khoa học và công nghệ của cả nước. Cơ cấu kinh tế Thành phố đã chuyển biến tích cực, dịch vụ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao đã làm nền tảng cho phát triển.
“Thành phố luôn trân trọng, ghi nhận sự cống hiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức đã đóng góp các công trình, kết quả nghiên cứu phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để đưa các thành quả nghiên cứu ứng dụng vào cuộc sống, các đề xuất, hiến kế cho lãnh đạo Thành phố trong xây dựng, hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển của Thành phố. Các kết quả nghiên cứu, ứng dụng này không chỉ ở phạm vi Thành phố mà còn mở rộng ra cả nước, nhiều doanh nghiệp đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới”, TS. Nguyễn Việt Dũng chia sẻ.
TS. Nguyễn Việt Dũng chia sẻ thêm, mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng chúng ta cũng gặp nhiều thách thức, khó khăn và hạn chế trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cụ thể: Đầu tư cho khoa học - công nghệ còn hạn chế, nhỏ, lẻ và tản mạn; tỷ lệ chi cho hoạt động khoa học và công nghệ chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của Thành phố, với xu hướng chung của khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ tuy có tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cũng như, thiếu các tập thể khoa học mạnh, các chuyên gia đầu ngành có khả năng dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới, hoặc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ ở trình độ quốc tế. Chưa thiết kế được nhiều nhiệm vụ khoa học - công nghệ có tầm vóc và phạm vi tác động sâu rộng liên ngành, do đó các kết quả nghiên cứu chưa được như kỳ vọng của Lãnh đạo Thành phố, chưa tạo được sản phẩm khoa học - công nghệ thực sự mang tính đột phá, chủ lực, mang thương hiệu của Thành phố. Ngoài ra, cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho phát triển khoa học - công nghệ và ứng dụng kết quả khoa học - công nghệ vào sản xuất; chưa có những cơ chế, chính sách đủ mạnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới, nhập khẩu công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt là, cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị cho hoạt động khoa học - công nghệ còn thiếu và chưa đồng bộ, năng lực áp dụng và hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp còn thấp. Liên kết giữa cơ quan quản lý, trường viện và doanh nghiệp trong đổi mới, ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ còn yếu.
TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ đề dẫn cho Hội thảo
“Để khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực, nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật về khoa học và công nghệ với pháp luật liên quan; cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài cùng hợp tác, hỗ trợ giải bài toán cụ thể của Thành phố; cần có những giải pháp để tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp; tăng cường liên kết viện, trường và doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, nơi đưa các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân không chỉ trên địa bàn Thành phố mà còn cho cả nước, khu vực và thế giới”, TS. Nguyễn Việt Dũng nói thêm.
Để làm được điều này, ngành khoa học và công nghệ của Thành phố xác định các vấn đề then chốt cần phải đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung: Xây dựng, hình thành và phát triển các trung tâm xuất sắc trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nơi tập trung nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao để cùng triển khai các dự án hợp tác nghiên cứu nhằm giải quyết các bài toán lớn của thành phố; dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới, triển khai các nhiệm vụ ở trình độ quốc tế. Cũng như, đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý và tập trung nguồn lực để thực hiện nội dung đột phá chiến lược về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; Triển khai áp dụng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một số dự án khoa học - công nghệ cụ thể hoặc một số nhóm đối tượng đặc thù, như doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, viện nghiên cứu, trường đại học. Đề xuất xây dựng chính sách thúc đẩy khu vực tư nhân, doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Đến với Hội thảo ngày hôm nay, ngoài 3 bài tham luận trình bày tại Hội thảo, chúng tôi muốn lắng nghe, tiếp thu tất cả những ý kiến trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp về giải pháp, cách thức nhằm phát huy vai trò khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế xã hội Thành phố. Tôi xin phép được nêu ra một số nội dung để các Quý vị đại biểu, các chuyên gia cùng trao đổi, thảo luận: (1) Giải pháp xây dựng, hình thành và phát triển các trung tâm xuất sắc, nhằm tập trung nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao để cùng triển khai các dự án hợp tác nghiên cứu; (2) Giải pháp xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án khoa học công nghệ có tầm vóc, thu hút sự tham gia của cả khu vực công và tư để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố; (3) Giải pháp thu hút khu vực tư nhân, doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, TS. Nguyễn Việt Dũng chia sẻ.
Trong buổi Hội thảo, các diễn giả đã báo cáo 3 tham luận gồm các chủ đề:
(1) “Khoa học và công nghệ tham gia vào xây dựng các chính sách phát triển kinh tế, xã hội Thành phố” của GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM.
(2) “Vai trò của KH&CN ứng dụng phát triển doanh nghiệp” của TS. Bùi Thanh Luân - Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát, Giảng viên Trường Đại học Bách Khoa.
(3) “Phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ Thành phố trong thời kỳ chuyển đổi số” của TS. Trương Minh Huy Vũ - Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM.
Đại diện doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi với tinh thần cởi mở, tích cực
Được biết, tại Hội thảo, Thành phố sẽ tập trung làm rõ các vấn đề sau: Vai trò của khoa học và công nghệ ứng dụng phát triển doanh nghiệp; Khoa học và công nghệ tham gia vào xây dựng các chính sách phát triển kinh tế, xã hội Thành phố; Tầm quan trọng của tiềm lực khoa học và công nghệ Thành phố trong thời kỳ chuyển đổi số, những khó khăn, vướng mắc để tập trung phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm xuất sắc.
Nhật Linh (CESTI)