Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030
04-05-2020Ảnh minh họa
Cụ thể phấn đấu đến năm 2030: Kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm; phát triển lực lượng lao động chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển; hoàn thành xây dựng Chính phủ số; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật số; đạt mức Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN; mạng 5G phủ sóng toàn quốc…Theo dự thảo, mục tiêu đặt ra là tận dụng có hiệu quả các cơ hội của cuộc CMCN 4.0 nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Phát triển dịch vụ internet di động 5G, phát triển nguồn nhân lực
Dự thảo cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Theo đó, phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu: Phát triển dịch vụ internet di động 5G; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng mạng lưới cáp quang tốc độ cao quốc gia và tăng băng thông internet quốc tế bằng chính sách tín dụng phát triển. Xây dựng xa lộ internet cho các dịch vụ nhiều người dùng, như: dịch vụ hành chính công, dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ khác.
Đồng thời, tập trung phát triển nguồn nhân lực, mở rộng, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo đại học, đặc biệt trong các ngành đào tạo phục vụ CMCN 4.0: Áp dụng các giải pháp sáng tạo (như là đào tạo trực tuyến (e-Learning), đào tạo tại doanh nghiệp theo chương trình được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt) để tăng nhanh số lượng và chất lượng các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật, nhất là các chuyên ngành An ninh mạng, Phân tích dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo…
Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho người lao động trong các doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo kỹ năng mới để chuyển đổi công việc trong quá trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới sản xuất kinh doanh; hỗ trợ để đào tạo nghề cho người lao động thất nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.
Cùng với đó, tập trung thực hiện xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, đầu tư, phát triển một số công nghệ cơ bản của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Dự thảo nêu rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ chỉ đạo Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa điều chỉnh kế hoạch hoạt động theo hướng tăng tỷ lệ vốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0; nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ tăng quy mô quỹ để hỗ trợ nhiều doanh nghiệp hơn. Huy động vốn vay ưu đãi quốc tế cho các dự án phát triển hạ tầng kết nối, hạ tầng dữ liệu, Chính phủ điện tử…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.