SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Năm 2019, đã có hàng nghìn tin, bài, phóng sự, tọa đàm... liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của KH&CN đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

 

Ngày 16/6 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao Giải thưởng Báo chí về KH&CN năm 2019. Lễ trao giải thưởng hướng tới chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 (21/6/1925-21/6/2020).

Tiếp nối thành công của 7 lần tổ chức, giải thưởng báo chí về KH&CN lần thứ 8 năm 2019 là hoạt động thiết thực của Bộ KH&CN nhằm tôn vinh, tuyên dương, khen thưởng những tác giả có tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao, có những đóng góp trong công tác tuyên truyền về KH&CN.

GTbaochi

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung tuyển Giải thưởng báo chí về Khoa học và Công nghệ năm 2019 phát biểu tại Lễ trao Giải

Năm 2019, Giải thưởng đã nhận được sự tham gia của hầu hết các cơ quan báo chí, đặc biệt của các cơ quan thông tấn báo chí lớn ở Trung ương và địa phương, với gần 500 tác phẩm, thuộc 4 loại hình báo chí. Thông qua các tác phẩm báo chí, bức tranh về hoạt động KH&CN có những chuyển động quyết liệt, là minh chứng rõ nét cho sự phát triển của các ngành Nông nghiệp, Công nghiệp, Xây dựng, Giao thông, Y tế, An ninh quốc phòng…

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải thưởng Báo chí về KH&CN, cho biết: “Đây là giải thưởng có uy tín, quy trình chặt chẽ, khoa học, tạo ra một môi trường nghiệp vụ thực sự hữu ích đối với các nhà báo, phóng viên và biên tập viên. Hi vọng, Giải Báo chí về KH&CN hàng năm được nâng tầm về quy mô, chất lượng; thu hút ngày càng nhiều những tác phẩm báo chí xuất sắc cả về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện; tôn vinh và động viên khen thưởng kịp thời, xứng đáng cho các nhà báo”.

Gtbaochi2

Các tác giả nhận Nhất tại Lễ trao Giải

Chia sẻ tại lễ trao giải, ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ KH&CN, cho rằng báo chí, truyền thông có sức mạnh đặc biệt trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có KH&CN. Năm 2019, đã có hàng nghìn tin, bài, phóng sự, tọa đàm... liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của KH&CN đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng Trung ương và địa phương.

GTbaochi3

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Ánh đại diện nhóm tác giả nhận Giải Nhất thể loại Truyền hình Giải thưởng báo chí về Khoa học và Công nghệ năm 2019 phát biểu tại Lễ trao Giải

Không chỉ là kênh cung cấp thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, về những thành tựu khoa học, công nghệ mới, phát hiện những nhân tố điển hình mới, mà còn có vai trò định hướng dư luận và là kênh tập hợp ý kiến, đề xuất, nguyện vọng của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân… phục vụ việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển KH&CN.

“Giải thưởng Báo chí về KH&CN được tổ chức định kỳ hàng năm là một hoạt động có ý nghĩa sâu sắc đối với công tác truyền thông về KH&CN nói riêng và mục tiêu thúc đẩy phát triển KH&CN nói chung. Các tác phẩm/nhóm tác phẩm dự thi Giải thưởng đã phản ánh được đầy đủ, sôi động các hoạt động trong lĩnh vực KH&CN. Điều đó đã thể hiện sự quan tâm của các nhà báo với lĩnh vực KH&CN nói chung và Giải thưởng nói riêng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

gthcm4

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại Lễ trao Giải và phát động Giải thưởng báo chí về Khoa học và Công nghệ năm 2020

Giải thưởng năm nay trao tặng 3 giải Nhất, 4 giải Nhì, 4 giải Ba và 5 giải Phụ. Các tác giả đoạt giải được nhận Giấy Chứng nhận của Ban tổ chức, Biểu trưng và phần thưởng. Riêng với giải Nhất, các tác giả còn được nhận Cúp và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN.

 

Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 6 (gọi tắt là Giải thưởng) sẽ được xét tặng cấp cơ sở từ ngày 01/12/2020.

 

Ngày 11/6, tại TPHCM, Bộ KH&CN tổ chức Hội nghị phổ biến, triển khai kế hoạch tổ chức Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN nghệ đợt 6 khu vực phía Nam.

gthcm1

Hội nghị phổ biến, triển khai kế hoạch tổ chức Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN nghệ đợt 6 khu vực phía Nam

Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, Giải thưởng được bắt đầu triển khai từ năm 1995, nhằm tôn vinh các nhà  khoa học có đóng góp cho nền KH&CN trong chiến tranh cũng như trong quá trình xây dựng đất nước.

Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng danh giá nhất tại Việt Nam hiện nay, dành cho những công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, giáo dục, văn học, nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao, ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống…

Trong giai đoạn đầu, các công trình được xét tặng Giải thưởng là các công trình nghiên cứu kể từ ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Vì vậy, Giải thưởng xuất hiện nhiều gương mặt nổi tiếng trong nền KH&CN Việt Nam như các giáo sư Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Lương Đình Của… được vinh danh. Gần đây, các công trình khoa học tham gia xét tặng giải thưởng được tập trung trong giai đoạn đổi mới và xây đất nước.

“Sau năm đợt tổ chức xét tặng, đến nay những quy định, thủ tục hành chính xét tặng Giải thưởng được quy định chặt chẽ và bài bản, thể hiện qua các Nghị định quy định về Giải thưởng…Tuy nhiên, qua mỗi lần xét tặng vẫn không tránh khỏi những thiếu sót” - Thứ trưởng Phạm Công Tạc chia sẻ. 

gthcm2

Thứ trưởng Phạm Công Tạc lưu ý, các Hội đồng xét tặng Giải thường từ cấp cơ sở đến cấp bộ, ngành, địa phương cần lưu ý đối với thủ tục, hồ sơ bảo đảm theo đúng quy định tránh sai sót.

Chính vì thế, Thứ trưởng Tạc nhấn mạnh, đối với cấp cơ sở, địa phương trong qua trình tổ chức xét tặng Giải thưởng để hạn chế tối đa những sai sót không đáng có, sẽ ảnh hưởng đến thời gian xét duyệt. Thứ trưởng cũng lưu ý các địa phương, trong quá trình triển khai xét tặng Giải thưởng, nếu có khó khăn, vướng mắc gì cần phản ánh ngay với Bộ KH&CN để Bộ có phương án giải quyết, hỗ trợ kịp thời.

Bà Lê Ngân Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, cho biết một số điểm mới, bổ sung sẽ được thực hiện trong đợt xét tặng Giải thưởng đợt 6. Cụ thể: mỗi một công trình chỉ được đăng ký một trong hai Giải thưởng (Hồ Chí Minh hoặc Nhà nước); công trình đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh thì không được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước và ngược lại.

Bên cạnh đó, những công trình trước đây đã tham gia và đạt giải thưởng cấp bộ đều có thể đăng ký tham gia xét tặng Giải thưởng; thời gian công trình được công bố hoặc ứng dụng thực tiễn ít nhất là 3 năm hoặc công trình được ứng dụng đổi mới sáng tạo có hiệu quả ít nhất 1 năm, tính từ thời điểm cơ quan chủ trì tổ chức xét tặng Giải thưởng nhận hồ sơ công trình đề nghị xét tặng. Công trình đề nghị xét tặng giải thưởng là kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng hoặc nhận hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước phải được đăng ký, lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo quy định của pháp luật…

 

Bà Lê Ngân Giang cũng nhấn mạnh, quy trình xét tặng Giải thưởng được tiến hành ở 3 cấp: cơ sở; bộ ngành, địa phương; Nhà nước. Trong đó, đối với những công trình của tác giả không có cơ quan quản lý, thì Sở KH&CN các tỉnh/thành phố tiếp nhận hồ sơ và thành lập Hội đồng xét tặng. Đồng thời, Sở KH&CN cần hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình thực hiện các thủ tục tham gia xét tặng nếu được yêu cầu.

gthcm3

Tại Hội nghị, những khó khăn, vướng mắc trong việc xét tặng Giải thưởng như kinh phí, định mức chi; nguồn, cơ chế thuê chuyên gia… cũng được giải thích, hướng dẫn cụ thể.

Đối với UBND các tỉnh/thành phố cần xem xét kỹ lưỡng các hồ sơ từ cấp cơ sở để tránh những sai sót, phải làm lại từ đầu. Việc đăng ký hình thức Giải thưởng do tác giả có công trình nghiên cứu, nghiên cứu điều kiện, tiêu chuẩn của Giải thưởng để đăng ký tham gia xét tặng giải thưởng cho phù hợp.

 

Ý tưởng làm bao bì nhựa sinh thái từ cây gai dầu của nhóm sinh viên ĐHQG TP.HCM và Đại học Hoa Sen đã giành chiến thắng cuộc thi "Brandstorm - Sáng tạo thế giới".

 

Ra đời từ năm 1992 và lần lượt xuất hiện tại 65 quốc gia, L’Oréal Brandstorm chính thức đến Việt Nam trong năm 2020 và khởi động tại 2 trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Kinh tế Quốc Dân Hà Nội. 

storm1

Chủ đề cuộc thi năm nay tập trung vào việc “Xây dựng một tương lai giảm thiểu nhựa cho ngành làm đẹp”. Sinh viên trên toàn thế giới, bao gồm Việt Nam, sẽ tham gia thử thách tạo ra một giải pháp kinh doanh mới sử dụng ít nhựa hơn hoặc không có nhựa. Các thí sinh sẽ tự lập một nhóm 3 người để cùng nhau đưa ra ý tưởng sáng tạo nhất.

Ý tưởng tham gia cuộc thi phải giải quyết được các thách thức trong quá trình sản xuất kinh doanh và trong việc thay đổi nhận thức người tiêu dùng. Hình thức thi gồm 5 phút thuyết trình và 5 phút phản biện, tranh luận với ban giám khảo bằng tiếng Anh.

storm2

Với ý tưởng dùng cây gai dầu làm bao bì thay thế túi nylon, đội Supernova, gồm 3 sinh viên đến từ trường Đại học Quốc tế ĐHQG-HCM, Đại học Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM và Đại học Hoa Sen, thành phố Hồ Chí Minh, đã giành chiến thắng thuyết phục. 

Theo đại diện nhóm, cây gai dầu là được trồng rộng rãi ở Trung Quốc, Pháp, Chile... Đây là một loài cây tự sống khoẻ mà không cần thuốc trừ sâu hay kỹ thuật trồng trọt, đồng thời cây có thể sinh trưởng trên đất khô cằn và giúp đất màu mỡ hơn. Cây gai dầu được dùng sản xuất những sản phẩm có nhiều ứng dụng như giấy, vải chất lượng cao, vật liệu xây dựng… Chính vì thế nhóm đã quyết định chọn loại cây này để làm vật liệu thay thế nhựa. 

Giải nhì của cuộc thi được trao cho đội Golden Doves, gồm 3 sinh viên đến từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội với ý tưởng thiết kế khay đựng mỹ phẩm bằng vỏ trấu.

Giải ba thuộc về đội Eco Flawless, gồm 3 sinh viên đến từ trường Đại học Fulbright, thành phố Hồ Chí Minh với đề tài phát triển bao bì bằng nguyên liệu bã cà phê.

storm3

Giải nhất, nhì, ba đã được trao cho những sinh viên xuất sắc nhất

Ngoài phần thưởng, đội giải nhất quốc gia được tuyển thẳng vào chương trình Quản trị viên tập sự (Management Trainee) của L’Oréal Việt Nam, đồng thời đại diện Việt Nam tham dự vòng quốc tế tổ chức vào tháng 6 tới đây. 

Chia sẻ về cuộc thi, ông Valéry Gaucherand, Tổng Giám đốc L’Oréal Việt Nam, cho rằng phát triển bền vững không chỉ là chủ đề cuộc thi, mà còn là định hướng phát triển mà tập đoàn L’Oréal đã và đang thực hiện trong 10 năm qua

“Chúng tôi cũng rất hy vọng nhóm sinh viên đại diện sẽ đưa lá cờ Việt Nam đến vị trí cao nhất tại chung kết Brandstorm 2020 của thế giới.”

Brandstorm là một cơ hội tuyệt vời để sinh viên xây dựng các mối liên kết quốc tế. Thông qua cuộc thi, sinh viên Việt Nam có cơ hội đặc biệt được làm việc với các nhân sự cấp cao của Tập đoàn để học hỏi thêm và phát triển các ý tưởng sáng tạo của mình trong môi trường chuyên nghiệp và đẳng cấp thế giới.

 

Các nhà khoa học nữ phân lập thành công virus gây đại dịch Covid-19 và nhà giáo đam mê tạo giống cây trồng đã vinh dự nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm nay.

 

Chiều 19/5, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức trao giải thưởng Kovalevskaia cho các cá nhân và tập thể xuất sắc năm 2019. Đến dự buổi lễ có PGS.TS Nguyễn Thị Doan (nguyên Phó chủ tịch nước) cùng đại diện Hội Nữ Trí thức Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

gtkova1

PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai, đại diện nhóm khoa học nữ ở Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (trái) và PGS.TS Trần Thị Thu Hà (phải) nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019. Ảnh: Bộ Y tế.

Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 được trao cho Tập thể khoa học nữ Phòng Thí nghiệm Cúm, Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế; và PGS.TS Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên. 

Phát biểu tại lễ trao giải, bà Nguyễn Thị Doan chia sẻ: “Những tấm gương sáng của các nhà khoa học được nhận giải thưởng là nguồn cảm hứng, truyền nhiệt huyết tới đông đảo sinh viên nữ, gieo mầm trong vườn ươm tài năng khoa học nữ, thôi thúc sự quyết tâm học tập, nghiên cứu, cống hiến để đóng góp cho đất nước”.

kova2

PGS. TS Nguyễn Thị Doan phát biểu tại lễ trao giải. Ảnh: Bộ Y tế.

Bà cũng nhận định, các sinh viên nữ được nhận học bổng cần tích cực học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao rèn luyện các kỹ năng về sử dụng tin học, ngoại ngữ để có thể bắt kịp với yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn, nhất là trong cách mạng công nghiệp 4.0. 

Tập thể nữ khoa học ở Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tiên phong chống dịch từ những ngày đầu khi Covid-19 còn chưa có tên chính thức. Ngày 7/2, NIHE công bố đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus corona mới, giúp Việt Nam trở thành 1 trong 4 quốc gia đầu tiên làm được điều này.

kova3

Hình ảnh virus corona đã được nuôi cấy và phân lập thành công. Ảnh: Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. 

Từ nền tảng của nghiên cứu này, các phương pháp xét nghiệm Covid-19 và chế tạo vaccine ngừa nCoV trong nước đã được triển khai nhanh chóng, giúp Việt Nam sớm khống chế được dịch, không còn ca lây nhiễm nào trong cộng đồng trong hơn 30 ngày qua. 

Ngày 12/2, Bộ Y tế đã trao bằng khen cho 1 tập thể và 6 cá nhân của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vì đã nghiên cứu nuôi cấy và phân lập thành công SARS-CoV-2. 

Còn PGS.TS Trần Thị Thu Hà thành công trong nghiên cứu thực hiện quy trình nhân giống và nuôi trồng cau dược liệu và lâm nghiệp, đã được ứng dụng vào thực tiễn cho kết quả tốt: bảo vệ được nguồn gen, bảo vệ phát triển giống cây dược liệu, hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế bền vững. Hiện đã có 12 giống dược liệu do chị nghiên cứu được nhà nước cấp bằng bảo hộ.

kova4

PGS.TS Trần Thị Thu Hà nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.

Với những đóng góp trong phát triển cây lâm nghiệp, cây dược liệu, cô Trần Thị Thu Hà đã được nhiều bộ, ngành, địa phương ghi nhận và trao tặng bằng khen. Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp do cô quản lý đã thực hiện thành công mô hình tự chủ tài chính, nhân sự. 

Cũng tại lễ trao giải, Ủy ban đã trao 3 học bổng cho 3 nữ sinh chuyên toán có thành tích học tập xuất sắc; Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Nữ trí thức Việt Nam trao 2 suất học bổng cho sinh viên nữ có thành tích học tập và rèn luyện xuất sắc; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao 30 suất học bổng hỗ trợ sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam mang tên nhà nữ toán học người Nga lỗi lạc thế kỷ 19 Sophia Kovalevskia (1850-1891).

Lịch sử giải thưởng bắt đầu từ năm 1985 đến nay, đã có 20 tập thể và 49 cá nhân được vinh danh với những nghiên cứu sáng tạo, mang hàm lượng kiến thức cao ở các lĩnh vực nông, khoa học công nghệ, sinh học, y học, vật lý, hóa học. 

Lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm nay được tổ chức nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) và ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2020). 

 

Với công trình nghiên cứu trong lĩnh vực y học, toán học và vật lý ứng dụng, 3 nhà khoa học Việt Nam được vinh danh tại giải Tạ Quang Bửu năm 2020.

 

Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu do GS.TS Ngô Việt Trung làm chủ tịch hội đồng, vừa công bố những nhà khoa học nhận giải năm nay, gồm có PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan (Đại học Y Dược TP.HCM), PGS.TS Phạm Tiến Sơn (Đại học Đà Lạt) và TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu (Đại học Tôn Đức Thắng).

tqb1

3 nhà khoa học xuất sắc nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020. Từ trái sang: PGS.TS Phạm Tiến Sơn (Đại học Đà Lạt), PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan (Đại học Y Dược TP.HCM) và TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu (Đại học Tôn Đức Thắng). Ảnh: BTC.

PGS.TS Ngọc Lan trở thành nhà khoa học nữ thứ hai nhận được giải thưởng này, sau PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) năm 2019. Trong khi đó, TS Thanh Hiếu nhận giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ. 

Năm 2020, Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ Quốc gia nhận được 48 hồ sơ đề cử/ứng cử cho Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Có 8 hồ sơ bao gồm năm 5 giải thưởng chính và 3 giải thưởng trẻ được tiếp tục đánh giá, xét chọn tại Hội đồng giải thưởng.

tqb2

Hội đồng giải thưởng họp đánh giá 8 hồ sơ đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020. Ảnh: BTC.

Tất cả các hồ sơ này đều trải qua một quá trình sàng lọc, đánh giá một cách nghiêm cẩn và khách quan, bắt đầu từ hội đồng khoa học chuyên ngành đến phản biện độc lập từ bên ngoài, ít nhất mỗi công trình ba phản biện độc lập. 

Dù ở giải chính hay giải trẻ thì ba công trình gồm hai giải chính, một giải trẻ đều đáp ứng yêu cầu của những tiêu chí cơ bản: các công trình nghiên cứu xuất sắc, được thực hiện ở Việt Nam và xuất bản trên các tạp chí quốc tế có uy tín; nhà khoa học được đề cử phải là người có đóng góp quan trọng nhất vào công trình đó; công trình được lựa chọn cần có ít nhất 2/3 số phiếu chấp thuận. 

Nghiên cứu giúp thay đổi cách hỗ trợ sinh sản 

Công trình giúp PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan nhận giải năm nay là “IVF transfer of Fresh or Frozen embryos in women without Polycystic Ovaries” (Chuyển phôi đông lạnh ở phụ nữ không có buồng trứng đa nang), xuất bản trên The New England Journal of Medicine, một trong ba tạp chí hàng đầu ngành y bên cạnh Cell và The Lancet.

tqb3

Công trình nghiên cứu do PGS.TS Ngọc Lan đồng tác giả trên NEJM.

Nghiên cứu này chỉ ra, khi phụ nữ vô sinh không có hội chứng buồng trứng đa nang thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, việc chuyển phôi được giữ đông không làm tăng tỷ lệ thai diễn tiến hay tỷ lệ sinh sống so với chuyển phôi tươi. Đây là một đề tài nóng được nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới thực hiện. 

Thực tế, ở Việt Nam mỗi năm có hơn 30.000 cặp vợ chồng thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và gần 40.000 trường hợp chuyển phôi đông lạnh. Công trình này giúp các cặp vợ chồng xác định kiểu chuyển phôi nào để tăng hiệu quả, giảm biến chứng, chi phí và thời gian điều trị.

tqb4

Bác sĩ Ngọc Lan đã giúp cho ra đời hơn 10.000 đứa trẻ bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Ảnh: NVCC.

Ngoài nhóm của PGS.TS Ngọc Lan, có nhiều quốc gia cũng đang thực hiện nghiên cứu về chuyển phôi tươi ở bệnh nhân không có buồng trứng đa nang, chẳng hạn như Mỹ, Anh, Úc, Đan Mạch hay Trung Quốc. Nhưng vì hoàn thành sớm, tạp chí quyết định đăng tải công trình của nhóm. 

Bài toán tối ưu nửa đại số 

Nghiên cứu nhận giải của PGS.TS Phạm Tiến Sơn là công trình về toán học, “Generic properties for semialgebraic programs” (Tính tổng quát của bài toán tối ưu nửa đại số), xuất bản trên tạp chí SIAM Journal on Optimization. Kết quả này giúp ông trở thành nhà toán học thứ 5 nhận giải Tạ Quang Bửu.

tqb5

Công trình của PGS.TS Tiến Sơn trên SIAM.

Ở công trình này, PGS.TS Tiến Sơn đã tập trung vào bài toán tìm giá trị nhỏ nhất của một hàm đa thức trên một tập nửa đại số, ông đã giải quyết được vấn đề ở cả khía cạnh lý thuyết và ứng dụng. Về lý thuyết, ông đã chứng minh được ba vấn đề quan trọng vốn gây hạn chế của hàm; về ứng dụng, ông chứng tỏ nghiệm tối ưu của hầu hết các bài toán tối ưu đa thức hoàn toàn.

tqb6

Thầy giáo Tiến Sơn hiện đang nghiên cứu và giảng dạy tại Đà Lạt. Ảnh: Phan Tuấn Anh/NVCC.

Ngoài ra, công trình này còn chỉ ra những giả thiết quan trọng trong tối ưu đều đúng với hầu hết các bài toán tối ưu nửa đại số. Các kết quả của công trình đã được đưa vào sách chuyên khảo Genericity in Polynomial Optimization nằm trong chuỗi các ấn phẩm về chủ đề tối ưu nửa đại số và ứng dụng của NXB World Scientific do giáo sư Jean Bernard Lasserre đề nghị viết. 

Vật liệu điện tử năng lượng thấp 

Năm 2020 là lần đầu tiên sau nhiều năm giải Tạ Quang Bửu không có hạng mục giải thưởng trẻ. Giải trẻ năm nay được trao cho TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu là tác giả duy nhất của nghiên cứu “Low-energy electron inelastic mean free path in materials” (Tính chất của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu) được đăng trên Applied Physics Letters.

tqb7

Công trình của TS Thanh Hiếu trên AIP.

Đây là đề tài rất rộng và chưa có quá nhiều người tìm ra hướng giải quyết triệt để, thế như TS Thanh Hiếu với nhiều năm kinh nghiệm tích lũy, đã tìm được lời giải để xác định quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu. 

Bài toán này hiện chưa được giải quyết một cách chính xác, bởi vì độ bất định lớn và kém tin cậy của các phương pháp hiện hành. Tuy nhiên, anh đã xác định được bằng cách tính hàm mất năng lượng bằng lý thuyết phiếm hàm mật độ phụ thuộc thời gian, đây là một phương pháp có độ chính xác cao.

tqb8

TS Thanh Hiếu, chủ nhân giải trẻ giải Tạ Quang Bửu 2020. Ảnh: Đại học Tôn Đức Thắng.

Từ lý thuyết, anh tiến hành chứng minh phương pháp của mình trên 10 loại chất rắn khác nhau. Kết quả không chỉ chứng minh được hội đồng xét duyệt của tạp chí, mà còn được giới khoa học chấp nhận qua việc có đến 12 trích dẫn trong nghiên cứu này được dùng ở nhiều tạp chí uy tín thế giới khác. 

Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 không chỉ có các công trình nghiên cứu mang tính học thuật, mà còn ứng dụng cao vào đời sống hằng ngày. Dự kiến giải sẽ được trao trực tuyến vào 18/5 tại Hà Nội, nhân dịp Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. 

 

Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Bộ Y tế cho biết Việt Nam đã bước đầu thành công trong việc nghiên cứu dự tuyển vaccine và tiêm thử nghiệm trên chuột.

 

Sáng 3/5, Bộ Y tế cho biết Việt Nam đã có 17 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, cùng với đó là thông tin về việc công ty VABIOTECH thử nghiệm vaccine chống Covid-19 trên chuột.

vaccine3

Việt Nam đã bước đầu thành công trong việc nghiên cứu dự tuyển vaccine và tiêm thử nghiệm trên chuột. Ảnh minh họa. 

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH, cho biết: “Ngay từ khi Việt Nam ghi nhận những những mắc Covid-19 đầu tiên, các nhà khoa học của công ty đã hợp tác cùng Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu vaccine phòng SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ vector virus. Nghiên cứu đã thành công trong việc tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của virus này.” 

Cơ chế giúp cơ thể phòng bệnh, chính là dùng kháng nguyên của nCoV có trong thành phần vaccine tiêm vào người, từ đó cơ thể sẽ sinh ra kháng thể chủ động chống lại SARS-CoV-2. Đây là nguyên liệu quan trọng trong việc sản xuất ra vaccine ngăn ngừa đại dịch.

vaccine2

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt tin tưởng Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia trên thế giới sớm sản xuất thành công vaccine chống nCoV. 

Sau khi dự tuyển vaccine phòng Covid-19 ở quy mô phòng thí nghiệm thành công, các nhà khoa học của công ty đã tiêm thử nghiệm trên chuột và theo dõi để đánh giá khả năng sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. 

Quá trình giám sát diễn ra trong vài tuần, kết quả thu thập cùng mẫu máu của chuột sẽ được gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đánh giá về khả năng sinh miễn dịch (kháng thể) chống lại nCoV.

vaccine1

Buổi chia sẻ về hợp tác sản xuất vaccine giữa VABIOTECH và Đại học Bristol. Ảnh: BTC.

TS Đạt cho biết, sau giai đoạn này, vaccine phòng Covid-19 sẽ tiếp tục được nghiên cứu để xây dựng quy trình sản xuất và tiêm thử nghiệm trên động vật nhằm đánh giá thêm về tính an toàn cũng như tính sinh miễn dịch của dự tuyển vaccine này. Xa hơn, sẽ xác định tiềm năng của công nghệ này trong việc phát triển vaccine phòng bệnh cho người.

 

Phương Hà - khampha.vn

 

Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế giữa mùa dịch Covid-19, nhóm giảng viên ở ĐH Bách Khoa, ĐHQG TP.HCM đã chế tạo hệ thống máy sản xuất khẩu trang đại trà.

 

Theo thông tin từ trường ĐH Bách Khoa - ĐHQG TP.HCM, khoa Cơ khí của trường này mới đây đã giới thiệu hệ thống máy sản xuất khẩu trang y tế. PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc - Trưởng Khoa Cơ khí cho biết, nhóm đã bắt đầu họp khẩn các giảng viên chủ chốt từ tháng 2/2020 để triển khai thiết kế cho dự án và bắt tay vào chế tạo.

maysxkt

PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc (giữa) và TS Nguyễn Thanh Hải (phải) bên máy tạo thân khẩu trang y tế. Hình: Cơ khí Bách Khoa

Các giảng viên chuyên ngành về thiết kế, chế tạo và hàn siêu âm đã phân tích và đưa ra hàng loạt phương án sản xuất khẩu trang. Cuối cùng, phương án được khoa lựa chọn là thiết kế máy tự động tạo thân khẩu trang y tế (phần xếp ly hình chữ nhật) và hàn quai siêu âm đơn điểm. Máy được thiết kế bằng phần mềm thiết kế chuyên dụng mà sinh viên khoa cơ khí được học.

Theo thiết kế, năng suất một máy tự động tạo thân khẩu trang có thể đạt tối đa 90 cái/phút, trong khi năng suất máy hàn quai siêu âm đơn điểm chỉ đạt 15 cái/phút. Do đó, để đảm bảo năng suất đồng bộ, một máy tạo thân sẽ đi kèm với sáu máy hàn quai siêu âm.

maysxkt1

Thiết kế máy tự động tạo ra thân của khẩu trang y tế. Hình: Cơ khí Bách Khoa

Trong thiết kế này, tùy theo số lượng cuộn vải kháng khuẩn đưa vào, sản phẩm đầu ra là khẩu trang từ ba đến năm lớp. Điểm nổi bật nhất của thiết kế này là chỉ sử dụng một hệ siêu âm thay vì hai hệ siêu âm tần số 20 kHz so với trước đây.

Khẩu trang y tế về cơ bản được tạo thành bởi các lớp vải không dệt và lớp vải lọc kháng khuẩn. Các loại vải này đều làm từ nhựa có thành phần chính là polypropylene. Do đó, để hàn được các lớp vải này với nhau, công nghệ hàn siêu âm là lựa chọn phù hợp.

maysxkt2

Máy hàn quai siêu âm giúp kết dính phần thân và phần quai của khẩu trang. Hình: Cơ khí Bách Khoa

PGS.TS Lộc chia sẻ: “Trong thời gian rất ngắn nhưng các giảng viên Khoa Cơ khí đã triển khai xuất sắc dự án và đúng kế hoạch. Thiết kế này không chỉ tối ưu về chi phí, mà quan trọng hơn là đem lại sản phẩm đạt tiêu chuẩn y tế cho người dùng. Hãy tự nâng cao ý thức bằng việc đeo khẩu trang y tế để tự giác phòng bệnh cho chính mình và cho cộng đồng”.

Đại diện của khoa cũng cho biết, hiện tại hệ thống máy sản xuất khẩu trang y tế đã chạy thử nghiệm thành công và khoa sẵn sàng chuyển giao cho các doanh nghiệp để sản xuất đại trà.

 
Sáng 20-3, Sở Y tế TP.HCM cho biết Bệnh viện dã chiến Củ Chi phối hợp Bệnh viện Quân dân y miền Đông chuẩn bị thử nghiệm 'robot khử khuẩn phòng cách ly'.

robotkhukhuan
Máy in 3D tại “Vườn ươm sáng tạo” của Bệnh viện Quân dân y miền Đông - Ảnh: Sở Y tế TP.HCM cung cấp

Việc thử nghiệm “Robot khử khuẩn phòng cách ly” thành công sẽ có ý nghĩa thực tiễn rất lớn trong công tác phòng chống nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cho nhân viên y tế, nhất là nhân viên làm công tác vệ sinh, khử khuẩn các phòng cách ly áp lực âm dành cho người bệnh dương tính và các phòng cách ly khác dành cho người bệnh nghi ngờ nhiễm COVID-19.
Trước đó, từ yêu cầu của thực tế, Sở Y tế TP.HCM đã đặt hàng các chuyên gia công nghệ thông tin và công nghệ tự động hóa của "Vườn ươm sáng tạo" thuộc Bệnh viện Quân dân y miền Đông thiết kế, chế tạo "Robot khử khuẩn phòng cách ly" từ công nghệ in 3D.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu và chế tạo, bảng thiết kế chi tiết robot hiện đã hoàn tất.  Sau khi được các chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn của Sở Y tế nhận xét và góp ý, nhóm sẽ cho in 3D để ra bản thử nghiệm đầu tiên.
Bệnh viện dã chiến phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do COVID-19 tại Củ Chi sẽ là nơi thử nghiệm vận hành robot. Khi chính thức triển khai, robot sẽ phục vụ tại các bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị bệnh COVID-19. 
Bệnh viện Quân dân y miền Đông được chọn "đặt hàng" làm robot khử khuẩn do bệnh viện có nhiều hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học tạo ra các mô hình - giải pháp mới, hiệu quả.
 
robotkhukhuan2
“Robot lau sàn nhà vệ sinh” chuyên làm khô nhà vệ sinh do chính bệnh viện chế tạo, tự thổi khô nền nhà khi phát hiện độ ẩm tăng cao tại Bệnh viện Quân dân y miền Đông - Ảnh: Sở Y tế TP.HCM cung cấp
 
THU HIẾN - tuoitre.vn

Nhà khoa học có nhiều thành tích vượt trội sẽ được đặc cách bổ nhiệm chức danh cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc năm công tác theo Nghị định mới.

 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 27/2020/NĐ-CP trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN). Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020. 

Đặc cách bổ nhiệm chức danh cao hơn không qua thi thăng hạng

Nghị định quy định về điều kiện đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc năm công tác.

khthuhut

Ảnh minh họa

Theo đó, người đang giữ hạng chức danh khoa học, hạng chức danh công nghệ tại đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động KHCN, đáp ứng tiêu chuẩn của hạng chức danh cao hơn được xét đặc cách bổ nhiệm vào hạng chức danh khoa học, hạng chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác nếu trong thời gian giữ hạng chức danh tại thời điểm xét đặc cách thặng hạng đạt một trong các điều kiện sau: 

a- Đạt giải thưởng quốc tế, giải thưởng uy tín trong nước về KHCN theo quy định của Bộ KHCN. 

b- Chủ trì hoặc thực hiện chính nhiệm vụ KHCN đặc biệt hoặc nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng được nghiệm thu ở mức đạt trở lên hoặc chủ trì nhiệm vụ KHCN cấp bộ, cấp tỉnh trở lên được ứng dụng mang lại hiệu quả cao về kinh tế-xã hội. 

c- Được cấp bằng tiến sĩ và có thành tích vượt trội trong hoạt động KHCN. 

d- Được cấp bằng tiến sĩ khoa học hoặc được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư. 

đ- Được bổ nhiệm chức danh giáo sư. 

Mỗi thành tích, kết quả hoạt động KHCN chỉ được sử dụng 1 lần để xét đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác. 

Ưu đãi cá nhân hoạt động KHCN có chức danh giáo sư, phó giáo sư 

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định về ưu đãi cá nhân hoạt động KHCN có chức danh giáo sư, phó giáo sư. 

Cụ thể, cá nhân hoạt động KHCN có chức danh giáo sư, phó giáo sư trong tổ chức KHCN công lập, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Bộ KHCN được bổ nhiệm đặc cách vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ hạng I và được hưởng các chính sách, chế độ như người có chức danh tương đương trong cơ sở giáo dục đại học công lập nếu các chính sách, chế độ đó có lợi hơn. 

Nghị định số 27/2020/NĐ-CP cũng sửa đổi khoản 1, bổ sung khoản 8 Điều 18 của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP về chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành. Theo đó, nhà khoa học đầu ngành được cấp kinh phí để triển khai nhiệm vụ KHCN đã được phê duyệt theo Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học đã được Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành do Bộ trưởng Bộ KHCN thành lập thông qua theo tiến độ hằng năm để thực hiện Đề án; được vinh danh, xem xét trao tặng các danh hiệu, giải thưởng về KHCN đối với các kết quả hoạt động KHCN xuất sắc theo quy định của pháp luật liên quan.

 
Ngày 20-2-2020, Quỹ Đổi mới sáng tạo (VINIF), Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn – VINBDI (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã ký kết tài trợ 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19). 
vin1

Tập đoàn Vingroup đã chính thức ký kết tài trợ cho 3 dự án

Chương trình nhằm đẩy mạnh các biện pháp khẩn cấp phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh báo sớm, hướng tới chăm sóc, điều trị và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

3 đơn vị nhận được tài trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo VINIF (Tập đoàn Vingroup) gồm: Công ty TNHH Một Thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech); Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương; Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng. 

Trong đó, Công ty TNHH Một Thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) sẽ nhận tài trợ 8 tỷ đồng cho dự án nghiên cứu: “Phát triển vắc-xin chống lại chủng mới của virus Corona (Covid-19) trên giá thể baculovirus ở quy mô phòng thí nghiệm” do Chủ tịch công ty TS. Đỗ Tuấn Đạt, làm chủ nhiệm.

vin2
Tập đoàn Vingroup đã chính thức ký kết tài trợ cho 3 dự án 
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhận tài trợ gần 7,5 tỷ đồng cho đề tài “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ và Virus bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV) tại Việt Nam” do PGS.TS. Phan Trọng Lân làm chủ nhiệm; Viện trưởng Viện VSDT TƯ. GS.TS. Đặng Đức Anh, làm phó chủ nhiệm.

Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng nhận tài trợ 4 tỷ đồng với đề tài “Phát triển hệ thống cảnh báo sớm quốc gia về dịch bệnh Covid-19 toàn cầu nhằm đánh giá nguy cơ lây nhiễm và xây dựng kế hoạch đáp ứng khẩn cấp” do Viện trưởng GS.TS. Lê Thị Hương làm chủ nhiệm. 

vin3
Tập đoàn Vingroup đã chính thức ký kết tài trợ cho 3 dự án 
Các dự án để nhận tài trợ đã trải qua đầy đủ các quy trình xét chọn từ việc lập hồ sơ, gửi phản biện, họp hội đồng và ra quyết định tài trợ từ Hội đồng khoa học (gồm các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ sinh học, y học dự phòng, vệ sinh dịch tễ và điều trị các bệnh truyền nhiễm trong và ngoài nước). 

TS. Đỗ Tuấn Đạt (Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1, Trưởng nhóm nghiên cứu vắc xin Covid-19) chia sẻ: “Khoản kinh phí hỗ trợ từ Tập đoàn Vingroup thực sự có ý nghĩa rất lớn đối với nhóm nghiên cứu của chúng tôi cũng như với cộng đồng khoa học của Việt Nam trong thời điểm cấp thiết hiện nay. Chúng tôi rất ngạc nhiên về các nỗ lực của Ban điều hành Quỹ. Chỉ chưa đầy 10 ngày làm việc mà cả Quỹ và nhóm nghiên cứu đã hoàn thành các phần việc từ viết thuyết minh, thông qua hội đồng xét duyệt và ký kết hợp đồng triển khai – điều này chưa hề có trong bất kỳ đề xuất nghiên cứu nào của chúng tôi từ trước đến nay. Chúng tôi, những cá nhân và đơn vị được nhận tài trợ trong đợt này, sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành các nội dung nghiên cứu đúng thời gian và tiến độ.”

vin4
PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương (Giám đốc Điều hành Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup - VinIF) tặng hoa các chủ nhiệm dự án 
Toàn bộ kinh phí tài trợ sẽ được các đơn vị sử dụng để nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm vắc xin, xác định đặc điểm dịch tễ và virus của bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, xây dựng mô hình ước tính tình hình dịch bệnh, dự đoán khả năng lây truyền, xác định biện pháp ứng phó cần thiết, đưa ra cảnh báo phù hợp. 

Cụ thể, Công ty TNHH Một Thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 dự kiến sẽ sản xuất thử nghiệm bước đầu 1.000 liều vắc xin phòng Coronavirus (Covid-19) theo quy trình công nghệ sản xuất vắc xin Coronavirus trên giá thể baculovirus ở quy mô phòng thí nghiệm. Vắc xin được đánh giá trên động vật trước khi thử nghiệm trên cơ thể người. 

Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng sẽ xây dựng mô hình thống kê phân tích dịch, công cụ dự báo dịch và ước tính nguồn lực cần thiết. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, quá trình nhiễm, virus, đáp ứng huyết thanh ở người nhiễm và biện pháp ứng phó dịch Covid-19 tại miền Bắc, miền Trung, miền Nam và khu vực Tây Nguyên, đề xuất giải pháp phòng chống dịch.

Trong 3 dự án nghiên cứu trên, 2 dự án Hội đồng Khoa học của VINIF trực tiếp thẩm định, xét chọn và sẽ thực hiện nghiệm thu, quản lý. Dự án còn lại được VINIF tài trợ trong khuôn khổ hợp tác với Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Bộ KHCN. Dự án này do Bộ KHCN xét duyệt thông qua Hội đồng Khoa học cấp quốc gia, sau này sẽ nghiệm thu và quản lý. 

Phát biểu tại Lễ ký kết, PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương (Giám đốc Điều hành Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup - VinIF) cho biết: “Với vai trò là tổ chức hoạt động nhằm thúc đẩy các nghiên cứu KHCN tại Việt Nam, trước diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp và nguy cấp, chúng tôi mong muốn được tiếp sức cho các nhà khoa học trong việc nghiên cứu phòng và chống bệnh; và điều đó sẽ rất hiệu quả nếu phối hợp thực hiện cùng Nhà nước. Dù thời gian gấp rút, nhưng các dự án được lựa chọn đều đã được xét duyệt nghiêm ngặt qua Hội đồng cấp quốc gia hoặc qua Hội đồng Khoa học của Quỹ. Chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ có những đóng góp khoa học và sẽ thành công trong thử thách chống dịch bệnh này.”

Đây là lần đầu tiên Bộ KHCN huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đột xuất trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Vingroup cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên chung tay cùng Nhà nước trong việc đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Mô hình là thí dụ điển hình cho thấy hệ sinh thái cho KHCN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã và đang mở rộng, khi doanh nghiệp vào cuộc cùng Nhà nước để giải quyết các vấn đề KHCN cấp bách của xã hội. 

Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup - VINIF (trực thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn – VINBDI (Tập đoàn Vingroup) do GS. Vũ Hà Văn làm Giám đốc Khoa học và PGS. Phan Thị Hà Dương làm Giám đốc điều hành. Quỹ được thành lập với chức năng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm mục đích tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho Việt Nam.

SGGP


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353