SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Phòng lab non trẻ gây dựng “thương hiệu” bằng những bài báo quốc tế

15-08-2019

Sau 8 năm, từ một phòng thí nghiệm thiếu thốn đủ bề từ trang thiết bị, nhân sự, nhưng đã nuôi dưỡng đam mê cho nhiều sinh viên, với kết quả là hàng chục bài báo quốc tế.

 

Phòng thí nghiệm hóa lý, ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM ra đời năm 2011 đã khởi đầu con đường nghiên cứu cho nhiều sinh viên đam mê khoa học.

Phòng lab non trẻ gây dựng “thương hiệu” bằng những bài báo quốc tế - 1

Th.s Huỳnh Thiên Tài (trái) hướng dẫn cho các sinh viên làm các thí nghiệm. Ảnh: Hà Thế An.

Những khó khăn đầu tiên

Năm 2011, ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được nâng cấp lên ĐH từ cơ sở trường CĐ Tài nguyên Môi trường. Cùng với đó, phòng thí nghiệm hóa lý cũng được thành lập để đáp ứng yêu cầu về thực hành, nghiên cứu khoa học của sinh viên, nghiên cứu sinh trong trường ĐH.

Th.s Huỳnh Thiên Tài (sinh năm 1982) chính là người đầu tiên về phụ trách phòng thí nghiệm này. “Có thể nói đây chính là dấu mốc cho tôi đi theo con đường nghiên cứu khoa học. Vì trước đây tôi đi theo hướng sư phạm và cũng không hề nghĩ mình lại bén duyên với nghiên cứu khoa học”- Ths. Tài chia sẻ.

Kể về câu chuyện của mình, Tài nhớ lại, trước khi về giảng dạy ở trường năm 2009, anh từng “chạy sô” một số trung tâm giáo dục để luyện thi ĐH cho các bạn học sinh. Sư phạm là chuyên môn của Tài khi anh đã tốt nghiệp sư phạm tại ĐH Đà Lạt, sau đó từng giảng dạy 5 năm tại trường THPT Proh (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng).

Sau đó anh chuyển công tác về Sài Gòn và tham gia giảng dạy tại trường ĐH Tài nguyên Môi trường TP.HCM. Mới nhận phụ trách phòng thí nghiệm hóa lý, Tài khá bỡ ngỡ với cơ sở vật chất gồm các trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu với giá trị đầu tư chưa tới 2 tỉ đồng. Mặc dù thiếu thốn nhưng anh nghĩ, nếu mình ”phụ lòng” những trang thiết bị này thì là một sự lãng phí lớn.

Nghĩ là làm, từ năm 2015, anh và các đồng sự bắt đầu tiến hành các nghiên cứu, thực nghiệm trong lĩnh vực hóa phân tích bằng các công trình nghiên cứu về pin nhiên liệu – một loại pin không sạc, sử dụng phản ứng hóa học biến khí hirdro thành điện năng. Tài bắt đầu có những hướng nghiên cứu mới và chính điều đó đã giúp anh đăng nhiều bài báo quốc tế trong phạm vi nghiên cứu này.

“Pin nhiên liệu hiện nay đã rất phát triển trên thế giới với nhiều loại phương tiện giao thông như xe mô tô, ô tô, tàu điện sử dụng năng lượng điện từ loại pin này. Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa doanh nghiệp nào ứng dụng pin nhiên liệu, các nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực này cũng chưa nhiều. Vì thế, có thể nói đây là một hướng đi mới mẻ và là cơ hội để chúng tôi tập trung nghiên cứu”- Th.s Tài nói.

Từ năm 2015 đến nay, Tài đã có đến 14 bài báo đăng trên các Tạp chí Khoa học uy tín quốc tế về chủ đề pin nhiên liệu. Đây là một thành quả không dễ dàng có được với một người mới bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học như anh.

Ngoài ra, phòng thí nghiệm hóa lý cũng là “cái nôi” để nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác của các nhóm nghiên cứu của ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Trung bình mỗi năm có từ 2 đến 3 công bố quốc tế từ phòng thí nghiệm này.

“Chúng tôi không được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại như các phòng thí nghiệm trọng điểm khác nhưng với thành quả như vậy đó thật sự là một niềm tự hào”- Th.s Tài chia sẻ.

Dìu dắt các bạn sinh viên nghiên cứu khoa học

Hiện nay, phòng thí nghiệm hóa lý của ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chỉ có hai giảng viên quản lý là Th.s Huỳnh Thiên Tài và PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân. Nhân sự hạn chế như vậy nên cách quản lý vận hành cũng phải thay đổi. Giảng viên không phải là người “cầm tay chỉ việc” cho sinh viên trong nghiên cứu mà chỉ là người giúp đỡ, định hướng.

Theo Th.s Tài, mỗi khi sinh viên có các ý tưởng, đề tài nghiên cứu thì sẽ chủ động đề xuất và tự tìm hiểu các tài liệu, lên kế hoạch thực hiện, giảng viên chỉ là người đồng hành, hướng dẫn, định hướng sinh viên nghiên cứu.

“Hiện tại phòng thí nghiệm có khoảng 10 sinh viên, nghiên cứu sinh đang làm các dự án nghiên cứu. Định kỳ hằng tuần, chúng tôi đều có những hoạt động gặp gỡ, trao đổi để thảo luận về các đề tài sinh viên. Sinh viên vào sau sẽ được các anh chị đi trước giúp đỡ”- Th.s Tài chia sẻ.

Bạn Phan Thị Thúy Vi là sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc của khoa kỹ thuật hóa học, ĐH Bách khoa TP.HCM hiện đang làm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm hóa lý của ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. Vi hiện đã sở hữu 3 bài báo quốc tế (2 bài là đồng tác giả, 1 bài là tác giả chính). Chính quãng thời gian 2 năm làm việc cùng các giảng viên của phòng lab này đã giúp Vi trưởng thành và có riêng cho mình những thành quả nghiên cứu riêng.

Phòng lab non trẻ gây dựng “thương hiệu” bằng những bài báo quốc tế - 2

Phan Thị Thúy Vi, hướng dẫn cho một sinh viên cách viết bài báo khoa học. Ảnh: Hà Thế An.

“Hiện tại em đang hướng dẫn kỹ năng viết báo khoa học dành cho các bạn sinh viên. Những kinh nghiệm viết báo năm xưa em được các anh chị trước giúp đỡ giờ lại được truyền đạt lại cho các đàn em. Đó là điều em cảm thấy vui nhất và thấy rằng, phòng lab luôn có sự tiếp nối, kế thừa cho các bạn sinh viên nghiên cứu khoa học”- Vi nói.

Ngoài ra, Vi còn hỗ trợ các bạn sinh viên làm các thí nghiệm nhằm đưa các chỉ số vào các bài báo khoa học. Sắp tới Vi sẽ tiếp tục học lên thạc sỹ tại Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc để tiếp tục thực hiện ước mơ trở thành nhà khoa học.

 
Hà Thế An - khampha.vn

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353