SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

UBND TPHCM yêu cầu tăng làm thủ tục trực tuyến nhằm phòng, chống dịch Covid-19

26-03-2020
Việc phát triển dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích giúp hạn chế tiếp xúc, tập trung đông người tại trụ sở các cơ quan để làm thủ tục hành chính; việc này càng hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
 
 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến vừa có chỉ đạo khẩn tới các sở, ban, ngành, UBND 24 quận, huyện về việc tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích nhằm hạn chế tối đa việc tập trung đông người tại trụ sở các cơ quan để làm thủ tục hành chính, góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu tập trung vào 5 nội dung. Thủ trưởng sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện phải tăng cường công tác tuyên truyền bằng cách sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, kênh giao tiếp trên mạng (Internet), mạng xã hội tại Việt Nam, hình thức trực tuyến để hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện dịch trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia https://dichvucong.gov.vn, Cổng dịch vụ công trực tuyến TPHCM https://dvc.hochiminhcity.gov.vnhttps://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn và các Trang dịch vụ công trực tuyến của sở, ban, ngành, UBND huyện.

UBND TPHCM yêu cầu tăng làm thủ tục trực tuyến nhằm phòng, chống dịch Covid-19 ảnh 1
Người dân có thể ngồi nhà nộp hồ sơ trực tuyến tại Cổng dịch vụ công trực tuyến TPHCM

Đồng thời, cần bố trí nhân sự trực hướng dẫn, trao đổi qua hộp thư điện tử (email), tin nhắn, điện thoại, đường dậy nóng đảm bảo trả lời các phản ánh, kiến nghị thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức thuộc thầm quyền giải quyết của đơn vị.

Sở, ban, ngành, quận, huyện phải tăng cường theo dõi, kiểm tra việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức, bảo đảm: việc giải quyết hồ sơ được đúng hạn; việc yêu cầu bổ sung hồ sơ, từ chối tiếp nhận hồ sơ, thực hiện Thư xin lỗi khi hồ sơ trễ hạn được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.

Các cơ quan, đơn vị phát hiện và kịp thời xử lý đối với các trường hợp hồ sơ bị trễ hạn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về tiếp nhận, trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cần rà soát, công khai thủ tục hành chính nhằm tạo sự thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyên mức độ 3, mức độ 4; phối hợp với Bưu điện thực hiện tuyên truyền rộng rãi đến cá nhân, tổ chức về chính sách ưu đãi cước dịch vụ bưu chính công ích trong mùa dịch bệnh Covid-19 (giảm giá cước 20% - PV).
UBND TPHCM yêu cầu tăng làm thủ tục trực tuyến nhằm phòng, chống dịch Covid-19 ảnh 2
Người dân kiểm tra việc phát triển dịch vụ công trực tuyến tại UBND huyện Hóc Môn, TPHCM.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cũng chỉ đạo Sở Tài chính TPHCM đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh thanh toán điện tử, hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện áp dụng để tạo tiện lợi cho người dân và tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính và sử dụng dịch vụ công.

Theo UBND TPHCM, việc phát triển dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích để người dân tăng cường sử dụng các dịch vụ này, qua đó hạn chế tiếp xúc, tập trung đông người tại trụ sở các cơ quan làm thủ tục hành chính, là đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh cả nước đang thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.

Trong năm 2019, lượng hồ sơ thủ tục hành chính được các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn giải quyết lên đến gần 21,4 triệu hồ sơ. Số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là hơn 6 triệu hồ sơ (tăng 76% so với năm 2018).

TPHCM có 3,8 triệu hồ sơ được tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích và được Bộ Nội vụ ghi nhận là địa phương có số lượng thực hiện cao nhất.

Từ đầu năm 2020 đến nay, nhất là khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng hồ sơ, thủ tục được giải quyết trực tuyến ở các sở, ban, ngành, quận, huyện tăng mạnh.

Mạnh Hòa - SGGP


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378