SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Sinh viên với an ninh thông tin trong môi trường số

09-11-2023
Ngày 07/11/2023, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ (Thành Đoàn TP. HCM) phối hợp cùng trường Đại học An ninh Nhân dân tổ chức Hội thảo khoa học “An ninh sinh viên trong thời kỳ chuyển đổi số”.

Tham dự Hội thảo là các cán bộ, trí thức trẻ, các nhà khoa học trẻ thuộc các trường Đại học, trung tâm, viện nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp, các cơ sở Đoàn trong và ngoài Thành phố; các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hội thảo có sự đồng hành của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

anninhthanhnien1.jpg

Anh ninh sinh viên trong môi trường số đối mặt nhiều thách thức

Ban tổ chức Hội thảo cho biết đã nhận được 88 bài tham luận của 177 tác giả đến từ 28 đơn vị. Các bài tham luận có nội dung chia sẻ công nghệ và các giải pháp đảm bảo an ninh sinh viên, góp phần đa dạng các phương thức tuyên truyền, giáo dục về tầm quan trọng của an ninh sinh viên trong thời kỳ chuyển đổi số.

Tại Hội thảo, các diễn giả và đại biểu tham dự cùng chia sẻ, trao đổi các vấn đề về an ninh thông tin trong thời kỳ chuyển đổi số. Đây là cơ hội giúp tạo dựng môi trường giao lưu, chia sẻ giữa các nhà khoa học trẻ, chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao nhận thức về các mối đe dọa an ninh trong môi trường số, tạo ra một sự hiểu biết chung về tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin cá nhân, an toàn trực tuyến.

anninhthanhnien2.jpg

Bài thuyết trình về mối đe dọa an ninh mạng và cách bảo vệ thanh thiếu niên

Theo đó, các đại biểu khẳng định sinh viên là chủ thể quan trọng nhất trong quá trình bảo mật thông tin. Việc có một môi trường an toàn và ổn định sẽ giúp sinh viên tập trung vào việc học tập và phát triển bản thân. Đồng thời, việc rèn luyện an ninh thông tin và bảo mật thông tin cũng giúp sinh viên hiểu rõ trách nhiệm của mình đối với đất nước và sẵn sàng tham gia vào các hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia. Do vậy, từng sinh viên phải nâng cao ý thức tự giác bảo mật khi sử dụng Internet, tích cực tự giác nâng cao nhận thức, nắm vững những quy định về bảo mật thông tin, chủ động nhắc nhở bạn học cùng thực hiện và mạnh dạn lên án, đấu tranh với những hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về an ninh mạng cho sinh viên thông qua việc tổ chức hội thảo, tư vấn, phát động các cuộc thi tìm hiểu kiến thức. Không chỉ vậy, cơ sở giáo dục cũng cần hợp tác với cơ quan an ninh để xây dựng cơ chế phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin về các mối đe dọa mới, các kỹ thuật tấn công mạng mới và biện pháp bảo vệ hiệu quả. Từ đó, hỗ trợ sinh viên nhận biết, phòng tránh và ứng phó với các mối đe dọa an ninh trực tuyến như lừa đảo, tấn công từ chối dịch vụ, tấn công malware… Thêm vào đó, cần đẩy mạnh giám sát hoạt động mạng để phát hiện, ngăn chặn các hoạt động đe dọa xâm phạm an ninh mạng; cảnh báo về các mối đe dọa an ninh mạng, phối hợp với cơ sở giáo dục để áp dụng các biện pháp xử lý khi sinh viên có hành vi cố ý xâm phạm an ninh trên không gian mạng và hệ thống thông tin của nhà trường.

Các chuyên gia khuyến cáo, trong quá trình tổ chức các hoạt động triển khai ứng dụng đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo…, cơ sở giáo dục cần đánh giá rủi ro bằng cách xác định các nhóm dữ liệu, phát hiện lỗ hổng và thiết lập các ưu tiên quản lý; xây dựng và thực hiện nghiêm túc các giải pháp, chính sách như quản trị doanh nghiệp, quản trị dữ liệu, thiết lập các lớp an ninh mạng; giám sát và báo cáo định kỳ dựa trên đặc thù của từng đơn vị như thay đổi hành vi, nhận thức người dùng; đồng thời chia sẻ và cập nhật kiến thức thường xuyên.

Hoàng Kim (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378