Ngày 3-11, Bộ KH-CN Việt Nam, Ngân hàng thế giới (WB) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã công bố các báo cáo về “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam” và “Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế”.
Sáng ngày 25/11/2021 tại Hà Nội, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã tổ chức Khai trương Sàn giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị trực tiếp tại số 24 Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội và trực tuyến tại địa chỉ techmartvietnam.vn. Đồng hành cùng sự kiện Khai trương Sàn giao dịch công nghệ có chuỗi sự kiện trưng bày, giới thiệu hàng trăm sản phẩm KH&CN.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cùng các lãnh đạo, đại biểu nhấn nút khởi động sàn giao dịch công nghệ và thiết bị
Tham dự Lễ khai trương, về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có: Ông Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Trần Đắc Hiến - Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia; và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tham dự sự kiện còn có: Ông Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh Bắc Kạn; Ông Phan Xuân Dũng - Nguyên UVBCH TW Đảng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Ông Trần Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Về phía các đơn vị phối hợp tổ chức có: Ông Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Hồi - nguyên Đại sứ tại Canada và Áo, Phó Chủ tịch Hội Nữ tri thức Việt Nam; Ông Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Chi hội Doanh nhân quốc tế Việt - Âu.
Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia Trần Đắc Hiến Phát biểu mở đầu buổi lễ
Phát biểu mở đầu buổi lễ, Ông Trần Đắc Hiến - Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia cho biết: nhiều năm qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia tổ chức Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) ở các quy mô quốc tế, quốc gia, vùng và chuyên ngành, để các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có sản phẩm KH&CN có điều kiện, cơ hội quảng bá, trình diễn, giới thiệu với công chúng, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ của doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, các hoạt động này chủ yếu mang tính sự kiện, diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nên không đáp ứng được nhu cầu thường xuyên về hoạt động cung - cầu trong thị trường KH&CN.
Để góp phần giải quyết vấn đề này, sau thời gian nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện cần thiết, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia đã phối hợp với một số hiệp hội và đơn vị khác để tổ chức triển khai các hoạt động trưng bày, trình diễn, kết nối, xúc tiến giao dịch sản phẩm, hàng hoá KH&CN tại Sàn giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị trực tiếp tại số 24 Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiến, TP. Hà Nội và trực tuyến tại địa chỉ techmartvietnam.vn.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt Phát biểu tại lễ Khai trương
Phát biểu tại lễ Khai trương, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định: “Hình thành và phát triển đồng bộ thị trường KH&CN là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được nêu trong nhiều Nghị quyết của Đảng, Luật Khoa học và công nghệ, Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”. Bộ trưởng đánh giá cao sáng kiến, sự nỗ lực và chủ động của Cục Thông tin KH&CN Quốc gia trong việc phối hợp với các hiệp hội để triển khai các hoạt động tại Sàn giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị trực tiếp và trực tuyến.
Bộ trưởng cho biết, những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo tổ chức triển khai một số chương trình, đề án và nhiều sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ như chợ công nghệ và thiết bị, triển lãm thành tựu KH&CN, trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ (TechDemo), Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest) ở nhiều quy mô khác nhau... thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức, cá nhân có liên quan, qua đó góp phần hình thành và từng bước phát triển thị trường KH&CN. Năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 về Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030, trong đó việc phát triển các tổ chức trung gian của thị trường, như Sàn giao dịch công nghệ, là một nhiệm vụ và giải pháp quan trọng. Sàn giao dịch công nghệ thực hiện các hoạt động kết nối các bên cung - cầu công nghệ tìm kiếm cơ hội chuyển giao công nghệ, hợp tác đầu tư nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ; hỗ trợ trình diễn, triển lãm, giới thiệu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng như các sản phẩm, hàng hóa KH&CN, qua đó góp phần thiết thực vào phát triển thị trường KH&CN.
TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện các hiệp hội tham gia hoạt động sàn cho biết, sàn giao dịch sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ, các cá nhân có công nghệ thiết bị cần được trưng bày, trình diễn, triển lãm. "Đây là sàn giao dịch công nghệ đầu tiên ở tầm quốc gia", ông Quân nói và mong muốn sẽ sớm phối hợp các sàn ở địa phương nhằm kết nối, tìm kiếm, giao dịch mua - bán sản phẩm, qua đó góp phần phát triển thị trường khoa học công nghệ.
Trong khuôn khổ sự kiện trên còn có nhiều phiên hội thảo, tọa đàm về kết nối, xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ với những chủ đề thời sự và cấp thiết của cộng đồng khoa học và doanh nhân như: Chuyển đổi số, xúc tiến thương mại hàng hóa, chia sẻ kinh nghiệm thành công, thất bại trong quá trình khởi nghiệp sáng tạo...
Tại Sàn giao dịch công nghệ không chỉ có các sản phẩm, hàng hóa KH&CN được trưng bày, giới thiệu, trình diễn trực tiếp, mà còn giới thiệu cơ sở dữ liệu (CSDL) của hàng trăm công nghệ chào bán trên trang Techmartvietnam.vn; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN với hàng trăm nghìn bản ghi về công bố khoa học trong nước và quốc tế của các tác giả Việt Nam, hàng vạn báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN được thực hiện bằng ngân sách nhà nước, hàng triệu kết quả nghiên cứu khoa học trên thế giới thông qua các CSDL KH&CN quốc tế, tạo cơ sở tri thức cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, CSDL về sáng chế, giải mã công nghệ, công cụ lập bản đồ sáng chế giúp dự báo xu hướng phát triển công nghệ, phân tích thị trường tiềm năng và đối thủ cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nhanh công nghệ phù hợp cũng như rút ngắn thời gian nghiên cứu đổi mới công nghệ, sản phẩm một cách hiệu quả.
Sau 3 ngày khai trương và trưng bày sản phẩm hàng hóa KH&CN, Sàn giao dịch công nghệ tiếp tục hoạt động thường xuyên để giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa KH&CN và tổ chức các hoạt động trình diễn, kết nối, xúc tiến chuyển giao công nghệ và hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế.
Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi lễ Khai trương
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cùng các lãnh đạo và đại biểu chứng kiến các đơn vị ký kết hợp tác tại buổi lễ
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tham quan một số gian trưng bày giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
(ảnh: Mạnh Hùng)
Tham dự buổi Lễ có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (Vifotec), Trưởng Ban tổ chức Giải cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương...
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ, Giải thưởng Sáng tạo KHCN là một hoạt động có nhiều ý nghĩa, góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân tiến quân vào khoa học, kỹ thuật, khích lệ các nhà khoa học, đội ngũ trí thức tham gia nghiên cứu, sáng tạo, kịp thời giải quyết những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Qua 26 lần tổ chức (1995-2020), Giải thưởng đã từng bước khẳng định uy tín trong lĩnh vực sáng tạo KHCN, được các nhà khoa học trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Nhiều công trình đoạt giải đã được ứng dụng trong thực tiễn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho mọi hoạt động của đời sống xã hội.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Thủ tướng cho cho các chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm của 5 công trình đoạt giải Nhất
Hội đồng Giám khảo đã xem xét, đánh giá các công trình và chọn trao giải thưởng cho 45 công trình bao gồm: 05 Giải Nhất, 11 Giải Nhì, 13 Giải Ba, 16 Giải Khuyến khích.
05 Giải Nhất thuộc về: Lĩnh vực cơ khí - tự động hóa có công trình "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị mô phỏng huấn luyện kip chiến đấu cabin YHK của Đài điều khiển tên lửa phòng không S125-2TM" của nhóm tác giả Thiếu tá, Thạc sỹ Chu Văn Hiệp; Trung tá, Tiến sỹ Phạm Đức Thỏa, Nguyễn Xuân Thiện, Võ Hồng Thắng và các cộng sự thuộc Viện Tên lửa- Viện KH&CN Quân sự, Bộ Quốc phòng.
Lĩnh vực công nghệ vật liệu có công trình "Tận dụng đất cứng, đất tầng phủ để sản xuất ngói chất lượng cao" của nhóm tác giả Tiến sỹ Nguyễn Quang Mâu, Thạc sỹ Nguyễn Quang Toàn, Thạc sỹ Nguyễn Duy Tấn thuộc Công ty cổ phần Gạch ngói Đất Việt, tỉnh Quảng Ninh.
Lĩnh vực công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới, có công trình "Nghiên cứu phát triển trạm sạc nhanh cho xe ôtô điện theo tiêu chuẩn chademo, nhằm thúc đẩy, khuyến khích việc sử dụng ôtô điện tại Việt Nam" của nhóm tác giả Kỹ sư Trần Dũng, Kỹ sư Bùi Phúc Chính, Kỹ sư Đinh Huy Vũ, Hà Đức Tường Quân, Lê Quang Vương thuộc Trung tâm sản xuất thiết bị điện, điện tử, Điện lực miền Trung.
Lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống có công trình "Tổ hợp lai các giống gà nội (MD1.BĐ; MD2.BĐ; MD3.BĐ" của tác giả Lê Văn Dư, Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, tỉnh Bình Định.
Lĩnh vực công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên có công trình "Áp dụng công nghệ nghiền siêu mịn trong sản xuất gạch ốp lát Cotto chất lượng cao" của nhóm tác giả Tiến sỹ Nguyễn Quang Mâu, Thạc sỹ Đồng Đức Chính, Kỹ sư Trần Văn Tuân của Công ty cổ phần Gốm Đất Việt- Đông Triều.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt trao giải Nhất cho các tác giả
Giải thưởng WIPO được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quyết định trao Bằng chứng nhận và Huy chương Vàng cho công trình "Áp dụng công nghệ nghiền siêu mịn trong sản xuất gạch ốp lát Cotto chất lượng cao" của nhóm tác giả Tiến sỹ Nguyễn Quang Mâu, Thạc sỹ Đồng Đức Chính, Kỹ sư Trần Văn Tuân thuộc Công ty cổ phần gốm Đất Việt, tỉnh Quảng Ninh.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng đánh giá cao các công trình được giải và cho biết, trong 26 năm qua, Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học trong nước.
Các công trình đoạt giải đã và đang áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.
Ngay sau Lễ trao giải, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát động Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2021. Bộ trưởng cho biết, năm 2021 Giải thưởng tập trung vào các lĩnh vực công nghệ trọng điểm như cơ khí tự động hoá, vật liệu, thông tin, điện tử và viễn thông, sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới...
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát động Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2021
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt hy vọng Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2021 sẽ tiếp tục được các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong cả nước nhiệt tình ủng hộ và tham gia. Qua đó, đóng góp trí tuệ và tài năng của mình vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trải qua 26 lần tổ chức, Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam được tổ chức nhằm tôn vinh các nhà khoa học, công nghệ đã có những công trình có giá trị khoa học, kinh tế - xã hội lớn đã và đang được áp dụng hiệu quả tại Việt Nam.
Giải thưởng đã khuyến khích việc tìm tòi, sáng tạo các công trình KHCN có khả năng giải quyết những yêu cầu cấp bách của thực tiễn, nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Sự lan tỏa rộng khắp của Giải thưởng với uy tín ngày càng cao đã thu hút không chỉ các nhà khoa học mà cả những cá nhân đam mê sáng tạo, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, say mê nghiên cứu, ứng dụng KHCN.
Một số hình ảnh tại Lễ trao giải: Giải Nhì, Giải Ba, Giải Khuyến khích, Giải thưởng WIPO:
Toàn cảnh các đầu cầu tham dự lễ phát động sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest Việt Nam 2021 tổ chức trực tuyến - Ảnh: KIM THOA
Techfest lần thứ 7 có chủ đề "Đổi mới sáng tạo - Kiến tạo tương lai", với hơn 50 sự kiện sẽ diễn ra liên tục suốt từ nay cho tới cuối năm.
Tham gia Techfest 2021 sẽ có 16 làng công nghệ (16 lĩnh vực) và khoảng 300 gian hàng. Mục tiêu được chú trọng trong chuỗi các sự kiện của Techfest Việt Nam là tạo điều kiện để các startup có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác và thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư.
Do đó xúc tiến kết nối đầu tư sẽ là điểm nhấn của Techfest 2021 như khẳng định của ông Phạm Hồng Quất, cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và công nghệ).
Ngoài các làng công nghệ đã tham gia Techfest những năm trước, năm nay có thêm nhiều làng công nghệ mới, qua đó cũng phản ánh sự xuất hiện và vai trò được chú ý hơn của các xu hướng phát triển kinh tế.
Một số làng mới tham gia Techfest năm nay như: Làng An toàn không gian mạng, Làng Công nghệ giải trí & truyền thông, Làng Công nghệ đô thị thông minh và công nghệ bất động sản số; Làng Công nghệ y tế và giải pháp sáng tạo chăm sóc sức khỏe; Làng Công nghệ du lịch - ẩm thực và nông nghiệp bản địa...
Năm nay là năm đầu tiên Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tham dự Techfest. Theo đó, với sự tham gia của gần 50 chuyên gia kiều bào trong vai trò cố vấn cho chuỗi các cuộc thi đổi mới sáng tạo, Techfest kỳ vọng sẽ giúp tăng cường giao lưu, kết nối, phát huy trí tuệ Việt ở nước ngoài trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ở thời đại công nghệ 4.0.
Sự kiện Techfest được tổ chức lần đầu tiên năm 2015 và năm nay là lần thứ 7 diễn ra sự kiện này, cũng là năm đầu tiên Techfest phải tổ chức phần lớn theo hình thức trực tuyến vì ảnh hưởng dịch COVID-19.
Năm ngoái, do cũng đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, Techfest 2020 đã kết hợp hai hình thức tổ chức trực tiếp và trực tuyến.
Dù vậy, Techfest 2020 cũng đã diễn ra thành công với hơn 7.000 người tham dự tại hơn 40 hội thảo, hội nghị, tọa đàm, trên 35.000 lượt tham dự trực tuyến, thu hút hơn 360 nhà đầu tư, quỹ đầu tư tham gia sự kiện. Tổng số tiền quan tâm đầu tư từ sự kiện đạt khoảng 14 triệu đôla Mỹ.
Năm nay, ban tổ chức sự kiện hy vọng nếu dịch bệnh có thể được cơ bản kiểm soát thì các sự kiện offline cũng có thể diễn ra trực tiếp tại TP.HCM. Trong tình huống không thể, với sự hỗ trợ của công nghệ kết nối, các hoạt động của Techfest 2021 được cho là cũng sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Techfest là sự kiện do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Sở KH&CN TP.HCM, Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam (SVF), Văn phòng Đề án 844, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) phối hợp tổ chức.
Phát động Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2021 Cũng trong sáng 16-9, ban tổ chức cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest đã thông báo quy cách tổ chức cũng như tiến độ nhận đăng ký, chấm và công bố kết quả của cuộc thi. Theo đó, cuộc thi năm nay vẫn giữ 2 bảng thi như trước. Bảng Công nghệ dành cho các công ty cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ công nghệ. Doanh nghiệp dự thi có sở hữu về công nghệ hoặc đã đăng ký sở hữu trí tuệ. Bảng Mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo dành cho doanh nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo trong mô hình kinh doanh, sản phẩm/dịch vụ… Doanh nghiệp tham gia không yêu cầu phải sở hữu công nghệ hoặc có đăng ký sở hữu trí tuệ. Ban tổ chức nhận hồ sơ dự thi từ 16-9 đến 12-10 và chung kết cuộc thi dự kiến vào ngày 15-12. Giải thưởng và các gói hỗ trợ tài chính lên đến 500.000 USD. |
Các nhà khoa học đã chủ trì các công trình nghiên cứu xuất sắc, được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín hoặc được cấp văn bằng sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước là đối tượng hướng đến của Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2022.
Hồ sơ đề nghị xét tặng do tổ chức hoặc nhà khoa học có uy tín thông qua tổ chức có tư cách pháp nhân giới thiệu ứng viên hoặc do ứng viên tự đề cử và gửi đến Hội đồng Giải thưởng.
Hồ sơ cần được niêm phong và bao gồm bản giới thiệu ứng viên hoặc bản ứng viên tự đề cử; bản thuyết minh các công trình khoa học được xem xét và bản sao các công trình khoa học, các văn bằng sở hữu trí tuệ có liên quan; lý lịch khoa học của ứng viên - tất cả đều theo mẫu của Ban tổ chức, có thể xem chi tiết tạihttp://vast.gov.vn/giai-thuong-tran-dai-nghia/
|
Đó là thông tin được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cho biết ngày 30/8.
Kể từ lần đầu tiên tổ chức vào năm 2016 đến nay, công tác tuyển chọn, biên tập và công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam được triển khai ngày càng bài bản, khoa học, chặt chẽ, bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan và thu hút được sự tham gia tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương trong cả nước.
Các công trình được ghi nhận và vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực được Đảng, Nhà nước tập trung ưu tiên phát triển như: cơ khí tự động hóa, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh…Những công trình, giải pháp được lựa chọn chính là một lần nữa khẳng định năng lực sáng tạo mạnh mẽ của người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Qua 5 năm triển khai, từ năm 2016 đến 2020, Ban Chỉ đạo tuyến chọn, biên tập, công bố và phát hành Sách vàng Sáng tạo Việt Nam đã tổ chức tuyển chọn, công bố 365/772 công trình, giải pháp khoa học công nghệ gửi về Ban Chỉ đạo để công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam (năm 2016 là 71 công trình; năm 2017 là 72 công trình; năm 2018 là 73 công trình; năm 2019 là 74 công trình; 2020 là 75 công trình và vinh danh 05 công trình phòng chống dịch bệnh Covid - 19). Số công trình được tuyển chọn, công bố hằng năm bằng với số năm kỷ niệm Quốc khánh. Lễ công bố hằng năm là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9).
Tiêu chí, điều kiện các công trình, giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ được giới thiệu, đề nghị tuyển chọn, công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021 gồm: Công trình, giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ trên lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và kỹ thuật đã đoạt giải tại các cuộc thi do bộ, ngành, tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức từ ngày 01/01/2019 đến ngày 20/6/2021; các công trình có giá trị khoa học và công nghệ hoặc giá trị ứng dụng thực tiễn cao, giá trị kinh tế cao, đạt hiệu quả trong sản xuất, đời sống; các công trình được các bộ, ngành, tổ chức thành viên MTTQ Việt Nam và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giới thiệu, đề nghị; được Hội đồng tuyển chọn đề nghị và Ban Chỉ đạo Sách vàng Sáng tạo Việt Nam thống nhất lựa chọn; đồng thời toàn bộ công trình gửi về có đầy đủ hồ sơ và bảo đảm thời gian theo qui định.
Theo đó, trong năm 2021, Ban Chỉ đạo tuyển chọn, biên tập, công bố và phát hành Sách vàng Sáng tạo Việt Nam đã nhận được 151 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học - công nghệ do các bộ, ngành, tỉnh, thành phố giới thiệu và đề nghị; trong đó: có 55 công trình, giải pháp khoa học - công nghệ do 11 bộ, ngành, tổ chức thành viên của Mặt trận giới thiệu gồm: Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Ngoại giao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam và Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam.
Có 96 công trình, giải pháp khoa học, công nghệ do 36 tỉnh, thành phố giới thiệu bao gồm các tỉnh: Bình Định, Sơn La, Hải Dương, Hưng Yên, Lào Cai, Bắc Giang, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Phú Thọ, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Thanh Hóa, An Giang, Bạc Liêu, Ninh Bình, Quảng Bình, Bắc Kạn, Cà Mau, Quảng Ngãi, Bà Rịa Vũng Tàu, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thừa Thiên - Huế, Yên Bái, TP. Hà Nội, Bình Dương, Bình Thuận, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Hậu Giang, Bình Phước.
Từ 151 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ, Hội đồng tuyển chọn đã họp, thảo luận kỹ lưỡng và bỏ phiếu kín tuyển chọn 76 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ tiêu biểu và đề nghị công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021.
Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021 cũng tôn vinh các tập thể, cá nhân đạt giải thưởng quốc tế năm 2020; vinh danh 6 công trình khoa học sáng tạo tiêu biểu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
76 công trình, giải pháp được chia theo các lĩnh vực như sau: công nghệ thông tin, điện tử viễn thông: 15 công trình; công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mới và chế biến, sản xuất trong nông nghiệp: 14 công trình; sinh học phục vụ sản xuất, đời sống: 13 công trình; cơ khí tự động hóa: 9 công trình; giáo dục – đào tạo: 8 công trình; công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên: 7 công trình; y tế: 7 công trình; công nghệ vật liệu: 3 công trình
Nam Khánh - dangcongsan.vnSơ lọc là một cấu phần quan trọng nhằm xác minh tính hợp lệ, đầy đủ của từng đề cử, cũng như thu thập thêm các thông tin giá trị và đa chiều hỗ trợ cho quá trình chấm giải. Theo đó, toàn bộ hồ sơ đề cử Giải thưởng VinFuture đều được đánh giá theo quy trình xét duyệt khắt khe, dựa trên các chuẩn mực quốc tế cao nhất, nhằm đảm bảo tính khoa học, công bằng và minh bạch.
Trong tháng 8-2021, Hội đồng sơ khảo gồm những nhà khoa học và chuyên gia uy tín từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các tập đoàn công nghệ - công nghiệp hàng đầu thế giới sẽ tiến hành đánh giá các đề cử theo các tiêu chí cốt lõi bao gồm mức độ tiến bộ trong khoa học - công nghệ, tầm ảnh hưởng tích cực đối với cuộc sống của con người cũng như quy mô và sự bền vững của dự án.
Các đề án lọt vào danh sách rút gọn phải đảm bảo bám sát với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc cũng như sứ mệnh của Giải thưởng VinFuture là tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên trái đấ
“Là giải thưởng khoa học với mục tiêu phụng sự nhân loại, VinFuture đặc biệt coi trọng khâu thẩm định và đánh giá hồ sơ. Tiêu chí tạo ra các tiến bộ, đột phá trong khoa học - công nghệ là điều kiện cần. Tuy nhiên, để lọt được vào danh sách rút gọn, các đề án phải chứng minh được tiềm năng tạo ra các thay đổi tích cực ở quy mô lớn trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày của mọi người.
Gần 600 đề cử đại diện cho gần 600 quan điểm, góc nhìn, hướng tiếp cận khoa học đối với các thách thức chung toàn cầu. VinFuture tin tưởng các thành viên Hội đồng sơ khảo sẽ làm việc với sự mẫn cán và tinh thần trách nhiệm cao nhất để lựa chọn những sáng kiến, nghiên cứu khoa học có ý nghĩa nhất cho vòng Chung khảo”, TS. Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và đại diện ủy quyền Quỹ VinFuture phát biểu.
Bên cạnh việc vinh danh những nhà khoa học kiệt xuất - chủ nhân của các công trình khoa học đột phá có ý nghĩa thực tiễn lớn lao, Quỹ VinFuture sẽ tìm kiếm các nguồn tài trợ, kết nối các nhà khoa học với hệ sinh thái Vingroup và các nhà đầu tư có cùng tầm nhìn.
Mục tiêu của VinFuture là rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu và thực tiễn, thúc đẩy quá trình ứng dụng khoa học, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân loại.
Về Giải thưởng VinFuture |
Linh động phù hợp từng địa phương
Chương trình phát triển thị trường KHCN quốc gia sẽ góp phần gia tăng giá trị giao dịch hàng hóa KHCN bình quân tăng 30%/năm và trên 35% đối với một số lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực.
Tỷ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt trên 20%, tỷ trọng giao dịch công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển đạt 35%. Tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước.
Chương trình hoàn thiện môi trường pháp lý hỗ trợ phát triển thị trường; thúc đẩy phát triển nguồn cầu của thị trường, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của DN; thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường; phát triển các tổ chức trung gian của thị trường; tăng hoạt động xúc tiến thị trường…
Điều quan trọng nhất và cũng là nhiệm vụ đột phá mà chương trình mang lại là phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KHCN; xây dựng cổng thông tin quốc gia, cơ sở dữ liệu và nền tảng kỹ thuật tích hợp dùng chung về thị trường KHCN.
Chương trình phát triển thị trường KHCN giai đoạn 2015-2020 đã tác động tích cực về mặt KHCN, thu hút đầu tư, góp vốn khá lớn từ các đơn vị tham gia và phối hợp phát triển công nghệ. Các dự án xúc tiến và kết nối cung cầu phát triển thị trường KHCN đạt kết quả tốt với các sự kiện: Kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) và các sàn giao dịch công nghệ, trung tâm ứng dụng chuyển giao tiến bộ KHCN... với hơn 3.000 hợp đồng và biên bản được ký.
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường KHCN (Bộ KH-CN) cho biết: “Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn các bộ ngành, địa phương xây dựng đề án phát triển thị trường KHCN quốc gia đến năm 2030 lồng ghép với kế hoạch, đề án phát triển KHCN của từng bộ ngành, địa phương”.
Hoàn thiện môi trường pháp lý
Giai đoạn 2011-2020, cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường KHCN, trong đó, số lượng sàn giao dịch công nghệ phát triển mạnh mẽ. Nếu trước năm 2015 chỉ có 8 sàn giao dịch công nghệ thì giai đoạn 2015-2020 đã hình thành 20 sàn giao dịch công nghệ địa phương.
Hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ khu vực viện, trường có xu hướng chuyển biến tích cực. TPHCM luôn thúc đẩy phát triển thị trường KHCN. Trong các cầu nối thực hiện mục tiêu đề ra, Chợ công nghệ và thiết bị TPHCM được Trung tâm Thông tin và thống kê KHCN TPHCM (CESTI, thuộc Sở KH-CN TPHCM) xây dựng và vận hành đã thể hiện rõ vai trò kết nối, chuyển giao, tham gia sâu vào thị trường KHCN.
Bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc CESTI cho biết, để thúc đẩy thị trường KHCN phát triển, chợ công nghệ đã hỗ trợ bên bán và bên mua giao dịch trực tiếp, tự quyết định các vấn đề như tìm kiếm, giới thiệu, liên hệ, giao dịch… Riêng Trường ĐH Bách khoa TPHCM cũng đã có doanh thu từ chuyển giao công nghệ với khoảng 1.300 tỷ đồng.
Theo ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Ewater Engineering, các chính sách cho thị trường KHCN ảnh hưởng rất lớn đến DN KHCN. Những năm qua, công ty đã chuyển giao, lắp đặt thiết bị xử lý cáu cặn Ewater không dùng hóa chất cho nhiều DN như Công ty CP Dược phẩm Nam Hà (Nam Định), Công ty CP Nha Trang Seafood, Công ty Chế biến thủy sản Hải Nam, Công ty Chế biến hạt điều Lafooco và một số tòa nhà lớn tại TPHCM cũng như xuất khẩu thiết bị sang Malaysia và Indonesia… là nhờ thị trường KHCN phát triển.
“Là DN KHCN, chúng tôi luôn mong muốn thị trường KHCN phát triển. Với chương trình phát triển thị trường KHCN quốc gia đến năm 2030 vừa được ban hành, không chỉ thêm điều kiện thuận lợi cho DN KHCN phát triển mà việc ứng dụng KHCN của nhiều đơn vị khác cũng dễ dàng hơn”, ông Hiếu nói.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng, thị trường KHCN đã trải qua hơn 10 năm phát triển với nhiều thách thức và thành tựu đáng khích lệ. Đặc biệt, việc từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách, hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn cung - cầu và xây dựng các tổ chức trung gian cho thị trường KHCN. Với quyết tâm hoàn thiện pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và thực tiễn, phát triển tổ chức trung gian của thị trường KHCN… các DN, tổ chức KHCN sẽ được đáp ứng nhu cầu phát triển thời gian tới.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, truyền thông khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) trở thành sức mạnh và góp phần nâng cao dân trí, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Truyền thông trở thành cầu nối hữu dụng, đưa tri thức và tiến bộ KH&CN đến nhanh hơn với quảng đại quần chúng và đời sống sản xuất, xã hội; khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng; góp phần hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ, giúp tạo ra một xã hội tôn trọng khoa học và có tư duy sáng tạo.
Báo chí, truyền thông về KH&CN đã có bước chuyển mình mạnh mẽ
Đảng và Nhà nước ta luôn xác định và khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của KH&CN, luôn coi KH&CN là quốc sách hàng đầu. Qua hơn 30 năm đổi mới của đất nước, KH&CN đã từng bước khẳng định vai trò động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. KH&CN hiện hữu trong tất cả các ngành, lĩnh vực, các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhận thức đầy đủ về vai trò của KH&CN, đi đôi với sự quan tâm đúng mức, cụ thể, thiết thực của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị là vấn đề quan trọng số một để KH&CN có thể phát triển và thực hiện tốt sứ mệnh của mình.
Trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã dành nhiều nỗ lực để nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển cơ sở hạ tầng KH&CN, đồng thời tăng cường hiểu biết, nâng cao nhận thức và sự quan tâm của công chúng đối với KH,CN&ĐMST. Để KH&CN thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; nền tảng và động lực để đổi mới mô hình tăng trưởng; tiêu chí nâng cao sức mạnh tổng hợp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; một trong những khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững thì công tác truyền thông KH&CN đóng vai trò hết sức quan trọng.
Những năm qua, công tác truyền thông KH,CN&ĐMST đã có những bước tiến vượt bậc, ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng góp phần giới thiệu những thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới.
Trước hết, truyền thông giữ vai trò chủ đạo trong công tác giới thiệu, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua các kênh truyền thông, lãnh đạo các cấp có thêm nhiều thông tin về vai trò, vị trí, đóng góp của KH,CN&ĐMST, công chúng nhận thức rõ hơn về tính chất quyết định phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả của sản phẩm, hàng hóa và của cả nền kinh tế. Truyền thông góp phần tạo được sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia của toàn xã hội, biến thành hành động, đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng KH&CN vào công tác quản lý, sản xuất và đời sống.
Tại buổi làm việc với Bộ KH&CN mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng mà ngành KH&CN cần thực hiện, đó là KH&CN cần thực hiện tốt hơn vai trò động lực, dẫn dắt của mình; quan tâm làm tốt hơn nữa việc xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực KH&CN trong và ngoài nước; việc xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách phát triển thị trường KH&CN phải hướng tới phục vụ sản xuất kinh doanh, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách liên quan đến KH&CN, truyền cảm hứng, tôn vinh trí thức, nhà khoa học;…
Nhận thấy sự cấp thiết của hoạt động truyền thông KH&CN, Lãnh đạo Bộ KH&CN qua các thời kỳ đã sớm có chủ trương phát triển hoạt động này. Các nghiên cứu bài bản, các chương trình hợp tác về truyền thông KH&CN được chú trọng triển khai hiệu quả. Hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức về KHCN&ĐMST có nhiều đổi mới, được triển khai với nhiều nội dung đa dạng, thiết thực qua nhiều hình thức phong phú, sinh động, đóng góp quan trọng vào những kết quả đạt được của Bộ và của ngành KH&CN; tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật về KH&CN đến với nhân dân, phổ biến tri thức, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Đồng thời cung cấp thông tin KH&CN phục vụ quản lý nhà nước, nghiên cứu, triển khai, sản xuất và đời sống,… làm cơ sở đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển KH,CN&ĐMST; phát hiện, tuyên truyền rộng rãi, kịp thời những nhân tố điển hình, mô hình hiệu quả, đơn vị có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực KH&CN….
Thời gian qua, trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn cả về nguồn nhân lực và điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất, nhưng ngành KH&CN đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn, thử thách và đã đạt được nhiều thành tích có ý nghĩa, góp phần đáng kể vào thành tích chung của cả nước. Nổi bật là: Khoa học xã hội và nhân văn đã đóng góp vào việc xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, trực tiếp là dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng; Khoa học cơ bản đạt được một số thành tựu, một số lĩnh vực khoa học tự nhiên tiếp tục giữ thứ hạng cao trên thế giới và trong khu vực ASEAN, số lượng bài báo công bố quốc tế ISI của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 tăng trung bình 20%; Khoa học ứng dụng có bước tiến rõ nét, tiêu biểu mới đây là những sản phẩm, công nghệ phục vụ phòng chống dịch Covid-19 như bộ KIT phát hiện vi rút SARS-CoV-2 đạt tiêu chuẩn và được bán tại Châu Âu, vắc xin phòng Covid-19 Nanocovax đã được thử nghiệm lâm sàng trên người; KH,CN&ĐMST đã góp phần thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực. KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Trong công nghiệp, đã làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện công suất lớn; Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam (GII) tăng vượt bậc, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập, năm 2020 đứng thứ 42/131 quốc gia.
Thời gian gần đây, nguồn lực tài chính xã hội đầu tư cho KH&CN tăng mạnh, tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp được cải thiện theo chiều hướng tích cực với tỷ lệ 52% và 48%. Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020, tính chung 10 năm 2011-2020 đạt 39,0% (vượt mục tiêu 35%). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015); Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020… Các kết quả nói trên của ngành KH&CN đã được các cơ quan thông tấn – báo chí lan tỏa trong xã hội góp phần khẳng định vai trò, vị trí của ngành KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, truyền cảm hứng cho cộng đồng các nhà quản lý, nhà khoa học và thế hệ trẻ.
Báo chí luôn sát cánh và đồng hành cùng ngành khoa học và công nghệ
Báo chí, truyền thông viết về KH&CN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhưng cũng là nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi các nhà báo không chỉ có kiến thức sâu rộng về nghiệp vụ, mà còn phải có khả năng tổng hợp cao, có niềm đam mê, nhiệt huyết. Đây không chỉ là kênh cung cấp thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, về những thành tựu khoa học, công nghệ mới, phát hiện những nhân tố điển hình mới mà còn có vai trò định hướng dư luận và là kênh tập hợp ý kiến, đề xuất, nguyện vọng của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân,… phục vụ việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển KH&CN. Đồng thời cũng là công cụ hữu hiệu, là cầu nối kết nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người dân.
Trong những năm vừa qua, lực lượng các nhà khoa học Việt Nam luôn tự hào có sự sát cánh của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhà báo khắp cả nước đã tích cực tham gia tuyên truyền về KH&CN, truyền tải những nội dung vốn rất “khô cứng” đến đông đảo bạn đọc. Nhiều thành tựu nghiên cứu cũng được truyền thông rộng rãi, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của KH&CN.
Ngay từ những ngày đầu năm 2021, Bộ KH&CN đã quyết liệt hành động, đổi mới sáng tạo với khát vọng phát triển để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Để thực hiện thành công sứ mệnh ấy có sự đóng góp không nhỏ của các nhà báo, những người truyền lửa đến bạn đọc.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt
Trong thư chúc mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5/2021, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt bày tỏ: “Tri thức khoa học sẽ mãi ở trong tháp ngà khoa học nếu không được truyền bá và ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội. Thông điệp của Ngày 18-5 cũng nhắc nhở công tác truyền thông về khoa học và công nghệ, cần trở thành cầu nối hữu dụng hơn nữa, đưa tri thức và tiến bộ khoa học và công nghệ đến nhanh hơn với quảng đại quần chúng và đời sống sản xuất, xã hội; khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng; góp phần hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ, giúp tạo ra một xã hội tôn trọng khoa học và có tư duy sáng tạo vì đây là nhân tố quan trọng để duy trì một xã hội phát triển bền vững”.
Đánh giá về hoạt động truyền thông KH&CN trong những năm vừa qua, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, công tác truyền thông KH&CN đã có những bước tiến vượt bậc, ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng góp phần giới thiệu những thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới. Sứ mệnh của truyền thông KH&CN đã góp phần truyền bá được văn hóa yêu khoa học đến với công chúng, xây dựng xã hội trọng khoa học, và phát triển đất nước dựa vào KH&CN. Đặc biệt, công tác truyền thông KH&CN đã hướng đến việc mở rộng văn hóa khoa học đó là cung cấp các kiến thức và cơ hội trải nghiệm khoa học, kĩ thuật tiên tiến cho thế hệ trẻ; truyền lửa, chắp cánh, kết nối tình yêu khoa học giữa các nhà nghiên cứu với thế hệ trẻ.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy đội ngũ các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cán bộ truyền thông KH&CN đã có những đóng góp xứng đáng trong thành công chung của sự nghiệp phát triển KH&CN của nước nhà. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, trước tác động của đại dịch COVID-19, những người làm báo đã nỗ lực vươn lên khẳng định vai trò tiên phong, chứng minh được sự năng động nhạy bén của mình. Đó là sứ mệnh và trách nhiệm từ những người cầm bút, họ xứng đáng được tôn vinh và có được lòng tin của bạn đọc, của người dân.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt nêu 6 phương hướng trọng tâm của ngành trong thời gian tới, gồm: hoàn thiện thể chế; tăng cường đầu tư cho KH-CN và đổi mới sáng tạo; phát triển thị trường KH-CN và đổi mới sáng tạo; tập trung cho đổi mới công nghệ; chú trọng phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Trong đó có việc sẽ xây dựng, tổ chức thực hiện từ 1 -2 chương trình, dự án phát triển công nghệ lớn, có tầm vóc, với sự tham gia của cả khu vực công và tư nhân, có cơ chế thu hút đa dạng nguồn lực để tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò, vị trí, tầm quan trọng của KH-CN: quốc gia muốn phát triển đột phá phải có KH-CN đóng vai trò dẫn dắt, đột phá. Ở thời điểm nào, Đảng ta cũng xác định tầm quan trọng của KH-CN, hiện KH-CN được xác định là quốc sách hàng đầu.
Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của mỗi quốc gia và mọi mặt đời sống hiện nay, Thủ tướng cho rằng, Bộ KH-CN phải đóng vai trò trung tâm điều phối, kết nối phát triển KH-CN của các bộ, ngành, địa phương và truyền cảm hứng cho các nhà khoa học. Quan trọng nhất là phải thiết kế được thể chế, cơ chế, chính sách để hàng trăm nghìn doanh nghiệp, cả xã hội cùng vào cuộc để thúc đẩy KH-CN tiếp tục phát triển.
Theo Thủ tướng, hiện nay thị trường KH-CN chưa thực sự phát triển. Đội ngũ KH-CN vừa thiếu, vừa thừa, ít công trình nổi tiếng. Nguyên nhân là do cơ chế, thể chế, chính sách còn hạn hẹp; chưa đi đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng hướng; nguồn lực đầu tư chưa xứng tầm; còn những bất cập trong công tác truyền thông, khen thưởng, tôn vinh các nhà khoa học…
Thủ tướng yêu cầu hành động phải quyết liệt để tiếp tục thúc đẩy KH-CN phát triển mạnh mẽ. Nghiên cứu, ứng dụng KH-CN phải đi vào cái ta cần chứ không phải cái ta có. Phát triển thị trường KH-CN đúng nghĩa để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo, cái gì doanh nghiệp và xã hội làm được, làm tốt hơn thì để doanh nghiệp và xã hội làm. Đơn cử như về nghiên cứu, sản xuất vaccine, Bộ KH-CN phải ngồi cùng, sát cánh với các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp để thúc đẩy, phát huy bản lĩnh, trí tuệ người Việt Nam trong nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách này.
Thủ tướng cũng cho rằng phải xây dựng cơ chế, tạo động lực phát triển KH-CN, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với phát triển kinh tế-xã hội theo chiều sâu, bền vững, phát triển KH-CN gắn với phát triển văn hóa và con người.
Thủ tướng chỉ rõ, đầu tư KH-CN phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược và phù hợp với tiềm năng, thế mạnh từng vùng miền, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chỉ số phát triển con người. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế sâu rộng để phục vụ 3 khâu đột phá chiến lược, trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh Covid-19; góp phần phát triển công nghiệp quốc phòng và an ninh theo hướng ứng dụng.
Thủ tướng giao Bộ KH-CN, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích nghiên cứu KH-CN phục vụ phòng chống dịch và sản xuất vaccine ngừa Covid-19, trong đó có quy định về đầu tư rủi ro. Đồng thời, sửa đổi các quy định về tài chính cho nghiên cứu, ứng dụng KH-CN; làm tốt công tác tôn vinh các nhà khoa học…