Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) lần thứ 15 phản ánh cảm nhận, trải nghiệm, ý kiến và kỳ vọng của người dân Việt Nam về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp trong năm 2023.
Báo cáo cho thấy, năm 2023, người dân đánh giá cao hơn hiệu quả phòng, chống tham nhũng và quản trị điện tử, nhưng lại đánh giá thấp hơn hiệu quả thực hiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định tại địa phương. Tình hình kinh tế của Việt Nam và điều kiện kinh tế hộ gia đình là mối quan ngại hàng đầu của người dân trong năm qua.
Năm 2023, ba vấn đề người dân cho rằng Nhà nước cần tập trung giải quyết trong năm tiếp theo đó là nghèo đói (chiếm 22,39% tổng số người trả lời), việc làm (12,79%) và tăng trưởng kinh tế (9,2%). Những kết quả nêu trên cho thấy người dân thực sự quan ngại về tình hình kinh tế trong năm qua.
Phát biểu khai mạc Lễ công bố, PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, điểm lại một số kết quả quan trọng mà Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (HCMA) và UNDP đã cùng nhau đạt được trong chặng đường 15 năm hình thành và phát triển của Bộ chỉ số PAPI, bền bỉ đóng góp cho những thay đổi to lớn, tích cực, có hệ thống trong nền hành chính công Việt Nam.
“Nhìn lại những thành tựu hợp tác giữa HCMA và UNDP trong 15 năm qua, có thể thấy chúng ta đang đi đúng hướng, kết quả nghiên cứu đã có tác động tích cực, trực tiếp đến những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như thực tiễn quản trị công ở các địa phương của Việt Nam”, PGS,TS Dương Trung Ý khẳng định, “Các bộ chỉ báo khách quan như PAPI, PCI, hay chỉ số Cải cách hành chính công (PAR Index), một mặt được coi là một căn cứ quan trọng để đánh giá hiệu quả thực thi công vụ của các bộ, ngành, địa phương; mặt khác, cung cấp những gợi ý quan trọng để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển đất nước, triển khai Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Kết quả PAPI năm 2023 cũng cho thấy, đa số người dân chưa dùng dịch vụ công trực tuyến. Năm 2023, có khoảng 8,3% số người được hỏi cho biết họ đã sử dụng Cổng dịch vụ công Quốc gia và 7,6% sử dụng Cổng dịch vụ công cấp tỉnh trên phạm vi toàn quốc. Một trong những lý do khiến người dân chưa dùng dịch vụ công trực tuyến là do lo ngại về quyền riêng tư, với 1/3 số người đã dùng các cổng dịch vụ công nêu lý do này.