SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Mô hình Trồng dưa lê theo hướng công nghệ cao
Giới thiệu

Mục tiêu của trồng dưa lê theo hướng công nghệ cao là xây dựng được quy trình trồng dưa phù hợp với điều kiện trồng trong nhà màng (trồng trên giá thể, tưới và bón phân bằng thiết bị nhỏ giọt) với sản phẩm tạo ra đạt tiêu chuẩn chất lượng, sạch, an toàn. Theo hướng này, sản xuất dưa lê ít bị phụ thuộc vào thời tiết, giảm được chi phí bảo vệ thực vật và dư lượng thuốc so với canh tác truyền thống. Dưa lê là một trong những loại quả có giá trị dinh dưỡng cao và có thị trường tiêu thụ khá ổn định. Những năm gần đây, diện tích dưa lê đã được mở rộng, nhất là ở các tỉnh phía Nam với thị trường tiêu thụ chính là TP.HCM. Tuy nhiên, sản xuất dưa lê so với nhu cầu thị trường trong nước vẫn còn rất thấp. Theo một cuộc khảo sát trong năm 2008 của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM ở hai tỉnh sản xuất dưa lớn ở khu vực phía Nam là Tiền Giang và Long An, do Th.S Hoàng Anh Tuấn thực hiện thì so với dưa hấu, diện tích dưa lê vẫn còn rất thấp. Ở Tiền Giang, trong khi dưa hấu chiếm 4000 ha/năm thì dưa lê chỉ chiếm 20ha/năm. Ở Long An, con số này là 3769 ha và 13 ha. Nguyên nhân làm hạn chế diện tích dưa lê, theo Th.S Hoàng Anh Tuấn, vì kĩ thuật canh tác dưa lê khá mới mẻ đối với nông dân. Điều kiện canh tác, thời tiết, mùa vụ…khắt khe hơn so với trồng dưa hấu. Mặt khác, thời gian sinh trưởng của dưa lê ngắn, phí đầu tư ban đầu cao nên để có năng suất, nông dân thường phun thuốc nhiều lần với nhiều chủng loại thuốc. Để giải quyết tình trạng trên, trồng dưa lê theo hướng ứng dụng các kĩ thuật công nghệ cao là một hướng đi được đánh giá là có tính mới về khoa học và thực tiễn. Đây là hướng đi mới trong sản xuất rau an toàn nói chung và dưa lê nói riêng, nhằm góp phần vào chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp TP.HCM với mục tiêu đến năm 2010 thành phố sẽ có 5.700 ha canh tác rau an toàn.

Quy trình kỹ thuật trồng dưa lê trên giá thể trong nhà màng giúp nông dân không phụ thuộc thời vụ, có thể trồng quanh năm, phù hợp với cả vùng bất lợi như khô hạn hay ngập mặn… tăng năng suất so với kỹ thuật cũ 1,5 lần, đặc biệt, áp dụng kỹ thuật mới sẽ giảm công lao động, thuốc bảo vệ thực vật. Hiệu quả kinh tế đạt từ 20 - 30 triệu đồng/1.000 m2/vụ, rất thích hợp với nông nghiệp đô thị.

Tài liệu đính kèm Mo_hinh_trong_dua_le.docx
Video đính kèm
mohinhungdungtrongnongnghiep

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353