Việc đánh giá DDCI sẽ giúp các đơn vị và địa phương thấy được những điểm mạnh điểm yếu, từ đó có các biện pháp nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho việc đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.
DDCI (District and Department Competitiveness Index - Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp Sở, ban ngành và Địa phương) là công cụ đánh giá năng lực điều hành kinh tế của chính quyền các quận, huyện và các sở, ngành tại TP.HCM. Công cụ này được xây dựng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của thành phố. Năm 2024, phương pháp khảo sát DDCI sẽ kết hợp sử dụng nhiều phương pháp phù hợp. Trong đó, khảo sát chính bằng hình thức khảo sát trên các nền tảng (platform) trực tuyến và phỏng vấn trực tiếp tại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhà đầu tư chiến lược.
Cụ thể, đối với các Sở, ban ngành, DDCI có 9 chỉ số thành phần, bao gồm: Tiếp cận minh bạch thông tin và Chuyển đổi số; Chi phí không chính thức; Chi phí thời gian; Cạnh tranh bình đẳng; Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý; Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của đơn vị; Chỉ số Xanh; Chỉ số Sức khỏe và Môi trường sống. Đối với các địa phương, DDCI có 10 chỉ số thành phần, bao gồm: Tiếp cận minh bạch thông tin và Chuyển đổi số; Chi phí không chính thức; Chi phí thời gian; Cạnh tranh bình đẳng; Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của đơn vị; Chỉ số Xanh; Chỉ số Sức khỏe và Môi trường sống; Khả năng tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất.
Khảo sát DDCI tại TP.HCM năm 2024 được tiến hành từ tháng 11/2024 – 15/12/2024, tập trung vào các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà đầu tư đang triển khai dự án, các hợp tác xã, hộ kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn Thành phố. Việc triển khai DDCI tại TP.HCM mang lại nhiều lợi ích to lớn như khảo sát và thăm dò mức độ hài lòng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hộ kinh doanh cá thể và hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn Thành phố, từ đó giúp các cơ quan chính quyền hiểu rõ hơn về các điểm mạnh và yếu, từ đó đưa ra các biện pháp cải tiến phù hợp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Đồng thời, thông qua việc đo lường và đánh giá hiệu quả điều hành, DDCI giúp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thành phố hàng năm, tạo sự cạnh tranh và thi đua về chất lượng điều hành, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Link khảo sát: https://ddcihcmc.com.vn/khao-sat-ddci-so-ban-nganh-2024/
Theo đó, DDCI đóng vai trò quan trọng trong chiến lược xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là công cụ giúp chính quyền Thành phố cam kết minh bạch, công bằng, và liên tục cải thiện chất lượng phục vụ, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững và hiện đại của Thành phố. Được biết, Toàn bộ quy trình thực hiện DDCI tại TP.HCM được hỗ trợ bởi nền tảng công nghệ thông tin. Việc áp dụng công nghệ vào thu thập và phân tích dữ liệu giúp tăng cường tính minh bạch và độ chính xác của kết quả đánh giá. Đồng thời, nó còn giúp các cơ quan chính quyền theo dõi và đánh giá hiệu quả điều hành qua từng năm, từ đó đưa ra các kế hoạch cải tiến cụ thể và hiệu quả.
Năm 2023, kết quả khảo sát DDCI TP.HCM về tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của đơn vị đã chỉ ra được là doanh nghiệp cho rằng lãnh đạo các đơn vị Sở, ban ngành có thể chủ động nhận diện vấn đề của các doanh nghiệp mình quản lý và tham mưu cho chính quyền cấp trên đề xuất xử lý, nên xây dựng kênh thông tin Thành phố tương tự kênh “Thông tin Chính phủ”, doanh nghiệp cũng muốn được tạo môi trường “sandbox” cho hoạt động khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề nghị các đơn vị nên tập trung giải quyết công việc tồn, thúc đẩy sự phát triển chung của Thành phố, dám nghĩ dám làm. Không né tránh, không sợ trách nhiệm vì quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp cho rằng năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ công chức viên chức cần được liên tục nâng cao để hỗ trợ tốt hơn trong các thủ tục hành chính phức tạp.
Hoàng Kim (CESTI)