SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

"Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam" (18-5) năm nay được Bộ Khoa học - Công nghệ chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

1851

Diễn giả tham dự hội thảo trực tuyến "Kiến tạo tương tai cùng STEM", một trong nhiều hoạt động trong Ngày Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2021 - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Triển lãm "Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam" trên quy mô cả nước thu hút các sản phẩm công nghệ mới từ các đơn vị các đơn vị, trường, viện, doanh nghiệp, start-up… Cũng trong ngày 18-5, "Ngày hội STEM 2021" cũng lần đầu tiên được số hóa.
Hội thảo "Kiến tạo tương tai cùng STEM" thu hút những đơn vị đang dạy STEM ở Việt Nam tham gia chia sẻ những thành tựu mà họ triển khai, cho thấy một bức tranh rộng lớn về phong trào dạy và học STEM trên cả nước. 
Theo ban tổ chức, nhờ diễn ra online, chương trình đã vươn tới tiếp cận những nơi trước đây còn nhiều hạn chế như các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung,…

1852

Các sản phẩm STEM được trình bày trong triển lãm online của "Ngày hội STEM" năm 2021 - Ảnh: TRỌNG NHÂN

1853

Những dấu ấn trong khoa học nông nghiệp ở Việt Nam được trưng bày trong triển lãm trực tuyến ở "Ngày Khoa học công nghệ Việt Nam" năm nay - Ảnh: BTC

Nhân "Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam", Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã gửi thư chúc mừng tới những người làm công tác khoa học và công nghệ trong cả nước.
Theo bộ trưởng, bối cảnh mới với các diễn biến phức tạp, khó đoán định của thế giới hiện đại và sự thay đổi chưa từng có tiền lệ trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp mới và đại dịch COVID-19, trên toàn cầu đòi hỏi những người làm khoa học công nghệ phải luôn chủ động, sáng tạo và linh hoạt thích ứng để ứng phó kịp thời.
Ông cho rằng, lực lượng khoa học và công nghệ cần trang bị đủ năng lực và tiềm lực để đón đầu các xu hướng mới, giải quyết được các vấn đề mới đặt ra trong thực tiễn, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép của Chính phủ về đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, tạo xung lực cho đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. 
"Tri thức khoa học sẽ mãi ở trong tháp ngà khoa học nếu không được truyền bá và ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội", bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt viết.

Trọng Nhân - tuoitre.vn

Sáng nay, 20-4, Bộ KH-CN tổ chức họp báo công bố Giải thưởng Chất lượng quốc gia và Giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á – Thái Bình Dương năm 2019 – 2020.
 
gtclqg
Quang cảnh cuộc họp báo. Ảnh: T.B.
Giải thưởng Chất lượng quốc gia (GTCLQG) là giải thưởng của Thủ tướng Chính phủ tặng cho những doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Năm 2019 và 2020, căn cứ vào đề nghị của Bộ KH-CN, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định tặng GTCLQG năm 2019 cho 61 doanh nghiệp, năm 2020 là 55 doanh nghiệp.
Về Giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á – Thái Bình Dương (GPEA) năm 2019, Bộ KH-CN đã đề cử 4 hồ sơ doanh nghiệp tham gia GPEA do Tổ chức Chất lượng châu Á - Thái Bình Dương (APQO) chủ trì thực hiện.
Tháng 8-2019, APQO đã chính thức công bố kết quả GPEA năm 2019 và có 4 doanh nghiệp Việt Nam đạt giải là: Tổng Công ty Viglacera CTCP (Hà Nội); Công ty Cổ phần KIZUNA JV (Long An); Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Á (Hà Nội); Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử – điện lực miền Trung, chi nhánh Tổng Công ty điện lực miền Trung (Đà Nẵng).
Năm 2019 là năm thứ 20 Việt Nam tham dự GPEA và tính đến nay đã có 50 lượt doanh nghiệp Việt Nam đạt giải thưởng quốc tế này.
gtclqg1
Thứ trưởng Lê Xuân Định phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: T.B.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Xuân Định cho biết, năm 2020, các doanh nghiệp của Việt Nam đứng trước những thử thách khó khăn chưa từng có trong nhiều lĩnh vực do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của chính mình, với sự đồng hành của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp vẫn đứng vững và phát triển. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục có những thành công về kết quả sản xuất kinh doanh nói chung và năng suất chất lượng nói riêng. Trong đó có những doanh nghiệp tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng GTCLQG gia năm 2019 và 2020.
Qua 25 năm hình thành và phát triển, GTCLQG đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong xã hội; tôn vinh xứng đáng những doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Cho đến nay đã có 2.030 lượt doanh nghiệp đạt GTCLQG.

Để GTCLQG đóng góp nhiều hơn nữa cho Phong trào năng suất - chất lượng, Thứ trưởng Lê Xuân Định đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Việt Nam, cơ quan thường trực của giải thưởng, tiếp tục triển khai có hiệu quả hơn nữa hoạt động GTCLQG, định hướng cho các doanh nghiệp tiếp cận giải thưởng như là một công cụ quan trọng để đánh giá toàn diện các hoạt động và kết quả sản xuất kinh doanh theo các chuẩn mực quốc tế thông qua các tiêu chí giải thưởng.

Đây chính là giá trị cốt lõi mà giải thưởng đem lại cho các doanh nghiệp Việt Nam khi họ ứng dụng mô hình GTCLQG trong quản lý tại doanh nghiệp. Đó còn là dịp tự xem xét đánh giá lại mình, nhận ra và khắc phục những điểm chưa hoàn thiện, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn đến sự tuyệt hảo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, mang đến những sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao cho người tiêu dùng, đối tác và cộng đồng.

TRẦN BÌNH - SGGP

Sáng 15-4, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) phối hợp với Trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức hội thảo “Tổng kết 10 năm phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2011- 2020”. 

Tham gia hội thảo có đại diện Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ GD-ĐT cùng 50 Sở KH-CN các tỉnh, thành phố, các trường đại học, viện nghiên cứu, hiệp hội, các tổ chức trung gian của thị trường KH-CN, doanh nghiệp…

10ttcongnghe

Các đại biểu tham gia tọa đàm nhận diện những rào cản trong phát triển thị trường KH-CN. Ảnh: THANH HÙNG

Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá lại những thành tựu đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, cũng như nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong phát triển thị trường KH-CN giai đoạn 2011-2020, trên cơ sở đó đưa ra những định hướng lớn trong phát triển thị trường KH-CN giai đoạn 2021-2030.

Theo Bộ KH-CN, trong giai đoạn 2011-2020, hệ thống cơ chế, chính sách về thị trường KH-CN cơ bản được hoàn thiện. Nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN được ban hành với 14 văn kiện (Nghị quyết, Quyết định của Đảng, Chính phủ), 4 Luật, 6 Nghị định và 12 thông tư được ban hành quy định về: đánh giá, thẩm định kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước; phân chia lợi ích sau thương mại hóa, cơ chế hỗ trợ phát triển nguồn cung, nguồn cầu công nghệ và tổ chức trung gian.

Những quy định về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KH-CN cũng được ban hành với các quy định cho phép sử dụng quỹ phát KH-CN tại doanh nghiệp để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; ưu đãi về thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ quốc gia…

10ttcongnghe1
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH-CN phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THANH HÙNG
Cùng với Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) năm 2013, Nghị định số 08/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ 2017 được Quốc hội thông qua đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế về phát triển thị trường KH-CN, đặc biệt các cơ chế, biện pháp về ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn cung - nguồn cầu công nghệ, giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hỗ trợ và phát triển tổ chức trung gian; chính sách khuyến khích, hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo... Các quy định pháp lý, cơ chế, chính sách là công cụ quan trọng để thiết kế, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch cho các bên tham gia vào các hoạt động giao dịch của thị trường trong nước cũng như hội nhập với quốc tế.

Hiện tại cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường KH-CN. Trong đó, số lượng các sàn giao dịch công nghệ cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ, nếu như trước năm 2015 chỉ có 8 sàn giao dịch công nghệ thì giai đoạn 2015-2020 đã hình thành được 20 sàn giao dịch công nghệ địa phương, 1 sàn giao dịch vùng Duyên hải Bắc bộ, 1 sàn giao dịch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang trong giai đoạn thành lập.

Cùng với việc phát triển các tổ chức trung gian truyền thống, các tổ chức kiểu mới cũng phát triển mạnh mẽ với 69 cơ sở ươm tạo, 28 chương trình thúc đẩy kinh doanh, loại hình không gian làm việc chung có 186 khu.

Về nhân lực thực hiện quản lý nhà nước về phát triển thị trường KH-CN tại các địa phương: Năm 2020, số người thực hiện công tác quản lý nhà nước về phát triển thị trường KH-CN tại các sở là 5,21 người với độ tuổi trung bình là 41 tuổi (bao gồm cả lãnh đạo cấp sở, cấp phòng). Trong đó, nhân lực có trình độ thạc sĩ chiếm 52,52%; tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học, tiến sĩ lần lượt là 39,39% và 8,09%.

10ttcongnghe2
GS-TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THANH HÙNG
Các kết quả nghiên cứu từ khu vực viện, trường đang có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho doanh nghiệp với doanh thu lên tới hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Một số kết quả tiêu biểu trong giai đoạn 2011-2020 có thể được kể đến như: Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ giai đoạn 2009-2019 đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, trong đó đạt cao nhất trong năm 2017, 2018 lần lượt là 182,6 tỷ đồng và 197,7 tỷ đồng.

Sau 5 năm (2016-2020) thực hiện chương trình phát triển thị trường KH-CN đã có 63 nhiệm vụ/500 đề xuất đăng ký với tổng kinh phí là 340 tỷ đồng, trong đó có 194 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước (chiếm khoảng 55%), khoảng 45% nguồn kinh phí được đối ứng từ phía các doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ.   

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng đã trực tiếp trao đổi và ghi nhận những kiến nghị của các đại biểu xung quanh những rào cản, vướng mắc từ cơ chế chính sách để phát triển thị trường KH-CN.

10ttcongnghe3
Các đại biểu trao đổi và kiến nghị tại hội thảo. Ảnh: THANH HÙNG
Theo Bộ KH-CN, nhiệm vụ và giải pháp phát triển thị trường KH-CN giai đoạn 2021-2030 sẽ tập trung những nhiệm vụ như: hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường KH-CN; phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH-CN; thúc đẩy phát triển nguồn cầu của thị trường KH-CN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ KH-CN sẽ thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường KH-CN, tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường KH-CN và liên thông, tiến tới đồng bộ hóa với các thị trường hàng hóa, lao động và tài chính. Song song đó, Bộ KH-CN sẽ chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường KH-CN.

THANH HÙNG - SGGP

Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo; chấp nhận rủi ro, độ trễ trong khoa học; dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN)… là những giải pháp quan trọng để KH-CN, đổi mới sáng tạo thực sự là đột phá chiến lược, là động lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời kỳ mới.
 
khcnmbach

Thiết bị máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp được giới thiệu tại một triển lãm thiết bị công nghệ tại TPHCM. Ảnh: T.Ba

Chấp nhận rủi ro

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mặc dù cơ chế quản lý KH-CN thời gian qua đã có những bước tiến dài, căn bản, nhưng vẫn còn tình trạng lãng phí, “phân bổ theo kiểu chia thuốc”. Đặc biệt là vẫn chưa có tư duy chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, nên rất nhiều quy định, quy trình phức tạp. Trong nghiên cứu khoa học không thể có chuyện 100% nghiên cứu là thành công và có kết quả như ý muốn được. Để giải quyết vấn đề này, cần phải công khai, minh bạch tất cả các khâu từ lúc đặt ra đề tài cho đến quá trình làm, lấy ý kiến phản biện và kết quả. Việc này không chỉ đối với các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học mà cả những nhiệm vụ KH-CN thực hiện ở địa phương, để các nhà khoa học cũng như cộng đồng cùng giám sát. Bộ KH-CN phải đi đầu thực hiện nhằm góp phần nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học, sử dụng hiệu quả nguồn lực, kinh phí; và có các đề tài nghiên cứu thiết thực, nhất là ở địa phương; phải coi trường đại học là một chủ thể nghiên cứu có thể nhận kinh phí, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trực tiếp từ Bộ KH-CN. Có như vậy, đại học mới trở thành những trung tâm sáng tạo ra tri thức.

Hiện nay, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với vai trò DN là trung tâm đã được khởi động, có tiến bộ đáng kể trong thời gian qua. DN đã thực sự là chủ thể đổi mới KH-CN. Tuy nhiên, nhìn chung, năng lực sẵn sàng cho nền sản xuất 4.0 của Việt Nam vẫn còn rất yếu và phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hệ thống sáng tạo quốc gia. Muốn vậy phải có những cơ chế vượt trội về hạch toán kinh tế, ưu đãi thuế, vốn, phân bổ nguồn lực để các DN thấy có lợi ngay khi đầu tư vào KH-CN, nghiên cứu phát triển, đào tạo nhân lực. 

Chất lượng, công khai, minh bạch

Một trong 3 đột phá chiến lược, bên cạnh thể chế và hạ tầng, là đột phá về chất lượng nguồn nhân lực, KH-CN và đổi mới sáng tạo. Muốn điều này sớm trở thành hiện thực, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, trước hết phải hoàn thiện thể chế, chính sách và pháp luật phù hợp cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển KH-CN, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong khoa học, dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động KH-CN. Đặc biệt, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH-CN theo hướng chú trọng hiệu quả và tác động của nhiệm vụ KH-CN trong giải quyết các bài toán thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chú trọng chất lượng và chỉ số tác động của các bài báo, công trình công bố quốc tế; khả năng ứng dụng và thương mại hóa kết quả KH-CN trong đời sống công nghiệp và xã hội; tăng cường công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; cho phép thử nghiệm chính sách mới, mô hình đổi mới sáng tạo và công nghệ mới.

Cũng theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, cần tăng cường hình thức đối tác công - tư, đồng tài trợ giữa Nhà nước và DN cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hoạt động KH-CN phải bảo đảm các nguyên tắc công khai, minh bạch, độc lập phản biện (kể cả phản biện quốc tế) trong tuyển chọn và xét chọn nhiệm vụ. Trao quyền tự chủ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH-CN và tổ chức KH-CN công lập, đi đôi với cơ chế bắt buộc chịu sự đánh giá độc lập và giám sát xã hội, công khai kết quả hoạt động KH-CN. Tiếp tục đổi mới cơ chế đầu tư và tài chính cho KH-CN trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên chỉ số đo lường kết quả, hiệu quả đầu ra. Linh hoạt và đơn giản hóa thủ tục tuyển chọn nhiệm vụ KH-CN, thanh quyết toán tài chính theo thông lệ quốc tế, giảm tối đa các gánh nặng hành chính cho các nhà khoa học. Mạnh dạn giao quyền sở hữu kết quả KH-CN có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì để thúc đẩy ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH-CN và có cơ chế kinh tế, tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tham gia mạnh hơn vào hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ.

TRẦN LƯU - SGGP

Hàng chục ngàn bạn trẻ đang chạy bộ đều đặn ở các công viên, đường phố. Mỗi bước chạy của các bạn đều được ứng dụng điện thoại di động ghi lại, “chuyển hóa” thành tiền để hỗ trợ người nghèo, trẻ bị dị tật bẩm sinh, trồng cây xanh… 
 
chaybo

Các bạn trẻ hào hứng tham gia UpRace

Bước chân quy đổi tiền từ thiện 

Nhiều người dùng đã và đang “nuôi heo vàng” trên ví điện tử MoMo. Họ đi bộ 4.000 bước chân mỗi ngày để quy đổi thành tiền và được MoMo hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn. Có đến 20 quỹ, tổ chức xã hội được người nuôi heo vàng quyên góp như: Quỹ Ngày mai tươi sáng, Thiện Nhân và những người bạn, Nhịp tim Việt Nam, Tổ chức Operation Smile Việt Nam, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia, GreenViet, Newborns… Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch MoMo, cho biết: “Thật bất ngờ khi người dùng của ví đã quyên góp gần 23 tỷ đồng trong việc ứng dụng công nghệ góp sức cho thiện nguyện. Ngay trong mùa dịch Covid-19, Operation Smile Việt Nam thiếu kinh phí để phẫu thuật cho trẻ hở môi - hàm ếch. Chúng tôi liền đứng ra quyên góp và trong thời gian rất ngắn đã quyên được 1,2 tỷ đồng, góp sức mang nụ cười xinh đến cho các em nhỏ”. 

Và không chỉ chạy bộ

Không đa dạng như MoMo, cách UpRace chỉ hướng đến sự đóng góp của cộng đồng yêu thích chạy bộ nhưng sự sẻ chia để cuộc sống thêm vui không hề thua kém. UpRace là dự án chạy bộ thiện nguyện do VNG khởi xướng và bảo trợ kỹ thuật từ năm 2018. Khi UpRace được tổ chức, tương ứng với mỗi km của người chạy ghi nhận trên ứng dụng UpRace được cài trên di động hay các thiết bị ghi nhận khác, VNG và các doanh nghiệp tài trợ khác quyên góp ít nhất 1.000 đồng cho các tổ chức xã hội. Mùa UpRace 2020, gần 115.000 người tham gia chạy bộ, ghi nhận 3.046.855 km hợp lệ và góp hơn 3 tỷ đồng đóng góp cho 4 tổ chức xã hội là Newborns Vietnam, Green Việt, Vietseeds và Operation Smile Việt Nam. 

Công nghệ mang lại hạnh phúc ảnh 1
Đi bộ “nuôi heo vàng” trên MoMo đã giúp nhiều trẻ em hết hở môi - hàm ếch
Ngày cuối của chương trình UpRace 2020, khi kiểm tra số km của mình, anh Hải Đăng, một phóng viên công nghệ, cho biết anh còn thiếu gần 15km để đủ 200km. Thế là với những bước chạy gắng sức dưới cơn mưa, anh đã đạt con số 201km. Anh Đăng cười vui: “Vừa đóng góp chút gì cho cuộc sống, vừa rèn luyện sức khỏe”. 

UpRace 2020 đã thu về hơn 3 tỷ đồng, chuyển thẳng cho 4 tổ chức xã hội với mục đích cao đẹp: chấm dứt tình trạng tử vong ở trẻ sơ sinh do những nguyên nhân có thể phòng ngừa được tại Việt Nam; mang lại nụ cười mới cho trẻ em hở hàm ếch; viết tiếp hành trình cho học sinh tài năng và tiếp tục sứ mệnh trồng 1 triệu cây xanh.

Với những người muốn đóng góp nhưng không chạy bộ - góp qua ZaloPay trên tài khoản Zalo của UpRace, ban tổ chức cho biết cũng nhận hơn 2.000 lượt chuyển tiền, quyên góp hơn 114 triệu đồng cho các tổ chức. Số tiền ủng hộ cao nhất của một cá nhân qua ZaloPay đến 50 triệu đồng.

“Tôi và ban tổ chức UpRace cố gắng duy trì hoạt động này thường niên, không chỉ tạo nên phong trào chạy bộ rèn luyện sức khỏe mà còn tạo kênh thiện nguyện để cuộc sống thêm nhiều điều tin yêu”, ông Nguyễn Đức Khánh, Giám đốc Kỹ thuật UpRace, cho biết.

BÁ TÂN - SGGP

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, công tác quản lý nhà nước về hoạt động đo lường phải tiếp tục thay đổi tư duy và cách làm để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp phát triển và phục vụ nhân dân.

Sáng 15/1, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Hội Đo lường Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm Ngày đo lường Việt Nam (20/1/2021).
 
9661
Thứ trưởng Lê Xuân Định phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: MH
 
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, đo lường có vai trò quan trọng đối với đời sống sản xuất, nghiên cứu khoa học, an ninh quốc phòng... Đo lường thống nhất và chính xác là công cụ quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế và góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân, cũng như phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
 
Vì vậy, ngay từ những năm đầu sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 08/SL ngày 20/1/1950, thống nhất đo lường của nước ta theo hệ Mét - hệ đơn vị đo lường khoa học và tiên tiến trên thế giới. Cũng từ ý nghĩa trên, cách đây 20 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 155/2001/QĐ-TT lấy ngày 20/1 hằng năm là ngày đo lường Việt Nam.
 
Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã trình Quốc hội thông qua 3 bộ luật quan trọng, bao gồm Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, và Luật Đo lường. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, hoạt động đo lường của nước ta vẫn có những thành tựu trong việc phục vụ sản xuất, kinh doanh, và kinh tế - xã hội. “Nổi bật trong đó là việc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã phối hợp và hỗ trợ tập đoàn Vingroup sản xuất các máy thở để sẵn sàng ứng phó với đại dịch Covid-19”, Thứ trưởng nêu ví dụ.
 
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, công tác quản lý nhà nước về hoạt động đo lường nói riêng cần tiếp tục thay đổi cách tiếp cận, tư duy, cách làm để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp phát triển và phục vụ nhân dân.
 
Bởi vậy, ông đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các Sở KH&CN, các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượngđịa phương cần tăng cường quản lý nhà nước về đo lường nói chung và trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ ngành như đo đạc bản đồ, khí tượng thủy văn, quan trắc môi trường,… nói riêng. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung và nhiệm vụ của quyết định số 996 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tăng cường đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
 
9662
Trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đo lường cho những cá nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển của hoạt động đo lường trong nhiều năm qua. Ảnh: MH
Cũng tại buổi lễ, ông Trần Văn Vinh – Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - nhấn mạnh đến vấn đề nâng cao hạ tầng chất lượng quốc gia. “Hiện nay, hạ tầng chất lượng quốc gia của nước ta đang đứng thứ 3 ở ASEAN. Hạ tầng này gồm 3 phần: tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp và đo lường. Trong đó, phần tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp của Việt Nam có thể ngang tầm Malaysia, nhưng phần đo lường đang còn yếu”, ông nói. “Bởi vậy, phần đo lường phải được tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.”
 

Sáng 9-1, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) được khởi công xây dựng tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Hà Nội. Cùng lúc, Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 (Vietnam International Innovation Expo 2021 - VIIE 2021) được khai trương tại đây.  

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều vị lãnh đạo tham dự và bấm nút khai trương triển lãm và khởi công công trình.

dmstqg1
Các đại biểu dự lễ. Ảnh: QUANG PHÚC

VIIE 2021 có hơn 150 gian hàng giới thiệu, trưng bày, trình diễn các giải pháp, ý tưởng, sản phẩm công nghệ đổi mới sáng tạo đến từ các chủ thể của hệ sinh thái đối mới sáng tạo. Đặc biệt tại đây có sự xuất hiện của các hợp tác xã, các tổ chức, doanh nghiệp đại diện cho cộng đồng yếu thế với những sản phẩm sáng tạo từng đạt các giải thưởng khác nhau; cá nhân từ các cơ sở sản xuất của người yếu thế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ trong khuôn khổ Chương trình Vì sự phát triển cộng đồng.

Dự kiến trong các năm tới, triển lãm sẽ mở rộng phạm vi và thành phần tham dự là các doanh nghiệp công nghệ, các tập đoàn lớn trên thế giới để giới thiệu những công nghệ tiên phong, những thành tựu đổi mới sáng tạo nổi bật của khu vực; hướng tới thúc đẩy hợp tác, liên kết của các chủ thể hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.

dmstqg2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại sự kiện. Ảnh: QUANG PHÚC

Phát biểu tại sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định, thúc đẩy đổi mới sáng tạo là một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ và trong nhiệm kỳ 2016-2020. Người đứng đầu Chính phủ cam kết, Chính phủ sẽ tạo môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi nhất.

Thực tế, Nghị quyết 01 năm 2021 của Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. “Đổi mới, sáng tạo” đã được đưa vào phương châm hành động của Chính phủ.

dmstqg3
Khởi công Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Ảnh: VGP

Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) được thành lập theo Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 2-10-2019 của Thủ tướng Chính phủ, là đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ. Việc thành lập NIC là bước đi mạnh mẽ của Chính phủ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định số 94 về các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù cho Trung tâm nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động kết nối, thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Trung tâm. Trung tâm được bố trí cơ sở hoạt động tại Hoà Lạc và trung tâm Hà Nội.

Tại Hoà Lạc, Trung tâm dự kiến xây dựng cơ sở với tổng diện tích sử dụng 35.000m², được kỳ vọng trở thành nơi quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, nơi cung cấp các phòng lab nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm theo chuẩn mực quốc tế nhằm đem đến điều kiện hạ tầng tốt nhất cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ.

dmstqg4
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đến nay, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã mở rộng các mạng lưới thành phần tại các nước Đức, Nhật Bản, Australia và tiếp tục thành lập tại Mỹ, Canada với hàng nghìn thành viên nhằm quy tụ những người Việt Nam xuất sắc để sẵn sàng tham gia các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và ứng dụng tại Việt Nam.

dmstqg
Thủ tướng cùng các đại biểu trải nghiệm công nghệ 3D mapping giới thiệu về Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Ảnh: QUANG PHÚC

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Thủ tướng lấy ngày 10-1 là Ngày Đổi mới Sáng tạo quốc gia và Thủ tướng, sau đó, đã hoan nghênh ý tưởng này.

ANH PHƯƠNG - SGGP

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới, nhưng kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng 2,91%, là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015.
 
Ngày 6-1, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt và sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Báo cáo tại hội nghị do Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Xuân Định trình bày cho biết, trong năm 2020, Bộ KH-CN tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa KH-CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng 2,91%, là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.

Năng suất lao động của Việt Nam được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%/năm) và vượt mục tiêu đề ra (5%/năm). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30-35%).

Trong thành công chung đó, có sự đóng góp của Bộ KH-CN và của ngành KH-CN nói chung, thông qua việc tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Chính phủ chỉ đạo để phát huy tiềm năng của các ngành, lĩnh vực, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Trong năm 2020, Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam đứng ở vị trí 42/131 quốc gia, nền kinh tế, duy trì thành công thứ hạng đã đạt được năm 2019 và đứng thứ nhất trong nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế có cùng mức thu nhập, đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia.

Các kết quả còn được thể hiện trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với các nhiệm vụ nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học cho Tổ văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xây dựng Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; phục vụ chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

tkbo1
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt chủ trì hội nghị với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Ảnh: TRẦN BÌNH
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm 2020, Bộ KH-CN đã vào cuộc với tinh thần chủ động, kịp thời và trách nhiệm, qua đó đã có những đóng góp hiệu quả vào việc phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ KH-CN đã phê duyệt 10 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia đột xuất để nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19.
Kết quả nghiên cứu nổi bật gồm: Nuôi cấy, phân lập thành công virus SARS-CoV-2; Nghiên cứu, sản xuất thành công bộ Kít phát hiện virus SARS-CoV-2, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và có năng lực xuất khẩu; Sản phẩm vaccine phòng Covid-19 Nanocovax đã được thử nghiệm lâm sàng trên người; Nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm thành công sản phẩm robot sử dụng tại các bệnh viện và khu cách ly; chiếu xạ khử khuẩn miễn phí thiết bị, vật phẩm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Với vai trò đầu mối triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, Bộ KH-CN đã phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, phát hiện nhũng người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch; xây dựng phần mềm khai báo y tế....
Bộ trưởng Bộ KH-CN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BKHCN (ngày 21-4-2020) thống nhất toàn ngành KH-CN triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, thông tin KH-CN hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh vượt qua dịch bệnh.
tkbo2
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ KH-CN tại hội nghị. Ảnh: TRẦN BÌNH
Trong năm 2020, có 32 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH-CN, nâng tổng số doanh nghiệp KH-CN lên 538 doanh nghiệp trên tổng số 3.000 doanh nghiệp trên cả nước đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH-CN. Hiện đang tiếp tục tư vấn, xử lý kiến nghị của 50 đơn vị, hiệp hội, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp KH-CN đã nỗ lực thích ứng và thể hiện vai trò tiên phong trong nghiên cứu các giải pháp phòng chống dịch.
Trong lĩnh vực nông nghiệp: KH-CN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen,... được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trong đại dịch Covid-19.
Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại tiên tiến đã và đang làm chủ được quy trình công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, nhân rộng các quy trình công nghệ chuyển giao cho người sản xuất ở tất cả các lĩnh vực trên các đối tượng cây con chủ lực, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế từ 15-30%, thúc đẩy sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp.
tkbo3
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TRẦN BÌNH
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao và ghi nhận sự chuyển biến trong hoạt động của Bộ KH-CN trong năm qua; nhất là việc đã nhanh nhạy, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất (vaccine, Kít thử, phòng chống dịch bệnh...).
Cho rằng, tiềm năng KH-CN của đất nước còn rất lớn, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH-CN tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế vượt trội, tháo những điểm ách tắc và minh bạch hơn nữa trong cơ chế quản lý tài chính KH-CN, bởi nếu không thay đổi quan niệm “nghiên cứu khoa học phải có rủi ro” thì sẽ rất khó; xem đó là nhiệm vụ quan trọng để giải phóng, lan tỏa năng lực KH-CN của đất nước.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn Bộ KH-CN tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được trong giai đoạn trước để thúc đẩy KH-CN và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo; Bộ KH-CN phấn đấu đi đầu trong công khai minh bạch để tạo cơ chế thúc đẩy sáng tạo trong cộng đồng những người làm nghiên cứu, trong đó tăng cường nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn.

TRẦN BÌNH - SGGP.ORG.VN

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể, 4 lĩnh vực công nghệ gồm: công nghệ số; vật lý; công nghệ sinh học; năng lượng và môi trường. 

Trong lĩnh vực công nghệ số, các công nghệ được ưu tiên phát triển gồm: trí tuệ nhân tạo; internet vạn vật; công nghệ phân tích dữ liệu lớn; công nghệ chuỗi khối; điện toán đám mây, điện toán lưới, điện toán biên; điện toán lượng tử; công nghệ mạng thế hệ sau; thực tại ảo, thực tại tăng cường, thực tại trộn; công nghệ an ninh mạng thông minh, tự khắc phục và thích ứng; bản sao số; công nghệ mô phỏng nhà máy sản xuất; nông nghiệp chính xác.

ut4cn
Hội thảo giới thiệu về mô hình hoạt động của nền tảng sử dụng trí tuệ nhân tạo
Các công nghệ ưu tiên phát triển ở lĩnh vực vật lý gồm: robot tự hành, robot cộng tác, phương tiện bay không người lái, phương tiện tự hành dưới nước; in 3D tiên tiến; công nghệ chế tạo vật liệu nano, thiết bị nano; công nghệ chế tạo vật liệu chức năng; công nghệ thiết kế, chế tạo vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ; công nghệ ánh sáng và quang tử. 

TRẦN BÌNH - SGGP.ORG.VN

Đây là 10 sự kiện khoa học - công nghệ nổi bật, được các nhà báo bình chọn trên các lĩnh vực: Cơ chế chính sách; Khoa học tự nhiên; Khoa học xã hội và nhân văn; Nghiên cứu ứng dụng; Hợp tác quốc tế; Tôn vinh các nhà khoa học. 

Chiều 23-12, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Việt Nam đã công bố 10 sự kiện KH-CN Việt Nam nổi bật trong năm 2020.

Đây là kết quả bình chọn của hơn 50 nhà báo chuyên theo dõi lĩnh vực KH-CN ở nhiều cơ quan báo chí truyền thông Trung ương và địa phương. 10 sự kiện này được bình chọn trên các lĩnh vực: Cơ chế chính sách; Khoa học tự nhiên; Khoa học xã hội và nhân văn; Nghiên cứu ứng dụng; Hợp tác quốc tế; Tôn vinh các nhà khoa học.

10 2020 1
Nhà báo Hà Hồng, Chủ nhiệm CLB Nhà báo KH-CN Việt Nam chủ trì và công bố 10 sự kiện KH-CN nổi bật năm 2020. Ảnh T.B
Cụ thể 10 sự kiện như sau:

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 749 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu

2. Việt Nam có những thành công nổi bật với những nghiên cứu về virus SARS-CoV-2.

Ngày 7-2-2020, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) công bố việc nuôi cấy và phân lập thành công virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm.

Đây là tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển các bộ kít xét nghiệm, cũng như vaccine phòng chống loại virus này trong tương lai, đồng thời giúp cho việc đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả hơn. Ngày 5-3-2020, tại Hà Nội, Bộ KH-CN tổ chức họp báo công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm (bộ kít) realtime RT PCR phát hiện virus SARS-CoV-2. Vào thời điểm đó, Việt Nam là một số ít quốc gia thành công trong việc nghiên cứu chế tạo bộ kít chuẩn đoán virus SARS-CoV-2.

Đây là kết quả của đề tài khoa học Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm realtime RT PCR và RT PCR phát hiện virus SARS-CoV-2 do Học viện Quân y chủ trì phối hợp Công ty CP Công nghệ Việt Á thực hiện. Đây là thành công quan trọng, có ý nghĩa lớn trong lúc dịch bệnh đang là mối lo ngại trên toàn thế giới, khẳng định trình độ của các nhà khoa học Việt Nam, cũng như sự vào cuộc kịp thời của Bộ KH-CN và các đơn vị có liên quan trước những vấn đề đặt ra từ cuộc sống.

3. Phát triền thành công công nghệ điều khiển bay và thu hồi khí cầu tầng bình lưu.

Đề tài VT-CN.04/17-20 thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 - 2020 “Nghiên cứu tiếp cận công nghệ sử dụng khinh khí cầu thả ở tầng bình lưu tích hợp công nghệ trạm thu phát thông tin để giám sát, dẫn đường, tìm kiếm cứu hộ và đo đạc thông số vật lý môi trường tầng khí quyển” do PGS-TS Phạm Hồng Quang - Trung tâm Tin học và Tính toán thuộc Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam chủ trì.

Sau 3 năm nghiên cứu và thử nghiệm, các nhà khoa học có khả năng triển khai mạng lưới Intenet vạn vật (IoT) rộng khắp với giá thành rẻ phục vụ các mục tiêu cứu hộ cứu nạn trên biển và núi rừng, giám sát hành trình tàu cá xa bờ, thu thập thông tin lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng, dẫn đường thông tin liên lạc cho các tàu đánh cá mà không cần các thiết bị truyền dẫn thông qua vệ tinh đắt tiền và đòi hỏi năng lượng lớn.

4. Bàn giao bản thảo bộ Quốc sử Việt Nam.

Ngày 12-11-2020, tại Hà Nội, Bộ KH-CN tổ chức lễ tiếp nhận bản thảo Bộ lịch sử Việt Nam.

Đây là sản phẩm của Đề án “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam” (còn gọi là Quốc sử) được thực hiện từ năm 2015, gồm 25 tập Thông sử (gồm 13 tập lịch sử Việt Nam thời kỳ cổ - trung đại và 12 tập thời kỳ cận - hiện đại) và 5 tập Biên niên sự kiện lịch sử (trong đó 3 tập thời kỳ cổ - trung đại, 2 tập thời kỳ cận - hiện đại). Kinh phí thực hiện Đề án được cấp bởi Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia (NAFOSED) và đây cũng là một trong các nhiệm vụ KH-CN đầu tiên thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng.

Đề án được thực hiện bởi gần 300 nhà khoa học thuộc các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy lịch sử trên cả nước, tại các viện nghiên cứu, các trường đại học, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Thừa Thiên - Huế và TPHCM.

5. Viettel thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị tự sản xuất.

 Ngày 17-1-2020, với sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ TT-TT và Bộ trưởng Bộ KH-CN, Tập đoàn Viettel đã thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel nghiên cứu và sản xuất, bao gồm cả thiết bị phần cứng và phần mềm.

Sau 8 tháng kể từ ngày Viettel, nhà mạng đầu tiên của Việt Nam, top 50 nhà mạng trên thế giới thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên bằng thiết bị nhập khẩu của đối tác vào tháng 5-2019, Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G.

Hiện nay, trên thế giới có 5 công ty đã sản xuất thành công các thiết bị mạng cho 5G bao gồm: Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE. Viettel sẽ là nhà cung cấp thứ 6 trên thế giới sản xuất  thiết bị này. Trong số các nhà cung cấp kể trên, chỉ có duy nhất Viettel vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa có khả năng sản xuất các thiết bị mạng.

6. Ứng dụng Bluzone được triển khai rộng rãi.
 Ngày 18-4-2020, tại Hà Nội, Bộ TT-TT và Bộ Y tế tổ chức lễ khai trương nền tảng ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống dịch Covid-19.
Đây là giải pháp ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE (Bluetooth low energy). Khi các điện thoại thông minh cùng cài ứng dụng Bluezone thì chúng tự phát hiện nhau trong khoảng cách 2m và tự ghi nhớ.
Nếu người cài ứng dụng là F0, tức dương tính với virus SARS-CoV-2 thì khi đó, qua dữ liệu được lưu lại, cơ quan y tế có thể xác định được các F1 có tiếp xúc gần với F0 và hệ thống sẽ cảnh báo cho người dùng có nguy cơ lây nhiễm vi-rut SARS-CoV-2. Màn hình điện thoại cũng xuất hiện hướng dẫn liên hệ với cơ quan y tế có thẩm quyền để nhận trợ giúp.
Ứng dụng Bluezone ra mắt là sự tập hợp trí tuệ từ nhiều nhóm phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam gồm: Memozone, VNPT, MobiFone và Bkav. Đến giữa tháng 11-2020, đã có hơn 23 triệu người Việt Nam cài đặt và sử dụng Bluezone.
10 2020 2
Đại diện các công trình, sản phẩm KH-CN  nổi bật được các nhà báo bình chọn, vinh danh tại buổi lễ. Ảnh T.B 
7. Hoàn thành kè hồ Hoàn Kiếm với công nghệ mới.
 Ngày 20-8-2020, tại vị trí cầu Thê Húc (hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội), Công ty Cổ phần KH-CN Việt Nam (Busadco), đơn vị thi công kè hồ Hoàn Kiếm đã chính thức hợp long toàn tuyến, hoàn thành công trình kè hồ với tổng chiều dài gần 1.500m sau 65 ngày đêm thi công trước thời hạn hai tháng.
Cấu kiện bê-tông cốt phi kim (không dùng thép là công nghệ được sử dụng trong cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị nông thôn bảo vệ môi trường phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Cụm công trình đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ  đợt 5 năm 2016.
Theo đại diện của Busadco, loại kè dùng để kè Hồ Hoàn Kiếm là sản phẩm được nghiên cứu, sản xuất và đã ứng dụng ở rất nhiều công trình từ Bắc vào Nam. Riêng kè hồ Hoàn kiếm được đơn vị nghiên cứu rất kỹ lưỡng, tỷ mỉ để đưa ra được sản phẩm chất lượng tốt nhất cả về kỹ thuật, mỹ thuật, văn hóa tâm linh và bảo vệ môi trường.

8. Các nhà khoa học Việt Nam tham gia một thí nghiệm được công bố trên Nature.

 Lần đầu tiên, các nhà vật lý Việt Nam được tham gia đồng tác giả công bố một công trình mang tính chất đột phá trên Nature, tạp chí có chất lượng học thuật hàng đầu thế giới. Đó là thí nghiệm quốc tế T2K với bài báo khoa học “Ràng buộc tham số pha vi phạm đối xứng vật chất - phản vật chất trong dao động neutrino” đăng trên Nature ngày 16-4-2020.

Thí nghiệm này được thực hiện tại Nhật Bản với sự hợp tác quốc tế của khoảng 600 nhà vật lý và kỹ sư với hơn 60 tổ chức nghiên cứu đến từ 12 quốc gia trên thế giới. Việt Nam là quốc gia châu Á duy nhất tham gia thí nghiệm này ngoài nước chủ nhà Nhật Bản. Đại diện là nhóm nghiên cứu Neutrino của Viện nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành Quy Nhơn. Đơn vị nghiên cứu trực thuộc Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành do GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam sáng lập và vận hành bằng kinh phí tự túc, không dựa vào ngân sách nhà nước.

Thí nghiệm T2K là thí nghiệm quốc tế về vật lý hạt cơ bản, nghiên cứu các dao động của neutrino sinh ra từ máy gia tốc. Kết quả công bố lần này được phân tích từ các số liệu của thí nghiệm T2K từ năm 2010 đến năm 2018. Nhóm Neutrino của Viện IFIRSE tại Quy Nhơn là thành viên chính thức đầu tiên của Việt Nam tham gia dự án từ năm 2017.

9. Phẫu thuật tách rời thành công cặp song sinh dính liền vùng chậu.

 Ngày 15-7-2020, sau 12 giờ phẫu thuật, gần 100 bác sỹ, nhân viên y tế từ các bệnh viện hàng đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp phẫu thuật tách rời thành công cặp song sinh dính liền vùng chậu cực kỳ hiếm gặp trên thế giới.

Ca phẫu thuật đã thể hiện trình độ chuyên môn cao của các bác sĩ và sự tiến bộ vượt bậc của nền y học Việt Nam.

Trước đó một năm, hai bé gái song thai dính vùng bụng chậu với tứ chi đầy đủ, hai cơ quan sinh dục, một hậu môn là Trúc Nhi và Diệu Nhi đã được các bác sỹ Bệnh viện Hùng Vương mổ sinh an toàn. Trong một năm qua, hai bé gái được các bác sỹ Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM theo dõi, điều trị và nuôi dưỡng với một chế độ hết sức đặc biệt để chuẩn bị cho ca đại phẫu thuật tách rời. Khi hai bé gái được 13 tháng tuổi, nặng 15 kg với các chỉ số phát triển gần với những trẻ bình thường, các bác sỹ quyết định phẫu thuật.

Đây là ca mổ phức tạp thứ 2 mà ngành y tế TPHCM thực hiện thành công sau ca mổ Việt - Đức 32 năm trước.

10. PGS.TS Đỗ Văn Mạnh nhận Giải thưởng Sáng tạo châu Á 2020.

 Quỹ Toàn cầu Hitachi (The Hitachi Global Foundation) được thành lập từ năm 1967. Năm 2020, Quỹ Toàn cầu Hitachi đưa ra một chương trình mới mang tên Giải thưởng Sáng tạo châu Á, nhằm ghi nhận những thành tựu nổi bật của cá nhân hoặc tập thể có nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực Khoa học và Công nghệ, đóng góp thiết thực cho lợi ích cộng đồng; đồng thời khuyến khích xã hội thực hiện những thành tựu này với mục đích đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững (SDGs của Liên hiệp quốc). Ngày 30-10-2020, Quỹ Toàn cầu Hitatchi trao chứng nhận đoạt Giải nhất Sáng tạo châu Á 2020 cho PGS-TS Đỗ Văn Mạnh, Viện Công nghệ Môi trường (thuộc Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam).

PGS.TS Đỗ Văn Mạnh được Quỹ Toàn cầu Hitachi đánh giá cao về các công trình nghiên cứu phát triển ứng dụng khí sinh học tiên tiến để tận dụng bùn thải từ các nhà máy bia và nhà máy mía đường để sản xuất điện và phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, góp phần bảo vệ môi trường bền vững ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

TRẦN BÌNH - sggp.org.vn


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378