SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

PTTthBinh

 Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại Lễ khai mạc

Tối 24/11, tại quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đã long trọng diễn ra Lễ khai mạc sự kiện Trình diễn kết nối cung cầu công nghệ 2019 (Techdemo Gia Lai 2019) do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), UBND tỉnh Gia Lai phối hợp tổ chức.

Tham dự sự kiện có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai; cùng lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành, Quốc hội, địa phương, khách quốc tế, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Kết nối công nghệ, bắt nhịp cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0

Trải qua 10 lần tổ chức, năm 2019 sự kiện Techdemo lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai với chủ đề “Kết nối công nghệ, bắt nhịp cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0”.

Lễ khai mạc Techdemo Gia Lai 2019 đã thu hút hơn 10.000 lượt khách tham quan tại gần 500 gian hàng, trong đó 150 gian giới thiệu, trình diễn công nghệ thuộc bảy lĩnh vực: Chế biến, bảo quản nông - lâm  sản; Cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ; Công nghệ thông tin, công nghệ điện tử, IoT; Công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo; Công nghệ bảo vệ môi trường; 120 gian trưng bày sản phẩm đặc thù của tỉnh và 180 gian trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp. Tại các khu tư vấn công nghệ, cải tiến kỹ thuật, kết nối và tọa đàm chuyên sâu về các lĩnh vực công nghệ cũng thu hút quan tâm của các doanh nghiệp địa phương.

tttvTung

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc sự kiện

Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định, Techdemo Gia Lai 2019 là một trong những hoạt động có định hướng của Bộ KH&CN nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp và các tổ chức ở địa phương khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung nhằm nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà khoa học ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiêp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội của đất nước. Đồng thời qua đó, đẩy mạnh hợp tác, liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư, nhất là trao đổi công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo.

Ông Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, việc tổ chức sự kiện tại Gia Lai có ý nghĩa vô cùng quan trọng, các tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp của địa phương có có hội chia sẻ nhu cầu công nghệ, tìm lời giải cho bài toán công nghệ vào phát triển kinh tế địa phương.

Diễn ra từ 24-26/11, Techdemo Gia Lai 2019 bao gồm các hoạt động tiêu biểu: tư vấn kỹ thuật, tư vấn đổi mới công nghệ trực tiếp cho doanh nghiệp, với các chuyên gia tư vấn hàng đầu trong các lĩnh vực công nghệ sản xuất để tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu; Các hội thảo chuyên đề chuyên sâu, diễn đàn đối thoại giải quyết bài toán về công nghệ cho doanh nghiệp tập trung vào các vấn đề về đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, xúc tiến chuyển giao công nghệ và đầu tư công nghệ; Cung cấp thông tin công nghệ, cầu công nghệ, chuyên gia công nghệ, kết nối cung - cầu công nghệ trực tuyến cho doanh nghiệp, tổ chức cá nhân có nhu cầu; Kết nối tài chính và công nghệ nhằm tư vấn hỗ trợ tham gia Chương trình, dự án hỗ trợ, đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư tài chính; trưng bày, giới thiệu các công nghệ đã sẵn sàng chuyển giao phù hợp với Khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên.

ongr

Ông Ron Ashkin, Giám đốc dự án kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ phát biểu

Để tổ chức sự kiện Techdemo Gia Lai 2019, trước đó Bộ KH&CN đã cùng các địa phương khảo sát nhu cầu công nghệ. Các hoạt động tư vấn kỹ thuật, tư vấn đổi mới công nghệ trực tiếp cho doanh nghiệp cũng được các chuyên gia tư vấn hàng đầu trong các lĩnh vực công nghệ sản xuất thực hiện.

"Hoạt động kết nối tài chính và công nghệ nhằm tư vấn hỗ trợ tham gia Chương trình, dự án hỗ trợ, đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư tài chính; trưng bày, giới thiệu các công nghệ đã sẵn sàng chuyển giao phù hợp với Khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên cũng được triển khai", Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.

KH&CN đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển dịch về mô hình tăng trưởng, chuỗi giá trị, trong đó có đóng góp đáng kể của KH&CN. Techdemo Gia Lai 2019 được tổ chức có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ứng dụng vào thực tế. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây có bước tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó mô hình tăng trưởng đã có sự chuyển dịch cơ cấu, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên khoảng 43,3% trong giai đoạn 3 năm 2016-2018. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011 – 2015 là 4,3% một năm, giai đoạn 2016 -2018 đã tăng lên 5,8% một năm. Đặc biệt năm 2018 tốc độ tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục trong 10 năm, đạt trên 7%, nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt dưới 14% so với mức 17-18% của các năm trước đó. 

"Những số liệu này cho thấy nền kinh tế đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng và sự thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị. Có thể khẳng định, khoa học công nghệ có nhiều tiến bộ, đạt được những thành tựu quan trọng đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay.

Với mục tiêu đưa KH&CN thực sự là động lực then chốt cho phát triển kinh tế xã hội các địa phương trong cả nước, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình mong muốn Bộ KH&CN cần có thêm nhiều giải pháp cụ thể để phát triển thị trường KH&CN ngày càng thực chất hơn nhằm nâng cao năng lực và trình độ KH&CN cho các tổ chức, doah nghiệp…

kmac

Nghi thức khai mạc sự kiện Techdemo 2019

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tác động đa chiều của toàn cầu hóa, tự do hoá thương mại, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của KH&CN thế giới sẽ mang lại cơ hội đồng thời là thách thức lớn cho mỗi quốc gia trong chặng đường phát triển. Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phát triển đất nước nhanh và bền vững, thực hiện các mục tiêu chiến lược về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tất yếu chúng ta phải lựa chọn con đường phát triển dựa vào KH&CN, tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu KH&CN hiện đại, lành mạnh hóa thị trường KH&CN và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, từ đó góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp.

Tại sự kiện, ông Ron Ashkin, Giám đốc dự án kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID LinkSME) chia sẻ, cách tốt nhất để giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững là các bộ, ban, ngành và các cơ quan tài trợ quốc tế cùng vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhỏ. Dự án USAID LinkSME được thành lập với sứ mệnh làm thay đổi tính hệ thống và tăng cường khung kết nối cho doanh nghiệp nhỏ và vừa qua đó giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng. Với cùng tầm nhìn, sứ mệnh, USAID LinkSME đã kết nối với Bộ KH&CN để qua đó giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực công nghệ cũng như khả năng quản lý sản xuất, qua đó từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, kết quả cuối cùng là giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng tỉ lệ nội địa hóa, đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam.

PTTditham

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình (thứ hai từ phải qua) cùng các đại biểu thăm gian hàng tại Techdemo Gia Lai 2019

“Chúng tôi tin rằng, Techdemo là một sự kiện ý nghĩa mà qua đó giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung có cơ hội tiếp cận các công nghệ tiên tiến trên thế giới”, ông Ron Ashkin bày tỏ.

Đại diện cho các doanh nghiệp tiêu biểu trong hoạt động ứng dụng và đổi mới công nghệ, ông Phan Thanh Lộc, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Việt Nam Food cho rằng, đầu tư KH&CN bài bản cho phép chúng ta cạnh tranh sòng phẳng với các đối tác trên thị trường quốc tế. Đồng thời, ông Lộc đánh giá cao cơ hội được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong các chương trình KH&CN của Bộ và Nhà nước như Techdemo.

“Xác định KH&CN là chiến lược cốt lõi, Vietnamfood đã tập trung theo ba hướng: Thứ nhất là sử dụng công nghệ để chiết xuất tối đa các dưỡng chất trong phụ phẩm tôm; Thứ hai là xây dựng mô hình định hướng không chất thải; Thứ 3 liên tục tinh chế để tạo ra các sản phẩm mới. Nhờ đòn bẩy KH&CN Vietnamfood đã trở thành một Công ty hàng đầu trong ngành phụ phẩm tôm”, ông Phan Thanh Lộc chia sẻ.

Ngay tại Lễ khai mạc, Ban Tổ chức đã trao giấy chứng nhận và tặng hoa đại diện các doanh nghiệp và các tổ chức có thành tích trong hợp tác và chuyển giao công nghệ; UBND tỉnh Gia Lai trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án với tổng vốn đầu tư 2.430 tỷ đồng và 06 dự án ghi nhớ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 17.500 tỷ đồng. Hầu hết các dự án đầu tư vào những lĩnh vực mà tỉnh Gia Lai có thế mạnh (Nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp công nghệ cao, chợ đầu mối, khu đô thị, khu dân cư, điện gió...)….; Ban Tổ chức tặng kỷ niệm chương và hoa cho đại diện các doanh nghiệp tài trợ sự kiện.

Techdemo là sự kiện được tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2011, nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp và các tổ chức ở địa phương, giúp nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà khoa học ứng dụng kết quả vào sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khuôn khổ Techdemo Gia Lai 2019 còn có hoạt động Diễn đàn doanh nghiệp với đổi mới công nghệ, quy mô 500 đại biểu. Tại diễn đàn sẽ trao đổi về các chính sách, thành tựu, đóng góp của KH&CN trong các ngành và lĩnh vực thời gian qua, các điểm sáng về đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, tiềm năng phát triển của khu vực Tây Nguyên.

Hội thảo Xúc tiến chuyển giao công nghệ và đầu tư; Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ với sự tham gia của 300 đại biểu đến từ các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN địa phương cũng được tổ chức. Tại đây các đại biểu cùng đánh giá lại hoạt động của các Trung tâm, bàn giải pháp, nâng cao năng lực làm chủ công nghệ thông qua hoạt động liên kết để tạo ra, phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương theo mô hình chuỗi giá trị.

Bài, ảnh: Nhóm PV - truyenthongkhoahoc.vn

Khi muốn phát triển các ứng dụng có ý nghĩa cho cuộc sống về trí tuệ nhân tạo, chúng ta phải cần nhiều nhóm chuyên gia cho những lĩnh vực khác nhau.

 

Đó là nhận định của PGS-TS Trần Minh Triết – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM về chính sách phát triển trí tuệ nhân tạo trong việc xây dựng thành phố trở thành thành phố thông minh.

NMTrietkhtn

PGS - TS Trần Minh Triết đang trình bày về những ứng dụng của AI trong chuyển đổi số tại một sự kiện về AI, do Sở KH&CN TP.HCM phối hợp với Sở TT&TT TP.HCM và ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức mới đây.

Ứng dụng công nghệ AI vào sản xuất và đời sống cũng như công tác quản lý hành chính nhà nước được lãnh đạo TP.HCM đánh giá là yếu tố quan trọng để xây dựng, phát triển thành phố nhanh, bền vững, sớm trở thành đô thị thông minh, đồng thời là cơ hội vàng để ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới, song song với những kết quả nhảy vọt về tăng trưởng kinh tế.

Chính vì vậy từ năm 2018, lãnh đạo TP.HCM đã chủ trương đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách cho nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất và đời sống, đồng thời tích hợp một số lĩnh vực AI vào đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh.

Phát triển trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm, là ‘hiến kế’ của PGS-TSTrần Minh Triết – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM.

Thưa ông, với hiến kế phát triển trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm, ông có thể phân tích thêm về vấn đề này?

PGS - TS Trần Minh Triết: Trước tiên, tôi nghĩ rằng Việt Nam có tiềm lực về con người, nguồn nhân lực có khả năng tham gia vào xu hướng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo phục vụ cho cuộc sống.

Trước hết, khi muốn phát triển các ứng dụng có ý nghĩa cho cuộc sống về trí tuệ nhân tạo, chúng ta phải cần nhiều nhóm chuyên gia cho những lĩnh vực khác nhau. Đầu tiên, nhóm chuyên gia nghiên cứu mô hình lý thuyết, tập trung nhiều vào những cơ sở lý thuyết nền tảng bên dưới để tạo ra những kết quả nghiên cứu có ảnh hưởng lớn về mặt lý thuyết ở tầm khu vực và thế giới. Điều này được thực hiện trong các trường, viện nghiên cứu.

Nhóm thứ hai là nhóm các chuyên gia có khả năng để ứng dụng được những mô hình lý thuyết vào trong các bài toán thực tế, để có khả năng giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. Đây là sự kết hợp từ những bài toán từ thực tế do Thành phố đặt ra, do doanh nghiệp đặt ra. Khi ấy, chính các chuyên gia trong các trường, viện nghiên cứu sẽ cùng phối hợp với Thành phố, các doanh nghiệp để tạo ra những giải pháp thích ứng với điều kiện thực tế. Bởi vì, chúng ta không có khả năng đưa một giải pháp vốn có sẵn ở nước ngoài và áp dụng trực tiếp ngay tại Việt Nam, mà cần quá trình thích nghi, cần có dữ liệu thực tế từ bên trong cuộc sống để mình làm cho thật sự phù hợp.

Vấn đề thứ ba, làm sao có một đội ngũ chuyên gia có khả năng đi triển khai sâu và rộng những giải pháp đã được đề xuất và xây dựng. Bởi vì, từ khi có giải pháp và đưa ra ứng dụng cũng cần quá trình để cho người sử dụng làm quen với giải pháp đó, cũng như hoàn thiện cách tương tác một cách tự nhiên nhất, để giúp cho người dùng thấy rằng phần được đưa ra nó rất quen thuộc, dễ sử dụng và hiệu quả trong cuộc sống.

Vậy theo ông, đối tượng “con người” ở giai đoạn nào trong việc ứng dụng và phát triển AI là quan trọng nhất, thưa ông?

PGS - TS Trần Minh Triết: Thật ra, khi nhắc đến việc phát triển AI hướng đến con người là trung tâm. Mục tiêu chúng ta nhắc đến vai trò của con người ở góc nhìn toàn diện. Cái đầu tiên cần nhắc đến là mục tiêu của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo là phục vụ cho cuộc sống con người tốt hơn.

Cho nên, các bài toán thực tế nó luôn luôn hướng đến nhu cầu của con người, con người được hỗ trợ tốt hơn như thế nào trong môi trường đó. Đó chính là động lực, mục tiêu của việc nghiên cứu.

Để được như vậy, mình cần có những chiến lược phù hợp, để lấy con người làm trung tâm trong việc bồi dưỡng, hướng dẫn và phát triển. Vậy, chúng ta cần có những người nghiên cứu chuyên sâu, cần những người phát triển các giải pháp cụ thể, cần những người triển khai, cần cả người sử dụng thông minh để có thể dùng được những hệ thống đó. Nhưng, nguồn gốc ban đầu chính là ứng dụng hướng đến con người.

Thưa ông, trong mối liên kết với “bốn nhà” là nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học và nhà đầu tư, từ thực tế cơ sở nghiên cứu, ông đánh giá tứ giác này hiện ra sao?

PGS - TS Trần Minh Triết:: Ở góc độ đơn vị nghiên cứu và đào tạo, nhà trường luôn tạo điều kiện để cho tất cả những chuyên gia trong trường có khả năng hợp tác và tham gia tích cực vào các dự án xuất phát từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, nhà đầu tư, cùng giải quyết những bài toán do Thành phố đặt ra, các chuyên gia trong trường rất sẵn sàng. Đồng thời, trường cũng tạo điều kiện để khuyến khích việc lan tỏa các kiến thức của những thầy cô đi trước có khả năng lan tỏa sâu rộng đến các sinh viên, học sinh trường phổ thông có tiềm năng và đam mê lĩnh vực này.

Như vậy, phía trường đại học đã có sự sẵn sàng về mặt nhân lực, chuyên môn, tinh thần.

Rất mong, sắp tới sẽ có những mối quan hệ hợp tác, chính sách khuyến khích để sự sẵn sàng đó được hòa nhập vào trong hệ sinh thái phát triển AI do Thành phố gắn kết với các doanh nghiệp, đặt ra các bài toán thực tế, cùng với các nhà đầu tư để hỗ trợ, hiện thực hóa vấn đề đó.

Cảm ơn ông!

 

Sáng ngày 22/11, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP HCM (gọi tắt là Liên hiệp hội) tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2019 – 2024. Đại hội đã bầu 65 đại biểu vào ban chấp hành nhiệm kỳ mới. GS.TS Nguyễn Văn Phước (59 tuổi), chủ tịch Hội nước và môi trường TP HCM, nguyên viện trưởng Viện môi trường và tài nguyên - Đại học quốc gia TP HCM, được bầu làm chủ tịch Liên hiệp hội; PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa và PGS.TS. Dương Hoa Xô được bầu làm phó chủ tịch Liên hiệp hội.

Báo cáo của của Ban chấp hành Liên hiệp hội nhiệm kỳ VI cho biết, nhiệm kỳ qua, Liên hiệp hội đã hoàn thành tốt 64 dự án tư vấn, phản biện và giám định xã hội; hoàn thành 574 dự án về lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, y tế, giáo dục, giao thông vận tải…

Đến dự và phát biểu tại đại hội, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá cao những kết quả Liên hiệp hội đạt được; đồng thời chỉ ra thách thức trước sự tác động ngày càng sâu rộng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi Liên hiệp hội và các nhà khoa học nỗ lực phấn đấu đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển nhanh và bền vững của TP.HCM cũng như đất nước.

Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn Liên hiệp hội phải thực sự là lực lượng nòng cốt đi đầu trong sự nghiệp xây dựng đội ngũ trí thức, trước hết là đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ. Liên hiệp hội cần có giải pháp hiệu quả, phát huy hơn nữa năng lực đổi mới và sáng tạo của đội ngũ trí thức, chủ động tham gia thực hiện các hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền TP.HCM trong quá trình xây dựng chủ trương, chính sách và định hướng phát triển TP.HCM trong dài hạn.

GS.TS. Nguyễn Văn Phước, chủ tịch Liên hiệp hội, đại diện ban chấp hành nhiệm kỳ mới, phát biểu: “Đại hội đã thể hiện đầy đủ tinh thần ‘đoàn kết – đổi mới – phát triển’, toàn thể Liên hiệp hội xin hứa phát huy tính chủ động, tích cực, tính sáng tạo của đội ngủ tri thức góp sức cùng Đảng bộ và chính quyền TP.HCM trong sự nghiệp xây dựng và phát triển TP.HCM gắn liền với các chương trình đột phá của TP.HCM trên góc độ khoa học và công nghệ với quyết tâm xây dựng TP.HCM và cả nước ta luôn luôn phát triển, luôn luôn xanh tươi và đời đời bền vững”.

lhh3

Ban chấp hành Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM nhiệm kỳ VII 2019 -2014 ra mắt.

lhh2
Đại hội vinh dự được sự quan tâm của các lãnh đạo TP.HCM, nguyên lãnh đạo TP.HCM, cùng khoảng 500 nhà khoa học tại TP.HCM và các tỉnh, thành.
lhh1
Đại hội đã diễn ra trong 2 ngày 21 và 22/11/2019 tại TP.HCM.
nvphuoc
GS. TS. Nguyễn Văn Phước - tân chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM nhiệm kỳ 2019 - 2024.
 
Đây là hoạt động tạo ra nền tảng kết nối các đối tượng của hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam với nhau ; với cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực và trên thế giới; là cơ hội để các chuyên gia công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chia sẻ kinh nghiệm; hình thành một cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam gắn kết, khẳng định tiềm năng. 

Sáng 19-11, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đã tổ chức họp báo về Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2019 (Techfest Vietnam 2019).

Theo đó, từ ngày 4 đến ngày 6-12, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Techfest Vietnam 2019 sẽ diễn ra với sự tham gia của hơn 250 doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng kết nối và gần 200 nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Bộ KH-CN cho biết, hiện có khoảng 150 doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp xác nhận tham dự Techfest Vietnam 2019. Dự kiến sẽ có hơn 300 lượt kết nối đầu tư và thu hút gần 6.000 lượt người tham dự.

Không gian tổ chức Techfest Vietnam 2019 được tổ chức xoay quanh các hội thảo, hội nghị, diễn đàn, tọa đàm chuyên sâu, theo mô hình 12 làng công nghệ, các khu kết nối đầu tư, cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp và các khu trình diễn công nghệ.

techfest
Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng chủ trì và trao đổi với báo chí về Techfest Vietnam 2019. Ảnh T.B
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cho biết: Sau 5 năm tổ chức, với những thành công và kinh nghiệm thu được, hoạt động Techfest Vietnam thực sự có tiếng vang, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng khởi nghiệp trẻ, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những thành công bước đầu của Techfest Vietnam đã được khẳng định với các giải thưởng khởi nghiệp lớn quốc tế, với sự trưởng thành và kêu gọi được nguồn vốn đầu tư của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.
Tiếp tục định hướng đó, với định hướng chủ đạo “Nguồn lực hội tụ”, mục tiêu của Techfest Vietnam 2019 là trở thành nền tảng liên kết, phát triển mạng lưới chia sẻ giữa các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực và trên thế giới; cập nhật tình hình và tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, cập nhật xu hướng công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo mới nhất; kết nối đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN thì cho biết: Techfest Vietnam 2019 là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Techfest Vietnam 2019 sẽ tạo ra cơ hội cho các thành phần của hệ sinh thái tập trung thúc đẩy các trụ cột lớn, cũng là nhu cầu phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, gồm: nhân lực, tài chính và công nghệ.
Qua sự kiện này, Ban Tổ chức cũng kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy kết nối, giới thiệu quảng bá nhiều sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời hướng tới gắn kết, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trong khu vực về khởi nghiệp sáng tạo. 
Ông Phạm Hồng Quất cũng cho biết, tính đến tháng 10-2019, tổng số vốn đầu tư vào các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam là hơn 500 triệu USD. Hiện đang có hơn 60 quỹ đầu tư mạo hiểm, thiên thần trong và hoạt nước đang hoạt động ở lĩnh vực này ở Việt Nam. 

Để mọi nguồn lực được “hội tụ” về Techfest quốc gia, trong năm 2019, Bộ KH-CN đã phối hợp với các địa phương tổ chức các sự kiện Techfest tại 4 vùng kinh tế trọng điểm:

- Vùng Đông Nam Bộ (tại Bà Rịa - Vũng Tàu, từ ngày 23 đến ngày 24-9);

- Vùng đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc (tại Hà Nội, từ ngày 16 đến ngày 17-10);

- Vùng đồng bằng sông Cửu Long (tại Cần Thơ, từ ngày 22 đến ngày 23-10);

- Vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ (tại Lâm Đồng, từ ngày 30 đến ngày 31-10).

Đồng thời, để quảng bá hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam ra thế giới và thu hút các nguồn lực quốc tế đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam, Bộ KH-CN đã tổ chức các kỳ Techfest quốc tế tại Hoa Kỳ (từ ngày 7 đến ngày 14-9); Hàn Quốc (từ ngày 3 đến ngày 9-11) và Singapore (từ ngày 10 đến ngày 14-11).

 

TRẦN BÌNH - SGGP

Sự kiện Trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ năm 2019 (Techdemo 2019) năm nay có chủ đề "Kết nối công nghệ, bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0".

 

Chiều 13/11, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức họp báo thông tin về Sự kiện Trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ năm 2019 (Techdemo 2019). Sự kiện tổ chức tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai từ 24-26/11 với chủ đề "Kết nối công nghệ, bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0".

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, Techdemo là hoạt động thường niên của Bộ KH&CN nhằm kết nối cung - cầu công nghệ. Thông qua sự kiện này, Bộ KH&CN mong muốn thúc đẩy phát triển nguồn cung- cầu công nghệ, hoạt động chuyển giao công nghệ và đổi mới công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, đặc biệt là tỉnh Gia Lai, một tỉnh năng động có nhiều sản phẩm chủ lực có thể đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trên địa bàn.

glai3

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại buổi họp báo

Điểm nhấn của sự kiện là hoạt động trình diễn, giới thiệu công nghệ mới, tiên tiến của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Có 450 gian giới thiệu, trình diễn sản phẩm, công nghệ, tư vấn, kết nối. Trong đó 150 gian giới thiệu, trình diễn công nghệ thuộc bảy lĩnh vực: Chế biến, bảo quản nông - lâm  sản; Cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ; Công nghệ thông tin, công nghệ điện tử, IoT; Công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo; Công nghệ bảo vệ môi trường; 120 gian trưng bày sản phẩm đặc thù của tỉnh và 180 gian trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp. Khu tư vấn công nghệ, cải tiến kỹ thuật, kết nối và tọa đàm chuyên sâu về các lĩnh vực công nghệ cũng được thiết kế.

glai2

Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Trần Thị Hồng Lan phát biểu tại buổi họp báo

Bên cạnh hoạt động trình diễn công nghệ, tư vấn kết nối, diễn đàn Doanh nghiệp với đổi mới công nghệ, quy mô 500 đại biểu cũng được tổ chức. Hội thảo Xúc tiến chuyển giao công nghệ và đầu tư, quy mô 200 đại biểu trong nước và quốc tế sẽ trao đổi về nhu cầu và chính sách hỗ trợ ứng dụng, phát triển công nghệ của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Theo Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Trần Thị Hồng Lan, trong năm 2019, thông qua các hoạt động điều tra khảo sát, tọa đàm, tư vấn kết nối, đã tổ chức được 289 cuộc kết nối: trong đó có 50 cuộc kết nối từ các điểm kết nối cung cầu công nghệ; 200 cuộc kết nối cho các đối tác Hàn Quốc với doanh nghiệp Việt Nam lĩnh vực cơ khí; 30 cuộc kết nối với các đối tác Trung Quốc trong lĩnh vực y dược; 05 cuộc kết nối với đối tác Singapore về xử lý môi trường và vật liệu; 04 cuộc kết nối với đối tác Nhật Bản về năng lượng tái tạo...

glai1

Được biết, thông qua 10 kỳ tổ chức Techdemo trên cả nước bắt đầu từ năm 2011 đến nay, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN đã tiếp nhận 760 loại nhu cầu công nghệ cho các doanh nghiệp; tìm kiếm và cung cấp thông tin 3.100 nguồn cung công nghệ trong và ngoài nước phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp; lựa chọn trình diễn và giới thiệu 2.898 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm KH&CN; hỗ trợ thực hiện 739 lượt tư vấn kỹ thuật, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ trực tiếp cho các doanh nghiệp có nhu cầu…

 

Các nhà khoa học cần đóng góp nhiều hơn nữa trong xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển đất nước, trực tiếp nhất là những cơ chế, chính sách để phát triển khoa học công nghệ.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong các nhà khoa học sẽ đóng góp nhiều hơn nữa trong xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển đất nước, trực tiếp nhất là những cơ chế, chính sách để phát triển khoa học công nghệ, kinh tế, xã hội.

tvtt

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019 vào ngày 2/11, tại Hà Nội.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta cần đổi mới tư duy để khuyến khích phát triển khoa học công nghệ bằng ưu đãi kinh tế, vật chất, tôn vinh về mặt tinh thần. 

"Cơ chế quản lý kinh phí khoa học thay vì tìm cách bịt mọi lỗ hổng để tránh thất thoát thì khơi dậy, cổ vũ các nhà khoa học, bằng lòng tự trọng của người trí thức, sẽ sử dụng nguồn kinh phí đó một cách hiệu quả nhất, có trách nhiệm trước nhân dân, đất nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tại lễ tôn vinh các trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019, vừa diễn ra vào sáng ngày 2/11.

Đây là sự kiện do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức. 

Năm nay, có 112 trí thức khoa học - công nghệ tiêu biểu được Liên hiệp hội tôn vinh. Đây đều là các cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác vận động, tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức trong cơ quan, ngành, lĩnh vực, địa phương; có sáng kiến được cơ quan có thẩm quyền công nhận, có đề tài khoa học công nghệ được áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực góp phần vào sự phát triển chung của đất nước...

tvtt2

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng Bằng khen của Thủ tướng chính phủ cho 7 trí thức tiêu biểu 

tvtt1

Các trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu nhận biểu trưng và Bằng khen của Liên hiệp Hội Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các bộ liên quan rà lại tổng thế chính sách quản lý kinh phí khoa học. Liên hiệp hội cùng đội ngũ trí thức, nhà khoa học cần trực tiếp tham gia xây dựng khung chính sách quản lý khoa học, công nghệ theo tư duy mới.

Phó Thủ tướng mong muốn Liên hiệp hội tiếp tục huy động, thu hút thêm các trí thức, nhà khoa học tham gia, để “thực sự thành đội ngũ trí thức cách mạng, có vai trò quyết định đối với việc tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Các cấp uỷ đảng, chính quyền cũng cần quan tâm thực sự đến vấn đề này.

“Kinh nghiệm thực tế cho thấy ở địa phương nào mà cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm thực sự đến khoa học, công nghệ, bố trí nhân lực, tài lực và thời gian chỉ đạo thì quy tụ được nhiều trí thức, nhà khoa học hơn”, Phó Thủ tướng nhận xét.

Phó Thủ tướng tin tưởng với sự đồng tâm nhất trí của đội ngũ trí thức, sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước trong thời gian tới chắc chắn sẽ được tăng cường, có những tiến bộ thực chất, góp phần đưa đất nước nắm bắt được thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

“Đội ngũ trí thức, nhà khoa học của Việt Nam không chỉ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp khoa học, công nghệ mà còn là những tấm gương sáng của những trí thức yêu nước, góp phần đóng góp, lan toả những giá trị tốt đẹp trong xã hội, đẩy lùi những tác động xấu của cơ chế kinh tế thị trường. Để những giá trị tốt đẹp nhất của đất nước, dân tộc được phát huy, để thực sự Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn”, Phó Thủ tướng nói.

Được biết, trong số 112 trí thức tiêu biểu được vinh danh đợt này, có 62 trí thức thuộc các liên hiệp hội địa phương, 50 trí thức thuộc các hội ngành toàn quốc; 65 người có học hàm, học vị từ phó giáo sư, tiến sĩ và tương đương trở lên; 31 người có học vị thạc sĩ, 16 người có học vị cử nhân và tương đương. 

Nhiều trí thức có thành tích đặc biệt nổi bật như: Bà Nguyễn Thị Thanh Bình (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định) đã triển khai nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, du lịch, cải tiến dịch vụ công, cải cách thủ tục hành chính, xóa đói giảm nghèo...; ông Vũ Văn Bằng (Hội Môi trường giao thông vận tải Việt Nam) đã có những công trình khoa học nghiên cứu độc lập như công trình khảo sát, đánh giá tình hình động đất và độ ổn của đập thủy điện Sông Tranh 2; bà Nguyễn Thu Nhạn (Tổng hội Y học Việt Nam) đã hoàn thành xuất sắc đề tài cấp Nhà nước về mô hình bệnh tật và thực trạng sức khỏe trẻ em sau 25 năm chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình trong cả nước và biện pháp khắc phục, Chủ nhiệm dự án sàng lọc sơ sinh do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế tài trợ, tìm ra tỷ lệ mắc bệnh thiểu năng giáp ở Việt Nam…

 
Đây là những trí thức có đóng góp thiết thực, hiệu quả trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế  

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) vừa tổ chức họp báo công bố chương trình tôn vinh các trí thức khoa học công nghệ (KH-CN) tiêu biểu năm 2019. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh những trí thức có đóng góp thiết thực, hiệu quả trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, được VUSTA triển khai từ năm 2015, với định kỳ 2 năm một lần.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA Phạm Văn Tân cho biết, chương trình tôn vinh này có ý nghĩa nhân văn rất lớn trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với trí thức, đồng thời thể hiện sự quan tâm, coi trọng, ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với trí thức có nhiều đóng góp tiêu biểu, xuất sắc trong sự nghiệp phát triển của đất nước, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức và của VUSTA.

hopbaovusta
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA Phạm Văn Tân phát biểu tại cuộc gặp gỡ với báo chí. Ảnh T.B
Ông Phạm Văn Tân cũng cho biết, việc lựa chọn, tôn vinh trí thức tiêu biểu 2019 dự trên các tiêu chí quan trọng, đó là những cá nhân hoạt động trong hệ thống VUSTA từ 5 năm trở lên, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tổ chức trong hệ thống, được xã hội công nhận và được các tổ chức đó đề cử; tích cực tham gia hoạt động trong các tổ chức thuộc hệ thống VUSTA (ít nhất 5 năm tính đến thời điểm xét tôn vinh), có nhiều đóng góp cho công tác vận động, tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức trong cơ quan, ngành, lĩnh vực, địa phương; có sáng kiến được cơ quan có thẩm quyền công nhận, đóng góp xây dựng mô hình tổ chức, phương thức tập hợp, vận động trí thức tham gia vào các hoạt động trong hệ thống VUSTA, có đề tài KH-CN được áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội…

Năm 2019, VUSTA đã tổ chức Hội đồng xét chọn trí thức KH-CN tiêu biểu gồm 16 thành viên, qua thời gian làm việc công tâm, khách quan, Hội đồng đã lựa chọn ra 112 trí thức KH-CN tiêu biểu để đề nghị Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương VUSTA quyết định công nhận và tặng bằng khen. Lễ tôn vinh 112 trí thức KH-CN tiêu biểu năm 2019 sẽ diễn ra ngày 2-11 tại Hà Nội.

TRẦN BÌNH - SGGP

Diễn đàn công nghiệp được tổ chức tại TP.HCM hy vọng sẽ tạo được sự lan tỏa rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực. 

Tiếp nối thành công của các Diễn đàn công nghiệp lần trước, ngày 25/10/2019, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc đã tổ chức “VKIST - Diễn đàn công nghiệp lần thứ III”, với chủ đề: “IoT trong SMEs: Cơ hội và Thách thức”. 

vkist1

Toàn cảnh VKIST - Diễn đàn công nghiệp lần thứ III

Tại diễn đàn, ông Lương Ngọc Tuấn, đại diện công ty VSYS đã chia sẻ một hệ điều hành mở cho các thiết bị IoT, nơi mà ngôn ngữ lập trình đã thực hiện bằng nhiều ngôn ngữ và tính trực quan thông qua hệ thống trợ lý ảo. Việc lập trình cũng được đơn giản hóa nhằm nâng cao hiệu quả trong quy trình cũng như nghiệp vụ của mỗi ngành nghề.

VSYS cũng đã mang tới diễn đàn hai thiết bị: máy pha cà phê điều khiển bằng giọng nói (nhiều ngôn ngữ khác nhau), máy hỗ trợ bấm huyệt thông minh dựa theo chỉ số sức khỏe của từng người để đưa ra bài hỗ trợ bấm huyệt phù hợp nhất. Đặc biệt, người lập trình hai thiết bị đều không phải là các chuyên gia lập trình, mà là các chuyên gia trong chính lĩnh vực đó thực hiện.

vkist2

Các đại biểu thảo luận sôi nổi tại Diễn đàn.

Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Vĩnh Lộc, Chủ tịch công ty Daviteq đã chia sẻ về những giải pháp IoT công nghiệp trong việc tăng cường hiệu quả trong các nhà máy sản xuất thông qua những platform và ứng dụng rất cụ thể. Rõ ràng, việc quyết tâm thực hiện và ứng dụng IoT trong các doanh nghiệp SME đang được các doanh nghiệp thực hiện rất quyết liệt với mục tiêu hướng tới sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Diễn đàn công nghiệp của VKIST lần đầu tiên được tổ chức ở TP.HCM - 3

Ông Kum Dongwha, Viện trưởng Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc, phát biểu tại Diễn đàn công nghiệp lần thứ III

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Hồng Loan, Giám đốc công ty Hanmyviet, việc ứng dụng IoT vào quá trình sản xuất, cụ thể là sản xuất nhôm công nghiệp, có rất nhiều thách thức. Trong đó có cả thách thức về nguồn nhân lực vận hành hệ thống, nhân lực dôi dư trong việc áp dụng IoT quy trình sản xuất công nghiệp.

Diễn đàn đã tạo cơ hội cho các diễn giả và đại diện các doanh nghiệp trao đổi thẳng thắn để nhận định những thách thức cho doanh nghiệp, cũng như bài toán đối với cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó, đưa ra những gợi ý cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý và đặc biệt là hoạt động của VKIST, nhằm mục tiêu cùng chung tay tháo gỡ những thách thức và chia sẻ cơ hội với cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực IoT.

 

Trong hai ngày 22-23/10, tại Cần Thơ diễn ra triển lãm Chợ Công nghệ - Thiết bị và Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long hay Techmart – Techfest Mekong 2019.

mekog
Khai mạc Techmart – Techfest Mekong 2019 | Ảnh: BTC
 
Sự kiện được phối hợp tổ chức bởi Sở KH&CN tỉnh Cần Thơ, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (NASATI), Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (NATEC) và công ty hỗ trợ đổi mới sáng tạo và cố vấn khởi nghiệp Kisstartup, dưới sự chỉ đạo của Bộ KH&CN cùng UBND Thành phố Cần Thơ.
 
Theo Ban tổ chức, ở nội dung Techmart, khoảng 200 đơn vị tham gia trưng bày hơn 800 kết quả nghiên cứu của viện, trường, tổ chức, doanh nghiệp, nhà khoa học và các nhà sáng chế không chuyên, tập trung vào 2 ngành thế mạnh của vùng là công nghiệp chế biến lương thực và công nghiệp chế biến thuỷ, hải sản.
 
Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất những sản phẩm, chế phẩm sinh học hỗ trợ cho sự phát triển sản phẩm xuất khẩu gạo, thủy sản như: hệ thống giám sát môi trường và điều khiển tự động cho vườn cây, công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh phòng trừ vi nấm và tuyến trùng gây hại cây trồng, hệ thống sấy nông sản dạng tháp, máy gieo hạt công nghệ cao, hệ thống dây chuyền thiết bị xử lý rác thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ, …
 
Nhiều kết quả của những cơ sở nghiên cứu lớn như Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Cần Thơ, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Học viện nông nghiệp Việt Nam,… đều có mặt tại đây.
 
Ở nội dung Techfest, ngày 22/10, gần 20 dự án thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, công nghệ sinh học đã tham gia kết nối đầu tư do Kisstartup điều phối. Bên cạnh đó, 16 dự án tham gia chung kết cuộc thi khởi nghiệp “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long” để chọn ra những đội xuất sắc nhất nhận giải và tham dự Techfest quốc gia vào tháng 12 tới.
 
Bên cạnh đó, hai hội thảo về "Ứng dụng công nghệ BlockChain trong cung ứng dịch vụ, sản phẩm KH&CN" và “Định giá tài sản trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp khởi nghiệp" sẽ diễn ra vào ngày 23/10.
 
hocvienthaoluan
Các hoạt động đào tạo, thảo luận xây dựng hệ sinh thái | Ảnh: CASTI Hub

Ngay trước thềm sự kiện, Sở KH&CN Cần Thơ đã tổ chức chương trình đào tạo miễn phí "Cantho Investor Bootcamp – CASTI Hub" trong 5 ngày từ 8-12/10 dành cho các nhà đầu tư và nhà quản lý khởi nghiệp sáng tạo hiểu rõ được những rủi ro trong đầu tư khởi nghiệp, kiến thức về pháp lý và cách thức hỗ trợ các nhóm. Chương trình đã thu hút hơn 150 người tham gia trên khắp cả nước.
 

Giải thưởng Euréka 2019 thu hút được 858 đề tài khoa học đến từ 100 trường ĐH, CĐ trên cả nước với 2069 sinh viên tham gia.

 

Kết quả này được Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Thành đoàn TP.HCM công bố về số lượng các đề tài tham dự giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka.

eureka

Đại diện các trường ĐH tại TP.HCM nộp đề tài tại văn phòng Thành đoàn TP.HCM, các đề tài của các ĐH, CĐ ở tỉnh, thành sẽ gửi qua phương thức online.

Euréka được phát động và triển khai từ tháng 06/2019. Sau 3 tháng, Ban tổ chức đã nhận được 858 đề tài đến từ 100 trường ĐH, CĐ trên cả nước với 2069 sinh viên tham gia. Trong đó, HUTECH là trường ĐH có số lượng đề tài tham gia nhiều nhất với 97 đề tài, kế đến là ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM (67 đề tài), ĐH Bách khoa TP.HCM (60 đề tài),…

Trong số 12 lĩnh vực dự thi Euréka, kinh tế là lĩnh vực có số lượng đề tài áp đảo với 167 đề tài, tiếp đến là xã hội nhân văn (84 đề tài), công nghệ hóa dược (80 đề tài).

Nhằm tạo điều kiện giúp các bạn sinh viên nghiên cứu khoa học có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau, Ban tổ chức Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 21 năm 2019 tổ chức Hội trại Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka tại Lâm Đồng trong 2 ngày 02 và 03/11.

Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học- Euréka là giải thưởng cao quý dành cho sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học trên toàn quốc, góp phần đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên các trường do Thành đoàn TP.HCM phối hợp cùng với Đại học Quốc gia TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức.

Các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên phải trải qua những vòng tuyển chọn khắt khe ở cấp trường, được hội đồng khoa học nhà trường đánh giá cao trước khi đăng ký tham gia Vòng Bán kết Giải thưởng Euréka tại TP.HCM.

 

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378