SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Microsoft Việt Nam vừa công bố chọn 3 sáng kiến xuất sắc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật, dự thi chương trình AI for Accessibility toàn cầu.

 

Ngày 11/10, Cuộc thi AI for Accessibility Hackathon do Microsoft tổ chức đã tìm được ba ý tưởng AI đại diện cho Việt Nam tiếp tục tham dự vòng loại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. 

Các sáng kiến được lựa chọn gồm: 

Sáng kiến dạy chữ cho trẻ khiếm thính (Smile - Goodluck MTV)– đến từ đội MTI Technology 

ntta

Chị Ngô Thị Thái và thành viên nhóm MTI Technology trình bày sáng kiến Smile (Goodluck MTV). Sáng kiến này cũng vừa được UNDP Việt Nam và chương trình hỗ trợ chuyên sâu từ Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia vinh danh.

Với sáng kiến này, đội MTI Technology đã cung cấp giáo trình dạy và học ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ khiếm thính, với các cấp bậc từ đơn giản đến phức tạp. Người dùng xem hướng dẫn thực hiện ký hiệu qua video, sau đó thực hành ký hiệu bằng thiết bị cảm ứng như Leap Motion hoặc Microsoft Kinect. Smile còn có tính năng nhận diện và dịch ngôn ngữ ký hiệu, giúp trẻ khiếm thính có thể giao tiếp dễ dàng hơn với các thầy cô và phụ huynh của mình. Sáng kiến này được nhóm phát triển từ tháng 6/2019, hiện đang được thử nghiệm tại một số trung tâm giảng dạy cho trẻ khiếm thính tại một số nơi như: Trung tâm khuyết tật và phát triển DRD Việt Nam (DRD), Hội cha mẹ khiếm thính Việt Nam… 

Sáng kiến nâng cấp bản đồ chỉ đường cho người khuyết tật (D.Map)

saigonthink

Đại diện trung tâm DRD trình bày sáng kiến nâng cấp D.Map.

Sáng kiến này sử dụng khả năng nhận biết và phân tích hình ảnh, video từ nhiều nguồn khác nhau (dữ liệu chia sẻ từ người dùng, dữ liệu hình ảnh và video từ camera của thành phố, tòa nhà) để đưa ra những thông tin cần thiết, giúp người khuyết tật nhận biết và đánh giá khả năng tiếp cận của các tuyến đường, tòa nhà hoặc các nơi công cộng khác.  Sáng kiến này được chính các thành viên đến từ trung tâm DRD đề xuất nâng cấp dựa trên ứng dụng D.Map hiện có của trung tâm. Đội chơi cũng mang hoài bão mong muốn ứng dụng này sẽ góp phần giúp xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành một thành phố thông minh và dễ tiếp cận cho người khuyết tật đầu tiên tại Việt Nam. 

Sáng kiến Smart Eye – đến từ nhóm SaigonThink

dmart

Đại diện nhóm Saigon Think trình bày sáng kiến của nhóm.

Đây là ý tưởng tích hợp các tính năng nhận diện vật thể, chữ viết, khuôn mặt, cảnh vật, v.v vào một chiếc kính kết nối tai nghe dành cho người khiếm thị. Smart Eye sẽ miêu tả thế giới xung quanh trong thời gian thực, giúp người khiếm thị biết được xung quanh mình hiện đang có gì và đang diễn ra những sự việc gì. Với công cụ này, người khiếm thị có thể tự tin di chuyển cũng như thực hiện những công việc hàng ngày như đi chợ, mua hàng, đọc sách mà không hề, hoặc có rất ít rào cản so với người bình thường,

Cuộc thi có sự tham dự và trình bày của 5 đội. Dựa trên 5 tiêu chí đánh giá gồm: (1) Xác định đối tượng và rào cản cụ thể, (2) Đáp ứng nhu cầu rõ ràng, (3) sự sáng tạo, (4) Yếu tố AI, (5) khả năng triển khai trên diện rộng, ban giám khảo đã chọn ra ba ý tưởng phù hợp nhất với tiêu chí của chương trình.

Ban giám khảo cuộc thi gồm có 5 thành viên: 

Bà Phan Tú Quyên, Giám đốc phụ trách Mạng Lưới Đối Tác Công Nghệ, Microsoft Việt Nam 

Ông Francis Tuấn Anh, Chuyên gia công nghệ, Microsoft Việt Nam 

Ông Trần Đức Sự - Phó Chủ Tịch, Trung tâm phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ, Thành Đoàn Hồ Chí Minh 

Bà Hồ Thị Mộng Thu – Phó Tổng Giám Đốc, Quỹ Tâm Nguyện Việt 

Được biết, Cuộc thi AI for Accessibility được công bố tại sự kiện thường niên Microsoft Build vào năm 2018. Thông qua chương trình này, Microsoft dành ra 25 triệu đô trong 5 năm nhằm khuyến khích những ý tưởng ứng dụng công nghệ, cụ thể là trí thông minh nhân tạo (AI) vào việc xây dựng một thế giới hòa nhập và tiếp cận cho người khuyết tật. Cụ thể, Microsoft sẽ tài trợ chi phí dưới hình thức điểm sử dụng dịch vụ trên đám mây Azure và tư vấn về kỹ thuật cho những ý tưởng nổi bật giúp cải thiện (1) vấn đề việc làm, (2) cuộc sống và (3) kết nối và cộng đồng cho người khuyết tật.

Hiệp hội doanh nghiệp KH&CN là nơi để các nhà khoa học trao đổi những tâm huyết và ý tưởng của mình, đóng góp cho nền KH&CN nước nhà. 

Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VST) đã chính thức ra mắt vào ngày 5/10/2019 tại Hà Nội. 

Sân chơi hội tụ trí tuệ Việt

Hiện cả nước có khoảng 700.000 DN hoạt động trên mọi lĩnh vực nhưng số lượng DN được công nhận là DN KH&CN chiếm tỉ lệ nhỏ, với 468 DN. Số lượng ít nên hầu hết đều hoạt động độc lập. Mặc dù, chính phủ đã dành nhiều quyền lợi cho DN KH&CN nhưng do số lượng còn khiêm tốn, không có lực lượng hỗ trợ đồng hành nên quyền lợi dành cho DN KH&CN còn chưa được đảm bảo.

Đây chính là lý do thôi thúc lãnh đạo Bộ KH&CN chỉ đạo Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN đứng ra vận động thành lập ra Hiệp hội cho các DN KH&CN Việt Nam

hh1

 Ban vận động thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam đón nhận quyết định thành lập Hiệp hội và hoa chúc mừng từ Bộ Nội vụ và Bộ KH&CN

Theo ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN, mục đích của Hiệp hội là tập hợp, tổ chức hỗ trợ các DN hội viên đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản xuất, kinh doanh, đoàn kết tương trợ lẫn nhau. Hiệp hội sẽ kết nối hiệu quả với các nhà khoa học, phát triển công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo định hướng chung của Bộ KH&CN.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia sẻ, thành lập Hiệp hội DN KH&CN là ý tưởng, là mong muốn ban đầu của Bộ vì muốn có một sân chơi thực sự, hội tụ trí tuệ Việt để các DN, các nhà khoa học có một nơi để trao đổi những tâm huyết và ý tưởng của mình, đóng góp cho nền KH&CN nước nhà.

hh2

Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, Hiệp hội ra đời được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển số lượng DN KH&CN

Tại Lễ ra mắt và Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam lần thứ nhất, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN, nhấn mạnh Hiệp hội ra đời được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển số lượng DN KH&CN. Thông qua đó, hoạt động của Hiệp hội DN KH&CN sẽ trở thành đầu tàu phát triển KH&CN, đặc biệt các công nghệ lõi.

Là người được giao làm đầu mối phối hợp với một số DN KH&CN lên ý tưởng thành lập Hiệp hội, ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN (Bộ KH&CN), cho biết công nghệ là nền tảng cho mọi thành công, là thước đo sự phát triển của đất nước nên việc tập hợp DN KH&CN vào một sân chơi chung luôn là trăn trở của lãnh đạo Bộ KH&CN. Điều quan trọng nhất mà sân chơi này hướng tới là xây dựng và phát triển thương hiệu cho nền KH&CN Việt Nam; phát động phong trào người Việt Nam dùng sản phẩm KHCN của Việt Nam.

Ông Hoàng Đức Thảo, Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội, cũng bày tỏ kỳ vọng, VST sẽ nhanh chóng lớn mạnh và khẳng định được vị thế, vai trò dẫn dắt nền khoa học công nghệ ứng dụng nước nhà. Đồng thời, Hiệp hội sẽ là một sân chơi để tất cả các doanh nghiệp khoa học công nghệ có thể hội tụ, thể hiện quyết tâm tạo dựng một thị trường các sản phẩm khoa học công nghệ với hàm lượng chất xám của người Việt, cho người Việt và do người Việt làm chủ. 

“Hậu phương” vững chắc của doanh nghiệp khoa học công nghệ

Tính đến nay, Ban vận động thành lập Hiệp hội đã tập hợp được hơn 40 DN cùng chung tay góp sức đứng ra vận động thành lập Hiệp hội DN KH&CN (VST). Hiệp hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các DN KH&N Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN vào thực tiễn cuộc sống.

hh3

Ông Hoàng Đức Thảo, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội, nhận hoa chúc mừng của ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm UB Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội

Ngoài ra, nhiệm vụ quan trọng của Hiệp hội còn là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên Hiệp hội (như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ và hỗ trợ DN hội viên tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước; Tư vấn hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của DN KH&CN…).

Đặc biệt, Hiệp hội sẽ hỗ trợ, phối hợp xây dựng cơ chế chính sách liên quan tới DN KH&CN; Tổ chức các hội nghị, hội thảo, triển lãm, toạ đàm, đối thoại, hỏi đáp chính sách giữa các thành viên của Hiệp hội với Bộ KH&CN cùng các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp và các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác có liên quan.

Hiệp hội chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Nội vụ, Bộ KH&CN (cơ quan bảo trợ) và các Bộ, ngành khác có liên quan về ngành, lĩnh vực hoạt động theo quy định của pháp luật.

“Chúng tôi quyết tâm định hướng mọi hoạt động của Hiệp hội sẽ là một sân chơi bình đẳng của các DN KH&CN, là nơi chắp thêm cánh cho những ý tưởng sáng tạo công nghệ, góp phần khẳng định và tỏa sáng trí tuệ Việt, công nghệ Việt trên trường quốc tế”, ông Hoàng Đức Thảo, Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội.

Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam

Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam có tên tiếng nước ngoài là VietNam Science and Technology Business Association (VST).

VST là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Mục đích của Hiệp hội tập hợp, tổ chức hỗ trợ các Doanh nghiệp hội viên đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản xuất, kinh doanh, tự nguyện tham gia, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ trong hoạt động và kết nối hiệu quả với các nhà khoa học, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tiêu chí cần để trở thành hội viên của Hiệp hội là doanh nghiệp, tổ chức phải là doanh nghiệp khoa học công nghệ, đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ, chấp hành Điều lệ Hiệp hội, tự nguyện nộp đơn xin gia nhập Hội, được Hội xem xét, quyết định kết nạp.


    

Bản đồ số Việt Nam (Vmap) có hơn 23,4 triệu dữ liệu địa chỉ trên cả nước, hiển thị chi tiết tới từng số nhà, dù ở thành thị hay miền núi.

 

Sáng nay (1/10), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự lễ ra mắt Bản đồ số Việt Nam (Vmap) và biểu dương nhiều bạn trẻ hoàn toàn tự nguyện, hết lòng tham gia Hệ tri thức Việt số hoá để “chia sẻ tri thức, kết nối cộng đồng, cổ vũ sáng tạo”.

Ra mắt Bản đồ số Việt Nam - 1

Phó thủ tướng phát biểu tại lễ ra mắt Vmap và iNhandao.

Vmap không chỉ xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu bản đồ nền (lớp bản đồ về biên giới, hành chính, giao thông, sông ngòi…); cơ sở dữ liệu chứa các thông tin về tọa độ, thông tin đi kèm của các đối tượng (địa danh, trường học, bệnh viện, hiệu thuốc, khách sạn…) và địa chỉ nhà dân mà còn xây dựng các ứng dụng đi kèm bản đồ.

Với mạng lưới lưới hơn 12.000 điểm phục vụ cùng hơn 50.000 lao động trải rộng tới tận cấp xã, thôn bản và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, cùng kinh nghiệm thu thập dữ liệu trong nhiều lĩnh vực, Bưu điện Việt Nam được giao là đơn vị chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng và triển khai dự án “Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam” - Vmap. Đây chính là kết tinh của trí tuệ Việt Nam trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Để thu thập dữ liệu bản đồ, trong hơn 3 tháng, hơn 120.000 nhân viên Bưu điện và đoàn viên, thanh niên trên cả nước đã tích cực tới từng khu phố, thôn bản để thu thập thông tin. Thông qua Smartphone đã cài đặt phần mềm có các tính năng thu thập dữ liệu, gắn tọa độ, thời gian, chụp ảnh… mỗi nhân viên đã thu thập tên địa chỉ (hộ gia đình, cửa hàng, địa điểm…); địa chỉ chi tiết của địa điểm (số nhà, đường phố, hẻm, xóm…) và các ghi chú về loại đối tượng (nhà hàng, nhà dân, ngân hàng, chợ… ). Sau khi xác nhận thông tin chuẩn, dữ liệu sẽ được tích hợp và đưa lên bản đồ số Việt Nam tại địa chỉ https://map.itrithuc.vn và https://vmap.vn. 

Cùng với Vmap, và hệ thống kết nối thông tin nhân đạo (iNhandao) cũng được ra mắt trong sáng nay.

Dự án iNhandao (nhandao.itrithuc.vn) do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với FPT phát triển nhằm tạo ra kênh tiếp cận mở, kết nối người cần cứu trợ với những nhà thiện nguyện một cách chủ động, tức thời. Kế thừa các địa chỉ số từ bản đồ Vmap.vn do Bưu điện Việt Nam phát triển, FPT đã số hóa, tự động hóa quy trình triển khai hoạt động thiện nguyện của Hội chữ thập đỏ Việt Nam.

Ra mắt Bản đồ số Việt Nam - 2

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu nhấn nút khai trương Vmap và iNhandao.

Trong giai đoạn đầu, Hệ thống iNhandao triển khai xây dựng dữ liệu địa chỉ nhân đạo nhằm cung cấp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp những thông tin phong phú và chính xác. Từ đó, các hoạt động của nhà tài trợ được đảm bảo đến tay đúng đối tượng, đúng nhu cầu, thuận tiện, trên tinh thần minh bạch, rõ ràng, tạo sự thay đổi lớn về cách làm, mức độ ảnh hưởng tới xã hội. Nhà tài trợ ngoài việc tìm được đúng đối tượng và triển khai tài trợ thuận tiện, cũng có thể quản lý các hoạt động tài trợ của mình trên hệ thống một cách dễ dàng, minh bạch.

Được chính thức triển khai từ năm năm 2018, Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” với mục tiêu phát triển nền tảng dữ liệu, tri thức trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, Đề án đã bước đầu hình thành hệ thống nền tảng với các chức năng và công cụ cho phép thu thập, xử lý và chia sẻ các dữ liệu dùng chung trong một số lĩnh vực. Trong đó, Dự án Bản đồ số Việt Nam và Dự án Hệ thống thông tin nhân đạo là hai dự án tiên phong của Đề án và đã đạt được một số kết quả quan trọng trong giai đoạn một để giới thiệu với công chúng.

Theo Phó Thủ tướng, dù mới ở giai đoạn I, Đề án được cộng đồng đón nhận và ứng dụng trong thực tiễn. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng ghi nhận sự đóng góp tự nguyện của nhiều bạn trẻ từ Đại học Quốc gia, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Tập đoàn FPT và Bưu điện Việt Nam đã tham gia xây dựng nền tảng của hệ thống.

Cho rằng từ khi cây nảy mầm đến lúc ra hoa kết trái còn thời gian rất dài, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn sẽ có nhiều bàn tay góp sức chăm sóc cho bản đồ, hệ tri thức Việt. Ví dụ bản đồ nhân đạo (iNhandao) hiện mới chỉ đưa được địa chỉ cần tiếp nhận nhân đạo để những người có tấm lòng hảo tâm tìm đến. Bước tiếp theo làm sao kết nối được tất cả mọi người trong xã hội muốn trợ giúp về vật chất, thời gian, kiến thức, tư vấn... Việc kết nối từ người có tấm lòng đến người nhận đều công khai minh bạch, được lan tỏa trong xã hội. "Để làm được điều này những công nghệ hiện đại nhất từ blockchain, trí tuệ nhân tạo đều được ứng dụng".

 

Liên Cơ - khampha.vn

Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc, mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp. 

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bộ Chính trị nhận định đây là cuộc cách mạng mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội đất nước.

Thời gian qua, VN đã đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Bộ Chính trị ra nghị quyết thúc đẩy Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - 1

Tuy vậy, mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức.

Do đó, Bộ Chính trị khẳng định chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là tất yếu khách quan. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phải coi viêc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội để VN bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2030, mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc

Bộ Chính trị đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân.

Cụ thể đến năm 2025, VN phải xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.

Đến năm 2030 sẽ có mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp. Kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. Hoàn thành xây dựng chính phủ số và hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.

Đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Xây dựng dữ liệu số của Chính phủ để người dân cập nhật thông tin

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ Chính trị nhấn mạnh chủ trương phải đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội.

Theo đó, xác định nội dung cốt lõi của chính sách là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực, và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Bộ Chính trị ra nghị quyết thúc đẩy Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - 2

Hoàn thiện pháp luật, chính sách về tài chính - tiền tệ, thanh toán điện tử, quản lý thuế và các dịch vụ xuyên biên giới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số. Hoàn thiện chính sách đặt hàng sản xuất và mua sắm công đối với các sản phẩm công nghệ số do Việt Nam sản xuất.

Cùng với đó, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về phát triển đô thị thông minh bền vững; xác định rõ lộ trình thí điểm và lựa chọn các đô thị thí điểm đô thị thông minh; cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế đặc thù trong quá trình triển khai.

Bộ Chính trị cũng nêu chủ trương chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu bằng cách xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia. Hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất.

Đặc biệt, Bộ Chính trị yêu cầu phải ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng.

Cùng với đó, bổ sung một số ngành nghề kinh doanh mới được ưu đãi đầu tư để thúc đẩy tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có cơ chế cho doanh nghiệp Nhà nước thực hiện đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đáng chú ý, Bộ Chính trị giao phải có cơ chế xây dựng cơ sở dữ liệu số của Chính phủ và các cấp chính quyền, tạo điều kiện để mọi công dân có thể cập nhật thông tin cần thiết về hoạt động của bộ máy nhà nước.

Cùng với đó, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chuẩn hoá và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các cấp; cắt giảm tối đa giao dịch trực tiếp.

 
Phương Thảo - khampha.vn

TP.HCM là “ngôi nhà” của gần 50% các startup trong nước và là một địa phương đóng góp quan trọng cho nền kinh tế sáng tạo, năng động và phát triển nhanh nhất ở châu Á.

 

Đây là phân tích của Cơ quan phát triển thương mại và đầu tư, Chính phủ Australia (Austrade) trong một báo cáo mới đây về tốc độ phát triển của khởi nghiệp tại Việt Nam. 

Với các chương trình tăng tốc, ươm tạo và không gian làm việc chung, các thành phố Việt Nam đang trở thành trung tâm đổi mới nhanh chóng - đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Việt Nam một trong những nền kinh tế sáng tạo, năng động và phát triển nhanh nhất ở châu Á 

Báo cáo nêu, bối cảnh khởi nghiệp Việt Nam có thể bắt nguồn từ năm 2004, khi quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam được thành lập, rót hơn 100 triệu USD vào thị trường. Quỹ này đã đầu tư vào hơn 40 công ty trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông, viễn thông và tiêu dùng trên khắp Việt Nam.

Kể từ đó, kỷ nguyên khởi nghiệp đã phát triển theo ba đợt: Làn sóng đầu tiên (2004-2007); làn sóng thứ hai (2007-2010); và làn sóng thứ ba (2011 - nay). Việt Nam đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng các công ty khởi nghiệp trong đợt thứ ba này, tăng từ 400 năm 2012 lên gần 1.800 vào năm 2015 và 3.000 trong năm 2017.

TP.HCM là “nhà” của gần 50% công ty khởi nghiệp ở Việt Nam - 1

Không gian làm việc chung của các startup nằm trong khuôn viên ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An.

Bối cảnh khởi nghiệp sôi động gần đây tại Việt Nam này không chỉ thúc đẩy một lớp doanh nhân địa phương mới, mà còn thu hút một số lượng lớn người nước ngoài muốn thâm nhập vào đất nước tiềm năng tăng trưởng và lực lượng lao động CNTT lành nghề.

TP.HCM là trung tâm thương mại của nền kinh tế Việt Nam và là “ngôi nhà” của gần 50% các công ty khởi nghiệp của đất nước. Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, các công ty khởi nghiệp công nghệ được chia thành các lĩnh vực sau: CNTT (41,1%), nông nghiệp ứng dụng công nghệ (20,13%), công nghệ giáo dục (16,11%), IoT (9,4%), chế biến thực phẩm (6,71%), du lịch (3,36%) và công nghệ tài chính (0,67%).

Những thách thức của hệ sinh thái startup Việt Nam

Các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển, tuy nhiên, cộng đồng cũng phải đối mặt với một số thách thức. Hầu hết các công ty khởi nghiệp địa phương có quy mô nhỏ, ở giai đoạn hạt giống, khả năng tạo ra bước đột phá hạn chế và cần được ươm tạo thêm. Một thách thức nổi bật hiện nay của các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam là khả năng tiếp cận tài chính.

Năm 2016, nguồn tài chính lớn của các nhà đầu tư trong nước đến từ ba quỹ đầu tư mạo hiểm lớn: IDG Ventures Vietnam, Cyber ​​Agent và DFJ VinaCapital. Tổng cộng, họ đã đầu tư hơn 120 triệu USD tài trợ và tư vấn cho một số thương hiệu.

Tuy nhiên, thật khó để thuyết phục các nhà đầu tư địa phương chấp nhận rủi ro và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu. Mặc dù các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu có thể phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài trợ từ các nhà đầu tư thiên thần, nhưng loại nhà đầu tư này mới xuất hiện và không có nhiều tác động trong cộng đồng cho đến nay.

Một thách thức không nhỏ khác, dù Việt Nam nằm trong top ba ở Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng không nhiều doanh nghiệp trong số này được trang bị các kỹ năng cần thiết để phát triển mô hình kinh doanh bền vững, hoặc để phù hợp cho các dự án. Do đó, nhiều công ty khởi nghiệp địa phương khá hạn chế để kết nối với hệ sinh thái khu vực.

Tiếp đến là khả năng nghiên cứu triển khai (R&D) của các công ty khởi nghiệp cần cải thiện đáng kể về năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới hiện nay của Việt Nam. R&D vẫn là một hoạt động ngoại vi cả trong kinh doanh và khu vực công. Khả năng đổi mới mạnh mẽ là điều cần thiết để các doanh nghiệp có vị thế tốt hơn và Chính phủ cần đầu tư nhiều hơn và hỗ trợ phát triển các năng lực công nghệ tiên tiến, bao gồm cả R&D.

Cuối cùng là Việt Nam cần thực thi nghiêm túc các quy định về sở hữu trí tuệ và Chính phủ cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề này đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam.

 
Hà Thế An - khampha.vn
Bộ KH-CN vừa hoàn thành “Hành trình kết nối khởi nghiệp” Việt Nam với thế giới - Techfest Vietnam 2019 tại Hoa Kỳ. Chương trình đã tạo sân chơi để các startup kêu gọi nguồn vốn đầu tư quốc tế, giúp Việt Nam giới thiệu và quảng bá hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cũng như thu hút lực lượng chuyên gia chất lượng cao về đất nước.

Đặc biệt, chương trình còn là dịp hội tụ kiều bào trí thức tại Hoa Kỳ, từ đó mang đến cơ hội để những người Việt xa xứ kết nối và phục vụ không chỉ cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội tại quê nhà.

Cuộc thi khởi nghiệp trên đất Hoa Kỳ

Vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp toàn cầu - VietChallenge với sự tranh tài của 9 đội thi xuất sắc là các startup Việt đến từ nhiều quốc gia trên thế giới vừa diễn ra tại Viện Công nghệ MIT, Hoa Kỳ.

Đây là một trong các hoạt động thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) do Bộ KH-CN chủ trì thực hiện. Ngay từ khi phát động, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm của đông đảo startup trẻ và thu về hơn 400 bài dự thi sau vòng sơ loại. 

Kết quả chung cuộc VietChallenge 2019, chiến thắng thuộc về Medlink, nền tảng kết nối trực tiếp giữa các hãng dược và nhà thuốc. Được đánh giá cao bởi ban giám khảo là các nhà đầu tư, chuyên gia hàng đầu Hoa Kỳ, mô hình kinh doanh của Medlink cung cấp nền tảng bao gồm website cho công ty dược và ứng dụng điện thoại cho các nhà thuốc, cho phép nhà thuốc nhận đơn hàng online từ các công ty dược mà không cần quảng cáo hay tốn bất kỳ chi phí nào.

Từ Medlink, các nhà thuốc có thể nhận đơn hàng từ các nhà cung cấp và giao hàng, giúp gia tăng doanh thu nhanh chóng… Á quân của VietChallenge 2019 thuộc về giải pháp VVN AI, cung cấp các giải pháp trí tuệ nhân tạo nhận diện hình ảnh, text…, ứng dụng trong tự động hóa quy trình giao dịch tại các cửa hàng, ngân hàng… nhằm tiết kiệm thời gian, tăng tính tiện ích và bảo mật chính xác. 

Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với thế giới ảnh 1
Trao thưởng cho đại diện sản phẩm Medlink - startup Việt vô địch VietChallenge 2019 tại Hoa Kỳ

Từ Techfest Vietnam và VietChallenge, nhiều startup Việt đã chứng minh được khả năng của mình trên trường quốc tế. Điển hình có thể kể đến chiến thắng vừa qua của quán quân Techfest Vietnam 2018 là Abivin trước hơn 40 quốc gia trên thế giới tại Startup World Cup; hay Tubudd với vị trí tốp 10 Pitch@Palace Vietnam 2018 tổ chức bởi Hoàng gia Anh.

Và đặc biệt là đương kim quán quân VietChallenge là Medlink cũng đoạt giải nhất tại Techsauce Global Pitch Competition 2019 trong khuôn khổ Techsauce Global Summit 2019, sự kiện lớn nhất về công nghệ tại khu vực châu Á, diễn ra tại Thái Lan vừa qua.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cho biết, sáng kiến VietChallenge là một trong những cầu nối quan trọng của Việt Nam tới các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển trên thế giới. Năm nay, chương trình đã nhận được trên 250 hồ sơ từ gần 1.000 bạn trẻ Việt đam mê kinh doanh khởi nghiệp hiện đang sinh sống tại hơn 23 quốc gia trên thế giới. 

Thâm nhập bản đồ khởi nghiệp thế giới

Ngày 12-9, tại Hoa Kỳ, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH-CN) thuộc Bộ KH-CN đã chính thức ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Pegasus Tech Venture (đơn vị tổ chức cuộc thi Startup World Cup) và Ai20X (Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp tại Silicon Valley) nhằm kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với toàn cầu.

Hoạt động này diễn ra trong khuôn khổ Techfest Vietnam tại Hoa Kỳ ngày 13-9 với sự tham gia của hơn 200 trí thức, doanh nhân, startup Việt Nam với các nhà đầu tư, chuyên gia tại Silicon Valley. 

Nhận xét về cuộc thi toàn cầu Startup World Cup, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cho biết: “Những cuộc thi như Startup World Cup không chỉ tác động tích cực đến hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Thung lũng Silicon mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ phía Bộ KH-CN nói riêng và Việt Nam nói chung, chúng tôi rất ủng hộ và mong muốn thúc đẩy hơn nữa mô hình cuộc thi và các hoạt động hợp tác như thế này”.

Trước đó, vào tháng 5-2019, startup Việt là Công ty Abivin (quán quân tại Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo quốc gia thuộc Techfest Vietnam 2018) đã được Bộ KH-CN kết nối trở thành đại diện của Việt Nam tham dự cuộc thi và giành giải nhất với phần thưởng trị giá 1 triệu USD, vượt qua các đối thủ nặng ký đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc.  

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc thi để chọn ra các startup tiềm năng và cử sang dự thi tại Startup World Cup.

Ngược lại, các chương trình trong nước cũng sẽ mời các chuyên gia kinh nghiệm từ Pegasus Tech Venture đến Việt Nam tham gia với tư cách chuyên gia và giám khảo, trực tiếp đánh giá cũng như hướng dẫn, tư vấn nhằm nâng cao chất lượng cạnh tranh quốc tế của các startup Việt.

Ông Anis Uzzaman, Chủ tịch Start World Cup và nhà đầu tư của Pegasus Tech Ventures, cho biết, rất ấn tượng về các startup công nghệ đến từ Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn được đến Việt Nam và tham gia các chương trình, cuộc thi chất lượng, nhất là Techfest Vietnam.

Techfest Vietnam là Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia được tổ chức thường niên dưới sự chủ trì của Bộ KH-CN trong khuôn khổ Đề án 844. Techfest Vietnam đã và đang tạo được tiếng vang lớn ở trong nước và trên thế giới, thu hút hơn 5.000 người tham dự mỗi năm cùng hàng trăm nhà đầu tư, chuyên gia. 

TRẦN LƯU - SGGP

Những thiết bị in có thể cho ra hàng trăm nghìn sản phẩm in sắc nét và có những máy in kỹ thuật số có thể cho ra sản phẩm nhanh, đẹp như một tác phẩm nghệ thuật.

 
Các thiết bị này xuất hiện tại triển lãm ngành in lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM từ ngày 18 đến ngày 21/09. Sự kiện do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp với Hội doanh nghiệp TP.HCM, công ty Đông Nam tổ chức.

Tại sự kiện có khoảng hơn 150 gian hàng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực in ấn. Các doanh nghiệp đã trình diễn nhiều công nghệ in hiện đại, cho ra những sản phẩm in đẹp, sắc nét, thể hiện hiệu ứng hình ảnh như một tác phẩm nghệ thuật,…

Theo ông Phạm Tuấn Vũ, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, đây là cơ hội để các doanh nghiệp kết nối, hợp tác, chuyển giao công nghệ trong ngành in, giúp ngành công nghiệp in phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Dưới đây là một số công nghệ in nổi bật được phóng viên Tạp chí Khám phá ghi nhận tại triển lãm:

Khám phá nhiều công nghệ in tối tân tại triển lãm ngành in TP.HCM - 1

Bức hình chú báo trong đêm được in tinh xảo bằng công nghệ offset, sau đó chiếu tia UV để tạo ra hiệu ứng 3D cho bức hành. Hình con cáo nổi bật ở chính giữa bức hình, thân cây và hình ảnh những con chim được in dày hơn tạo hiệu ứng nổi trên tổng thể sản phẩm.

Khám phá nhiều công nghệ in tối tân tại triển lãm ngành in TP.HCM - 2

Đây là chiếc máy in sử dụng công nghệ led UV trên mọi chất liệu. Các sản phẩm in sau khi phủ mực in sẽ được hệ thống đèn UV làm khô mực cực kỳ nhanh chóng ngay sau đó. Theo anh Hồ Đức Phát, nhân viên sale doanh nghiệp, máy này có xuất xứ từ Mỹ, có giá thành từ 20.000 USD đến 27.000 USD tùy loại. 

Khám phá nhiều công nghệ in tối tân tại triển lãm ngành in TP.HCM - 3

Máy in sử dụng công nghệ led UV in trên mọi chất liệu được các doanh nghiệp tại Việt Nam mua chủ yếu để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh dịch vụ quà lưu niệm. 

Khám phá nhiều công nghệ in tối tân tại triển lãm ngành in TP.HCM - 4

Máy in chuyển nhiệt do một doanh nghiệp Đài Loan sản xuất tại triển lãm. Trong ảnh, máy đang thực hiện in trên chất liệu vải. Theo đại diện công ty, công nghệ in chuyển nhiệt cho ra sản phẩm in độ sắc nét khá cao, không bị phai màu theo thời gian, thời tiết.

Khám phá nhiều công nghệ in tối tân tại triển lãm ngành in TP.HCM - 5

Nhân viên hiệu chỉnh hình ảnh thiết kế trước khi in với công nghệ in chuyển nhiệt. 

Khám phá nhiều công nghệ in tối tân tại triển lãm ngành in TP.HCM - 6

Bức tranh chậu mai và chữ thư pháp khá tinh xảo được in trên gạch men bằng công nghệ in UV. Tia UV sẽ được chiếu lên bề mặt sản phẩm ngay khi mực in được đổ xuống. Vì vậy cấu trúc của mực in không bị phá vỡ, giúp sản phẩm có độ chính xác cao, bền, giữ màu in. Theo bà Trần Thiện Vương, nhân viên của doanh nghiệp, sản phẩm in có tuổi thọ trên 15 năm khi sử dụng công nghệ in UV.

Khám phá nhiều công nghệ in tối tân tại triển lãm ngành in TP.HCM - 7

Một sản phẩm mô phỏng công nghệ in kỹ thuật số của một doanh nghiệp Nhật Bản. Theo anh Trần Đình An, đại diện công ty, sản phẩm in có thể giữ được dụng ý nghệ thuật của khách hàng. Đây là điều mà công nghệ in kỹ thuật số có thể thực hiện được với khả năng đáp ứng yêu cầu ở những chi tiết nhỏ nhất.

Khám phá nhiều công nghệ in tối tân tại triển lãm ngành in TP.HCM - 8

Triển lãm quốc tế về ngành in cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các sinh viên ngành in - thiết kế thời trang trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Nhiều sinh viên chia sẻ, sự kiện này giúp các bạn biết được nhiều công nghệ in hiện đại, phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu sau này.

 
Hà Thế An - khampha.vn

Chỉ mất 18 ngày để được cấp chứng nhận, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao sẽ hưởng được nhiều chính sách ưu đãi, lớn nhất là được vay vốn tối đa 10 tỉ, lãi suất 0%. 

Nội dung này được chia sẻ tại hội nghị “Gặp gỡ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao” do Sở NN&PTNT TP.HCM tổ chức sáng 12/09. Hiện nay, TP.HCM đang triển khai truyền thông đến cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp về chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao khi có giấy chứng nhận.

Mất 18 ngày chứng nhận, DN nông nghiệp công nghệ cao nhận nhiều ưu đãi 'khủng' - 1

Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao sẽ nhận được nhiều ưu đãi khi được chứng nhận. Ảnh: Hà Thế An.

Theo bà Trần Thị Hường, Phòng khoa học và công nghệ, Sở NN&PTNT TP.HCM, hiện đơn vị mới chỉ cấp chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho 1 doanh nghiệp (công ty Trung Sơn) sau hơn 1 năm thực hiện chương trình này (tháng 6/2018). Doanh nghiệp phải đủ điều kiện tối thiểu 60% doanh thu sản phẩm từ việc ứng dụng công nghệ cao mới được xem xét cấp giấy chứng nhận. Tất cả quy trình để được cấp chứng nhận chỉ kéo dài 18 ngày.

Cũng theo bà Hường, một trong những yếu tố có thể sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn đó là các chỉ tiêu về môi trường. Bởi nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ở quy mô nhỏ, sẽ thiếu nguôn lực để xây dựng các hệ thống xử lý chất thải trong quá trình sản xuất. Và doanh nghiệp khi đầu tư một số tiền không nhỏ để đạt được các chỉ tiêu môi trường.

“Chúng tôi đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đề ra một quy định, doanh nghiệp chỉ cần đề xuất một kế hoạch cụ thể, và cam kết thực hiện theo lộ trình trong việc xử lý chất thải thì có thể đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận”- bà Hường nói.

Theo đó, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao sẽ được ưu đãi vay vốn tối đa 10 tỉ đồng, lãi suất 0%, được tham gia các chương trình kích cầu đầu tư của TP.HCM với mức hỗ trợ cao nhất, được hỗ trợ về đất đai…

Theo ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, mặc dù ưu đãi về khoản vay lớn nhưng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup sẽ khó tiếp cận vì vấn đề tài sản thế chấp. Theo quy định từ phía Ngân hàng, doanh nghiệp muốn vay 10 tỉ sẽ phải có tài sản thế chấp tới 20 tỉ mới được vay. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp quy mô sản xuất nhỏ khó đáp ứng được yêu cầu này.

“Vì thế cần có những quy định mang tính sát sườn hơn để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay dễ dàng hơn. Cụ thể, cần phân định những quy định về điều kiện vay vốn cho từng mô hình doanh nghiệp để đưa ra những chính sách hợp lý, phù hợp với thực lực của họ. Doanh nghiệp lớn sẽ không thể có chính sách giống với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay startup được”- ông Thiện chia sẻ.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Kông Trà, đồng sáng lập startup bột rau má Quảng Thanh, cho biết những hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rất thiết thực. Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp lo lắng nhất đó là thủ tục hành chính, và nó cần được đơn giản hóa. Vì doanh nghiệp cần duy trì hoạt động sản xuất, trong khi thủ tục giải quyết lâu thì sự hỗ trợ sẽ không được kịp thời nữa.

“Chúng tôi mong muốn, giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp công nghệ sản xuất các sản phẩm từ rau má có thể đến với nhiều người hơn. Chúng tôi muốn lan tỏa công nghệ này để giúp nông dân ứng dụng công nghệ nhiều hơn cho sản xuất nông nghiệp”- bà Trà nói.

Doanh nghiệp muốn đăng ký cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần phải đạt tiêu chí nằm trong danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp gồm: Công nghệ sinh học; Kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản; Công nghệ tự động hóa; Công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp.

Phòng khoa học và công nghệ, Sở NN&PTNT TP.HCM, số 176 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM là cơ quan trực tiếp tiếp nhận đăng ký của doanh nghiệp. Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do UBND TP.HCM cấp.

 

Hà Thế An - khampha.vn

Các dự án khởi nghiệp khi tham gia vào chương trình hỗ trợ vi mạch sẽ nhận được nhiều hỗ trợ về văn phòng làm việc, trang thiết bị, pháp lý, sở hữu trí tuệ…

Vườn ươm công nghệ cao tìm kiếm 'hạt giống' mới trong lĩnh vực vi mạch - 1

Các startup phát triển các sản phẩm vi mạch từ 5 năm trở lên sẽ có cơ hội tham gia và chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp vi mạch của TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An.

Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao, thuộc Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP-IC) vừ phát đi thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và thiết bị, giải pháp dùng vi mạch năm 2019.

Đối tượng tham gia là cá nhân, nhóm, doanh nghiệp được thành lập không quá 05 năm, có dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đang sinh sống hoặc làm việc tại TP.HCM.

Dự án khởi nghiệp phải có sản phẩm mẫu và thuộc lĩnh vực công nghệ vi mạch và thiết bị, giải pháp dùng vi mạch Việt Nam, cụ thể thuộc một trong các lĩnh vực sau: Thiết kế sở hữu trí tuệ cho vi mạch Việt; Giải pháp ứng dụng các sở hữu trí tuệ được sáng tạo từ các nhiệm vụ nghiên cứu trong nước; Các giải pháp ứng dụng vi mạch Việt có sử dụng các chương trình máy tính (firmware) và phần mềm (software) trong nước, có sản phẩm mẫu.

Với một dự án, doanh nghiệp được tuyển chọn, SHTP-IC sẽ đưa ra chương trình ươm tạo được thiết kế riêng phù hợp với đặc điểm và nhu cầu tương ứng với từng giai đoạn phát triển của dự án/doanh nghiệp đó. 

Các nội dung hỗ trợ khi dự án tham gia chương trình: Văn phòng làm việc; Tài chính; Cung cấp một số phương tiện, trang thiết bị; Đào tạo quản trị doanh nghiệp; Pháp lý và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Thông tin - Thương mại công nghệ; Hạ tầng mềm; Cung cấp lao động,… 

Doanh nghiệp quan tâm có có tìm hiểu và đăng ký tham gia chương trình tại đây. Mọi thắc mắc về Chương trình, xin vui lòng liên hệ chị Ly - 0988.437.772 - ly.phanthuy@shtpic.org

 
Hà Thế An - khampha.vn

Cuộc gặp gỡ nhằm chia sẻ chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hướng đến tạo ra sản phẩm nông sản an toàn theo chuỗi. 
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp nông nghiệp và lãnh đạo thành phố năm 2019 vào ngày 12/09 sắp tới.
Với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao", sự kiện này sẽ được tổ chức tại địa chỉ: 176 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM.


Lãnh đạo TP.HCM sẽ gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao - 1
Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao sẽ đề xuất những ý kiến tại hội nghị với lãnh đạo các Sở ngành TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An.


Hội nghị có sự tham gia của Ban Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM; Đại diện các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đại diện các Sở ban ngành thành phố, Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp;…
Phía doanh nghiệp có đại diện các quận, huyện có đơn vị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các HTX, nông hộ,…
Hội nghị được tổ chức với mục tiêu phổ biến hướng dẫn quy định tiêu chí, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao đang hoạt động trên địa bàn thành phố.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, đại diện Ban tổ chức còn cung cấp những thông tin về quyền lợi, nhưng ưu đãi về cơ chế chính sách cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp, và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Những việc làm này nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp có nhu cầu, hoặc đang ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được gặp gỡ, thảo luận, trao đổi giúp cho lãnh đạo, ban ngành cấp thành phố nắm bắt, giải đáp và tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.
Được biết, tại hội nghị cũng sẽ tổ chức triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao; mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao….
Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm có thể đăng ký tham dự hội nghị miễn phí tại đây.
 
Hà Thế An - khampha.vn


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378