SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Danh sách có 68 mô hình
Lĩnh vực: Trồng trọt

Tài liệu này hướng dẫn xây dựng mô hình trồng và chăm sóc cây ổi Lê Đài Loan, là một giống ổi mới được trồng ở nước ta trong vài năm gần đây. Trái ổi Lê Đài Loan mẫu mã đẹp, cùi dày, thịt trắng, giòn, ngọt, mùi thơm, được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngoài ra giống ổi này cho trái sớm ngay từ năm đầu, nếu chăm sóc tốt từ năm thứ 2 năng suất rất cao và ổn định, do đó đây là loại cây có tiềm năng hiệu quả kinh tế cao.

Điểm nhấn của tài liệu này là hướng dẫn chi tiết kỹ thuật sản xuất trái cây an toàn theo hướng VietGAP. Từ khâu lên líp, lắp đặt hệ thống tưới đến khâu chọn giống, trồng cây và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại đều theo 1 tiêu chuẩn hiện hành. Đối với ổi là loại trái ăn ngay, kỹ thuật bao trái được áp dụng sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh, ánh nắng mặt trời và tăng tính an toàn của sản phẩm. Sản phẩm sản xuất theo quy trình sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Vườn ổi Lê Đài Loan giai đoạn cho trái ổn định từ năm thứ 3 trở đi cho lợi nhuận ước tính 260 triệu đồng/ha, tỷ suất lợi nhuận là 2,9 lần. Như vậy, chi phí đầu tư không cao quá, lợi nhuận tốt. Nếu nhà vườn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đạt được giấy chứng nhận VietGAP thì sẽ có giá bán cao hơn và có khả năng tiêu thụ tốt hơn, nâng cao thêm hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Liên hệ: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Bền vững.

ThS. Vũ Mạnh Hà – Đt: 0987 17 17 25,

E-mail: ha.nnbenvung@gmail.com,

Website: nongnghiepbenvungcsa.com

 

Lĩnh vực: Trồng trọt

Các kết quả nghiên cứu trên thế giới cho biết xoài là loại ký chủ ưa thích của nhiều loại sâu bệnh hại kể cả giai đoạn nuôi trái, thu hoạch và sau thu hoạch. Phần kỹ thuật trồng và chăm sóc tập trung vào các biện pháp kỹ thuật tiến tiến để phòng trừ các loại sâu bệnh hại chính, kỹ thuật bao trái để sản xuất trái xoài an toàn, chất lượng cao. Đồng thời hướng dẫn áp dụng các biện pháp xác định thời điểm thu hoạch, thu hoạch và bảo quản trái xoài sau thu hoạch để hạn chế tối đa thiệt hại do bệnh thán thư, thối đầu trái. Đây là 2 bệnh chủ yếu và gây thiệt hại đáng kể lên trái xoài sau thu hoạch. Chất bảo quản được sử dụng trong mô hình là AC-36 FDA (xuất xứ Tây Ban Nha).

Ước tính lợi nhuận cây xoài Đài Loan xanh giai đoạn kinh doanh ổn định khoảng 285 triệu đồng/ha, tỷ suất lợi nhuận là 3,17 lần.

Liên hệ: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Bền vững.

ThS. Vũ Mạnh Hà – Đt: 0987 17 17 25,

E-mail: ha.nnbenvung@gmail.com,

Website: nongnghiepbenvungcsa.com

 

Lĩnh vực: Trồng trọt

Điểm nhấn của quy trình trồng và chăm sóc chôm chôm này là hướng người dân sản xuất theo các tiêu chuẩn của VietGAP từ khâu lên líp, lắp đặt hệ thống tưới đến khâu chọn giống, trồng cây và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại. Sản phẩm sản xuất ra theo quy trình có chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

So sánh hiệu quả kinh tế của các hộ sản xuất chôm chôm đại trà và các hộ tham gia sản xuất chôm chôm theo quy trình VietGAP vào cùng thời điểm có sự chênh lệch rất lớn. Ước tính, sản xuất chôm chôm theo quy trình VietGAP lợi nhuận đạt 219 triệu đồng/ha, tỷ suất lợi nhuận vốn là 4,59 lần. Mô hình được triển khai sẽ góp phần nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhà vườn sản xuất chôm chôm.

Đồng thời, mô hình chăm sóc vườn cây ăn trái phục vụ khách du lịch đã phát triển mạnh ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Đối với những vườn cây này có đặc điểm chung là khách du lịch được thưởng thức trái cây ngay tại vườn và khám phá những điều thú vị của vườn cây. Đây cũng là mô hình được cư dân thành thị trong vài năm trở lại đây rất quan tâm nên tiềm năng phát triển là rất lớn.

Mô hình phát triển vườn cây ăn trái theo hướng bền vững, đa dạng sản phẩm kết hợp phát triển du lịch sinh thái góp phần kết nối giữa người sản xuất với người tiêu thụ, nhờ đó tăng thêm cơ hội và đa dạng hóa kênh tiêu thụ trái cây địa phương.

Liên hệ: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Bền vững.

ThS. Vũ Mạnh Hà – Đt: 0987 17 17 25,

E-mail: ha.nnbenvung@gmail.com,

Website: nongnghiepbenvungcsa.com

 

Lĩnh vực: Trồng trọt

Măng cụt là loại cây ăn trái nhiệt đới có yêu cầu điều kiện sinh thái khắt khe nên chỉ có một số ít nước sản xuất được măng cụt. Đồng thời trái măng cụt có phẩm chất thơm ngon, rất được thị trường ưa chuộng cho nên có giá trị thương mại cao.

Hiện nay với việc biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với cây măng cụt là loại cây ăn trái rất nhạy cảm ở các giai đoạn xử lý ra hoa ra hoa, đậu trái, thu hoạch. Khó khăn lớn nhất trong sản xuất măng cụt là hiện tượng sượng trái, nguyên nhân của hiện tượng này chủ yếu do dư nước và mất cân bằng dinh dưỡng. Tài liệu này hướng dẫn chi tiết kỹ thuật xử lý ra hoa sớm đồng loạt nhằm thu hoạch trái sớm tránh mùa mưa giảm sượng trái.

Công nghệ áp dụng trong mô hình sẽ giảm được việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm an toàn đáp ứng người tiêu dùng. Đồng thời tạo môi trường trong lành và cảnh quan đẹp cho khách du lịch, góp phần kết nối nhà vườn với các kênh tiêu thụ đa dạng.

Ước tính lợi nhuận mô hình cây măng cụt giai đoạn cho trái ổn định đạt 130 triệu đồng/ha, tỷ suất lợi nhuận 3,6 lần.

Liên hệ: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Bền vững.

ThS. Vũ Mạnh Hà – Đt: 0987 17 17 25,

E-mail: ha.nnbenvung@gmail.com,

Website: nongnghiepbenvungcsa.com

 

Lĩnh vực: Trồng trọt

Tài liệu mô hình này giới thiệu chi tiết các khâu từ thiết kế vườn, kỹ thuật trồng và chăm sóc. Trong đó đối với cây nhãn phải chú ý kỹ thuật xử lý ra hoa để giúp cây ra hoa tập trung hơn hoặc làm cây ra hoa trái vụ để có giá bán tốt hơn; các biện pháp kỹ thuật giúp tăng đậu quả, hạn chế rụng quả non.

Việc áp dụng các biện pháp trong tài liệu mô hình sẽ nâng cao được năng suất từ 10-20% và tăng chất lượng trái. Do đó sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 15-20% cho người sản xuất. Năng suất, chất lượng trái cao hơn, phẩm cấp trái đồng đều do đó tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn, bán với giá tốt hơn, sức khỏe người sản xuất cũng được đảm bảo hơn. Ước tính, lợi nhuận vườn nhãn xuồng giai đoạn kinh doanh đạt 275 triệu đồng/ha, tỷ suất lợi nhuận là 3,67 lần. Mô hình được triển khai sẽ góp phần nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhà vườn sản xuất nhãn.

Liên hệ: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Bền vững.

ThS. Vũ Mạnh Hà – Đt: 0987 17 17 25,

E-mail: ha.nnbenvung@gmail.com,

Website: nongnghiepbenvungcsa.com

 

Lĩnh vực: Chăn nuôi

- Giống heo có nguồn gốc Đan Mạch mới được đưa về nuôi tại Việt Nam những năm gần đây và là một trong những giống heo có khả năng sản xuất cao nhất thế giới.

- Heo giống được chuyển giao là heo giống Landrace lai với heo Yorkshire, trong đó máu Đan Mạch chiếm khoảng 50-75%, phần còn lại là tỉ lệ của những nguồn gốc khác như Mỹ, Canada đã có sẵn trong nước và thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi Việt Nam. Đàn heo hậu bị được chuyển giao mang những đặc tính sinh sản tốt của heo Đan Mạch và có khả năng thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi tại Củ Chi nói riêng và Việt Nam nói chung.

Lĩnh vực: Chăn nuôi

Xây dựng và tính toán khẩu phần ăn chò bò sữa có tầm quan trọng rất lớn trực tiếp ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sữa cũng như hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi bò sữa. Song các nghiên cứu trên được thực hiện tại các trang trại có số lượng bò lớn và việc lập khẩu phần chỉ được áp dụng cho một số cá thể bò sữa tại một địa điểm cố định mà khó có thể áp dụng rộng rãi.

Các chương trình, phần mềm để tính khẩu phần ăn cho bò sữa thường được sử dụng trong các trang chăn nuôi số lượng lớn  (>50 cái vắt sữa) mà chưa được áp dụng cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nguyên nhân bởi vì chi phí khá cao, mặt khác khả năng tiếp cận với trình độ khoa học kỹ thuật của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn thấp nên chưa đủ khả năng để thực hiện việc tính toán khẩu phần ăn cho bò sữa trên máy tính dẫn đến việc không đáp ứng đủ theo nhu cầu của bò sữa hoặc cho ăn dư so với nhu cầu gây lãng phí.

Mặt khác việc xử lý chất thải sau chăn nuôi đang được nhà nước, chính quyền địa phương và toàn xã hội quan tâm vì chất thải từ chăn nuôi bò sữa nếu không được xử lý hoặc xử lý không đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường (ô nhiễm bầu không khí, ô nhiễm nguồn nước ngầm, lây lan vi khuẩn, bệnh tật…).

Lĩnh vực: Trồng trọt

Từ năm 2000 đến nay đã có nhiều mô hình nhà lưới được ứng dụng trong sản xuất rau. Hiệu quả sử dụng nhà lưới trong trồng rau là tăng hệ số sử dụng đất, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động. Trồng rau cải ngọt, cải xanh trong nhà lưới mang lại thu nhập cao hơn ngoài nhà lưới trên 40 triệu đồng/ ha/ năm.

Việc lựa chọn nhà lưới kín hay hở tùy thuộc vào mục đích nào được ưu tiên: chọn nhà lưới kín khi ưu tiên là ngăn ngừa côn trùng. Chọn nhà lưới hở khi ưu tiên là hạn chế tác hại của mưa. Nếu muốn dung hòa 2 mục đích trên cần nghiên cứu mẫu nhà lưới hở một phần mái.

Lĩnh vực: Chăn nuôi

Để nâng cao khả năng sinh sản ở đàn bò cái và tạo ra bê lai có chất lượng tốt thì việc chọn lựa bò cái sinh sản cũng như quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng là điều thiết yếu cần được quan tâm.
Mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản chất lượng cao giúp người chăn nuôi biết được các bước chuẩn bị để xây dựng mô hình, cách chọn giống bò cái sinh sản, cách ghép đôi giao phối, chuồng nuôi và mật độ nuôi, phương thức chăn nuôi,  chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, khẩu phần ăn theo từng giai đoạn và vệ sinh, thú y.

Lĩnh vực: Nhân giống - Phòng bệnh

Hàng năm số lượng cây giống Mokara cung cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận chủ yếu được nhập khẩu từ Thái Lan là chính. Chất lượng cây giống không được kiểm định nên đôi khi không  đảm bảo về chất lượng, hơn nữa việc đầu tư cây giống lan Mokara với chi phí cao cũng gây khó khăn lớn cho việc đầu tư mở rộng diện tích của  người sản xuất. Do đặc tính cây cấy mô lan Mokara sinh trưởng chậm, mặc dù trong những năm qua cũng đã có các đơn vị nghiên cứu như: Trung tâm Công nghệ Sinh học, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao nhân giống và cung cấp giống lan Mokara cấy mô nhưng số lượng còn khiêm tốn chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường. Vì vậy việc đầu tư xây dựng phòng nuôi cấy mô tế bào thực vật để phục vụ cho nhân giống invitro và hướng đến lai tạo các giống lan Mokara cũng như các giống lan khác có chất lượng cao, đáp ứng thị trường trong nước nhằm chủ động được nguồn giống ổn định phục vụ cho mở rộng sản xuất của các thành viên của Hợp tác xã nói riêng đồng thời cung cấp giống cho bà con nông dân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

mohinhungdungtrongnongnghiep

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353