SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Phó thủ tướng thường trực chính phủ: đẩy mạnh đánh giá độc lập việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính

20-05-2019

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Với nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính và xác định cải cách thủ tục hành chính là khâu then chốt. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Bày tỏ sự nhất trí với định hướng hoạt động của Hội đồng Tư vấn và nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 và những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính và từng thành viên tập trung thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ sau đây:
Tích cực, chủ động nghiên cứu, tư vấn, đề xuất các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính để mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và người dân cũng như cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó, cần tập trung vào những vấn đề thể chế còn nhiều khó khăn, vướng mắc hoặc những vấn đề trọng tâm, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: Thuế, hải quan, đầu tư, đất đai, xây dựng, tiếp cận điện năng, kiểm tra chuyên ngành… “Chính phủ luôn luôn lắng nghe để chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ khẳng định.
Theo đó, các thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính tích cực tham gia ý kiến đối với cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời, phản hồi về tính khả thi, tính hợp lý cũng như chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của các thủ tục hành chính đã ban hành. Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là đề cao tính minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo đối với văn bản còn khiếm khuyết, không phù hợp, thiếu khả thi...
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng nêu ra câu hỏi đang đặt ra hiện nay. Đó là, các giải pháp để tiếp tục cải cách thể chế, cải cách hành chính và thủ tục hành chính được xác định hết sức quan trọng. Đó là, từ việc cải cách thể chế như pháp luật, phương thức vận hành của bộ máy nhà nước, trách nhiệm, đạo đức công vụ, tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, ý thức phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, cần đẩy mạnh hoạt động đánh giá độc lập việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại Bộ, ngành, địa phương. Trong đó, tập trung vào việc xây dựng, khảo sát, đánh giá theo chuyên đề như chuyên đề về tình hình, kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, hải quan, tiếp cận điện năng; chuyên đề về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính… báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố công khai cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Hằng năm, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính thực hiện đánh giá và công bố Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính là một hoạt động có ý nghĩa, tuy nhiên, cần phải cẩn trọng trong thực hiện, việc đánh giá phải thực chất và hiệu quả…
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý Hội đồng Tư vấn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về cải cách hành chính, thủ tục hành chính, trong đó tập trung vào những nội dung như: Giới thiệu những điểm mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến trong việc giải quyết thủ tục hành chính; những kết quả của việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; Nghị quyết số 02/NQ-CP Chính phủ về cải cải cách hành chính, thủ tục hành chính, trong đó tập trung vào những nội dung như: Giới thiệu những điểm mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến trong việc giải quyết thủ tục hành chính; những kết quả của việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; Nghị quyết số 02/NQ-CP Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phải lan tỏa được khí thế và tạo động lực cải cách tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân để huy động sự tham gia của toàn xã hội vào việc xây dựng, phát triển đất nước…
Nguồn: baochinhphu.vn


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378