“Dự thảo văn bản kiến nghị Bộ Chính trị chỉ mới là đề cương sơ bộ. Khi được Bộ Chính trị chấp thuận nội dung nào thì TP.HCM sẽ có đề án cụ thể của từng nội dung đó” - ông Đầy nói.
Nhiều lợi thế để lập thành phố phía đông
Theo ông Đầy, trước đây TP.HCM đề xuất thành lập bốn TP vệ tinh nhưng đề án lần này chỉ định hướng thành lập TP ở phía đông. “Mỗi thời điểm TP có những định hướng khác nhau. Nay chỉ lập TP ở phía đông bởi ở đây có nhiều đặc thù thuận lợi và có khu đô thị sáng tạo ở trong đó. Như ở quận 2 có khu đô thị mới Thủ Thiêm, ở quận 9 có khu công nghệ cao, hay ở quận Thủ Đức có Trường ĐH Quốc gia TP.HCM” - ông Đầy nói.
Tuy nhiên, ông Đầy cũng khẳng định không phải lãnh đạo TP không quan tâm đến phát triển ba hướng còn lại, chỉ tập trung vào hướng đông, mà có thể lãnh đạo TP đã có những định hướng khác để phát triển ở các khu vực này.
Nội dung thứ hai mà TP.HCM xin thí điểm là cơ chế, chính sách phân cấp quản lý. Ông Đầy cho biết quan điểm của TP.HCM là tiếp tục đẩy mạnh phân cấp giữa chính quyền các cấp TP và những vấn đề kiến nghị trung ương phân cấp cho TP phù hợp với điều kiện chính quyền đô thị tại TP.HCM. Trong đó sẽ đổi mới cơ chế, chính sách phân cấp quản lý giữa trung ương với chính quyền TP.HCM, cụ thể là tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, một số nội dung đề nghị thay thế Nghị định 93/2001 và các nội dung phân cấp khác như quản lý đất đai, quản lý đầu tư, lĩnh vực quy hoạch, ngân sách, tài chính, quyền tự chủ và quyết định phân bổ biên chế...
Tương tự cũng sẽ không tổ chức HĐND ở phường, xã, thị trấn mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND. “Hướng xây dựng này giống như mô hình cũ mà TP.HCM đã thí điểm bỏ HĐND quận/huyện/phường, chỉ có điều nay TP xin mở rộng bỏ thêm HĐND xã và thị trấn” - ông Đầy nói.
Nội dung thứ tư mà TP xin Bộ Chính trị chấp thuận là đổi mới cơ chế quản lý, phương thức hoạt động và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức theo mô hình chính quyền đô thị. Chẳng hạn như có thể đề xuất cơ chế quản lý, vận hành các cơ quan chuyên môn theo ngành dọc. “Ví dụ như Sở GD&ĐT sẽ quản lý Phòng Giáo dục đào tạo, Sở TN&MT quản lý Phòng Tài nguyên môi trường…” - ông Đầy nói.
Cơ sở để TP.HCM kiến nghị thí điểm
Ngoài ra còn có Nghị quyết 56/2017 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cùng kế hoạch của Bộ Chính trị, nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW. Đặc biệt, vào tháng 2-2019, Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM, trong đó có nội dung “Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, phân cấp, giao quyền để TP chủ động thực hiện các nhiệm vụ”.
Theo dự kiến, nếu được chấp thuận thì đến năm 2021 TP.HCM sẽ triển khai thí điểm đề án chính quyền đô thị.
Đối với đô thị đặc biệt như TP.HCM thì cần phải thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Bởi vì các quy định hiện nay so với các địa phương khác có nhiều vấn đề bất cập. Những quy định trung ương áp dụng với TP.HCM không còn phù hợp nữa thì phải mạnh dạn đề xuất để thay đổi. Lãnh đạo TP rất quyết tâm để thực hiện đề án này, bởi mục tiêu cuối cùng là vì cái lợi của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. |