TP.HCM: Gợi mở nhiều giải pháp chuyển đổi số phục vụ ngành báo chí
26-06-2024Chiều 25/6, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức sự kiện kết nối sáng tạo tháng 6/2024 với chủ đề “Nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi số phục vụ ngành báo chí”.
Chương trình thuộc chuỗi sự kiện Inno-coffee năm 2024 (kết nối hợp tác giữa khu vực nghiên cứu và khu vực công), là một trong các hoạt động có ý nghĩa nhằm hưởng ứng 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6. Đây là dịp để những nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí cập nhật thêm nhiều nội dung mới thuộc lý luận chung về xu hướng chuyển đổi số; phân tích, đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với báo chí trong tình hình chuyển đổi số hiện nay. Từ đó đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí TP.HCM theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
TS. Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM) phát biểu khai mạc sự kiện.
Tại sự kiện, ThS. Nguyễn Văn Khanh (Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM) đã trình bày tham luận đề dẫn: “Thực trạng và một số giải pháp chuyển đổi số phục vụ ngành báo chí tại TP.HCM”. Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng trình bày nhiều báo cáo tham luận như Các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí ở TP.HCM; Ngôn ngữ học tính toán và báo chí; Áp dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam & thế giới giúp tối ưu quy trình sản xuất tác phẩm báo chí.
ThS. Nguyễn Văn Khanh (Phó Giám đốc Trung Tâm Báo chí TP.HCM) trình bày tham luận tại sự kiện.
Theo ông Khanh, câu chuyện chuyển đổi số hiện nay được nhắc đến trong hầu hết các lĩnh vực. Báo chí cũng không ngoài cuộc. Trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt của mạng xã hội với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy, đa dạng, thì các cơ quan báo chí bắt buộc phải nhanh chóng đón đầu công cuộc chuyển đổi số, phải có tư duy sáng tạo khi tạo ra sản phẩm, nhằm phục vụ độc giả, khán thính giả được tốt hơn.
Việc ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ thông minh nhân tạo (AI), phân tích và xử lý dữ liệu lớn (Big Data analytics), lưu trữ đám mây (Cloud)… trong lĩnh vực báo chí đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí công dân, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo. Điển hình, Báo Tuổi trẻ đã thành lập Trung tâm Phát triển nội dung số trên cơ sở sáp nhập media và các bộ phận liên quan đến hoạt động về phân tích dữ liệu, tương tác với bạn đọc, mạng xã hội. Báo Người lao động đã triển khai Đề án thu phí bạn đọc báo điện tử (từ tháng 7 năm 2022), bên cạnh đó, Báo cũng đã triển khai App (ứng dụng) Báo Người lao động điện tử năm 2014. Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) đã triển khai trang tin tức tổng hợp HTVNewZ với các tin bài theo mô hình đa truyền thông. Báo Pháp luật TP.HCM hiện khai thác 2 kênh mạng xã hội Youtube với chuyên mục “Nóng hôm nay” và “Điều tra”, 2 Kênh TikTok, 1 Fanpage Facebook, 1 kênh Zalo, đồng thời, tòa soạn còn khai thác các nền tảng khác như My Clip, Lotus, Google News, Gapo...
Hiện nay, khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi số báo chí liên quan tới cơ sở hạ tầng kỹ thuật, vốn, nguồn nhân lực, vấn đề khai thác, phân tích dữ liệu, thiếu tự chủ về công nghệ… Ngoài ra, việc phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số còn gặp không ít khó khăn do lợi nhuận quảng cáo về túi các “ông lớn” như Google, Facebook, Youtube... Thêm vào đó, cuộc cạnh tranh giữa báo chí và mạng xã hội ngày càng cam go, các vấn đề bảo đảm an ninh mạng, chống nạn tin giả, vi phạm bản quyền còn nhiều bất cập…
Qua các bài tham luận và chia sẻ tại sự kiện, giới chuyên môn đã đi sâu luận giải, đánh giá khách quan thực trạng ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí tại TP.HCM. Các đại biểu, chuyên gia, nhà nghiên cứu, khách mời cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp và giải pháp thiết thực phục vụ ngành báo chí thời gian tới, tập trung một số điểm chính như: tiếp tục nâng cao nhận thức và sự am hiểu về công nghệ số trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên về vai trò quan trọng và sự cấp thiết phải đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số báo chí đồng bộ với chương trình chuyển đổi số quốc gia; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về báo chí; tiếp tục chủ động phát triển các sản phẩm số theo xu hướng hiện đại, bám sát nhu cầu thực tiễn của công chúng; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường học hỏi kinh nghiệm, hợp tác trong nước và quốc tế về báo chí số; cần thiết phải có chủ trương và kế hoạch cụ thể của cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí truyền thông TP.HCM cùng sự hỗ trợ về mặt tài chính trong điều kiện cụ thể của Thành phố; xây dựng các “hệ thống dùng chung” hoặc “giải pháp dùng chung” cho các cơ quan báo chí, như cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu, nguồn lực con người, nguồn vốn…
Sự kiện nhận được nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp của các chuyên gia và khách mời.
Ông Nguyễn Đức Tuấn (Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ - CESTI) phát biểu tại sự kiện.
TS. Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM cho biết, chuỗi sự kiện Inno-coffee nhằm kết nối chia sẻ khó khăn trong khu vực công, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, startup đưa ra những sáng kiến giải quyết vấn đề, đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM. Qua hoạt động kết nối sáng tạo tháng 6/2024 lần này, Sở mong muốn các giải pháp có giá trị cao đưa ra trong buổi trao đổi sẽ là cơ sở để lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan hoàn thiện chiến lược, chọn lựa được nhiều giải pháp hiệu quả phục vụ công tác chuyển đổi số thời gian tới, nhằm giúp TP.HCM tiến nhanh trên con đường phát triển và hội nhập với báo chí truyền thông thế giới.
Minh Nhã (CESTI)