Danh sách 50 sự kiện, hoạt động tiêu biểu được Ủy ban nhân dân TP.HCM công bố ngày 26/4, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Theo đó, 50 sự kiện, hoạt động tiêu biểu (giai đoạn 1975 - 2025) trải dài trên các lĩnh vực, bao gồm: lĩnh vực Chính trị (14 sự kiện); lĩnh vực Quốc phòng - An ninh (2 sự kiện); lĩnh vực Y tế (2 sự kiện); Kinh tế (5 sự kiện); Lịch sử - Văn hóa (2 sự kiện); Giao thông Vận tải (3 sự kiện); Văn hóa - Xã hội (12 sự kiện); Môi trường (2 sự kiện); Khoa học - Công nghệ (4 sự kiện); Giáo dục (2 sự kiện); Đối ngoại (1 sự kiện); Thể thao (1 sự kiện).
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc triển lãm và công bố 50 sự kiện, hoạt động nổi bật của TP.HCM ngày 26/4/2025
Bốn sự kiện thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN) được bình chọn là: (1) Thành phố Hồ Chí Minh tiên phong, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, đứng thứ 111/1000 Thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động trên thế giới; (2) Khánh thành Khu Công nghệ cao TP.HCM; (3) Thành lập Khu Công viên phần mềm Quang Trung - khu công nghệ thông tin tập trung đầu tiên của cả nước; (4) Giải thưởng Tôn Đức Thắng – Giải thưởng dành cho công nhân TP.HCM.
Trong đó, sự kiện (1) là cột mốc quan trọng, thể hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt xu thế đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào cải cách hành chính, phát triển kinh tế - xã hội và hiện đại hóa quản trị đô thị của TP.HCM. Năm 2002, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng dụng và phát triển CNTT tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2002 - 2005. Đây là chương trình CNTT cấp địa phương đầu tiên trong cả nước, gồm 9 chương trình ứng dụng và 12 dự án phát triển, đặt nền móng cho công cuộc hiện đại hóa chính quyền và hệ thống hạ tầng số. Giai đoạn này, Thành phố ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực then chốt nhằm tăng năng suất, hiệu quả quản lý và sức cạnh tranh, khơi nguồn cho các mô hình quản trị đô thị hiện đại.
Tiếp nối đó, giai đoạn 2017 - 2020, Thành phố triển khai Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, tầm nhìn đến năm 2025. Đây là đề án đầu tiên cấp địa phương có định hướng tổng thể về khai thác dữ liệu lớn, kết nối các trung tâm điều hành, nâng cao năng lực quản lý đô thị trên nền tảng công nghệ hiện đại. Từ năm 2020, Thành phố tiếp tục bước vào giai đoạn tăng tốc khi chính thức ban hành Chương trình Chuyển đổi số giai đoạn 2020 - 2030, song song với việc thực hiện Chương trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Thành phố hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số hàng đầu khu vực, lấy công nghệ làm nền tảng phát triển kinh tế số và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Tham quan khu vực triển lãm 50 sự kiện, hoạt động bổi bật tại Nhà Văn hóa Thanh niên
Trong hành trình này, nhiều mô hình, công trình CNTT của Thành phố đã ghi dấu ấn lịch sử, thể hiện rõ vai trò tiên phong trên bình diện quốc gia. Trong đó có việc xây dựng hệ thống Một cửa điện tử Thành phố - mô hình Cổng dịch vụ công trực tuyến đầu tiên của cả nước có khả năng trả lời tự động, công khai minh bạch thủ tục hành chính cho người dân qua tin nhắn và tổng đài 1900545444. Trục liên thông văn bản điện tử Thành phố kết nối thông suốt văn bản điều hành 4 cấp chính quyền được lựa chọn nhân rộng làm mô hình liên thông văn bản, điều hành toàn quốc.
Về chuyển đổi số, từ năm 2017 đến nay, Thành phố tiếp tục tiên phong trong triển khai chuyển đổi số và đề án Đô thị thông minh với mục tiêu nâng cao chất lượng sống và hiệu quả quản lý đô thị. TP.HCM tiếp tục khẳng định vị thế các tỉnh, thành dẫn đầu trong chuyển đổi số, với những thành tựu ấn tượng: năm 2023, TP.HCM xếp thứ hai trên cả nước trong Bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố; xếp hạng 1 về chỉ số phát triển hạ tầng số, với hệ thống viễn thông, Internet băng rộng hiện đại, phủ sóng rộng khắp, đáp ứng tối đa nhu cầu kết nối, trao đổi thông tin của người dân và doanh nghiệp, hình thành các trung tâm dữ liệu, điều hành đô thị thông minh,… Năm 2024, TP.HCM trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Chương trình Chuyển đổi số cấp thành phố, tỷ trọng kinh tế số đạt 22% GRDP. Năm 2025, Thành phố đặt mục tiêu tăng tỷ trọng kinh tế số lên 25% GRDP, thể hiện quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Song song đó, TP.HCM không ngừng khẳng định vai trò tiên phong trong các hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo báo cáo của Startup Blink năm 2024, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Thành phố xếp hạng 111/1000 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất toàn cầu. Đặc biệt, Nghị quyết 57 ra đời là một cơ hội lớn để TP.HCM bứt phá, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số làm chìa khóa để phát huy mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Lâm Đình Thắng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), Thành phố hiện có gần 2.200 doanh nghiệp khởi nghiệp, tổ chức hơn 500 sự kiện và 80 cuộc thi khởi nghiệp hàng năm, gần 200 quỹ đầu tư mạo hiểm, hơn 50 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đang hoạt động,… Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Thành phố ngày càng lớn mạnh, tăng trưởng kinh tế có đóng góp 47%, chi tiêu đầu tư KH&CN đạt 1% GRDP,… Đây là những thành quả đáng ghi nhận, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của TP.HCM bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Ông Lâm Đình Thắng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại Hội thảo triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do UBND TP.HCM tổ chức ngày 11/3/2025
Về sự kiện (2), Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) được thành lập ngày 24/10/2002, là một trong những khu công nghệ cao lớn nhất cả nước. Sau hơn 22 năm thành lập và phát triển, SHTP đã trở thành điểm đến tin cậy về đầu tư công nghệ cao tại TP.HCM cũng như tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn như Vi điện tử - Công nghệ thông tin - Viễn thông; Cơ khí chính xác - Tự động hóa; Công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường; Năng lượng mới – Vật liệu mới – Công nghệ Nano. Đồng thời, đây cũng là nơi tập trung liên kết các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, góp phần cải thiện, nâng cao năng lực đầu tư của TP.HCM và của cả nước. Đặc biệt vào tháng 9/2024, Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TP.HCM được khánh thành và đặt tại SHTP. Việc thành lập Trung tâm C4IR thể hiện vai trò tiên phong của Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục, đào tạo, KHCN và đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực. Trong giai đoạn 2025 - 2030, SHTP xác định ưu tiên tập trung phát triển các lĩnh vực công nghệ chủ lực: vi điện tử, bán dẫn, Trung tâm dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (Data Center & AI Factory), robot và thiết bị tự hành (Autonomous), công nghệ sinh học phục vụ chăm sóc sức khỏe con người,…
Khu Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) hình thành từ năm 2000, là nơi tập trung nguồn lực để phát triển công nghiệp phần mềm TP.HCM và cũng là khu công nghệ thông tin tập trung đầu tiên của cả nước. Đến nay, QTSC là công viên phần mềm đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam. Ngày 03/3/2016, Thủ tướng đồng ý thí điểm thành lập chuỗi QTSC, tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp phần mềm và khởi nghiệp sáng tạo; tháng 6/2018, QTSC là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên tại TP.HCM được chứng nhận là Doanh nghiệp KH&CN. Đến nay, QTSC đã xây dựng khu QTSC R&D nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, phát triển và sáng tạo, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hướng tới mô hình đô thị thông minh,…
Giải thưởng Tôn Đức Thắng ra đời vào năm 2000, do Báo Sài Gòn Giải Phóng và Liên đoàn Lao động TP.HCM sáng lập, nhằm vinh danh những kỹ sư, công nhân có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học thiết thực, được áp dụng vào quá trình lao động sản xuất kinh doanh. Đây là giải thưởng cao quý cấp Thành phố, mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng, như một sự tiếp sức để đội ngũ kỹ sư, thợ bậc cao truyền lửa, hỗ trợ, hướng dẫn, truyền nghề cho công nhân trẻ khơi nguồn sáng tạo.
Trong 24 năm qua, đã có 270 kỹ sư, công nhân tiêu biểu vinh dự nhận giải thưởng này. Giải thưởng là nguồn động lực lớn, khuyến khích lực lượng lao động công nghiệp không ngừng đổi mới, nâng cao tay nghề và đóng góp tốt hơn nữa vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chương trình bình chọn 50 sự kiện, hoạt động nổi bật của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1975 – 2025 do UBND Thành phố tổ chức từ ngày 21 - 31/3/2025, thu hút hơn 9.000 lượt người dân tham gia, qua đó giúp quảng bá, giới thiệu sâu rộng các kết quả, thành tích nổi bật đạt được trên từng lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; góp phần khơi dậy khát vọng của đồng bào, nhân dân Thành phố và khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thành phố.
Cùng với 50 sự kiện, hoạt động nổi bật, dịp này UBND TP.HCM cũng công bố và tổ chức triển lãm 50 tác phẩm văn học - nghệ thuật, 50 công trình xây dựng tiêu biểu của TP.HCM giai đoạn 1975 - 2025. Chương trình triển lãm diễn ra tại Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố từ ngày 26/4 - 30/4/2025.
Lam Vân (CESTI)