SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Singapore sẽ giúp TP.HCM đào tạo các công ty khởi nghiệp
 
(PLO)- ĐH quốc gia Singapore sẵn sàng tiếp nhận các nhân tài của TP.HCM gửi qua đào tạo, sau đó quay về phục vụ chương trình khởi nghiệp, sáng tạo của TP.
“Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận các nhân tài từ TP.HCM gửi sang, đào tạo họ trở thành các doanh nghiệp khởi nghiệp để về phục vụ cho sự phát triển của TP” - GS Freddy Boey, Phó Chủ tịch Trường ĐH quốc gia Singapore (NUS), phụ trách đổi mới sáng tạo doanh nghiệp và Block 71, chia sẻ với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn công tác trong buổi gặp gỡ sáng 27-8 tại Trường NUS.

Singapore sẽ giúp TP.HCM đào tạo các công ty khởi nghiệp - ảnh 1
GS Freddy Boey (áo trắng) giới thiệu với đoàn cán bộ TP.HCM những thế mạnh trong đào tạo nhân lực của NUS. 

GS Freddy Boey đã đón tiếp đoàn trọng thị và chia sẻ những thông tin xoay quanh vấn đề khởi nghiệp, sáng tạo - một thế mạnh của NUS, trường đại học có uy tín nhất của Singapore và là trường đại học hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Ông Freddy Boey cho rằng những nghiên cứu chất lượng hàng đầu của Trường NUS trong thời gian qua đã đem lại lợi ích kinh tế không nhỏ và đã có nhiều nghiên cứu được đưa vào ứng dụng trong thực tế tại các quốc gia trên thế giới.

Singapore sẽ giúp TP.HCM đào tạo các công ty khởi nghiệp - ảnh 2
GS Freddy Boey ủng hộ các đề xuất của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đưa ra.  

Ông nhấn mạnh quan trọng nhất của chương trình khởi nghiệp là đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là phải đào tạo được thật nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, còn thành công hay không là do thị trường quyết định. Thông thường chỉ khoảng 1% nhân lực sau khi đào tạo có thể khởi nghiệp thành công đã là thành công rồi” - ông nói.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã lắng nghe các chia sẻ của GS Freddy Boey về chương trình đào tạo doanh nghiệp khởi nghiệp. Bí thư Nhân mong muốn học hỏi những kinh nghiệm NUS Block 71 trong vấn đề xây dựng chính sách hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp.

Ông đồng thời mong muốn TP và trường trao đổi về khả năng hợp tác trong tương lai, chẳng hạn như hội thảo trao đổi kinh nghiệm quản lý vườn ươm giữa Block 71 và các trung tâm khỏi nghiệp của TPHCM; tổ chức các hoạt động triển lãm sản phẩm startup, các hoạt động kết nối tìm kiếm thị trường tại địa bàn của nhau.

Singapore sẽ giúp TP.HCM đào tạo các công ty khởi nghiệp - ảnh 3
Phó chủ tịch Trường ĐH quốc gia Singapore trò chuyện cùng các cán bộ đoàn công tác TP.HCM.

GS Freddy Boey ủng hộ các đề xuất của Bí thư Thành ủy TP.HCM. Ông cho biết Trường NUS sẵn sàng tiếp nhận các nhân tài của TP.HCM gửi qua để đào tạo, sau đó quay về phục vụ chương trình khởi nghiệp, sáng tạo của TP.

Giáo sư cũng thông tin nhà trường đang dự định thành lập một cơ sở đào tạo tại TP.HCM trong thời gian tới.

Singapore sẽ giúp TP.HCM đào tạo các công ty khởi nghiệp - ảnh 4
Đoàn công tác TP.HCM thăm Trường ĐH quốc gia Singapore.

Sau buổi trao đổi, đoàn đã đến tham quan trung tâm khởi nghiệp tại trường. Tại đây, đoàn đã nghe báo cáo về các dự án khởi nghiệp của các nghiên cứu sinh, trong đó có dự án “Hướng đến TP không dùng pin” của Ngô Tùng, một nghiên cứu sinh người Việt đang học tập và nghiên cứu tại trường.

 

TP.HCM tập trung phát triển theo định hướng công nghệ 4.0

Hiện tại TP.HCM có tám trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp do Nhà nước quản lý bao gồm các trung tâm của các trường đại học, Thành đoàn, Sở KH&CN, Khu Công nghệ cao… và các trung tâm do tư nhân đầu tư. TP hiện có khoảng 15% doanh nghiệp hoạt động khoa học và công nghệ, 75 trường đại học và cao đẳng, hơn 270 viện và trung tâm nghiên cứu, hơn 125 phòng thí nghiệm và hơn 20.000 nhà khoa học.

TP đang chú trọng xây dựng hệ sinh thái startup để kết nối các nguồn lực tài chính, nhân lực và thị trường. Trung tâm Khởi nghiệp TP dự định hình thành sẽ là nơi tổ chức các sàn giao dịch ý tưởng và các cuộc thi về khởi nghiệp hằng năm; đồng thời liên kết các vườn ươm, các nhà cung cấp dịch vụ, các quỹ đầu tư khởi nghiệp, các doanh nghiệp với nhau để chia sẻ thông tin và kết nối các ý tưởng khởi nghiệp để tìm  kiếm các nguồn vốn đầu tư.

Trong năm 2018, các startups Việt Nam đã thu hút được 900 triệu USD đầu tư (trong khi đó startups Singapore thu hút được hơn 7.7 tỉ USD).

 

VIỆT HOA - plo.vn

Sau 8 năm, từ một phòng thí nghiệm thiếu thốn đủ bề từ trang thiết bị, nhân sự, nhưng đã nuôi dưỡng đam mê cho nhiều sinh viên, với kết quả là hàng chục bài báo quốc tế.

 

Phòng thí nghiệm hóa lý, ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM ra đời năm 2011 đã khởi đầu con đường nghiên cứu cho nhiều sinh viên đam mê khoa học.

Phòng lab non trẻ gây dựng “thương hiệu” bằng những bài báo quốc tế - 1

Th.s Huỳnh Thiên Tài (trái) hướng dẫn cho các sinh viên làm các thí nghiệm. Ảnh: Hà Thế An.

Những khó khăn đầu tiên

Năm 2011, ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được nâng cấp lên ĐH từ cơ sở trường CĐ Tài nguyên Môi trường. Cùng với đó, phòng thí nghiệm hóa lý cũng được thành lập để đáp ứng yêu cầu về thực hành, nghiên cứu khoa học của sinh viên, nghiên cứu sinh trong trường ĐH.

Th.s Huỳnh Thiên Tài (sinh năm 1982) chính là người đầu tiên về phụ trách phòng thí nghiệm này. “Có thể nói đây chính là dấu mốc cho tôi đi theo con đường nghiên cứu khoa học. Vì trước đây tôi đi theo hướng sư phạm và cũng không hề nghĩ mình lại bén duyên với nghiên cứu khoa học”- Ths. Tài chia sẻ.

Kể về câu chuyện của mình, Tài nhớ lại, trước khi về giảng dạy ở trường năm 2009, anh từng “chạy sô” một số trung tâm giáo dục để luyện thi ĐH cho các bạn học sinh. Sư phạm là chuyên môn của Tài khi anh đã tốt nghiệp sư phạm tại ĐH Đà Lạt, sau đó từng giảng dạy 5 năm tại trường THPT Proh (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng).

Sau đó anh chuyển công tác về Sài Gòn và tham gia giảng dạy tại trường ĐH Tài nguyên Môi trường TP.HCM. Mới nhận phụ trách phòng thí nghiệm hóa lý, Tài khá bỡ ngỡ với cơ sở vật chất gồm các trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu với giá trị đầu tư chưa tới 2 tỉ đồng. Mặc dù thiếu thốn nhưng anh nghĩ, nếu mình ”phụ lòng” những trang thiết bị này thì là một sự lãng phí lớn.

Nghĩ là làm, từ năm 2015, anh và các đồng sự bắt đầu tiến hành các nghiên cứu, thực nghiệm trong lĩnh vực hóa phân tích bằng các công trình nghiên cứu về pin nhiên liệu – một loại pin không sạc, sử dụng phản ứng hóa học biến khí hirdro thành điện năng. Tài bắt đầu có những hướng nghiên cứu mới và chính điều đó đã giúp anh đăng nhiều bài báo quốc tế trong phạm vi nghiên cứu này.

“Pin nhiên liệu hiện nay đã rất phát triển trên thế giới với nhiều loại phương tiện giao thông như xe mô tô, ô tô, tàu điện sử dụng năng lượng điện từ loại pin này. Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa doanh nghiệp nào ứng dụng pin nhiên liệu, các nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực này cũng chưa nhiều. Vì thế, có thể nói đây là một hướng đi mới mẻ và là cơ hội để chúng tôi tập trung nghiên cứu”- Th.s Tài nói.

Từ năm 2015 đến nay, Tài đã có đến 14 bài báo đăng trên các Tạp chí Khoa học uy tín quốc tế về chủ đề pin nhiên liệu. Đây là một thành quả không dễ dàng có được với một người mới bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học như anh.

Ngoài ra, phòng thí nghiệm hóa lý cũng là “cái nôi” để nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác của các nhóm nghiên cứu của ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Trung bình mỗi năm có từ 2 đến 3 công bố quốc tế từ phòng thí nghiệm này.

“Chúng tôi không được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại như các phòng thí nghiệm trọng điểm khác nhưng với thành quả như vậy đó thật sự là một niềm tự hào”- Th.s Tài chia sẻ.

Dìu dắt các bạn sinh viên nghiên cứu khoa học

Hiện nay, phòng thí nghiệm hóa lý của ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chỉ có hai giảng viên quản lý là Th.s Huỳnh Thiên Tài và PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân. Nhân sự hạn chế như vậy nên cách quản lý vận hành cũng phải thay đổi. Giảng viên không phải là người “cầm tay chỉ việc” cho sinh viên trong nghiên cứu mà chỉ là người giúp đỡ, định hướng.

Theo Th.s Tài, mỗi khi sinh viên có các ý tưởng, đề tài nghiên cứu thì sẽ chủ động đề xuất và tự tìm hiểu các tài liệu, lên kế hoạch thực hiện, giảng viên chỉ là người đồng hành, hướng dẫn, định hướng sinh viên nghiên cứu.

“Hiện tại phòng thí nghiệm có khoảng 10 sinh viên, nghiên cứu sinh đang làm các dự án nghiên cứu. Định kỳ hằng tuần, chúng tôi đều có những hoạt động gặp gỡ, trao đổi để thảo luận về các đề tài sinh viên. Sinh viên vào sau sẽ được các anh chị đi trước giúp đỡ”- Th.s Tài chia sẻ.

Bạn Phan Thị Thúy Vi là sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc của khoa kỹ thuật hóa học, ĐH Bách khoa TP.HCM hiện đang làm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm hóa lý của ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. Vi hiện đã sở hữu 3 bài báo quốc tế (2 bài là đồng tác giả, 1 bài là tác giả chính). Chính quãng thời gian 2 năm làm việc cùng các giảng viên của phòng lab này đã giúp Vi trưởng thành và có riêng cho mình những thành quả nghiên cứu riêng.

Phòng lab non trẻ gây dựng “thương hiệu” bằng những bài báo quốc tế - 2

Phan Thị Thúy Vi, hướng dẫn cho một sinh viên cách viết bài báo khoa học. Ảnh: Hà Thế An.

“Hiện tại em đang hướng dẫn kỹ năng viết báo khoa học dành cho các bạn sinh viên. Những kinh nghiệm viết báo năm xưa em được các anh chị trước giúp đỡ giờ lại được truyền đạt lại cho các đàn em. Đó là điều em cảm thấy vui nhất và thấy rằng, phòng lab luôn có sự tiếp nối, kế thừa cho các bạn sinh viên nghiên cứu khoa học”- Vi nói.

Ngoài ra, Vi còn hỗ trợ các bạn sinh viên làm các thí nghiệm nhằm đưa các chỉ số vào các bài báo khoa học. Sắp tới Vi sẽ tiếp tục học lên thạc sỹ tại Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc để tiếp tục thực hiện ước mơ trở thành nhà khoa học.

 
Hà Thế An - khampha.vn

Chế phẩm vi sinh biến rơm rạ thành phân hữu cơ giúp tăng độ phì nhiêu của đất, giúp tăng năng suất lúa lên tới 20%, giảm tối đa 30% việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu.

 

Những thông tin này được ông Phạm Xuân Hưng, Giám đốc công ty Phương Nam chia sẻ tại buổi báo cáo, phân tích xu hướng công nghệ “Ứng dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý phụ phẩm nông nghiệp”. Sự kiện do Trung tâm thông tin thống kê, khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức sáng 09/08.

Dùng vi sinh vật "biến" rơm rạ thành phân bón, thức ăn cho tôm - 1

Ông Phạm Xuân Hưng (trái) giới thiệu sản phẩm chế phẩm sinh học Sumitri tới một khách tham dự hội thảo. Ảnh: Hà Thế An.

Ông Hưng cho biết, việc nghiên cứu chế phẩm vi sinh này được ông thực hiện từ năm 2014, sau đó thử nghiệm và bắt đầu tiến hành ứng dụng cho các hợp tác xã nông nghiệp khắp cả nước. Sở dĩ ông nghiên cứu sản phẩm này là việc xử lý rơm ra hiện nay đa số người dân sử dụng làm chất đốt hoặc bán với giá rẻ.

Vì thế ông Hưng đưa ra một giải pháp là nuôi cấy các chủng vi sinh vật tại phòng thí nghiệm của Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp, thuộc Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (H. Củ Chi, TP.HCM). Chủng vi sinh vật này sau khi nuôi cấy sẽ được nhân lên, phối trộn và đóng gói ở dạng bột thành chế phẩm vi sinh.

Chế phẩm vi sinh có thể rải trực tiếp lên ruộng hoặc có thể phối trộn với lân, NPK… tạo thành hỗn hợp rải lên ruộng. Trong vòng 7 đến 10 ngày, vi sinh vật sẽ bắt đầu tăng sinh và tiến hành phân giải nhanh các chất hữu cơ có trong rơm rạ thành phân bón hữu cơ.

“Việc sử dụng chế phẩm vi sinh này có thể thực hiện trong quá trình cải tạo đất để cấy hoặc có thể phối trộn với phân bón thúc cho ruộng sau khi cấy. Ngoài ra, chế phẩm vi sinh còn có khả năng diệt hạt lúa cỏ (lúa ma) không cho sinh trưởng”- ông Hưng chia sẻ.

Kết quả thực nghiệm tại nhiều địa phương cho thấy, chế phẩm vi sinh có thể gọi Sumitri của ông Hưng giúp tăng năng suất lúa lên 15%, có nhiều diện tích lúa tăng đến 20% năng suất. Việc sử dụng chế phẩm này giảm được từ 20% đến 30% lượng phân bón, thuốc trừ sâu… cho lúa.

Sản phẩm này có thể phù hợp với tất cả các loại đất canh tác, thậm chí đất ngập mặn cũng có thể sử dụng được. Ruộng ngập nước thì khả năng phân giải chất hữu cơ bằng vi sinh vật sẽ diễn ra nhanh hơn, giúp đất tơi xốp, tăng độ phì nhiêu của đất.

Cũng theo ông Hưng, giá cả cho việc sử dụng chế phẩm vi sinh rất phải chăng. Cụ thể, một gói Sumitri trọng lượng 125g giá 30 nghìn đồng có thể sử dụng cho 1 sào (Bắc Bộ). Một héc ta ruộng có thể sử dụng từ 4 đến 5 kg.

Hiện nay sản phẩm này của nhóm nghiên cứu đã được sử dụng ở hầu hết các tỉnh thành, đặc biệt là một số hợp tác xã trồng lúa tại miền Tây Nam Bộ.

Dùng vi sinh vật "biến" rơm rạ thành phân bón, thức ăn cho tôm - 2

Nhiều khách tham gia hội thảo tìm hiểu các sản phẩm dành cho nông nghiệp của nhóm nghiên cứu. Ảnh: Hà Thế An.

Ông Phạm Thanh Liêm, Chủ nhiệm một hợp tác xã tại huyện Tháp Mười, Đồng Tháp cho hay, đã thử nghiệm sản phẩm Sumitri cho khoảng 1300 mét vuông ruộng (khoảng 1,3 sào Nam Bộ). Kết quả rất khả quan khi năng suất lúa tăng lên gần 20%, hạt lúa đẹp, sáng bóng.

“Ngoài ra, việc sử dụng chế phẩm vi sinh còn giúp giảm khoảng 70% đến 80% lượng lúa cỏ (lúa ma), giảm 2 lần phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón. Việc thử nghiệm sử dụng chế phẩm vi sinh trong vài mùa vụ gần đây giúp bà con nông dân rất phấn khởi”- ông Liêm tự hào nói.

Ngoài ra, nông dân trồng xen kẽ lúa và tôm thâm canh có thể sử dụng chế phẩm này để xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành nguồn thức ăn cho tôm, giúp tôm mau lớn, thời gian thu hoạch nhanh hơn. Chế phẩm này còn có thể sử dụng làm tái tạo bộ rễ của cây các cây rau màu, ăn quả, hạn chế khả năng thối rễ của các loại cây này.

 
Hà Thế An - khampha.vn

Điện mặt trời kết hợp làm nông nghiệp hoặc nông nghiệp công nghệ cao vừa có lợi giảm thiếu hụt nguồn điện tại chỗ, vừa tạo thêm việc làm và phát triển nông nghiệp địa phương.

 

Sáng ngày 3/8/2019, Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao phối hợp với công ty năng lượng Vũ Phong tổ chức buổi hội thảo chia sẻ về năng lượng tái tạo, đặc biệt là xây dựng, phát triển hệ thống năng lượng mặt trời.

Tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam - 1

Năng lượng tái tạo là xu hướng phát triển của thế giới nhằm thay thế cho nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển ngành này, với cường độ bức xạ mặt trời khá cao trên thế giới, trung bình khoảng 4,6 kWh/m2/ngày, số giờ nắng bình quân trong năm từ 2.500 - 3.000 giờ và bờ biển dài trên 3.260 km, gió biển quanh năm. Ngoài ra, Nhà nước cũng đã đưa ra nhiều chính sách, ưu đãi cho các nhà đầu tư nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Nhưng đến nay, các nguồn năng lượng sạch (mặt trời, gió, sinh khối) ở Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng.

Ông Lê Thành Nguyên– Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP-IC) cho biết, hội thảo lần này với mục tiêu chia sẻ, thảo luận về các xu hướng phát triển trong ngành năng lượng mặt trời và những cơ hội, thách thức dành cho các công ty khởi nghiệp/đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng tái tạo có thể ứng dụng phát triển.

Tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam - 2

Ông Lê Thành Nguyên - Giám đốc Vườn ươm công nghệ cao

Bên cạnh việc kết nối các chuyên gia, cố vấn giàu kinh nghiệm với các dự án khởi nghiệp quan tâm đến ngành năng lượng sạch, SHTP-IC mong muốn có thể tìm kiếm được những dự án tiềm năng hoạt động trong lĩnh vực này để hỗ trợ, cũng như thúc đẩy họ phát triển.

 

Tại buổi hội thảo, diễn giả Phạm Nam Phong – Giám đốc và nhà sáng lập công ty năng lượng Vũ phong đã có buổi chia sẻ về sự phát triển, tiềm năng của năng lượng mặt trời. Trong đó ông nhấn mạnh về tốc độ thay đổi của công nghệ năng lượng mặt trời cũng như tốc độ phát triển của các nông trại năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Hàng loạt dự án điện mặt trời "triệu đô" đáng chú ý như nhà máy Tata Power công suất 300 MW tại Hà Tĩnh, nhà máy Hanwha công suất 100-200 MW tại Thừa Thiên Huế, nhà máy GT & Associates và Mashall & Street Ltd công suất 150 MW tại Quảng Nam.

Chỉ riêng công ty Vũ Phong Solar cũng đã triển khai hơn 1000 dự án trên khắp cả nước. Ngoài việc đưa nguồn năng lượng sạch này đến từng hộ gia đình, những năm gần đây Vũ Phong tích cực phát triển lắp đặt hệ thống tại các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất. Đáng chú ý là Dự án Điện Mặt Trời do Công ty Vũ Phong vừa hoàn thành tại Trường Sa có công suất 13kWp cung cấp mỗi ngày hơn 60kWh điện phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt & lọc nước biển thành nước ngọt trên đảo.

Ngoài ra, công ty cũng hoàn thành thi công 48 trụ đèn đường năng lượng mặt trời ở Côn Đảo, chiếu sáng, hàng loạt dự án điện mặt trời hòa lưới, điện mặt trời độc lập trên đảo Phú Quốc và nhiều hòn đảo lớn nhỏ khác.

Tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam - 3

Ông Phạm Nam Phong - Giám đốc công ty năng lượng Vũ Phong chia sẻ về tiềm năng của năng lượng mặt trời tại Việt Nam.

Theo ông Phong, giảm phát thải nhà kính, làm mát mái nhà xưởng, sử dụng nguồn điện ổn định, đặc biệt là nâng cao hình ảnh và giảm thiểu chi phí điện giá cao sử dụng ban ngày – là những lợi ích mà doanh nghiệp thu được khi sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời.

Hiện nay, trung bình cứ 7-8m2 diện tích sẽ lắp được một đơn vị công suất điện mặt trời là 1 kWp (kilo watt peak), có mức đầu tư từ 1.000 – 1.300$/kWp (thấp hơn nếu quy mô lên đến vài MWp) cho một hệ thống đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đảm bảo độ bền 25 – 30 năm, với toàn bộ chi phí trọn gói từ khảo sát, thiết kế đến thi công hoàn chỉnh. Việc áp dụng điện mặt trời có thể giúp doanh nghiệp giảm được từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng tiền điện mỗi năm. 

Tại Ninh Thuận vừa qua Vũ Phong Solar cũng tham gia đầu tư một mô hình trang trại nông nghiệp công nghệ cao, và lắp 1MWp trên mái làm mô hình mẫu để giới thiệu về tính hiệu quả cho khách hàng tham quan, và tham khảo mô hình để đầu tư tại địa phương mình.

Theo ông Phong, điện mặt trời kết hợp làm nông nghiệp hoặc nông nghiệp công nghệ cao phù hợp ở tất cả các tỉnh thành, đấu nối vào đường dây 22KV có ở khắp mọi nơi, vừa có lợi giảm thiếu hụt nguồn điện tại chỗ, vừa tạo thêm việc làm và phát triển nông nghiệp địa phương, là mô hình mà các tỉnh thành nên khuyến khích.

Kết quả từ mô hình 1MWp mẫu mà Vũ Phong Solar đã tham gia đầu tư cho thấy trong tháng 7/2019, sản xuất được hơn 140MWh điện, quy đổi doanh thu khoảng 300 triệu đồng theo giá 9.35 cent đã ký hợp đồng bán điện, ngoài ra mô hình trồng nấm và các loại cây khác đang triển khai cũng sẽ mang lại nguồn lợi nhuận cao.

Với một mái tòa nhà có diện tích khoảng 400m2 – 4.000m2 sẽ lắp được khoảng 50 - 500 kWp, tương đương sản xuất được khoảng 75.000 – 750.000 kWh điện mỗi năm. Giá điện kinh doanh hiện nay vào ban ngày có thể lên đến hơn 4.000 đồng/kWh nên thời gian hoàn vốn là ngắn nhất trong tất cả các đối tượng sử dụng điện mặt trời.

 

Minh Phan - khampha.vn

Có đến 50% bằng sáng chế được cấp tại Mỹ chỉ “để trưng”, không đóng phí thường niên, và từ đó trở thành gánh gặng của người được cấp bằng.

 

Nhà sáng chế đừng để tấm bằng sở hữu trí tuệ là “gánh nặng” - 1

Sáng chế khi chưa tạo ra nhiều giá trị kinh tế nhiều khi là "gánh nặng" của nhà khoa học và doanh nghiệp. Trong ảnh: TS Trần Thị Ngọc Lan, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM làm các thí nghiệm hóa học. Ảnh: Hà Thế An.

Số liệu này được thống kê mới đây từ Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) về hoạt động của nhà sáng chế sau khi được cấp bằng tại quốc gia này. Từ cơ sở thống kê này, ông Tony Ngô, người có hơn 20 năm tư vấn về sở hữu trí tuệ của USTPO cho rằng, sáng chế khi cấp bằng mà không thương mại hóa thì coi như sáng chế đó không có giá trị và trở thành “gánh nặng” của nhà sáng chế.

Bằng sáng chế - công cụ để thương mại hóa ý tưởng

Ông nói rằng, tấm bằng chỉ là công cụ để những nhà sáng chế tiếp tục thương mại hóa ý tưởng, công nghệ của mình. Nếu được cấp bằng rồi mà bỏ không thì coi như đó là sự lãng phí rất lớn. Vì hằng năm, người được cấp bằng sẽ phải đóng phí thường niên. Và có rất nhiều người vì không đóng phí nên gặp phải rắc rối khi xảy ra tranh chấp.

“Khi đó sẽ xảy ra kiện tụng và khiến nhà sáng chế phải mất thời gian, mệt mỏi và tốn khá nhiều tiền để giải quyết tranh chấp cùng với tòa án. Số tiền chi trả cho một vụ việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ tại Hoa Kỳ cũng không hề nhỏ”- ông Tony Ngô nói.

Vị chuyên gia từ USTPO cũng cho rằng, bằng sở hữu trí tuệ là công cụ để chiến lược hóa sản phẩm. Tức là biến tấm bằng thành công cụ tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, chứ không phải cấp bằng rồi “để trưng”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc IP Group nêu lên thống kê có 54% những người làm startup cho rằng, bằng sáng chế giúp thay đổi doanh nghiệp của họ, giúp doanh nghiệp họ đi lên.

“Mở một quán trà sữa nhưng với mô hình mới lạ cũng hoàn toàn có thể đăng ký sở hữu trí tuệ. Sở hữu trí tuệ luôn hiện diện ở mọi mặt cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ở VN hiện nay chưa coi trọng bằng sáng chế vì tư duy ngắn hạn. Doanh nghiệp chủ yếu ở quy mô nhỏ, việc kinh doanh họ không biết ngày mai thế nào nên vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được coi trọng”- ông Thuận nói.

Đứng ở góc độ quản lý nhà nước, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Saigon Innovation Hub, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chỉ ra rằng, một khảo sát mới đây cho thấy, việc định giá doanh nghiệp tại Việt Nam hiện có 95% dựa vào tài sản hữu hình (gồm: đất đai, máy móc, nhà xưởng,…). Điều đó cho thấy, vai trò của sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa được coi trọng.

 
Hà Thế An - khampha.vn

Những đề tài nghiên cứu cơ bản phải cam kết có công bố quốc tế, các đề tài nghiên cứu ứng dụng phải có địa chỉ chuyển giao, nhóm nghiên cứu phải có năng lực mới được tham gia ươm tạo.

 

Chính yếu tố khắt khe trong việc tuyển chọn “hạt giống” tham gia chương trình Vườn ươm sáng tạo khoa học công nghệ trẻ đã là động lực để nhiều nhà khoa học trẻ tạo dựng được những thành công nhất định. Tính đến nay, sau gần 2 năm chương trình Vườn ươm được Thành đoàn TP.HCM quản lý, nhiều công trình nghiên cứu đã có công bố quốc tế.

Vườn ươm sáng tạo trẻ: 'Chọn giống' khắt khe để 'gặt' nhiều công bố quốc tế - 1

Các kết quả nghiên cứu của nhà khoa học trẻ được công bố dưới dạng poster tại Hội nghị tổng kết chương trình Vườn ươm sáng tạo khoa học và công nghệ trẻ tổ chức tại Thành đoàn TP.HCM chiều 26/07. Ảnh: Hà Thế An.

Anh Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Thành đoàn TP.HCM cho biết, từ năm 2017 Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tạo điều kiện cho đơn vị trực tiếp quản lý chương trình Vườn ươm. Đây là một quyết định mang tính cấp thiết và tạo nhiều thuận lợi cho Thành đoàn TP.HCM trong việc chủ động trong việc xét duyệt, lập hội đồng, cấp kinh phí cho các nhà khoa học trẻ nghiên cứu khoa học.

“Một kết quả minh chứng cho sự chuyển biến này là các công bố khoa học quốc tế cho các đề tài nghiên cứu khi tham gia Vườn ươm đã tăng lên đáng kể. Năm 2017 chỉ có 6 bài báo khoa học ISI, nhưng sang năm 2018 có đến 16 bài báo ISI được công bố. Mặc dù kinh phí tham gia chương trình chỉ khoảng 100 triệu đồng/đề tài nhưng kết quả như vậy là rất đáng khích lệ”- anh Thành tự hào nói.

Có được kết quả này, theo anh Thành đến từ việc tuyển chọn “hạt giống” tham gia chương trình. Những đề tài nghiên cứu cơ bản phải cam kết có công bố quốc tế, các đề tài nghiên cứu ứng dụng phải có địa chỉ chuyển giao, nhóm nghiên cứu phải có năng lực mới được tham gia chương trình Vườn ươm sáng tạo khoa học công nghệ trẻ.

Ngoài ra, Thành đoàn TP.HCM cũng tổ chức các khóa đào tạo phương pháp viết bài báo khoa học với sự tham gia của nhiều chuyên gia dày dạn kinh nghiệm nhằm hỗ trợ nhà khoa học trẻ. Song song đó, Thành đoàn TP.HCM cũng luôn “kề vai sát cánh” theo dõi, liên hệ thường xuyên với các nhóm đề tài tham gia chương trình Vườn ươm để thúc đẩy tiến độ công việc như trong cam kết.

Hiện nay, phía Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có chủ trương sẽ tăng kinh phí nghiên cứu cho mỗi đề tài. Phương án này đang được nghiên cứu để đưa ra mức tăng cụ thể trong thời gian tới.

Anh Thành cho biết thêm, khi tham gia chương trình Vườn ươm và đề tài được nghiệm thu có kết quả tốt, nếu nhóm đề tài có nhu cầu, Thành đoàn TP.HCM sẽ đề xuất tham gia chương trình nghiên cứu khoa học của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM với mức kinh phí được cấp cao hơn.
Vườn ươm sáng tạo trẻ: 'Chọn giống' khắt khe để 'gặt' nhiều công bố quốc tế - 3

Thành đoàn TP.HCM tặng bằng khen cho 11 tác giả có những bài báo công bố quốc tế khi tham gia chương trình Vườn ươm. Ảnh: Hà Thế An.

Th.s Huỳnh Thiên Tài, Giảng viên ĐH Tài nguyên Môi trường phân hiệu TP.HCM từng tham gia chương trình Vườn ươm năm 2018. Đến nay, Th.s Tài đã có 4 công bố quốc tế ISI cho các nghiên cứu về công nghệ nano ứng dụng trong môi trường. Có được những kết quả này là nhờ sự tạo điều kiện tốt nhất từ phía Thành đoàn TP.HCM.

“Kinh nghiệm của bản thân tôi khi tham gia chương trình Vườn ươm là mỗi cá nhân, nhóm nghiên cứu phải đưa ra được tính cấp thiết, giá trị thực tiễn và hướng nghiên cứu mới của mình khi tham gia thuyết trình trước hội đồng chuyên môn. Ngoài ra, các nhóm nghiên cứu cần tham gia các khóa đào tạo viết bài báo quốc tế để có những kiến thức đầy đủ hơn trước khi làm các công bố khoa học trên các báo, tạp chí khoa học uy tín”- Th.s Tài nói.

 
Hà Thế An - khampha.vn

Trong 6 tháng đầu năm 2019, công tác xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ có sự bứt phá mạnh với số lượng đơn được xử lý tăng 66,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Báo cáo hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) trong 6 tháng đầu năm của Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho thấy, công tác tiếp nhận và xử lý đơn đã có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể, tính đến hết ngày 30/6/2019, lượng đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) nhận được tăng cao so với cùng kỳ (tăng 15%), trong đó đơn đăng ký sáng chế, đơn kiểu dáng công nghiệp (KDCN) và đăng ký quốc tế nhãn hiệu tăng cao lần lượt là 22,7%, 23,5% và 27,5%.

Đặc biệt, công tác xử lý đơn đăng ký SHCN có sự bứt phá mạnh với số lượng đơn được xử lý tăng cao kỷ lục, đến 66,8% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó kết quả xử lý đơn sáng chế và nhãn hiệu tăng rất cao, lần lượt là 79,2% và 83,8%. Cục đã tập trung xử lý các đơn đăng ký sáng chế, Giải pháp hữu ích của người Việt Nam và đơn khiếu nại tồn sâu (kết quả xử lý đơn khiếu nại tăng trên 50% so với cùng kỳ năm 2018).

Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tăng kỉ lục trong 6 tháng đầu năm - 1

Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội nghị sơ kết.

Bên cạnh việc cấp văn bằng bảo hộ và xử lý đơn các loại, các công tác khác của Cục SHTT cũng được quan tâm triển khai như: công tác hội nhập và hợp tác quốc tế đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, đối ngoại của đất nước, của Bộ KH&CN nói chung và hoạt động chuyên môn của Cục SHTT nói riêng; công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật và nghiên cứu khoa học cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra và đóng góp cụ thể hơn cho kết quả công tác của Cục SHTT; công tác thông tin SHCN được bảo đảm thông qua việc cung cấp thông tin qua Thư viện điện tử SHCN, Thư viện số về bằng sáng chế, Công báo SHCN để phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của xã hội...

Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tăng kỉ lục trong 6 tháng đầu năm - 2

Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tăng kỉ lục trong 6 tháng đầu năm - 3

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp khoa học và công nghệ, Bằng khen Bộ trưởng Bộ KH&CN, Giấy khen Cục trưởng Cục SHTT vì đã có những đóng góp trong hoạt động KH&CN nói chung và SHTT nói riêng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 của Cục SHTT ngày 22/7, Thứ trưởng Phạm Công Tạc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019 của Cục SHTT.

Ấn tượng về lượng đơn gia tăng trong 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng khẳng định, với tốc độ nộp đơn ngày càng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước, các hoạt động hợp tác quốc tế phải tham gia thường xuyên hơn, công tác xây dựng và xử lý văn bản ngày càng gấp rút… thì đây thực sự là khối lượng công việc khổng lồ, điều này cũng cho thấy sự nỗ lực rất lớn của tập thể cán bộ Cục SHTT.

Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tăng kỉ lục trong 6 tháng đầu năm - 4

Cục trưởng Đinh Hữu Phí phát biểu tại Hội nghị sơ kết.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhận định, khi lượng đơn nộp vào Cục SHTT ngày càng tăng thì cần phải có giải pháp xử lý và đây cũng là thách thức rất lớn đối với Cục SHTT và Bộ KH&CN. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Hiệp định CPTPP, FTA, và gần đây nhất EVFTA thì vai trò của SHTT ngày càng tăng và rất nhiều việc cần phải làm.

Trước mắt, Thứ trưởng đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cần tăng cường trang thiết bị và hạ tầng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng và tiến độ xử lý đơn để thực sự là bước đột phá trong sự phát triển của hệ thống SHTT nói chung và Cục SHTT nói riêng.

Theo Cục trưởng Đinh Hữu Phí, trong 6 tháng cuối năm 2019, Cục tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác xử lý đơn SHCN, trong đó ưu tiên các đơn sáng chế và nhãn hiệu, cũng như đơn sáng chế của người nộp đơn Việt Nam. Ngoài ra, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng Mạng lưới các Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ (IP-Hub)... Đồng thời, Cục SHTT sẽ chủ động tham gia đàm phán nội dung SHTT trong các FTA; hoàn tất thủ tục gia nhập Thỏa ước La-hay về đăng ký quốc tế KDCN.

Liên Cơ - khampha.vn

Đây là điểm mới trong Nghị định 60/2019/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.

 

Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30/7/2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về KH&CN.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định nguyên tắc hoạt động của Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp. Cụ thể, Hội đồng đánh giá công bằng, dân chủ, khách quan, biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín và quyết định theo tỷ lệ quy định cho từng cấp xét thưởng; Hội đồng xét tặng giải thưởng chỉ xem xét những hồ sơ đáp ứng đầy đủ các văn bản, tài liệu theo quy định.

Xét tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ biểu quyết bằng phiếu kín - 1

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước sẽ được biểu quyết bằng phiếu kín.

Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp nhà nước chỉ xem xét những công trình được Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp nhà nước đề nghị; Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp nhà nước chỉ xem xét những công trình được Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Bộ, ngành, địa phương đề nghị; Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Bộ, ngành, địa phương chỉ xem xét những công trình được Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp cơ sở đề nghị.

Việc xét tặng giải thưởng cho các công trình có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước được áp dụng quy trình, thủ tục chung nhưng phải tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.

Với Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp cơ sở, bộ, ngành, địa phương và chuyên ngành cấp nhà nước, số lượng các phiên họp Hội đồng phụ thuộc vào số lượng, quy mô công trình đề nghị xét tặng giải thưởng, do cơ quan Thường trưc tổ chức xét giải thưởng quyết định trên cơ sở đề xuất của Chủ tịch Hội đồng.

Cuộc họp Hội đồng phải có ít nhất 4/4 số thành viên Hội đồng tham dự, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch (được Chủ tịch ủy quyền bằng văn bản) chủ trì và có 2 ủy viên phản biện. Chủ tịch Hội đồng quy định trình tự, thủ tục làm việc của Hội đồng trên cơ sở thống nhất ý kiến của các thành viên Hội đồng.

Thành viên Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp có trách nhiệm nghiên cứu, nhận xét và đánh giá hồ sơ công trình đề nghị xét tặng giải thưởng bằng văn bản; thành viên Hội đồng vắng mặt phải gửi văn bản nhận xét, đánh giá công trình đề nghị xét tặng giải thưởng; nội dung cuộc họp phải được ghi thành biên bản, có chữ ký của người chủ trì, thư ký khoa học do Hội đồng bầu chọn.

Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Nhà nước tổ chức phiên họp phải có ít nhất 90% thành viên Hội đồng có mặt, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng (được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền bằng văn bản). Số lượng phiên họp, trình tự, thủ tục làm việc của Hội đồng do Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định.

 
Liên Cơ - khampha.vn

Căn cứ vào mức độ đóng góp, tầm cỡ thành tích, giải thưởng đạt được, người có tài năng đặc biệt sẽ được hưởng mức khuyến khích tương xứng với công trạng cá nhân tối đa 1 tỉ đồng/người.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm vừa ký quyết định ban hành chính sách thu hút phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt với lĩnh vực TP có nhu cầu giai đoạn 2019-2022.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-7.

Theo quyết định, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt được được hưởng mức trợ cấp ban đầu (chỉ áp dụng một lần và áp dụng cho lần ký hợp đồng đầu tiên) là 100 triệu đồng.

Người có tài năng đặc biệt được hưởng mức hỗ trợ sinh hoạt phí theo năng lực, thành tích cá nhân đã đạt được là 30-50 triệu đồng/người/tháng. 

Riêng chuyên gia, nhà khoa học sẽ được chi trả mức lương hằng tháng với số tiền bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số bảng lương chuyên gia cao cấp. Giáo sư, phó giáo sư hưởng bậc 2 (hệ số 9,40), các trường hợp còn lại được hưởng bậc 1 (hệ số 8,80).

TP.HCM thưởng tối đa 1 tỉ đồng để thu hút người có tài năng đặc biệt - 1

Nghiên cứu tế bào gốc tại Trường ĐH Quốc gia TP.HCM

Tiền lương hằng tháng nêu trên đã bao gồm tiền công lao động, chi phí phương tiện đi lại làm việc, tiền công làm thêm giờ, ngoài giờ… Trường hợp chuyên gia, nhà khoa học thực hiện tốt nghĩa vụ hợp đồng, có thành tích xuất sắc, có nhiều cống hiến, được tiếp tục ký hợp đồng cho giai đoạn tiếp theo thì được hưởng mức lương cao hơn một bậc so với hợp đồng lần đầu tiên.

Ngoài ra, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt còn được bố trí nhà công vụ. Nếu không bố trí được nhà công vụ thì được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thuê nhà ở (không vượt quá 7 triệu đồng/người/tháng).

Cơ quan, đơn vị tiếp nhận có trách nhiệm tạo điều kiện, bố trí phương tiện đi lại làm việc cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt trong khả năng, điều kiện của mỗi đơn vị. 

Ngoài ưu đãi về tiền lương, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt còn có phụ cấp khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát huy năng lực trí tuệ và phát triển công nghệ. 

Mỗi một công trình, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học, giải pháp, sáng kiến đổi mới kỹ thuật, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật… từ cấp TP và tương đương trở lên được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, công nhận bằng văn bản thì được hưởng phụ cấp khuyến khích bằng 1% tổng ngân sách TP chi trả cho công trình đó. Tổng mức khuyến khích không thấp hơn 50 triệu đồng/người/công trình. 

Trường hợp tổng ngân sách TP đầu tư cho công trình vượt quá 100 tỉ đồng thì mức khuyến khích tối đa là 1 tỉ đồng/người/công trình. 

Nếu có nhiều chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt cùng tham gia một công trình thì tổng số tiền phụ cấp cho cả nhóm tối đa 1,5 tỉ đồng. 

Bên cạnh đó, căn cứ vào mức độ đóng góp, tầm cỡ thành tích, giải thưởng đạt được trong thời gian công tác theo hợp đồng thu hút đã ký kết với TP, người có tài năng đặc biệt sẽ được hưởng mức khuyến khích tương xứng với công trạng cá nhân tối đa 1 tỉ đồng/người. 

Hội đồng thu hút tuyển chọn chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt có trách nhiệm đề xuất mức phụ cấp khuyến khích cụ thể cho từng trường hợp để UBND TP xem xét, quyết định.

'Nhân tài đặc biệt' là thế nào

Theo Sở Nội vụ TP.HCM, người có tài năng đặc biệt là có đủ sức khỏe thể chất và tinh thần phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp; có phẩm chất đạo đức và khát vọng cống hiến; có tri thức và năng lực đặc biệt xuất sắc trong một hoặc một số ngành, lĩnh vực; có khả năng lao động sáng tạo rất cao.

Họ đã đạt nhiều thành tích hoặc khả năng hoàn thành công việc, nhiệm vụ cụ thể với mức độ tốt vượt trội mà rất ít người có thể thực hiện được; có uy tín cao được giới chuyên môn và cộng đồng công nhận.

Những lĩnh vực thu hút người có tài năng đặc biệt gồm: nghiên cứu khoa học cơ bản; nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao; nhóm lĩnh vực hoạch định chính sách và xây dựng hạ tầng đô thị (xây dựng chính sách công và quản lý nhà nước trong kế hoạch - đầu tư, giáo dục và đào tạo; văn hóa, nghệ thuật - thể dục; xây dựng và quản lý đô thị...); dịch vụ công chất lượng cao (giáo dục đại học, sau đại học; y tế kỹ thuật cao).

Chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt phải có lý lịch rõ ràng. Nếu có quốc tịch nước ngoài thì phải không thuộc diện cấm hoặc hạn chế nhập cảnh

Người có tài năng đặc biệt phải là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Tùy theo vị trí cụ thể và yêu cầu của từng lĩnh vực, UBND TP.HCM sẽ thành lập các hội đồng thu hút, tuyển chọn. Quy trình tuyển chọn phải đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, giảm thiểu thời gian chờ đợi của chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt cũng như cơ quan, đơn vị có nhu cầu thu hút.

 

N.H - khampha.vn

TP.HCM và Cuba sẽ tập trung hợp tác trong lĩnh vực thiết lập, quản lý và phát triển các khu công nghệ - khoa học, vườn ươm.

 

Ngày 28/6, UBND TP.HCM cùng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Cộng hòa Cuba ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát triển, quản lý khu công nghệ và khoa học.

TP.HCM và Cuba đẩy mạnh hợp tác khoa học, công nghệ - 1

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Cuba Elba Rosa Perez Montoya ký Bản ghi nhớ về Quản lý phát triển Khu Khoa học - Công nghệ. 

Theo đó, hai bên nhất trí sẽ mở rộng giao lưu và hợp tác thông qua việc chia sẻ kiến thức chuyên môn và các biện pháp thực hiện tốt nhất trong lĩnh vực thiết lập, quản lý và phát triển các khu công nghệ - khoa học, vườn ươm.  

Hai bên sẽ trao đổi thông tin và chuyên gia tư vấn về các điều kiện để thành lập và phát triển các khu công nghệ cao; thông tin và hợp tác công nghệ thông qua chuyển giao công nghệ; thông tin và hỗ trợ các doanh nghiệp mong muốn phát triển kinh doanh chuyển giao công nghệ, dự án đầu tư trong các khu khoa học và công nghệ và công nghệ cao của hai bên... 

Trước lễ ký, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chào mừng chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Cuba. Ông bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ Việt Nam-Cuba, nhất là trong lĩnh vực trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước và giữa Thành phố Hồ Chí Minh với bộ, ngành và địa phương của Cuba. 

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã thông tin khái quát về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM và cho biết hiện nay TP đã có 3 khu chế xuất và 16 khu công nghiệp và tiếp tục tăng cường quỹ đất cho công nghiệp. TP đã thành lập Tổ công tác để khảo sát làm rõ hiện trạng sử dụng đất, việc kết nối hạ tầng và tham mưu hướng xử lý đối với phần diện tích khoảng 1.000 ha dự kiến bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn TP đến năm 2020. 

Ông Phong cho rằng việc hai bên ký Bản ghi nhớ về phát triển và quản lý các khu công nghệ cao, khu công nghiệp hôm nay là minh chứng cho sự quyết tâm của TPHCM sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Cuba để phục vụ công cuộc cập nhật hóa mô hình kinh tế theo Hiến pháp mới của Cuba và đặt nền móng để hai bên tiến tới những dự án hợp tác cụ thể trong tương lai. 

Bà Elba Rosa Perez Montoya, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Cuba cho biết Cuba đang triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn đến năm 2030 gắn với phát triển bền vững. Trong thời gian qua, Cuba đã thông qua Hiến pháp mới và một loạt chính sách nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và sáng tạo. Cuba muốn học hỏi kinh nghiệm phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam để phục vụ công cuộc cập nhật hóa mô hình kinh tế theo Hiến pháp mới.

Bộ trưởng Elba Rosa Perez Montoya bày tỏ vui mừng đến thăm TP.HCM, chứng kiến sự sôi động và phát triển mạnh mẽ của TPHCM và mong muốn đẩy mạnh hợp tác với TP.HCM trong nhiều lĩnh vực, trong đó có công nghệ.

Bà Elba Rosa Perez Montoya cho biết đoàn đã đến thăm và có ấn tượng rất tốt với Khu Công nghệ cao TPHCM và mong muốn có hợp tác cụ thể với Khu Công nghệ cao của TP trong thời gian tới.

 

H.Anh - khampha.vn

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378