SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Đại học Y Dược TP.HCM đã xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, cũng như hoàn thiện quy trình bào chế, sản xuất quy mô thương mại đối với bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang (Cam thảo Can khương gia Nhân sâm) giúp điều trị bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ và trung bình.

Là một phần không thể tách rời của hệ thống y tế Việt Nam, y học cổ truyền luôn thể hiện vai trò trong việc phòng và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do virus SAR-CoV-2 gây ra. Và theo đó, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 1306/BYT-YDCT về việc Hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền, phương pháp y học cổ truyền trong phòng Covid-19.

Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát hồi giữa năm 2020, trên cơ sở công văn 1306/BYT-YDCT của Bộ Y tế, khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Bãi Cháy (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) khi đó đã đưa ra một số phương pháp phòng dịch theo y học cổ truyền, giúp người dân bảo vệ sức khỏe, giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm virus SAR-CoV-2.

Còn tại TP.HCM, Sâm Thảo Can khương thang (phát triển từ bài thuốc cổ phương Cam thảo Can khương thang gia Nhân sâm) được Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3 bào chế ở quy mô nhỏ, và sau đó cũng đã được Hội đồng đạo đức của Đại học Y Dược TP.HCM chấp thuận sử dụng cho bệnh nhân mắc Covid-19 thể nhẹ, trung bình.

PGS.TS Trịnh Thị Diệu Thường, chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Đánh giá hiệu quả điều trị của bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang trên bệnh nhân mắc Covid-19 thể bệnh nhẹ và trung bình bằng thử dược lý in silico và thử nghiệm lâm sàng" cho biết, theo nguyên lý y học cổ truyền, cùng với các biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh, cho thấy vị trí gây bệnh của Covid-19 là ở tạng "Phế, Tỳ" (hô hấp, tiêu hóa), thuộc tính của nguyên nhân gây bệnh là "thấp độc" (các yếu tố dịch bệnh trong môi trường ẩm thấp). Tùy theo chính khí của mỗi người hoặc phối hợp thêm các nguyên nhân như: nhiệt, thấp, đàm... mà thời gian phát bệnh, nhiều thể bệnh và mức độ bệnh lý nặng nhẹ khác nhau trên lâm sàng. Nguyên nhân chủ yếu do cảm thụ các yếu tố “dịch lệ”, thường xuất hiện theo mùa (thời hành dịch độc), vào cuối đông đầu xuân. Ngoài ra, thời tiết bất thường cũng là điều kiện thuận lợi phát sinh bệnh.

sam1

Sản phẩm thuốc y học cổ truyền Sâm Thảo Can khương thang

"Những bài thuốc y học cổ truyền có tác dụng kháng virus và tăng cường miễn dịch có nhiều triển vọng để trở thành biện pháp hỗ trợ điều trị Covid-19 nhưng chưa được khám phá và chứng minh tác dụng", PGS.TS Trịnh Thị Diệu Thường nhấn mạnh, "Vì thế, việc nghiên cứu các bài thuốc này về tác dụng dược lý ở mức độ phân tử, đánh giá tính an toàn và tiến hành các thử nghiệm lâm sàng là cấp thiết.".

Về cơ bản, các hoạt chất chính của các vị thuốc Chích cam thảo, Can khương, Nhân sâm của bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang qua các nghiên cứu dược lý trước đây gồm: 6-gingerol, 8-gingerol, 6-shogaol, liquiritin, liquiritigenin, isoliquiritin, isoliquiritigenin,  glycyrrhizic acid, saponin  (các ginsenosid), flavonoid,…

Cơ chế tác động khả dĩ của bài thuốc trên bệnh Covid- 19 qua 2 cơ chế chính: (1) hoạt tính dược lý: tăng sức đề kháng, kháng viêm, làm giảm bớt các chemokine và cytokine gây viêm; và (2) khả năng ức chế sự lây nhiễm của SARS-CoV-2 trên một số thụ thể qua nghiên cứu.

PGS.TS Trịnh Thị Diệu Thường cho biết, nhóm thực hiện đã tiến hành nghiên cứu tác dụng dược lý in silico kháng Covid-19 của các hợp chất tự nhiên trong dịch thuốc sắc của bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang (Cam thảo Can khương gia Nhân sâm) trên các mục tiêu tác động khác nhau của virus SARS-CoV-2, nghiên cứu độc tính của dịch thuốc sắc bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang. Sau đó, thử nghiệm can thiệp lâm sàng ngẫu nhiên nhãn mở, có nhóm chứng dịch thuốc sắc của bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang trên người bệnh Covid-19 thể nhẹ và trung bình.

sam2

Nhóm triển khai nhiệm vụ phát thuốc Sâm Thảo Can khương thang cho các bệnh nhân Covid-19 tự nguyện tham gia sử dụng thuốc tại BV Đại học Y Dược TP. HCM, BV dã chiến điều trị COVID-19 đa tầng Quận Tân Bình, BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3, BV dã chiến điều trị COVID-19 Thủ Đức 2, Khu cách ly tập trung dã chiến Trường Cao đẳng nghề Thủ Thiêm.

Kết quả cho thấy, bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang có công dụng giảm biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong và tăng cường hiệu quả điều trị ở bệnh nhân mắc Covid-19. Nhóm thực hiện không ghi nhận bất kỳ biến cố bất lợi xảy ra trên nhóm người bệnh Covid-19 mức độ nhẹ và trung bình có sử dụng bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang trong thời gian nghiên cứu. Khi kết hợp bài thuốc với điều trị chuẩn thì có hiệu quả điều trị trên người bệnh Covid-19 thể nhẹ và trung bình cao hơn so với điều trị chuẩn, cụ thể ở các chỉ tiêu: 1) Giảm thời gian tồn tại, giảm độ nặng của đa số từng triệu chứng thường gặp và cải thiện tổng điểm độ nặng; 2) Không có sự khác biệt về tỷ lệ chuyển nặng ở người bệnh Covid-19 thể nhẹ nhưng có tác dụng làm giảm tỉ lệ chuyển nặng ở người bệnh Covid-19 thể trung bình; 3) Rút ngắn thời gian nằm viện thông qua việc rút ngắn thời gian đạt tiêu chuẩn xuất viện; 4) Rút ngắn thời gian cần thiết để giảm tải lượng virus SARS-CoV-2; 5) Không có sự khác biệt về tỷ lệ tử vong (Không ghi nhận bệnh nhân tử vong ở cả 2 nhóm nghiên cứu nhẹ và trung bình); và 6) Giảm tổng lượng paracetamol sử dụng.

"Nhóm sử dụng bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang kết hợp với điều trị chuẩn giúp rút ngắn thời gian đạt tiêu chuẩn xuất viện so với nhóm điều trị chuẩn ở cả 2 nhóm nhẹ và trung bình", đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ nhấn mạnh, "Ngoài ra, nhóm sử dụng bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang kết hợp với điều trị chuẩn giúp rút ngắn thời gian cần thiết để giảm tải lượng virus SARS-CoV-2 (ngày) so với nhóm chứng ở cả hai nhóm nhẹ và trung bình".

Cụ thể hơn, theo báo cáo được nhóm nghiên cứu trình bày trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức hồi quý 4/2022, kết quả phân tích số liệu cho thấy rằng bài thuốc nghiên cứu  Sâm Thảo Can khương thang có tác dụng làm giảm thời gian tồn tại của đa phần các triệu chứng có ý nghĩa thống kê trên người bệnh Covid-19 thể nhẹ và trung bình, bao gồm: ho, đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau nhức cơ, sợ lạnh, khạc đàm, giảm khứu giác, giảm vị giác, đau tức ngực, đổ mồ hôi tự phát, mất ngủ.

H3-Toan canh nghiem thu.jpg

PGS.TS Trịnh Thị Diệu Thường báo cáo kết quả nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Đánh giá hiệu quả điều trị của bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang trên bệnh nhân mắc Covid-19 thể bệnh nhẹ và trung bình bằng thử dược lý in silico và thử nghiệm lâm sàng"

 

Đối với độ nặng của triệu chứng, bài thuốc nghiên cứu Sâm Thảo Can khương thang có tác dụng làm giảm độ nặng của đa số các triệu chứng thường gặp trên người bệnh Covid-19 thể nhẹ và trung bình. Một số triệu chứng chưa phát hiện được có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê có thể do tỷ lệ người bệnh có triệu các triệu chứng này thấp nhưng đều có điểm độ nặng thấp hơn ở nhóm can thiệp, bao gồm: đau đầu, khạc đàm, giảm khứu giác, tiêu chảy, khó thở, hoa mắt, buồn nôn, chán ăn, khô miệng, lo lắng, thở khò khè, đàm có máu. Xét trên tổng thể toàn bộ triệu chứng mà người bệnh trải qua, bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang có tác dụng cải thiện tốt tổng độ nặng các triệu chứng.

Ngoài ra, từ quy trình bào chế đã được xác lập và tối ưu hóa ở quy mô phòng thí nghiệm (10 gói/mẻ), PGS.TS Trịnh Thị Diệu Thường cùng nhóm cộng sự tại Đại học Y Dược TP.HCM cũng đã xây dựng và tiến hành tối ưu hóa quy trình bào chế quy mô thương mại 330 gói (chứa 90 ml dịch thuốc sắc của bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang) mỗi lô với chất lượng ổn định, đạt tiêu chuẩn cơ sở cho chế phẩm vốn dĩ cũng đã được nhóm nghiên cứu hoàn thiện trước đó trong quá trình triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ nói trên.

H4-Quy trinh san xuat.jpg

Quy trình sản xuất quy mô lớn (330 gói/lô, mỗi gói chứa 90ml dịch chiết)

Trước đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng và thẩm định đạt yêu cầu Tiêu chuẩn cơ sở cho chế phẩm Sâm Thảo Can khương thang với 7 chỉ tiêu: tính chất, chênh lệch thể tích đóng gói, tỷ trọng ở 20 độ C, cắn sau khi bay hơi, định tính, định lượng và giới hạn nhiễm khuẩn.

"Quy trình định lượng saponin toàn phần và acid glycyrrhizic đạt các chỉ tiêu tính phù hợp hệ thống, độ đặc hiệu, khoảng tuyến tính, độ chính xác, độ đúng và khoảng xác định. Có thể ứng dụng các quy trình để xác định hàm lượng saponin toàn phần và acid glycyrrhizic trong chế phẩm Sâm Thảo Can khương thang", PGS.TS Trịnh Thị Diệu Thường khẳng định.

Tựu trung, với bài thuốc cổ phương Sâm Thảo Can khương thang, ngành y tế Việt Nam đã có thêm một phương thức mới trong việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 ở thể nhẹ và trung bình, đặc biệt thích hợp cho nhóm bệnh nhân đang không thể sử dụng các phác đồ kết hợp thuốc tây y. Chưa dừng lại ở đó, với quy trình sản xuất bài thuốc đã được chuẩn hóa và kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng thành phẩm đầu ra, có thể khẳng định rằng, đội ngũ y bác sĩ, chuyên gia tại Đại học Y Dược TP.HCM đã cho thấy vai trò quan trọng của nghiên cứu khoa học trong việc khai thác tối đa nguồn dược liệu y học cổ truyền, để từ đó tạo ra những sản phẩm an toàn, hiệu quả hướng đến sự chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn cho người dân trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Thông tin liên hệ:

Đại học Y Dược TP.HCM

Địa chỉ: 217 Hồng Bàng, Quận 5, TP.HCM

Điện thoại: 028. 3855 841 -  0933000880

Email: nghiencuukhoahoc@ump.edu.vn - thuong.ttd@ump.edu.vn
Website: www.ump.edu.vn

Phần mềm EMR xây dựng theo bộ chuẩn dữ liệu đề xuất có khả năng liên thông dữ liệu giữa các hệ thống thông tin y tế và phòng ban khác nhau trong bệnh viện,giữa các bệnh viện với nhau, từ đó tăng cường khả năng khai thác và quản lý thông tin dữ liệu của hồ sơ bệnh án.

Thực tế cho thấy, nhu cầu triển khai bệnh án điện tử (BAĐT) là rất cấp thiết và hoàn toàn phù hợp với chiến lược chuyển đổi số quốc gia nói chung và của ngành y tế nói riêng, cũng như bám sát định hướng xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó có lĩnh vực y tế số, y tế điện tử.

Tuy nhiên, việc ứng dụng BAĐT chắc chắn sẽ không thành công triệt để nếu thiếu đi sự tồn tại của một bộ chuẩn dữ liệu chung, để thông qua đó các hồ sơ BAĐT có thể được luân chuyển - trao đổi thuận lợi và chính xác giữa các cơ sở y tế.

Để giải quyết bài toán này, nhóm kỹ sư - chuyên gia tại Trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) đã triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ “Xây dựng, thử nghiệm bộ chuẩn dữ liệu dựa trên các nền tảng tiêu chuẩn quốc tế HL7 FHIR và DICOM ứng dụng cho bệnh án điện tử và cho liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện”.

Theo đó, nhiệm vụ xây dựng phần mềm thử nghiệm bệnh án điện tử EMR theo chuẩn HL7 FHIR nhằm phục vụ quá trình phân tích đánh giá khả năng ứng dụng BAĐT và liên thông dữ liệu của bộ chuẩn dữ liệu đề xuất, cũng như phương án hỗ trợ một số bệnh viện tham gia thử nghiệm hiệu chỉnh bộ chuẩn dữ liệu đề xuất.

TS. Nguyễn Chí Ngọc, chủ nhiệm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ cho biết, ba mục tiêu trọng yếu của nhiệm vụ được nhóm chuyên gia thuộc Trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) hướng đến chính là khai thác ứng dụng bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe cá nhân…; nghiên cứu đề xuất cấu trúc bộ danh mục, bộ chuẩn dữ liệu dựa trên các nền tảng thế giới; và chuyển từ analog sang digital.

NV-37-H1.jpg

Sơ đồ liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện

Theo lời TS. Nguyễn Chí Ngọc, tại Điều 8 mục 3 Thông tư 46/2018 về Bệnh án điện tử quy định “phần mềm hồ sơ bệnh án điện tử phải có khả năng kết xuất bản điện tử theo tập tin định dạng XML”; và tại Điều 14 về Tiêu chuẩn công nghệ thông tin y tế quy định “Hồ sơ bệnh án điện tử phải áp dụng các tiêu chuẩn CNTT như Tiêu chuẩn HL7 (Health Level 7) gồm kiến trúc lâm sàng HL7 CDA và HL7 FHIR, và Tiêu chuẩn hình ảnh số và truyền tải trong y tế (DICOM) phiên bản 2.0 trở lên”.

Được biết, hiện nay tiêu chuẩn HL7 có 4 phiên bản nổi trội, đều được quy định bắt buộc hoặc khuyến nghị sử dụng bởi Bộ Y tế; và FHIR là một khuôn khổ tiêu chuẩn thế hệ tiếp theo kết hợp các tính năng tốt nhất của HL7 v2, HL7 v3, và HL7 CDA nhằm tận dụng các công nghệ dịch vụ web mới nhất. Ngoài ra, phim in X-quang truyền thống hiện vẫn còn được sử dụng rộng rãi trong y tế, và ứng dụng ảnh DICOM thay phim truyền thống đang được nhiều đơn vị y tế chủ động khai thác, hướng đến tính hiện đại trong công tác khám, chữa bệnh.

TS. Nguyễn Chí Ngọc nhấn mạnh, mục tiêu của nhiệm vụ là xây dựng bộ chuẩn dữ liệu chung phục vụ cho hồ sơ BAĐT và liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện, đồng thời nghiên cứu triển khai thử nghiệm bộ chuẩn dữ liệu BAĐT tại một số bệnh viện khu vực TP.HCM nhằm tăng tính linh hoạt và nâng cao hiệu quả trong quá trình chẩn đoán và điều trị tại các bệnh viện.

NV-37-H2.jpg

Toàn cảnh buổi nghiệm thu nhiệm vụ

Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức trong năm 2022, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, sản phẩm của đề tài đã hoàn thành các nội dung đề ra cho hai giai đoạn nghiên cứu - hoàn thiện, cụ thể là: Nghiên cứu bộ tiêu chuẩn HL7 FHIR và DICOM ứng dụng cho BAĐT và cho liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện; nghiên cứu chi tiết hiện trạng bệnh án theo quy định của Bộ Y tế và hiện trạng sử dụng bệnh án giấy tại các bệnh viện tham gia nhiệm vụ trong xây dựng bộ chuẩn dữ liệu cho BAĐT và cho liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện; nghiên cứu các bộ danh mục y tế phục vụ xây dựng bộ chuẩn dữ liệu cho BAĐT và cho liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện; nghiên cứu chuẩn dữ liệu tóm tắt bệnh án và công bố bộ chuẩn dữ liệu cho BAĐT và cho liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện; nghiên cứu thử nghiệm bộ chuẩn dữ liệu đề xuất tại các bệnh viện nhằm phục vụ ứng dụng BAĐT và liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện cũng như khả năng cung cấp dữ liệu trực tiếp đến Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

TS. Nguyễn Chí Ngọc cho biết có 2 bệnh viện (Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) đã thực hiện thành công việc ứng dụng bộ chuẩn dữ liệu đề xuất cùng với ứng dụng EMR là sản phẩm của nhiệm vụ. Cùng với đó, trong quá trình phối hợp triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ này, tại Bệnh viện Thống Nhất, nhiệm vụ đã đào tạo, hướng dẫn 15 bác sỹ và điều dưỡng (7 ở khoa Y học cổ truyền và 8 ở khoa Ngoại tiêu hóa). Tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nhiệm vụ đã đào tạo hướng dẫn 4 nhân viên kỹ thuật phòng Công nghệ thông tin và các bác sỹ, điều dưỡng tại 3 khoa thử nghiệm (Nội Thần kinh, Ngoại Thần kinh, Nội tiêu hóa).

 NV-37-H3.jpg

Bệnh án điện tử đi kèm ứng dụng EMR tích hợp bộ chuẩn dữ liệu đề xuất

Sau thời gian thử nghiệm hiệu chỉnh, có 2 bệnh  viện (1 bệnh viện thử nghiệm tại 3 khoa với  các mẫu hồ sơ bệnh  án thực tế, và 1 bệnh viện  thử nghiệm tại 2 khoa với các ca khám chữa bệnh trong thời gian thực) đã thực hiện thành công bộ chuẩn dữ liệu đề xuất trong việc khai thác ứng dụng BAĐT và liên thông dữ liệu.

Kết quả hiệu chỉnh và thử nghiệm cho thấy phần mềm EMR xây dựng theo bộ chuẩn dữ liệu đề xuất có khả năng hiển thị và lưu trữ đầy đủ bộ hồ sơ bệnh án theo quy định của Bộ Y tế, cho phép nhập dữ liệu và in ra các mẫu giấy phiếu này, đồng thời xuất dữ liệu ra định dạng XML theo chuẩn dữ liệu HL7 FHIR.

Ở phạm vi quốc tế, hiện có rất nhiều chuẩn dữ liệu cho việc hình thành và trao đổi dữ liệu BAĐT. Mặc dù các cơ sở khám chữa bệnh có quy mô và chuyên khoa khác nhau, dòng thông tin và yêu cầu về thông tin ở các bệnh viện về cơ bản là giống nhau. Thứ nhất, sự vụ liên quan tới quản lý nhân sự, quản lý tài chính, quản lý cơ sở vật chất, quản lý bệnh nhân tạo thành dòng thông tin quản lý. Thứ hai, hồ sơ bệnh án bao gồm thông tin hành chính, lâm sàng và cận lâm sàng tạo nên dòng thông tin liên quan đến bệnh nhân. Tất cả những thông tin này sẽ được lưu giữ trong hệ thống thông tin bệnh viện (Hospital Information System - HIS). Nếu HIS tuân thủ theo một chuẩn chung, thông tin hai chiều giữa các phòng ban, giữa các khoa trong bệnh viện, và giữa các bệnh viện với nhau có thể được trao đổi. Về mặt cấu trúc, HIS là một tập hợp dữ liệu lớn bao gồm nhiều thành phần dữ liệu khác nhau. Trong đó, phần thông tin quản lý, hành chính và lâm sàng thường ở dạng văn bản, phần thông tin  cận  lâm  sàng  thường  được liên kết  với  hệ  thống  thông  tin  xét  nghiệm (Laboratory Information System - LIS), hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh (Radiology Information System - RIS) và hệ thống lưu trữ và truyền nhận hình ảnh (Picture Archiving and Communication System - PACS). Các cơ sở khám chữa bệnh cũng như các cơ sở xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh có thể tách biệt nhau. Hơn nữa, thông tin cận lâm sàng có thể cần chuyển từ cơ sở này sang cơ sở khác tùy vào từng ca bệnh. Do đó, cần một chuẩn liên kết thông tin giữa các thành phần LIS, RIS, PACS với HIS. Tổ chức Health Level 7 (HL7) đã phát triển chuẩn dành riêng cho việc trao đổi thông tin y tế với phiên bản đầu tiên ra mắt vào năm 1987. Đến năm 1994, chuẩn này đã được Viện tiêu chuẩn dữ liệu quốc gia Mỹ (American National Standards Institute - ANSI) chính thức công nhận, và áp dụng trên toàn cầu.

HL7 International chỉ định một số tiêu chuẩn, hướng dẫn và phương pháp linh hoạt mà các hệ thống chăm sóc sức khỏe khác nhau có thể giao tiếp với nhau. Các tiêu chuẩn này tập trung vào các lớp ứng dụng, đó là "lớp 7" trong mô hình OSI, xác định cách thông tin được đóng gói và truyền từ một bên khác, thiết lập ngôn ngữ, cấu trúc và các loại dữ liệu cần thiết để tích hợp liền mạch giữa các hệ thống. Tiêu chuẩn HL7 hỗ trợ thực hành lâm sàng và việc quản lý, phân phối, và đánh giá các dịch vụ y tế, và được công nhận là thông dụng nhất trên thế giới. Mục đích của HL7 là đơn giản hóa việc tương tác và hợp tác hoạt động giữa các ứng dụng chăm sóc sức khỏe. HL7 tập trung chủ yếu vào việc chuẩn hóa các định dạng dữ liệu tổng quát. Hiện nay, HL7 hỗ trợ trao đổi các thông tin sau: nhập viện/ xuất viện và chuyển viện, quản lý tài chính, trao đổi dữ liệu chăm sóc sức khỏe, trao đổi dữ liệu hồ sơ y tế, trao đổi thông tin BAĐT, trao đổi thông tin quản lý bệnh viện.

Trong phạm vi một bệnh viện, thông tin được quản lý bởi một ứng dụng có tên gọi là hệ thống thông tin quản lý bệnh viện HIS. Ứng dụng này có thể giám sát và kiểm soát tất cả các hoạt động xảy ra và do đó HIS sẽ có các giao tiếp (interface) với các hệ thống khác như RIS, phòng tài chính, nhân sự, nhà thuốc, v.v… cũng như hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử EMR và hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR - electronic health record). Bên cạnh đó, hệ thống còn có thể được truy xuất từ Internet thông qua một ứng dụng trên nền tảng web. Nhờ vậy, HL7 cho phép truyền thông tin giữa các ứng dụng khác nhau (được phát triển bởi các công ty phần mềm khác nhau) trong bệnh viện.
Tiêu chuẩn HL7 cũng có thể được sử dụng để trao đổi thông tin liên quan đến bệnh nhân, bác sĩ, nguồn tài nguyên và tài liệu giữa các bệnh viện khác nhau. Ở cấp độ này, HL7 cung cấp các giao thức đồng bộ dữ liệu để trao đổi thông tin ổn định, độc lập giữa các bệnh viện (không phụ thuộc vào hệ điều hành, phần mềm, hệ thống cơ sở dữ liệu, v.v…)

Chia sẻ thêm về tính hiệu quả của nhiệm vụ, TS. Nguyễn Chí Ngọc khẳng định, có thể khẳng định rằng, với số lượng 54 bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế TP.HCM và hơn 1.000 bệnh viện, cơ sở y tế tại Việt Nam, nhu cầu triển khai bệnh án điện tử là rất lớn.

"Khi triển khai thành công sẽ giảm rất nhiều chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý cho bệnh viện. Sản phẩm của nhiệm vụ được công bố công khai nên các bệnh viện, cơ sở y tế tại Việt Nam và các nhà cung cấp phát triển có thể khai thác sử dụng phù hợp với nhu cầu và tính chất đặc thù của đơn vị. Về mặt khoa học công nghệ, việc hình thành một chuẩn dữ liệu chung cho ngành y tế Việt Nam bám sát với yêu cầu thế giới giúp bảo đảm khả năng làm chủ quy trình đồng thời bảo đảm tính độc lập với các phần mềm chưa chuẩn hóa trên thị trường. Do được nghiên cứu và phát triển trong nước, hệ thống chuẩn dữ liệu chung này sẽ bảo đảm thích nghi với các quy định của Bộ Y tế và ngành Bảo hiểm xã hội", TS. Nguyễn Chí Ngọc thông tin thêm, "Mặt khác, do bám sát với tiêu chuẩn dữ liệu thế giới, khả năng tương thích và trao đổi thông tin với các hệ thống nước ngoài được bảo đảm. Nhờ vậy, chi phí phát triển và hiệu chỉnh tiêu chuẩn dữ liệu trong tương lai cũng sẽ giảm đi đáng kể. Ngoài ra, sản phẩm của đề tài có thể được sử dụng trong đào tạo và nghiên cứu thông qua các bộ tài liệu kỹ thuật mô tả các chuẩn quốc tế HL7 và DICOM. Thông qua các hoạt động của nhiệm vụ sẽ thúc đẩy quá trình triển khai hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao trong y tế".

NV-37-H4.jpg


Nhân viên y tế tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương sử dụng ứng dụng EMR với bộ chuẩn dữ liệu đề xuất

Về hướng phát triển mở rộng của nhiệm vụ, TS. Nguyễn Chí Ngọc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tiếp tục xây dựng triển khai bộ chuẩn dữ liệu đề tài thành nền tảng cho khoa học y tế; mở rộng đào tạo đại trà ứng dụng HL7 FHIR và SNOMED CT; Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ứng dụng HL7 FHIR, SNOMED CT; để từ đó đề xuất với Bộ Y tế cũng như Sở Y tế TP.HCM về việc sử dụng bộ chuẩn dữ liệu bệnh án điện tử trên phạm vi TP.HCM nói riêng và toàn quốc nói chung.

Hay nói cách khác, các giải pháp cấu trúc dữ liệu và bộ công cụ liên quan là sản phẩm của nhiệm vụ khoa học - công nghệ do Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM triển khai thực hiện một lần nữa khẳng định tính tiên phong của việc gắn liền sản phẩm nghiên cứu khoa học vào thực tiễn đời sống xã hội mà các đơn vị trường viện đóng trên địa bàn TP.HCM đang hướng tới, đồng thời cho thấy rằng TP.HCM là địa phương đi đầu trong triển khai, hỗ trợ các giải pháp liên quan đến y tế thông minh, từng bước xây dựng TP.HCM trở thành một đô thị thông minh hiện đại gắn liền với chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, và quản lý nhà nước.

Thông tin liên hệ:

Trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM)

Địa chỉ: 268 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, Tp.HCM

Điện thoại: 028-38647256 - 0906115228

E-mail: khcn@hcmut.edu.vn - ncngoc@hcmut.edu.vn

Website: hcmut.edu.vn

Từ phụ phẩm của quả bưởi và sử dụng công nghệ Electrospinning, nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam đã chế tạo tạo màng Nanocellulose-Narringin, ứng dụng làm mặt nạ dưỡng da dạng khô, với nhiều ưu điểm vượt trội.

Bưởi là một loại cây trồng quen thuộc ở Việt Nam. Ở bưởi, thịt quả là phần được dùng chủ yếu, còn phần vỏ quả lại chiếm một tỷ lệ lớn nhưng thường bị bỏ đi. Trong khi đó, vỏ bưởi có hai hoạt chất quan trọng có thể sử dụng là Naringin và Cellulose. Hoạt chất Naringin là một họ flavonoid glycoside, làm cho nước bưởi có vị đắng. Trong cơ thể người, Naringin được chuyển hóa thành naringenin, một dạng flavanone. Cellulose là tiền chất để chuyển hóa thành nanocelulose, tiềm năng ứng dụng của Nanocellulose là rất lớn. Do những đặc tính độc đáo và nguồn nguyên liệu không giới hạn, chúng có ứng dụng rộng rãi trong các ngành chăm sóc sức khỏe, chăm sóc cá nhân, da liễu, tai mũi họng, thực phẩm ăn kiêng, công nghệ sinh học và nhiều ứng dụng khác.

Hiện nay, Naringin đã được sản xuất và thương mại hóa dưới dạng tinh chất để sử dụng trong dược phẩm cũng như thực phẩm với giá thành cao. Trong khi đó, trữ lượng vỏ bưởi ở nước ta rất lớn, nếu khai thác tốt nguồn nguyên liệu này, sẽ giải quyết được nhu cầu và giảm giá thành thuốc có chứa hoạt chất Naringin.

buoi1

Mặt nạ dưỡng da với màng Nanocellulose-Naringin từ vỏ bưởi

Xu hướng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, hiện đang dần chuyển hướng qua sử dụng các chất có nguồn gốc từ thiên nhiên, để thay thế cho các nguyên liệu tổng hợp được dùng trong các ngành chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Tuy nhiên, các tinh chất được chiết xuất thường dễ bị biến tính vì các tinh chất này kém bền do nhiệt độ, pH và quy trình sản xuất như khuấy trộn, gia nhiệt tác động, làm cho chúng bị biến tính, hoặc giảm hoạt tính so với ban đầu. Do đó, TS. Mai Thành Chí và cộng sự tại Viện Công nghệ Hóa học đã chế tạo thiết bị và làm chủ được công nghệ Electrospinning, nhằm khắc phục tình trạng này, thông qua việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nâng cấp và hoàn thiện công nghệ Electrospinning tạo màng Nanocellulose-Naringin từ vỏ bưởi ứng dụng làm mặt nạ dưỡng da”.

Theo TS. Mai Thành Chí, có một số phương pháp đã được nghiên cứu để giúp các hoạt chất bền hơn trong quá trình sản xuất cũng như sử dụng, trong đó có kỹ thuật bọc hoạt chất bằng thiết bị điện cực quay để tạo tấm màng. Phương pháp Electrospinning có nhiều ưu điểm vượt trội so với các phương pháp khác, có khả năng kết hợp đồng thời với nhiều loại polymer khác để tạo ra nhiều vật liệu. Hình thái sợi có thể điều chỉnh bằng cách thay đổi các thông số, bao gồm nồng độ, khối lượng phân tử của polymer, dung môi, điện trường và khoảng cách điện cực. Đường kính của sợi có thể điều chỉnh bằng tỷ lệ giữa chất mang và hoạt chất, điện trường và tốc độ nạp trong Electrospinning.

“Electrospinning đã xác định là một trong những kỹ thuật hiệu quả nhất được
sử dụng để tổng hợp vật liệu nano, vì vậy chúng tôi áp dụng để tạo màng Nanocellulose-Naringin từ vỏ bưởi ứng dụng làm mặt nạ dưỡng da. Thiết bị Electrospinning không những có chi phí rẻ hơn so với các thiết bị nhập khẩu cùng công suất, mà do làm chủ được công nghệ nên chúng tôi có thể thay đổi các cơ cấu phù hợp với từng loại nguyên liệu khác nhau”, TS. Mai Thành Chí khẳng định.

buoi2

Các mẫu Naringin sau quá trình tinh sạch

Để thực hiện mục tiêu đã đặt ra, bưởi da xanh Bến Tre được nhóm tác giả thu mua, rửa sạch, sau đó bóc tách phần vỏ xanh bên ngoài, lấy phần cùi trắng của vỏ bưởi (do Naringin trong phần cùi trắng chiếm hơn 70% so với với trong các thành phần khác). Sau đó, cùi trắng tiếp tục được thái lát thành những lát mỏng 1mm, làm khô, rồi xay để điều chế Nanocellulose và Naringi. Hai hợp chất này phối trộn với nhau, để tạo màng vật liệu Nanocellulose-Naringin bằng công nghệ  Electrospinning .

 buoi3

Vật liệu Cellulose (trái) và Nanocellulose

Đồng thời, nhóm thực hiện nhiệm vụ cũng tiến hành nghiên cứu chế tạo thiết bị Electrospinning dạng pilot năng suất 1-5 m2/giờ để tạo màng Nanocellulose. Thiết bị có tên HTC – NE, đa vòi phun quy mô bán công nghiệp, năng lực sản xuất màng sợi 0,01-5 g/m2. Thiết bị gồm các bộ phận như khung máy, nạp liệu, đèn LED chiếu sáng, quạt thông gió, kiểm soát buồng khí, vòi phun, bộ thu nhận dạng cuộn, bảng điều khiển, hệ thống an toàn,…Thiết bị này có chi phí rẻ hơn so với các thiết bị nhập khẩu cùng công suất. Ngoài ra, có thể thay đổi các cơ cấu phù hợp với từng loại nguyên liệu khác nhau.

buoi4

 Hệ thống cuộn và bảng điều khiển của thiết bị HTC - NE

Để sản xuất mặt nạ dưỡng da, hỗn dịch Nanocellulose - Naringin sau khi được điều chế, phối trộn với một số nguyên liệu khác (Glycerin, OM-Cinnamate, Oxybenzone, Cyclo-Dimethicone, GelMaker EMU, Titan Dioxit, Grapefruit Essential Oil, nước), và vải chuyên dụng cho sản xuất mặt nạ,  rồi chạy trên thiết bị Electrospinning HTC - NE. Mặt nạ dưỡng da đạt tiêu chuẩn cơ sở TCCS 04:2022/VCNHH theo thông tư 06/2011/TT-BYT; và đồng thời được đánh giá bởi trung tâm kiểm nghiệm Dược phẩm-Mỹ phẩm TP.HCM.

Qua quá trình thực hiện, nhóm tác giả đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vật liệu Nanocellulose và vật liệu Naringin từ vỏ bưởi kết hợp công nghệ CO2 siêu tới hạn, với các thông số kỹ thuật chính là áp suất ở mức 110 bar, nhiệt độ ở mức 50 độ C. Các thông số này đã được hội đồng chuyên gia của Viện Công nghệ hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) thông qua.

Bên cạnh đó, quy trình công nghệ sản xuất vật liệu Nanocellulose – Naringin từ vỏ bưởi bằng thiết bị Electrospinning, với các thông số kỹ thuật chính: Điện áp: 0-40 kV, khoảng cách từ đầu phun tới bản thu: 10-300 mm, tốc độ bơm dịch: 0,5-28 ml/giờ, cùng được hoàn thiện. Đặc biệt là quy trình sản xuất mặt nạ dưỡng da từ vật liệu Nanocellulose-Naringin đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.

buoi5

Sản phẩm Nanocellulose-Naringin cuộn màng(trái) và lớp màng

Theo đại diện nhóm thực hiện nhiệm vụ, sản phẩm mặt nạ dưỡng da là mặt nạ dạng khô đầu tiên được nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam, ứng dụng các công nghệ tiên tiến như CO2 siêu tới hạn, Nano, Nano - Electrospinning giúp tăng độ thẩm thấu nhanh, hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản, mang lại cảm giác dễ chịu cho da, với hoạt chất chống tia UV tự nhiên là Naringin và rất tiện lợi trong quá trình sử dụng.

Không những thế, màng Nanocellulose chứa Naringin trực tiếp từ vỏ bưởi không qua quá trình chiết tách tinh dầu, giảm bớt công đoạn trong quá trình sản xuất. Naringin còn được bảo quản bằng phương pháp bọc, giúp đảm bảo các hoạt tính không bị biến tính, độ ổn định cao, khi được sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm, dược phẩm và làm tăng công dụng, thời gian bảo quản của sản phẩm. Đối với thiết bị Electrospinning dạng pilot bọc các hoạt chất ở dạng
màng và dạng bột, về cơ bản đã giúp tăng khả năng phối liệu hoạt chất vào trong các sản phẩm.

Thông qua giải pháp EyeDr, các bệnh viện trong và ngoài công lập, bệnh viện tuyến quận huyện, trung tâm y tế phường xã chỉ cần trang bị thiết bị chụp được ảnh gai thị, là hoàn toàn có thể tầm soát sớm bệnh lý đáy mắt cho bệnh nhân mà không cần sự hiện diện trực tiếp của bác sỹ - chuyên gia glôcôm.

Glôcôm là bệnh lý thần kinh thị giác đặc trưng bởi hình thái tổn thương đặc hiệu tiến triển của lớp sợi thần kinh và đĩa thị, với tình trạng nhãn áp tăng cao làm mất dần sợi thần kinh võng mạc dẫn đến mù lòa không hồi phục.

Glôcôm là nguyên nhân chiếm tỷ lệ hơn thứ hai, chỉ xếp sau đục thủy tinh thể, dẫn đến chứng mất thị lực hoàn toàn. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Viện Mắt Trung ương, cả nước có hơn 380.000 người bị mù hai mắt, trong đó có hơn 24.000 người bị mù lòa do glôcôm (chiếm 65% và đứng thứ hai sau bệnh lý đục thể thủy tinh 66,1%), vì vậy bệnh glôcôm là mối đe dọa nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng.

11

TS.BS Phạm Thị Thủy Tiên giới thiệu những tính năng chính của giải pháp EyeDr

Biểu hiện bệnh glôcôm thường không rõ ràng. Các triệu chứng xuất hiện rất kín đáo, trừ khi đã có tổn thương nặng trên thị trường. Đa số bệnh nhân chỉ có cảm giác hơi căng tức mắt hoặc nhìn mờ nhẹ thoáng qua khi làm việc bằng mắt nhiều, khi căng thẳng thần kinh, lo lắng nhiều. Nhiều bệnh nhân không có dấu hiệu cơ năng nào, chỉ được phát hiện một cách tình cờ.

"Đa số bệnh nhân glôcôm không nhận biết bản thân mắc bệnh cho đến khi mắt ở tình trạng nặng ảnh hưởng đến thị lực trung tâm. Tầm soát và phát hiện sớm bệnh glôcôm kèm với kế hoạch điều trị thích hợp sẽ giúp bệnh nhân ngăn ngừa mất thị lực", TS.BS Phạm Thị Thủy Tiên (Bệnh viện Mắt TP.HCM) cho biết, "Hiện tại tỷ lệ phát hiện glôcôm của nước ta còn thấp do chưa có phương pháp khám tầm soát phù hợp kịp thời.".

Cũng theo lời TS.BS Phạm Thị Thủy Tiên, năm 2005 Fingeret và cộng sự đã đưa ra cách khám đĩa thị và lớp sợi thần kinh một cách hệ thống giúp phát hiện bệnh glôcôm. Đó là quy luật 5R, tương ứng 5 bước khám đĩa thị bao gồm:

  • Đánh giá kích thước đĩa thị (scleral Ring)
  • Hình dạng và kích thước vùng rìa (neuroretinal Rim)
  • Lớp sợi thần kinh (Retinal nerve fiber layer)
  • Xuất hiện vùng teo quanh gai (Region parapapillary atrophy)
  • Xuất huyết cạnh gai (retinal or optic disc hemoRrhages)

"Hiện nay, quy luật 5R trở thành phương pháp kinh điển khám đĩa thị cho các bác sỹ nhãn khoa. Dựa trên phương pháp này, các bác sỹ nhãn khoa có thể phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh glôcôm ở giai đoạn chưa tổn thương chức năng thị trường", TS.BS Phạm Thị Thủy Tiên thông tin thêm.

Gắn y tế thông minh với chuyển đổi số

Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Tầm soát bệnh glôcôm bằng chụp ảnh màu gai thị với ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo EyeDr" vừa được Sở KH&CN TP.HCM trong quý 3/2022, TS.BS Phạm Thị Thủy Tiên cho biết điều trị sớm có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh glôcôm, và thực tế ngành y thế giới cũng đã cho thấy trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp xác định các trường hợp ranh giới (borderline) và dự đoán diễn biến của bệnh glôcôm.

22

Giao diện giải pháp EyeDr (phiên bản web) được hoàn thiện và vận hành thực tế tại Bệnh viện Mắt (TP.HCM)

Cụ thể, nhiều nghiên cứu đã áp dụng công nghệ học máy (machine learning) để xác định bệnh. Theo đó, một giải pháp phần mềm - phần cứng trên nền tảng AI được thiết kế cho bệnh glôcôm có thể đánh giá tất cả những thông số cần thiết như thay đổi đĩa thị, nhãn áp (IOP), soi góc tiền phòng, độ dày lớp sợi thần kinh, thị trường,...

"Tuy nhiên, một AI toàn diện như vậy vẫn chưa có, thay vào đó ứng dụng AI trong đo nhãn áp hiện nay là thiết bị Sensimed Triggerfish chỉ dừng lại ở việc theo dõi IOP liên tục dựa trên kính áp tròng, đo sự thay đổi độ căng của giác mạc do dao động IOP gây ra", đại diện nhóm nghiên cứu đặt vấn đề cho nhiệm vụ.

Trong khi đó, tại TP.HCM, cụ thể là tại Bệnh viện Mắt, trước đây đơn vị này từng tổ chức tầm soát bệnh glôcôm cho các đối tượng trên 40 tuổi vào Tuần lễ Glôcôm Thế giới. Tuy nhiên, để tầm soát cho khoảng 300 người (bao gồm đo thị lực, nhãn áp, khám đĩa thị), bệnh viện phải huy động 10 bác sỹ chuyên khoa glôcôm, 20 điều dưỡng mắt, tiến hành khám sàng lọc trong 1 buổi (4 giờ). Như vậy, bác sỹ phải mất 40 giờ chỉ để khám cho 300 người, trung bình 8 phút/người. Bên cạnh đó, những vấn đề về công tác tổ chức (tiếp đón, nhận bệnh, lưu trữ, công tác hậu cần, an ninh trật tự cũng phải cần đến 30 người hỗ trợ cho ngày tầm soát này. Vì thế, vấn đề đặt ra đầu tiên là làm thế nào để có thể tầm soát cho nhiều người bệnh mà không cần phải tốn nhân lực.

Tiếp đến, khi khám đĩa thị, bác sỹ glôcôm sẽ dựa vào những đặc điểm tổn thương chuyên biệt để xác định đĩa thị này có bị glôcôm chưa, nhưng điều này còn tuỳ thuộc đến kinh nghiệm của bác sỹ và sự hợp tác của người bệnh trong lúc khám. Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là bằng cách nào chuẩn hoá việc tầm soát này.

"Câu trả lời là có, bằng cách chụp hình đáy mắt kỹ thuật số hiện nay được coi như là phương tiện tầm soát bệnh glôcôm thuận tiện và không tốn kém", TS.BS Phạm Thị Thủy Tiên nhận định, "Tuy nhiên, quá trình đọc kết quả thủ công đòi hỏi lao động trí óc của các chuyên gia và mất nhiều thời gian. Thêm vào đó, chẩn đoán glôcôm bằng hình ảnh đĩa thị mang tính chủ quan và liên quan đến kinh nghiệm và kỹ năng người đọc".

Trong lịch sử ngành y thế giới, nhiều nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo cũng đã cho thấy hệ thống học sâu (Deep learning system - DLS) được xem như là phương tiện có độ nhạy và độ chuyên biệt cao (trên 90%) để phát hiện bệnh lý thần kinh thị do glôcôm từ những hình ảnh đáy mắt chất lượng cao.

Từ thực tế đó, TS.BS Phạm Thị Thủy Tiên và các cộng sự tại Bệnh viện Mắt TP.HCM đã triển khai nhiệm vụ "Tầm soát bệnh glôcôm bằng chụp ảnh màu gai thị với ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo EyeDr" với mục tiêu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào việc chẩn đoán hình ảnh, nhất là trong nhãn khoa thông qua việc phát triển một thuật toán trí tuệ nhân tạo có khả năng phát hiện glôcôm bằng hình ảnh đĩa thị tốt như một chuyên gia glôcôm.

"Từ kho dữ liệu hình ảnh chụp đáy mắt của bệnh nhân tại khoa Chẩn đoán hình, chúng tôi tiến hành chọn lọc, phân loại và ứng dụng công nghệ mạng nơ-ron tích chập CNN (Convoluted Neural Networks) của Deep Learning nhằm phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể chẩn đoán glôcôm bằng hình ảnh đĩa thị tự động và có khả năng tầm soát rộng trong cộng đồng", đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ cho biết.

Khi chuyên gia "máy"… chẩn đoán từ xa

Chia sẻ thêm về hướng tiếp cận và triển khai nghiên cứu, TS.BS Phạm Thị Thủy Tiên cho biết: mục tiêu của nhiệm vụ là xây dựng một thuật toán trí tuệ nhân tạo, gọi tên là EyeDr, có khả năng phát hiện bệnh glôcôm trong cộng đồng ở người trưởng thành bằng cách sử dụng hình ảnh gai thị có sẵn trong kho dữ liệu và nguồn bệnh nhân sẵn có.

Khi đó, chỉ cần trang bị máy chụp hình đáy mắt chụp được ảnh gai thị, các bệnh viện trong và ngoài công lập, bệnh viện tuyến quận huyện, trung tâm y tế phường xã khi có nhu cầu khám và tầm soát sớm bệnh lý đáy mắt cho bệnh nhân bằng hình ảnh gai thị đều dễ dàng sử dụng phần mềm mà không cần chuyên gia glôcôm hoặc đáy mắt.

33

Giao diện giải pháp EyeDr (bản ứng dụng chạy độc lập) hoàn thiện

Được biết, đầu vào ban đầu của giải pháp, được xác định là ảnh chụp màu đĩa thị thu thập từ máy chụp hình màu đáy mắt Visucam 524 của hãng Visucam, máy Carl Zeiss Meditec và TRC 50 DX của hãng Topcon. Các hình ảnh chụp màu đĩa thị này có độ phân giải 2.448 x 2.448 pixel và 3.608 x 3.608 pixel với góc chụp là 30 độ. Cả hai mắt của một bệnh nhân đều được chọn nếu hình ảnh đạt chất lượng cũng như vị trí đĩa thị đúng trung tâm. Bộ dữ liệu gồm các ảnh chụp võng mạc có đầy đủ đĩa thị của mắt phải, và mắt trái.

Ảnh đĩa thị trích xuất từ máy chụp ảnh đáy mắt và từ kho đĩa lưu trữ của Bệnh viện Mắt TP.HCM sau đó được chia ngẫu nhiên thành 2 tập ảnh: bộ ảnh cho máy học (Training dataset) và bộ ảnh đánh giá (Validation dataset) theo tỷ lệ 8:2.

Bộ ảnh cho máy học (training dataset) sau khi loại 14 ảnh không đạt chất lượng, chọn được ngẫu nhiên gồm 2456 ảnh; trong đó 1.966 là bộ ảnh huấn luyện và 490 cho bộ ảnh đánh giá. Tất cả hình này được đọc bởi những chuyên gia glôcôm. Những hình ảnh có kèm theo bệnh lý đĩa thị bẩm sinh hoặc bệnh lý võng mạc đều bị loại.

Sau khi đã xác định vùng đĩa thị Optic Disc, vùng lõm đĩa Optic Cup, thì xác định giá trị VCDR (Vertical cup to disc ratio) là tỷ lệ  đường  kính  theo  chiều  dọc  giữa Optic  disc và Optic cup. Theo quy định của nhóm nghiên cứu, 1>VCDR>0,7 thì xác định là bị glôcôm.

Tiếp đến, xác định vị trí các vùng ISNT trên ảnh chụp màu đĩa thị. Đĩa thị  chia  thành  4  sector gồm vùng Inferior (I), Superior (S), Nasal (N), và Temporal (T) phân bố trên hình ảnh chụp màu đĩa thị tương ứng. Trên cơ sở đó, tùy vào tỷ lệ kích thước của các vùng I, S, N, T mà tỷ lệ này tuân hay bất tuân theo quy luật ISNT của 5R. Nếu vùng đĩa thị của ảnh tuân thủ I > S > N > T thì phân loại là không có bệnh, và ngược lại.

Trong quá trình phân loại ảnh, nhóm nghiên cứu nhận thấy không phải tất cả ảnh đều có thể phát hiện dễ dàng mất lớp sợi thần kinh khu trú hoặc vùng teo vùng quanh gai do bệnh nhân vẩn đục môi trường trong suốt như có sẹo giác mạc, đục thể thủy tinh nhẹ, vẩn đục dịch kính,... làm ảnh hưởng đến chất lượng ảnh. Thêm vào đó, những ảnh chụp quá sáng hoặc quá tối làm cho phát hiện những đặc điểm trên không thể nhận biết bằng mắt thường. Vì thế, nhóm nghiên cứu quyết định  không sử dụng những  tiêu chuẩn này để chẩn đoán glôcôm. Ngoài ra, số lượng ảnh có dấu hiệu khuyết rìa và xuất huyết cạnh gai rất ít nên nhóm nghiên cứu cũng không sử dụng đặc điểm này để cho máy học.

"Cuối cùng chỉ còn 2 đặc điểm là tỷ lệ VCDR và tuân/bất tuân quy luật ISNT được sử dụng để phát hiện bệnh glôcôm", đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ - khoa học công nghệ nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong quá trình thực nghiệm, nhóm triển khai nhiệm vụ cũng đã tải về, và sử dụng tập dữ liệu về hình ảnh chụp màu gai thị được công bố công khai của Bệnh viện Đại học Kuopio (Phần Lan).

44

EyeDr cho phép thống kê kết quả tầm soát, cũng như xác nhận sự chuẩn xác của chẩn đoán sau khi bác sỹ - chuyên gia bệnh lý trực tiếp tham khảo hình ảnh

Từ bộ dữ liệu học máy ban đầu này, "lõi trí tuệ nhân tạo" của ứng dụng EyeDr đã được tạo lập, và để đánh giá kết quả phân loại bệnh lý glôcôm (Glaucoma) trên ảnh màu đĩa thị, nhóm nghiên cứu sử dụng tập dữ liệu kiểm chứng (Test dataset) bao gồm 1028 ảnh của 594 bệnh nhân; trong đó 165 bệnh nhân chụp 1 mắt và 429 bệnh nhân chụp 2 mắt. Kết quả lâm sàng cho thấy, thời gian trung bình để đọc và phân loại ảnh màu đĩa thị xác định bệnh lý glôcôm đối với hệ thống máy học chỉ từ 8-12 giây, nhanh hơn rất nhiều so với mức 45 giây khi bác sỹ nhãn khoa chuyên về glôcôm thăm khám, hay 6-8 phút đối với bác sỹ nhãn khoa thông thường.

Qua thử nghiệm lâm sàng, độ nhạy và độ chuyên biệt của phần mềm EyeDr được xác định lần lượt ở mức 90,3% và 95,1%.

Ứng dụng tập trung, liên thông điện toán đám mây

Là một phần quan trọng của nhiệm vụ, giải pháp EyeDr đã được hoàn thiện dưới dạng một hệ thống "hội tụ tập trung" với gồm 2 thành phần chính. Cụ thể, thành phần thứ nhất mang tên  EyeDr, về cơ bản là hệ thống máy chủ với các chức năng như Lưu trữ dữ liệu hình ảnh gai thị và các bộ dữ liệu huấn luyện; Huấn luyện dữ liệu; Tái huấn luyện dữ liệu; Nhận diện đặc trưng, phân loại bệnh lý glôcôm khi có yêu cầu từ phía người sử dụng.

Trong khi đó, thành phần thứ hai mang tên EyeDr Software Client là phần mềm ứng dụng cài đặt tại máy tính để bàn của bác sỹ tham gia khám tầm soát cho bệnh nhân. Khi bác sỹ sử dụng phần mềm EyeDr Software Client thực hiện tải lên (upload) một hình ảnh gai thị, phần mềm sẽ chuyển hình ảnh này đến EyeDr Server, sau đó máy chủ EyeDr Server sẽ thực hiện việc tiếp nhận, lưu trữ dữ liệu hình ảnh gai thị đồng thời xử lý và trả kết quả chẩn đoán phân loại bệnh glôcôm về cho phía phần mềm tại máy bác sỹ.

55

Kiến trúc của giải pháp EyeDr

Đáng chú ý, hình ảnh dữ liệu mới vừa được lưu trữ tại EyeDr System cũng sẽ được đưa vào tập dữ liệu mới chờ tiến trình tái huấn luyện mô hình học máy của máy chủ.

Cũng theo lời nhóm triển khai nhiệm vụ, trong thời gian tới, phần mềm trí tuệ nhân tạo EyeDr cần được tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng trong lâm sàng nhằm có cỡ mẫu lớn để độ nhậy và độ chuyên biệt ngày càng đáng tin cậy; đồng thời mở rộng thuật toán phần mềm để tầm soát những bệnh lý khác của đáy mắt như bệnh lý võng mạc đái tháo đường, bệnh lý hoàng điểm tuổi già.

Có thể khẳng định rằng, nhiệm vụ do Bệnh viện Mắt TP.HCM triển khai đã đóng góp vào sự phát triển của y học Việt Nam nói chung và ngành nhãn khoa nói riêng phục vụ nhu cầu tầm soát sớm bệnh lý đáy mắt, giúp bác sỹ thuận tiện lơn trong công tác thăm khám, điều trị sớm cho bệnh nhân trong và ngoài nước.

Thông tin liên hệ:

Bệnh viện Mắt

Địa chỉ: 280 Điện Biên Phủ, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: (028).3932.5364 - 0913760363

E-mail: pham_thuytien2003@yahoo.com

Website: www.benhvienmat.com

TS. Nguyễn Hồng Phan và nhóm cộng sự tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) đề xuất 7 nhóm giải pháp giúp đạt hiệu quả cao trong quản lý tư vấn tâm lý cho học sinh THCS, đồng thời tạo môi trường giáo dục an toàn và lành mạnh.

Trong hệ thống giáo dục Việt Nam, giáo dục Trung học cơ sở (THCS) là giai đoạn trung gian giữa tiểu học và trung học phổ thông. Ở giai đoạn này, học sinh được hình thành những kiến thức cơ bản nhất, tuy nhiên gắn với sự phát triển tâm lý lứa tuổi này thường có nhiều biến động. Chính vì vậy, hoạt động giáo dục sẽ thực sự có thêm sự hiệu quả khi những khó khăn của học sinh được trợ giúp thông qua công tác tư vấn tâm lý.

Công tác tư vấn tâm lý (CT TVTL) cho học sinh trường THCS có thể khẳng định rằng là có ý nghĩa và vai trò rất thiết thực đối với bản thân học sinh, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Đối với bản thân học sinh, thông qua các hoạt động hỗ trợ tâm lý trực tiếp (tham vấn tâm lý) và hỗ trợ gián tiếp (tư vấn, hướng dẫn), các em được hình thành năng lực và kỹ năng hiểu tâm lý, hiểu sức khỏe tâm lý của bản thân. Ngoài ra, các em được tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng tự chăm sóc và ứng phó với các khó khăn tâm lý ở từng giai đoạn lứa tuổi; cũng như được trang bị một số kiến thức, kỹ năng để nhận diện những dấu hiệu bất thường về tâm lý và biết cách tìm nơi trợ giúp hoặc báo với cha mẹ, giáo viên, bạn bè.

1

Đối với mỗi gia đình và nhà trường, CT TVTL cũng chính là cầu nối giữa học sinh, giáo viên, bạn bè và gia đình. CT TVTL hướng đến chuyển tải những thông tin, những hiểu biết thống nhất về đặc điểm tâm lý đặc trưng của học sinh.

Tại TP.HCM, quản lý CT TVTL cho học sinh các trường THCS đến nay đã đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn tồn tại một số hạn chế trong việc thực hiện các chức năng quản lý như lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, chỉ đạo, kiểm tra và đánh giá thông qua các nội dung công tác tư vấn tâm lý.

Theo nhận định của TS. Nguyễn Hồng Phan, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thì một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng bất cập nói trên có liên quan trực tiếp đến quản lý, nhưng hiện chưa có đề tài nào nghiên cứu về quản lý CT TVTL cho học sinh THCS và đặc biệt sau khi có thông tư (Số: 31/2017/TT-BGDĐT) một cách có hệ thống và khoa học. Vì vậy, TS. Nguyễn Hồng Phan cùng các cộng sự đã thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ “Quản lý công tác tư vấn tâm lý cho học sinh các trường Trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh”, nhằm xây dựng được cơ sở lý luận và đánh giá đúng thực trạng về quản lý CT TVTL cho học sinh các trường THCS trên địa bàn TP.HCM. Từ đó, đề xuất và thực nghiệm các giải pháp về quản lý CT TVTL cho học sinh các trường THCS một cách có hiệu quả, bám sát thực tiễn.

2

TS. Nguyễn Hồng Phan (thứ ba, từ trái) khẳng định, nhiệm vụ “Quản lý công tác tư vấn tâm lý cho học sinh các trường Trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh” là nền tảng để TP.HCM làm tốt hơn nữa công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong thời gian tới.

Theo đó, nhiệm vụ đã tổ chức khảo sát tại 13 trường THCS tại TP.HCM với trên 2.520 phiếu khảo sát, ở các nhóm đối tượng là cán bộ quản lý (140 phiếu), giáo viên - nhân viên (400 phiếu), cha mẹ học sinh (540 phiếu) và học sinh (1.440 phiếu), để đánh giá những mặt mạnh và hạn chế trong quản lý CT TVTL cho học sinh.

Đồng thời, đề xuất, khảo nghiệm tính cấp thiết và tính khả thi gồm hệ thống 7 giải pháp, cụ thể là: (1) Nâng cao nhận thức của chủ thể quản lý, cha mẹ học sinh và học sinh về công tác tư vấn tâm lý cho học sinh; (2) Xây dựng kế hoạch công tác tư vấn tâm lý cho học sinh đảm bảo tính toàn diện, khả thi phù hợp với yêu cầu; (3) Tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch công tác tư vấn tâm lý cho học sinh; (4) Chỉ đạo thực hiện kế hoạch công tác tư vấn tâm lý cho học sinh đảm bảo hiệu quả; (5) Kiểm tra và đánh giá kế hoạch công tác tư vấn tâm lý cho học sinh; (6) Thực hiện công tác phối hợp trong tư vấn tâm lý cho học sinh; (7) Đảm bảo các điều kiện thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh các trường THCS.

3

Phòng tham vấn tâm lý học đường góp phần giải quyết nhiều vấn đề cho học sinh

TS. Nguyễn Hồng Phan, chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, kết quả khảo sát đã cho thấy, công tác tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá thực hiện kế hoạch công tác này cũng như xây dựng nội dung CT TVTL ở các trường THCS hiện nay khá tốt; nhưng việc tổ chức bồi dưỡng cho các lực lượng giáo dục và tổ chức giao lưu học tập kinh nghiệm, cũng như thu hút các tổ chức, cá nhân trong nhà trường và các lực lượng bên ngoài tham gia, phối hợp thực hiện CT TVTL về CT TVTL còn nhiều hạn chế.

“Khi đưa ra các giải pháp giải pháp quản lý CT TVTL cho học sinh các trường THCS trong quá trình khảo sát, thì đa phần các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đều cho rằng các giải pháp này là rất cấp thiết và khả thi. Nếu các trường làm tốt các giải pháp này, thì CT TVTL cho học sinh sẽ có những chuyển biến tích cực”, TS. Nguyễn Hồng Phan khẳng định.

Cụ thể, các giải pháp số 2 - Xây dựng kế hoạch công tác tư vấn tâm lý cho học sinh đảm bảo tính toàn diện, khả thi phù hợp với yêu cầu, giải pháp số 4 - Chỉ đạo thực hiện kế hoạch công tác tư vấn tâm lý cho học sinh đảm bảo hiệu quả, và giải pháp số 7 - Đảm bảo các điều kiện thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh các trường THCS, về cơ bản chính là ba giải pháp cấp thiết nhất đối với quản lý CT TVTL cho học sinh các trường THCS. Bên cạnh đó, các giải pháp khác cũng được đánh giá là cấp thiết, phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Đại diện nhóm triển khai nhóm triển khai nhiệm vụ khẳng định, các giải pháp được đánh giá rằng về cơ bản có thể giúp thực hiện công tác quản lý TVTL hiệu quả hơn, tạo ra một môi trường giáo dục an toàn và lành mạnh.

"Bên cạnh đó, một số giáo viên cho rằng, để thực hiện tốt hơn CT TVTL cho học sinh trong giai đoạn tới cần có giải pháp nâng cao nhận thức cho học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh và xã hội về vị trí, vai trò của công tác tư vấn tâm lý. Đồng thời, quan tâm bồi dưỡng chuyên môn về tư vấn tâm lý cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên kiêm nhiệm để thầy cô có thể hỗ trợ học sinh tốt hơn", nhóm nghiên cứu thông tin thêm, "Ngoài ra, mỗi trường THCS cần xây dựng phòng tư vấn tâm lý cho học sinh và đưa công tác này trở thành công tác bắt buộc trong nhà trường THCS".

Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng tiến hành tập huấn và triển khai thực tế thí điểm quản lý CT TVTL cho học sinh, nhằm giúp cán bộ quản lý, giáo viên - nhân viên, giáo viên, phụ huynh và học sinh nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của CT TVTL cho học sinh. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý CT TVTL cho học sinh của cán bộ quản lý.

Trên cơ sở này, nhiệm vụ đưa ra những kiến nghị đối với ban ngành, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các giải pháp quản lý CT TVTL cho học sinh tại các trường THCS tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần ban hành hệ thống văn bản pháp quy, quy định về CT TVTL cho học sinh các trường THCS (mục đích; nguyên tắc; nội dung; hình thức; công tác phối hợp; các điều kiện thực hiện; kiểm tra và đánh giá) và quản lý CT TVTL cho học sinh các trường THCS (lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, đánh giá) để các cơ sở giáo dục tiến hành các tổ chức tốt quản lý công tác này. Đồng thời, chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh nâng cao nhận thức về CT TVTL cho học sinh các trường THCS. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng nội dung chương trình, sách giáo khoa về CT TVTL cho học sinh các trường THCS; Xuất bản tài liệu tham khảo phục vụ cho việc tổ chức thực hiện CT TVTL cho học sinh các trường THCS;…

Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, nhóm chuyên gia triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ khuyến nghị "cần ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện CT TVTL cho học sinh và quản lý CT TVTL cho học sinh các trường THCS cho các bậc học một cách cụ thể, rõ ràng để các cơ sở giáo dục tiến hành tổ chức thực hiện hiệu quả; Tổ chức bồi dưỡng năng lực tư vấn tâm lý cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn cho học sinh cho cán bộ quản lý, giáo viên - nhân viên,…

Đặc biệt, với cán bộ quản lý là các trường THCS, nhóm tác giả khuyến nghị, cần phải xây dựng kế hoạch thực hiện CT TVTL cho học sinh và quản lý CT TVTL cho học sinh các trường THCS một cách cụ thể, rõ ràng để giáo viên, hay nhân viên giáo dục kiêm nhiệm CT TVTL thực hiện tốt công tác này. Mặt khác, chỉ đạo các lực lượng xây dựng kế hoạch cụ thể cho CT TVTL cho học sinh, lựa chọn nội dung phù hợp với tình hình thực tế tại trường; Xây dựng đội ngũ nòng cốt, đội ngũ giáo viên, hay nhân viên giáo dục kiêm nhiệm có đủ năng lực, trình độ tổ chức CT TVTL cho học sinh; Chỉ đạo xây dựng nội quy, quy chế cho lực lượng tổ chức và lực lượng tham gia CT TVTL cho học sinh; Tạo điều kiện dành kinh phí mua sắm trang thiết bị cần thiết, sách báo tài liệu; Có chế độ hợp lý cho giáo viên - nhân viên kiêm nhiệm CT TVTL;…

4

Sổ tay hướng dẫn thực hiện quản lý công tác TVTL cho học sinh THCS được nhóm nghiên cứu hoàn thiện và biên soạn.

Nhiệm vụ cũng đưa ra khuyến nghị đối với giáo viên, nhân viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý nên hiểu rõ CT TVTL cho học sinh và quản lý CT TVTL cho HS các trường THCS một cách cụ thể, rõ ràng tiến hành tổ chức thực hiện hiệu quả. Đồng thời, tích cực, chủ động bồi dưỡng năng lực thực hiện CT TVTL cho học sinh để vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong công tác này.

Bên cạnh đó, nhóm triển khai nhiệm vụ bổ sung khuyến nghị về việc phụ huynh học sinh cũng cần dành thời gian để quan tâm chia sẻ với con, cần tìm hiểu con để kịp thời phát hiện những khó khăn tâm lý của con; Trợ giúp con giải quyết những khó khăn tâm lý nếu có thể; và quan trọng không kém đó là học sinh THCS cũng cần phải hiểu rõ công tác TVTL của nhà trường và thực hiện nhu cầu TVTL khi có những khó khăn tâm lý ở bản thân.

Là một phần của nhiệm vụ, TS. Nguyễn Hồng Phan và nhóm cộng sự tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã biên soạn Sổ tay hướng dẫn thực hiện quản lý công tác TVTL cho học sinh THCS, nhằm hệ thống hóa những nội dung cốt lõi trong công tác thực hiện TVTL cho học sinh THCS, các nguyên tắc TVTL cho học sinh, cũng như phân tích những kỹ năng cần thiết mà người giáo viên - nhân viên trực tiếp làm công tác TVTL cho học sinh cần đáp ứng. Bên cạnh đó, là bộ tài liệu được biên soạn dành riêng cho các nhà trường, Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên, Sổ tay còn cung cấp một số quy trình và mô hình TVTL cho học sinh THCS phổ biến ở phạm vi quốc tế, bổ sung nhiều phụ lục là câu hỏi trắc nghiệm để giúp nhà trường, gia đình cùng đánh giá tình trạng tâm lý của học sinh.

Trong thời gian tới, Sổ tay này sẽ sớm được Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện và TP Thủ Đức phổ biến đến các trường THCS trên địa bàn, các thầy cô giáo đang trực tiếp làm công tác TVTL cho học sinh, qua đó từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác TVTL học sinh ở bậc học THCS trên địa bàn Thành phố.

Thông tin liên hệ:
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Địa chỉ: 10-12 Đinh Tiên Hoàng, P.Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM

Điện thoại: (08) 38293828 - 0903169291

Website: http://hcmussh.edu.vn

Email: nguyen1975hongphan@hcmussh.edu.vn

Ưu điểm công nghệ mới là xây dựng công trình với tốc độ nhanh chóng, tự do thiết kế hình học theo hình dạng phức tạp, không dùng ván khuôn, sử dụng ít nhân công lao động.

In bê tông 3D trong xây dựng là quá trình tạo hình các đối tượng (vật thể công trình) ba chiều bằng cách đắp chồng các lớp vật liệu bê tông lên nhau và được định dạng dưới sự kiểm soát của máy tính để tạo ra vật thể đã được vẽ sẵn trên phần mềm CAD (Computer-Aided Design). Quá trình tạo hình vật thể bằng công nghệ in 3D có nét độc đáo là có thể tạo ra vật thể với bất kỳ hình dáng nào, và quá trình tạo hình được thực hiện nhanh mà không cần khuôn.

Trở ngại lớn nhất đối với công nghệ in bê tông 3D là cần phát triển các vật liệu mới sử dụng cho in 3D. Vì vậy, nhóm các nhà khoa học ở Đại học Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) đã thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu công nghệ bê tông in 3D dùng cho công trình xây dựng” nhằm triển khai ứng dụng loại vật liệu bê tông in 3D mới trong thi công công trình nhà ở.

1

Một công trình nhà ở tại TP Thủ Đức được thi công bằng công nghệ in bê tông 3D

 

PGS.TS Trần Văn Miền (chủ nhiệm nhiệm vụ) cho biết, nhóm thực hiện mong muốn tạo ra vật liệu bê tông in 3D tạo hình hướng đến ứng dụng cho xây dựng ở 2 mảng gồm: in 3D tường công trình xây dựng dân dụng và in 3D tạo hình mặt dựng trang trí công trình (Facade). Vì vậy, nhóm tập trung chế tạo hỗn hợp bê tông in 3D sử dụng hệ nguyên liệu bao gồm xi măng PC50, tro bay loại F, silicafume (SF), sợi Polypropylene (PP), cát, nước, phụ gia điều chỉnh độ nhớt (VMA) và phụ gia siêu dẻo.

Khối bê tông in 3D có mặt thoáng tiếp xúc với môi trường lớn cho nên quá trình co ngót sẽ diễn ra nhanh hơn so với các kết cấu bê tông tạo hình trong khuôn truyền thống. Kết cấu bê tông in 3D chịu tác động bất lợi khi toàn bộ mặt hở của kết cấu tiếp xúc với môi trường, từ đó làm gia tăng tốc độ co ngót, đặc biệt là co ngót dẻo tại thời điểm sớm sau khi in 3D, tốc độ co ngót nhanh có thể dẫn đến hình thành nứt và phá hoại kết cấu in 3D. Vì vậy, nguyên vật liệu cùng với tỉ lệ thành phần nguyên vật liệu lựa chọn sử dụng để chế tạo bê tông in 3D vừa phải đảm bảo khả năng in 3D được, đồng thời bê tông cũng phải có tốc độ co ngót thấp và có thời gian ninh kết (thời gian mà bê tông sau khu trộn đông đặc lại hoàn toàn, đủ khả năng kết dính vững chắc) không quá 12 tiếng phù hợp với điều kiện thi công.”, PGS.TS Trần Văn Miền chia sẻ.

Nguyên liệu sử dụng để chế tạo bê tông in 3D có đặc trưng là cốt liệu nhỏ (kích thước hạt cốt liệu lớn nhất phổ biến dử dụng là không quá 5mm) và hàm lượng chất kết dính thấp, vì vậy tốc độ co ngót và ứng suất kéo do co ngót sinh ra trong giai đoạn đầu (1 đến 3 ngày sau khi in tạo hình cấu kiện) là lớn hơn đáng kể so với bê tông nặng truyền thống, do đó hầu hết bê tông in 3D sẽ có khả năng xuất hiện nứt trên cấu kiện ở tuổi sớm. Để hỗn hợp bê tông in 3D có khả năng đùn và khả năng đắp dần lên cao tốt thì hỗn hợp bê tông này cần phải có độ nhớt thấp nhất có thể nhưng không được phân tầng, và có ứng suất chảy tĩnh cao. 

2

3

Cận cảnh cụm hệ thống thực hiện in bê tông 3D tại một công trình

 

Kết quả thí nghiệm cho thấy, ngoài việc thay đổi tỷ lệ CL/CKD (cốt liệu/chất kết dính) và tỷ lệ N/CKD (nước/chất kết dính) để điều chỉnh lưu biến cho bê tông in 3D thì có một cách khác là thay đổi hàm lượng phụ gia siêu dẻo cùng với hàm lượng phụ gia điều chỉnh độ nhớt (VMA). Khi tăng hàm lượng phụ gia siêu dẻo thì các thông số lưu biến của hỗn hợp bê tông như độ nhớt dẻo, ứng suất chảy tĩnh và chảy động đều giảm. Trong khi đó, tăng hàm lượng phụ gia VMA thì độ nhớt dẻo giảm nhưng không ảnh hưởng đến các giá trị ứng suất chảy của hỗn hợp bê tông, điều này có nghĩa là hỗn hợp bê tông dễ in 3D hơn và vật thể bê tông tạo hình vẫn có khả năng duy trì hình dáng trong suốt quá trình in. Tuy nhiên, sử dụng nhiều phụ gia siêu dẻo cùng với phụ gia VMA cũng có khả năng làm cho hỗn hợp bê tông trở nên quá chảy dẻo và không thành công khi in 3D, ngoài ra bê tông cũng có thể bị kéo dài ninh kết hoặc thậm chí là không ninh kết được.

4

In 3D bê tông khối hộp 600x600 mm và kiểm tra liên kết bám dính giữa 2 lớp bê tông in liền kề nhau

Theo PGS.TS Trần Văn Miền, việc hỗn hợp bê tông quá chậm ninh kết ảnh hưởng đến quá trình thi công và sự ổn định của khối in 3D, cho nên cần rút ngắn quá trình ninh kết của bê tông để đảm bảo sự ổn định cho khối bê tông in 3D, khoảng thời gian ninh kết của bê tông không quá 12 tiếng sẽ phù hợp với công tác thi công và đảm bảo sự ổn định cho khối in trong và sau khi kết thúc quá trình in 3D. Cường độ bám dính giữa 2 lớp bê tông in 3D phụ thuộc và tỉ lệ thuận với cường độ chịu nén của vật liệu bê tông in 3D. Tất cả các cấp phối bê tông in 3D thành công đều có cường độ bám dính giữa 2 lớp bê tông là trên 1 MPa.

Theo đó, nhóm thực hiện sử dụng hỗn hợp bê tông với tỷ lệ CL/CKD = 1 và 1,5 (có cường độ chịu nén và uốn ở 28 ngày lần lượt là trên 60 và 10 MPa) để chế tạo sản phẩm Facade trang trí, còn hỗn hợp bê tông với tỷ lệ CL/CKD = 2 (có cường độ chịu nén và uốn ở 28 ngày lần lượt là trên 40 và 6 MPa) thì được dùng cho sản phẩm tường công trình xây dựng. Ưu thế nổi trội của công nghệ in bê tông 3D là có thể tạo hình tường bao công trình có hình dạng phức tạp, ví dụ như các hình dạng có độ cong, độ uốn lượn có quy luật hoặc không có quy luật nhất định.

Nhóm thực hiện đã thi công thử nghiệm thành công 2 công trình nhà ở bằng công nghệ in bê tông 3D: công trình 1 có quy mô rộng 5m, dài 14m và cao 4m (có 1 phòng khách, 1 phòng ăn – bếp và 1 phòng ngủ), công trình 2 có quy mô rộng 8,5m, dài 15m và cao 3,8m (có 2 phòng ngủ, 1 phòng ăn – bếp, 1 phòng khách và 1 phòng làm việc, tường nhà thiết kế tạo kiểu dáng cánh hoa hồng, tường dày 200mm bao gồm 2 lớp tường, mỗi lớp thiết kế dày 50mm).

5

6

Công trình in 3D có tường nhà thiết kế tạo kiểu dáng cánh hoa hồng, tường dày 200mm

 

Các công trình được tiến hành in bê tông 3D ngoài trời nên việc thi công phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, chẳng hạn như sự co ngót và khả năng gây nứt của khối tường bê tông in 3D. Qua quá trình thi công, nhóm thực hiện nhận xét nếu tiến hành in liên tục và tưới ẩm bảo dưỡng đầy đủ cho bê tông ngay sau khi kết thúc quá trình in thì khối tường bê tông in 3D hầu như không xuất hiện nứt. Ngược lại, nếu trong quá trình đang in và gặp sự cố phải ngừng in thì khoảng 30-40 phút sau, khối tường bê tông in 3D sẽ xuất hiện các vết nứt theo phương đứng cắt từ lớp in trên cùng và hướng xuống 4-5 lớp in cận kề bên dưới. Điều này là do bê tông kết thúc thời gian mở thi công, co dẻo nhanh trong điều kiện môi trường thi công nắng nóng ngoài trời từ đó dẫn đến hình thành các vết nứt.

So sánh khả năng kháng thấm nước, tường bê tông in 3D tốt hơn so với tường gạch đất sét nung tô vữa xi măng một mặt. Hệ số thấm nước của tường bê tông in 3D thấp hơn đáng kể so với tường gạch đất sét nung. Tuy nhiên, tương tự như tường xây bằng gạch đất sét nung, nước thấm xuyên qua tường bê tông in 3D chủ yếu tại vị trí tiếp xúc giữa 2 lớp bê tông in 3D, điều này có nghĩa là tại vị trí tiếp xúc giữa 2 lớp bê tông in 3D không đủ đặc chắc, có tồn tại khuyết tật và lỗ rỗng đủ lớn để nước thấm xuyên qua. Vì vậy, để gia tăng khả năng chống thấm cho tường bê tông in 3D trong công trình xây dựng, nhóm thực hiện cho rằng cần có biện pháp cải thiện, gia tăng độ đồng nhất tại vị trí tiếp xúc giữa 2 lớp bê tông in 3D. Mặt khác, cường độ chịu nén của tường bê tông in 3D cao hơn gần 30% so với tường gạch đất sét nung, nên có thể hướng đến thiết kế tường bê tông in 3D với vai trò là tường chịu lực thay vì chỉ là kết cấu bao che.

7

Kiến trúc bên trong lạ mắt, sang trọng đúng theo ý tưởng của nhà thiết kế

Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ in bê tông 3D để thi công xây dựng có lợi thế hơn so với công nghệ thi công truyền thống về tiến độ (nhanh hơn gần 80%) và giá thành xây dựng (giảm khoảng 20%) khi thi công phần thô trên cùng một thiết kế công trình xây dựng. Ngoài ra, công nghệ in bê tông 3D có điểm nổi bật là có thể thi công được những công trình có thiết kế nghệ thuật và phức tạp mà việc thi công truyền thống hầu như không thể thực hiện được, lại giảm đáng kể chất thải xây dựng, có thể tận dụng các chất thải rắn (tro xỉ nhiệt điện, xà bần xây dựng, thạch cao…).

Từ kết quả thực hiện nhiệm vụ, nhóm thực hiện kiến nghị Sở KH&CN TP.HCM tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu mở rộng các giải pháp hạn chế hiện tượng nứt trong quá trình thi công công trình in bê tông 3D ngoài trời, kết hợp đánh giá khả năng chống cháy của công trình. Bên cạnh đó, nhóm thực hiện cũng đề xuất thực hiện thiết kế đồng bộ nội ngoại thất và cảnh quan đi kèm với công trình thi công bằng công nghệ in bê tông 3D để nâng cao giá trị thẩm mỹ và thương mại.

 

Thông tin liên hệ:
Đại học Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM)
Địa chỉ: 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q. 10, TP.HCM
Điện thoại: (028) 38650714 -  0903810481

Email: tvmien@hcmut.edu.vn 

Website: www.khcn.hcmut.edu.vn

Ngày 27/10/2022, Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) Y tế & Chăm sóc sức khỏe cộng đồng năm 2022 chính thức diễn ra trực tiếp tại Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM (79 Trương Định, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM), và được tổ chức trực tuyến tại địa chỉ techmart.techport.vn.

Techmart Y tế & Chăm sóc sức khỏe cộng đồng năm 2022 do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức, gồm 3 hoạt động chính: Trưng bày, giới thiệu công nghệ và thiết bị; Hội thảo giới thiệu công nghệ và Tư vấn chuyên gia về công nghệ. Sự kiện trưng bày, giới thiệu hơn 200 công nghệ và thiết bị của 100 đơn vị đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ và các nhóm khởi nghiệp trong và ngoài nước sẵn sàng cung cấp chuyển giao.

221027hk1.jpg

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) kỳ vọng Techmart Y tế & Chăm sóc sức khỏe cộng đồng năm 2022 sẽ là cơ hội tốt hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu của các đơn vị, cơ sở y tế để sáng tạo các giải pháp mới để đáp ứng phù hợp những nhu cầu đó. Không chỉ vậy, thông tin về nhu cầu của của các đơn vị, cơ sở y tế cũng là cơ sở để Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát triển các chương trình nghiên cứu ứng dụng, thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe ở lĩnh vực y tế. Từ đó, TP.HCM có thể xây dựng thành những bài toán lớn, kéo dài 5-10 năm và có sự hợp tác giữa các đơn vị y tế, Viện trường và cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, startup.

221027hk2.jpg

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại Lễ khai mạc Techmart

Các công nghệ và thiết bị nổi bật được trưng bày tại Techmart có thể kể đến như: Giải pháp ứng dụng công nghệ trong kim luồn an toàn; Hệ thống báo gọi y tá: hỗ trợ bệnh nhân khi cần trợ giúp tại cơ sở y tế và dưỡng lão; Hệ thống khí sạch áp lực dương phòng mổ; Máy ép tim tự động AutoPulse; Hệ thống xử lý nước thải y tế; Module xử lý nước thải nha khoa; Công nghệ khử trùng, sát khuẩn không khí và xử lý nước thải bằng Ozone; Máy khử trùng không khí: sử dụng công nghệ plasma năng lượng cực thấp kết hợp với hệ thống lọc ba giai đoạn để khử trùng và loại bỏ hạt trong không khí ứng dụng trong phòng mổ, đơn vị ICU, phòng cấp cứu;…

Đặc biệt, Techmart lần này chú trọng các công nghệ và thiết bị chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đây là những giải pháp công nghệ tiến tiến, bắt kịp xu hướng ứng dụng chuyển đổi số mang lại những giá trị và cơ hội được khám chữa bệnh hiện đại, hiệu quả và nhanh chóng hơn. Đó là những giải pháp như: Công nghệ trí tuệ nhân tạo: "Miss AI Medical – Cô Y Tế"; Giải pháp chuyển đổi số trong nhập liệu và lưu trữ hồ sơ bệnh án, vật tư y tế; Phần mềm ERP và CRM chuyên biệt cho hệ thống bệnh viện, phòng khám; Giải pháp hệ thống lưu trữ thông tin riêng; Giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế: Hệ thống chẩn đoán y tế từ xa - Telehealth IDIS2GO; Giải pháp tổng đài ảo áp dụng cho ngành y tế - Spa; Ứng dụng EHRs – Y tế thông minh gọi bác sĩ tức thì; Giải pháp đo huyết áp tập trung kết nối Bệnh án điện tử; Robot trí tuệ nhân tạo phục vụ khử khuẩn tại các bệnh viện, phòng khám và nơi công cộng; Phần mềm quản lý bệnh viện…

Bên cạnh đó, tại Khu Tư vấn chuyên gia có đội ngũ 8 chuyên gia túc trực, sẵn sàng giải đáp những vướng mắc trong quá trình tìm hiểu, mua bán, chuyển giao các công nghệ thuộc lĩnh vực y tế tại Techmart Y tế & Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng 2022. Đặc biệt, các chuyên gia cũng tư vấn miễn phí công nghệ và các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe từ xa cho người bệnh; vấn đề sức khỏe liên quan đến môi trường nước; xây dựng hệ thống quản lý môi trường (ISO 14001) cho doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế; hệ thống xử lý nước thải bệnh viện, phòng khám; tư vấn kỹ thuật vật liệu y sinh; an toàn lao động trong y tế…

Hoàng Kim (CESTI)

Ngày 22/10/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng Trung tâm Stem Kidkul Edu tổ chức Hội thi STEM ROBOT CHALLENGE 2022. Hội thi là hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 (WHISE 2022).

Tại hội thi, 44 đội thi cấp Tiểu học ở bảng Racing-A và 49 đội thi cấp THCS ở bảng Racing-B đã tham gia tranh tài điều khiển xe đua vượt sa bàn để giành quyền tham dự vòng chung kết. Rất nhiều phụ huynh đã có mặt tại hội thi để cổ động và theo dõi toàn bộ quá trình dự thi của học sinh.

221026hk1.jpg

Kết quả, ở bảng Racing-A, Tiểu học Nguyễn Huệ (Quận 1) xuất sắc giành ngôi Vô địch. Hai giải Nhì thuộc về Tiểu học Võ Trường Toản (Quận 10) và Tiểu học Bạch Đằng (Quận Tân Bình). Ở bảng Racing-B, THCS Bình An (thành phố Thủ Đức) xuất sắc giành ngôi Vô địch. Hai giải Nhì thuộc về THCS Đoàn Thị Điểm (Quận 3) và trường Quốc tế Á Châu.

221026hk2.jpg

Ông Võ Hưng Sơn (Trưởng phòng Quản lý khoa học và công nghệ cơ sở, bìa trái) và ông Nguyễn Ngọc Phương (Trung tâm Stem Kidkul Edu) lần lượt trao giải Vô địch và giải Nhì cho các đội cấp Tiểu học (ảnh trên) và cấp THCS (ảnh dưới)

221026hk3.jpg

Cũng tại hội thi, các đội đã trổ tài trang trí chiếc xe đua theo nhiều phong cách khác nhau, in đậm sức sáng tạo hồn nhiên của lứa tuổi học sinh. Ban tổ chức đã trao tổng cộng 20 giải Sáng tạo dành cho các đội thi ở cả 2 bảng.

221026hk4.jpg

Ông Nguyễn Đức Tuấn (Quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ - CESTI) trao giải Sáng tạo cho các đội

Một số hình ảnh ghi nhận tại hội thi:

IMG4057.jpg

IMG4055.jpg

IMG4051.jpg

IMG4041.jpg

IMG4035.jpg

IMG4025.jpg

STEM ROBOT CHALLENGE 2022 mang chủ đề “F1 In Ho Chi Minh City” - “Giải đua xe Robot F1”. Đây là sân chơi đậm chất kỹ thuật, sử dụng công nghệ để điều khiển xe đua robot chạy trên sa bàn được thiết kế sẵn. Các đội thi sẽ tìm cách để xe đạt tốc độ cao nhất, di chuyển phù hợp nhất nhằm về đích trước tiên. Hội thi hướng đến góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong trường học, rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo ở học sinh, khuyến khích khám phá và vận dụng lý thuyết vào thực tiễn.

Hội thi STEM ROBOT CHALLENGE 2022 diễn ra định kỳ vào Quý III hàng năm nhằm mục đích tạo sân chơi khoa học công nghệ và kỹ năng sáng tạo cho các lứa tuổi học sinh trên địa bàn Thành phố. Năm nay, Hội thi còn có sự đồng hành của Công ty TNHH Stemsmartschool, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Giáo dục STEM (Đại học Sư phạm TP.HCM), Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP-IC), Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ (Đại học Bách Khoa TP.HCM).

Hoàng Kim (CESTI)

Đầu tư về công nghệ, giải pháp quản lý hiệu quả sẽ giúp nghề nuôi yến tại TPHCM phát triển bền vững. 

Hiện nay, nuôi yến tại TP.HCM được xác định là một trong những nghề tiềm năng, có khả năng thu nguồn lợi kinh tế cao. Vì vậy, trong những năm qua số lượng nhà nuôi yến tăng lên rất nhanh ở các quận huyện. Có tất cả 19 quận/huyện ghi nhận có nhà yến với tổng số 727 nhà. Trong đó, nhiều nhất là tại huyện Cần Giờ với 496 nhà (chiếm 70%), quận 9 cũ (nay là TP.Thủ Đức) với 62 nhà (chiếm 8,7%), Nhà Bè với 31 nhà (chiếm 4,3%). Các quận/huyện khác có số lượng nhà yến dưới 30 chiếm 17% tổng số lượng nhà yến trên toàn thành phố. 

nhayen1

Một số nhà nuôi yến trên địa bàn TPHCM

TP.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi để nuôi yến như địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu ôn hòa với nền nhiệt độ cao và tương đối ổn định trong năm. Bên cạnh đó, tần suất xuất hiện của bão ít và ít chịu ảnh hưởng của bão là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi yến trong nhà trên địa bàn. Bên cạnh đó, TP.HCM có diện tích đất nông nghiệp còn nhiều (42,1% tổng cơ cấu đất đai của thành phố), thị trường tiêu thụ lớn, nhiều cơ hội ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi yến,… 

Tuy nhiên, việc nuôi yến tại TP.HCM vẫn còn gặp nhiều khó khăn như tốc độ đô thị hóa nhanh làm giảm nguồn cung cấp thức ăn, môi trường sống tự nhiên của yến; chi phí đầu tư lớn, mức độ rủi ro cao trong quá trình nuôi;… Ngoài ra, việc phát triển các nhà nuôi chim yến phân tán chưa tập trung trong các vùng quy hoạch phần lớn còn mang tính tự phát nhỏ lẻ, nên các mối quan hệ sản xuất còn ở mức thấp chưa hình thành các mối liên kết tạo chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm và thương hiệu yến sào.

Trong khi đó, các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển và tái cơ cấu nông nghiệp chưa cụ thể đối với nghề nuôi yến trong nhà, đặc biệt là nguồn vốn vay để đầu tư cũng như tái sản xuất đối với nghề nuôi yến trong nhà. Bên cạnh đó, TP.HCM chưa có kế hoạch phát triển nghề nuôi chim yến nhà nên khó khăn cho địa phương trong việc quản lý các nhà yến mới và nhà yến cải tạo lại.

Lẽ đó, dù nghề nuôi yến tại TP.HCM đã mang lại nguồn thu đáng kể cho các hộ dân. Tuy nhiên, theo đánh giá tác động của nghề nuôi chim yến tới môi trường - xã hội của nhiệm vụ "Nghiên cứu hiện trạng, và đề xuất giải pháp quản lý, phát triển bền vững nghề nuôi yến ở TPHCM" do Viện sinh học nhiệt đới làm cơ quan chủ trì thực hiện, thì nhà nuôi yến tại khu vực nông thôn, đô thị, tập trung đông dân cư, việc phát loa dẫn dụ ảnh hưởng lớn tới khu dân cư xung quanh.

Khu vực có nhà nuôi yến, càng ra xa thì mức độ ảnh hưởng càng giảm. Các nhà yến tại khu vực nông thôn, ít dân cư mức độ ảnh hưởng thấp, càng ra xa hầu như không có sự ảnh hưởng. Trong đó, độ ồn trung bình tại khu vực nhà nuôi yến ở Cần Giờ và phường Long Phước, quận 9 cũ (nay là TP Thủ Đức) cao hơn QCVN 26, lần lượt là 71,1 và 71,4 DbA. Đa số các nhà yến nằm trong khu vực nội thành, đông dân cư đều gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh như tiếng ồn mở liên tục, mùi hôi từ lông và phân chim yến. Chính quyền địa phương tại các khu vực này đang có phương án không cấp phép cho nhà yến mới, tiến tới ngưng hoạt động các cơ sở nuôi yến gây ô nhiễm, kém hiệu quả. Đối với vi sinh vật gây bệnh, cho thấy, nhóm vi khuẩn Samonella, khu vực nhà yến có tỷ lệ là 11/30, mật độ nhóm vi khuẩn Samonella ghi nhận được tương đối cao với giá trị trung bình là 6,36 ± 1,24 CFU/25 g đất.

nhayen2

Nhà yến trong khu dân cư (trái) và trong khu vực nuôi tôm tại huyện Cần Giờ

Để đáp ứng được nhu cầu phát triển và phương thức quản lý thích hợp nghề nuôi yến ở TP.HCM, cần có các nghiên cứu liên quan đến đánh giá và đề xuất các vùng nuôi, kỹ thuật nuôi, kỹ thuật sau thu hoạch, phương thức quản lý vừa có hiệu quả kinh tế vừa đáp ứng được giảm thiểu tác động đến môi trường và con người. Trên cơ sở đó, nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu hiện trạng, và đề xuất giải pháp quản lý, phát triển bền vững nghề nuôi yến ở TPHCM” đã được triển khai bởi thạc sỹ Lương Đức Thiện và cộng sự tại Viện sinh học nhiệt đới.

Tăng lợi nhuận nhờ đầu tư công nghệ 

Qua khảo sát của nhóm thực hiện nhiệm vụ cho thấy, kỹ thuật, thiết kế và vật liệu thi công nhà yến tại TP.HCM khá đa dạng, nhiều chủng loại, thay đổi và sáng tạo liên tục,nhằm đáp ứng cho điều kiện thời tiết tại TP.HCM và tăng năng suất cũng như chất lượng tổ yến sau khi thu hoạch. Cụ thể, như nhà mái vòm, mái bằng, kết cấu bằng tôn hoặc bê tông. Vật liệu cho chim bám vào làm tổ có thể là xi măng, gỗ hoặc vật liệu khác.

nhayen4

Bên trong một nhà yến tại huyện Cần Giờ, TP.HCM có sử dụng ván gỗ để tạo môi trường thuận lợi, thu hút chim yến làm tổ

Để dẫn dụ chim yến tại TP.HCM, thạc sỹ Lương Đức Thiện cho biết, các công nghệ thực hiện cũng khá đa dạng. Trong đó, với 3 phương pháp dẫn dụ chính là bằng âm thanh, phân chim yến và tạo mùi thu hút chim yến. Sự kết hợp của cả ba phương pháp này giúp cho việc thu hút chim yến vào nhà yến được hiệu quả hơn, từ đó làm tăng sản lượng tổ yến và doanh thu.

Công nghệ hỗ trợ quản lý nhà yến cũng khá đa dạng chủng loại, xuất xứ và không ngừng được cải tiến giúp việc vận hành nhà yến được hiệu quả hơn như hệ thống kiểm soát điều kiện không khí tự động, hệ thống camera giám sát và quản lý từ xa.

nhayen 4

Hệ thống hẹn giờ tự động và âm thanh trong nhà yến

Qua khảo sát, nhóm thực hiện nhiệm vụ cho thấy,  có hai phương thức nuôi yến trong nhà tại TP.HCM, là phương thức nuôi theo nhà yến kết hợp và phương thức nuôi theo nhà yến chuyên dụng. 

Trong đó, phương thức nuôi chuyên dụng có sự đầu tư bài bản về hạ tầng cũng như công nghệ nuôi, giúp tăng chất lượng tổ yến thô tại các nhà nuôi yến. Tuy nhiên, chi phí đầu tư xây dựng và vận hành của nhà yến sử dụng phương thức kết hợp và chuyên dụng chênh lệch khá lớn. Tổng chi phí trung bình theo phương thức kết hợp khoảng 90 triệu đồng/năm, sản lượng trung bình khoảng kg/năm, doanh thu trung bình 160 triệu đồng/năm. Trong khi, tổng chi phí theo phương thức chuyên dụng khoảng 112 triệu đồng/năm, cho sản lượng trung bình 9 kg/năm và doanh thu khoảng 200 triệu đồng/năm.

Nâng cao hiệu quả và giảm thiểu tác động từ nghề nuôi yến 

Qua khảo sát hiện trạng, đánh giá tác động của việc nuôi yến, nhóm tác giả cho rằng cần có quy hoạch cụ thể về vùng nuôi yến trên địa bàn thành phố và hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục pháp lý có liên quan đến tổ chức, cá nhân trong việc phát triển nghề nuôi chim yến tại thành phố theo đúng quy hoạch. Trong Bản đồ hiện trạng sử dụng đất tại TP.HCM năm 2020 cho thấy khu vực trung tâm TP.HCM tập trung dân cư khá đông, kéo dài qua phía Đông của các quận Bình Thạnh, quận 2 và quận 9 cũ (nay thuộc TP Thủ Đức), vì thế những khu vực này không thuận lợi cho việc phát triển nuôi chim yến. 

Theo đó, 3 khu vực có tiềm năng lớn trong việc phát triển nghề nuôi yến tại TP.HCM là huyện Củ Chi, Cần Giờ và khu vực quận 9 cũ (nay là TP Thủ Đức), đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về vùng nuôi yến tiềm năng như: diện tích thảm thực vật lớn đảm bảo nguồn thức ăn (côn trùng) cho chim yến sinh sống và phát triển. Mật độ dân cư tại các khu vực này khá thưa thớt nên việc phát triển nghề nuôi yến ít ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.

nhayen5

Vùng nuôi yến cần có nhiều thảm thực vật và hệ thống sông bên cạnh

Ngoài ra, việc xây dựng tiêu chí đánh giá vị trí xây dựng nhà yến, giúp người nuôi xác định khu vực nên xây nhà yến, là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của nhà yến. Hiện nay, kích thước xây dựng nhà yến không có tiêu chí về kích thước nhất định, nhưng theo thống kê cho thấy, nhà yến kích thước chiều ngang tối thiểu trên 5m, chiều dài trên 20m cho sản lượng tổ yến cao hơn các nhà yến có kích thước nhỏ hơn. Về chiều cao của nhà yến, cần thiết kế chiều cao tầng dao động 3,5m đến 4,5m sẽ cho hiệu quả nuôi cao nhất.

Nhóm thực hiện khuyến nghị, cần xây dựng các quy trình, quy phạm và các tiêu chuẩn về chăn nuôi động vật thực hiện trên đối tượng chim yến. Hướng dẫn các tổ chức và cá nhân nuôi chim yến thực hiện đúng các quy định về sử dụng âm thanh dẫn dụ, công tác phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường. 

Đồng thời, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cấp phép xây dựng, quản lý chất lượng công trình đối với các trường hợp sử dụng nhà nuôi chim yến không đúng công năng. Phát hiện và xử lý triệt để các trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, cơi nới nhà ở thành nhà nuôi chim yến không khai báo với chính quyền địa phương và không nằm trong quy hoạch đã được UBND TP.HCM phê duyệt.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất, trong thời gian tới, các hộ và đơn vị nuôi yến cần đặc biệt chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong nhà yến nhằm đem lại hiệu quả vận hành và tăng năng suất nuôi yến, như hệ thống phun sương hẹn giờ, hệ thống phát âm thanh hẹn giờ, hệ thống điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm bên trong nhà yến tự động. Ngoài ra, các giải pháp CNTT sẽ mang lại sử chủ động trong quản lý và vận hành điều kiện môi trường tự động như nhiệt độ, độ ẩm, âm thanh, đóng mở cửa tự động nhằm giảm bớt chi phí nhân công vận hành.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ấp nở, dẫn dụ và nuôi chim yến; quy trình chế biến sản phẩm từ tổ yến, truy xuất nguồn gốc của tổ yến để đảm bảo chất lượng và thương hiệu của tổ yến khi bán ra thị trường; Xây dựng cơ sở dữ liệu về các yếu tố bên trong nhà yến, kinh nghiệm nuôi yến từ các nhà yến thành công để tập hợp thành những quy chuẩn cụ thể trong xây dựng nhà yến.

Bên cạnh đó, cần có những nghiên cứu về nhân nuôi côn trùng phù hợp làm thức ăn bổ sung cho chim yến, bên cạnh đó cần nghiên cứu đánh giá các vùng tiềm năng có chim yến về làm tổ. Ngoài ra, có những nghiên cứu và đánh giá sự cân bằng giữa số lượng nhà yến nên xây dựng và quần thể đàn tại khu vực hiện có để tránh mất cân bằng dẫn đến năng suất của nhà yến thấp. 

 

Thông tin liên hệ:

Viện Sinh học nhiệt đới

Địa chỉ: 9/621 Xa lộ Hà nội, P. Linh Trung, TP. Thủ Đức, TP.HCM

E-mail: viensinhhocnd@gmail.com - ducthien38@yahoo.com

Điện thoại: 028 39325995 -  0972452256

Website:  http://www.itb.ac.vn

Thực tế cho thấy, trong các sản phẩm chế biến tôm xuất khẩu thì tôm chiên Tempura là mặt hàng được ưa chuộng trên thị trường kể cả trong nước và nước ngoài và có giá trị gia tăng cao nhất khi trải qua nhiều công đoạn chế biến, cộng thêm việc áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất. Đây là mặt hàng chủ lực của nhiều công ty chế biến tôm xuất khẩu tại Việt Nam nói chung và tại TP.HCM, các tỉnh thành khu vực Nam bộ nói riêng. Tuy nhiên, quá trình sản xuất và chế biến tôm chiên Tempura trong nước hiện nay còn phụ thuộc nhiều vào sức người. Tại các nhà máy chế biến tôm chiên Tempura xuất khẩu, hầu hết việc chiên tôm Tempura đều được thực hiện thủ công bởi đông đảo đội ngũ công nhân. Việc này hiện tại tiêu tốn rất nhiều nguồn lực của đội ngũ công nhân và đôi khi chất lượng tôm chiên thành phẩm không đồng nhất. Do đó, dây chuyền chiên tôm Tempura bán tự động giúp sản xuất tôm chiên Tempura đạt năng suất cao chính là mục tiêu mà PGS.TS Võ Tường Quân và nhóm cộng sự tại Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ Cơ khí Bách Khoa (thuộc Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG TPHCM) tập trung giải quyết thông qua nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Nghiên cứu, thiết kế chế tạo dây chuyền chiên tôm Tempura bán tự động".

Theo lời PGS. TS Võ Tường Quân, ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và  công nghệ, thì thiết bị - máy móc gần như có thể hoàn toàn thay thế một phần, hoặc toàn bộ quá  trình hoạt động sản xuất của con người, và đồng thời tăng năng suất lao động lên gấp nhiều lần. Vì vậy, việc phát triển hệ thống máy móc công nghệ hiện đại trong công nghiệp ở Việt Nam là nhu cầu tất yếu và cần thiết. Đặc biệt là việc ứng dụng dần các công nghệ, thiết bị tự động hóa từng phần, bán phần hoặc tự động hóa hoàn toàn vào các dây chuyền chế biến thủy sản nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm là điều cần thiết.

Trong khi đó, theo đánh giá của nhóm triển khai nhiệm vụ, phương thức chế biến tôm Tempura đông lạnh tại Việt Nam còn tồn đọng nhiều vấn đề cần giải quyết. Đơn cử, nếu như việc phân loại tôm và điều khiển nhiệt độ dầu đã đảm bảo được sự đồng bộ, chính xác nhờ ứng dụng công nghệ tự động hóa; hay như công đoạn lột vỏ tôm tuy còn thực hiện hoàn toàn thủ công nhưng vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng; khâu chuẩn bị dung dịch bột chiên có thể đảm bảo tiêu chuẩn nhờ các hệ thống đo lường và khuấy trộn hiện đại; thì thao tác chiên tôm, rưới bột và lấy tôm ra khỏi khuôn chiên vẫn thực hiện thủ công và phụ thuộc hoàn toàn vào cảm quan, tay nghề của người lao động. Bên cạnh đó, môi trường chiên tôm là một môi trường làm việc khắc nghiệt và cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người lao động.

Các hệ thống dạng này tuy đơn giản, không tốn nhiều chi phí đầu tư, nhưng nếu xét trong dài dạn thì năng suất không cao, cũng như không đảm bảo được sự  đồng bộ, đáp ứng tiêu chuẩn cần có của các sản phẩm để xuất khẩu sang các thị trường "khó tính" như  Nhật Bản, Liên minh châu ÂU (EU)", đại diện nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Ví dụ, bồn chiên tôm với nhiệt độ khoảng 175 độ C khiến môi trường làm việc rất nóng, có nhiều khói và hơi dầu trong không khí do hoạt động chiên tôm, môi trường làm việc này không tốt cho người lao động khi làm việc lâu dài, dễ khiến chất lượng sản phẩm đi xuống, còn người lao động dễ mắc các bệnh nghề nghiệp, suy giảm sức khỏe.  

"Vì thế, để đáp ứng nhu cầu  phát triển  của thị trường, khắc phục được những vấn đề nêu trên nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, các công ty chế biến tôm Tempura ở  Việt Nam đã có yêu cầu cấp bách, đó là  thiết kế, chế tạo dây chuyền chiên tôm Tempura bán tự  động", PGS. TS Võ Tường Quân khẳng định. 

Về cơ bản, nhóm triển khai nhiệm vụ đã hoàn thiện việc thiết kế, chế tạo dây chuyền chiên tôm Tempura một mặt bán tự động bao gồm các cụm chức năng chính, đó là: Cụm chiên tôm lần 1 (định hình tôm); Cụm phun bột lên tôm; Cụm chiên tôm lần 2 (làm chín tôm); Cụm làm ráo bớt dầu trong tôm sau khi chiên; Hệ thống lọc dầu được sử dụng chung với hệ thống lọc dầu tổng của nhà máy; và cuối cùng là Hệ thống khí Oil free được sử dụng từ nguồn khí của nhà máy để đảm bảo nguồn khí nén sạch được sử dụng trong lĩnh vực chế biến thực phẩm.

Vì đây là dây chuyền sử dụng trong lĩnh vực chế biến thực phẩm nên toàn bộ nguyên liệu chế tạo và truyền động cho toàn bộ dây chuyền đều được sử dụng thép không rỉ (SUS 304).

chientom

Nguyên mẫu dây chuyền chiên tôm Tempura bán tự động được hoàn thiện

Đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ cho biết, phương án sử dụng băng tải dẫn động khuôn chiên đã được chọn, vì khi sử dụng hệ thống khuôn chiên được dẫn động bằng băng tải thì đơn vị sản xuất có thể đảm bảo được thời gian chiên tôm và chất lượng tôm sau khi chiên, cũng như xác định vị trí tôm để thực hiện các hoạt động mong muốn như phun bột lên các bề mặt, lật tôm, lấy tôm ra khỏi hệ thống. Ngoài ra, hệ thống khuôn chiên còn giúp tạo hình dáng bề ngoài cho tôm Tempura sau khi chiên, giúp món ăn trở nên bắt mắt và cuốn hút khách hàng hơn.

Theo thiết kế, dây chuyền được thiết kế để chiên tôm có kích cỡ thông dụng từ 12-20cm, và khuôn chiên có thể thay đổi theo các hình dạng khác nhau để tạo hình dáng tôm khác nhau đáp ứng nhiều yêu cầu từ khách hàng, đối tác.

chientom1

Cụm chiên lần 1 (chiên định hình) và băng tải chuyển tiếp

Trong khi đó, vì là dây chuyền chiên tôm bán tự động nên vẫn cần công nhân vận hành, đồng thời hệ thống băng tải dẫn động khuôn chiên có thời gian giữa hai lần khuôn chiên liên tiếp là khoảng 3 giây với số lượng 4 khuôn chiên trên một dãy. Với đặc điểm này, nhóm triển khai nhiệm vụ đã chọn phương án sử dụng công nhân dùng thanh inox để đẩy tôm ra khỏi khuôn, bởi đây là lựa chọn hiệu quả hơn về cả năng suất lẫn chi phí.

"Hệ thống có thể hoạt động trơn tru với 3 công nhân phụ trách công việc này, trong đó 1 công nhân thực hiện việc bỏ tôm vào khuôn, 1 công nhân giám sát cụm chiên lần 1 và 1 công nhân giám sát cụm chiên lần 2", PGS. TS Võ Tường Quân chia sẻ thêm.

Đối với khâu nhúng tôm vào bột trước khi chiên, nhóm kỹ sư và chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ Cơ khí Bách Khoa xác định, hệ thống băng tải dẫn động khuôn chiên đã chọn cần cấp tôm liên tục với số lượng tôm mỗi lần cấp tương đối ít (4 khuôn chiên trên một dãy khuôn chiên và 2 khuôn chiên được bố trí ngược chiều nhau để  đảm bảo thao tác thuận tiện cho 2 công nhân thao tác). Vì thế, với đặc điểm này, phương án nhúng bột và cấp tôm thủ công là lựa chọn hiệu quả hơn về cả năng suất lẫn chi phí, bởi sự không đồng đều về thời gian chiên giữa các con tôm trên cùng một mẻ là không đáng kể. Hệ thống có thể hoạt động trơn  tru với 2 công nhân phụ trách công việc nhúng bột và cấp tôm trên mỗi máy.

Còn với khâu chiên tôm chín lần 2, vì đây là bước cuối cùng trong giai đoạn chiên nên cần phải đảm bảo hai bề mặt tôm được chiên chín, đồng thời phải đảm bảo màu sắc của lớp bột phủ bên ngoài của tôm đạt đủ yêu cầu để sản phẩm được đóng gói và xuất khẩu ra nước ngoài; nên phương án được chọn là sử dụng hệ thống băng tải dạng máng chiên để đảm bảo chiên tôm ngập dầu, tốc độ băng tải sẽ được quy định tùy theo màu sắc mong muốn trên tôm chiên tùy thuộc vào yêu cầu khách hàng. Ngoài ra, từ cụm chiên lần 2, tôm chiên thành phẩm sẽ được đưa qua cụm làm ráo dầu chủ động bằng máng liên kết để làm ráo bớt dầu trong tôm sau khi chiên nhằm mục đích tăng cao độ xốp, độ giòn của tôm sau khi chiên và đồng thời tránh hiện tượng đọng nhiều dầu bên trong lớp bột Tempura bao xung quanh tôm.

chientom3

Cụm chiên lần 2 và băng tải chuyển tiếp

Bên cạnh đó, phương pháp phủ/phun bột (tôm đã bóc vỏ, được công nhân nhúng sẵn bột lần 1), làm ráo (tôm sau chiên) và thiết kế khuôn chiên tôm cũng đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và lựa chọn phù hợp. 

Thực tế triển khai tại Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ Cơ khí Bách Khoa cho thấy, với hệ thống điện được điều khiển bởi các nút nhấn đơn giản, thì việc vận hành hệ thống hoàn toàn đơn giản. Theo đó, công nhân chỉ cần bật công tắc và cài đặt nhiệt độ  cho các thanh điện trở  nhiệt 3 pha mắc hình sao để  gia nhiệt cho dầu. Khi dầu chiên đạt nhiệt độ  mong muốn, công nhân tiếp tục bật công tắc khởi động các động cơ 3 pha dẫn động băng tải và điều chỉnh tốc độ vừa phải. Sau đó, khi dây chuyền đã khởi động, tôm được công nhân nhúng sẵn vào bột và đặt vào khuôn chiên với tốc độ trung bình 4 giây/hàng. Trong khi đó, thùng chứa bột được giữ  ở  áp suất cố  định bằng máy bơm khí nén. Khi cảm biến tiệm cận được kích hoạt, hệ thống các xy lanh sẽ phun bột lên ngang thân dãy tôm tại vị trí đó. Sau một thời gian, lượng bột trong thùng chứa cạn, hệ thống sẽ  được cảnh báo bởi cảm biến mức bột đặt bên trong thùng. Ngoài ra, khí nén được cấp vô thùng chứa dầu là khí nén đã được đưa qua hệ thống lọc dầu oil free tại nhà máy.

Tiếp đó, sau khi tôm đã được định hình và lớp bột cứng lại, công nhân được bố trí tại cụm 1 sẽ sử dụng dụng cụ để đưa tôm ra khỏi khuôn, tôm khi đó sẽ trôi tự do theo dầu rồi được băng tải dẫn động đưa sang cụm 2. Tại cụm 2, sau khi được chiên ngập dầu ở băng tải thứ nhất, băng tải thứ 2 sẽ dẫn động tôm qua cụm 3. Đến cụm 3, tôm bán thành phẩm sẽ được băng tải đưa qua buồng làm ráo, tại đây hệ thống quạt sẽ thổi không khí được gia nhiệt bởi các điện trở xuống, giúp đẩy lượng dầu tồn dư ra khỏi tôm, rồi từ đó dầu sẽ thoát xuống băng tải lưới và chảy vào máng dẫn để tái sử dụng. Cuối cùng, khi ra khỏi cụm 3, tôm thành phẩm ráo dầu được chuyển vào kho đông lạnh, sẵn sàng cho khâu đóng gói phục vụ thương mại nội địa cũng như xuất khẩu.

sodochientom

Sơ đồ, quy trình thực hiện của hệ thống chiên tôm Tempura 1 mặt bán tự động

Được biết, hướng đến mục tiêu triển khai và chuyển giao dây chuyền sản xuất cho các đơn vị khác, nên dây chuyền được thiết kế với ưu điểm có thể điều chỉnh tốc độ từng cụm độc lập để phục vụ nhu cầu chiên đa dạng ở nhà máy.

Đánh giá về hiệu năng của giải pháp, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, tùy vào thời gian thao tác quen máy của công nhân trực tiếp vận hành tại đơn vị, năng suất dự kiến có thể ước đạt 20.000 con tôm/10 giờ trên 1 dây chuyền với số lượng nhân công vận hành là 3 người. Chưa dừng lại ở đó, so với các dây chuyên chiên tôm Tempura bán tự động có tính năng và hiệu suất tương tự nhập ngoại, thì giá thành của dây chuyền là sản phẩm của nhiệm vụ khoa học - công nghệ vừa được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu được xác định là thấp hơn rất nhiều, khoảng bằng 50% so với các dây chuyền nhập ngoại. Ngoài ra, lợi thế thứ hai của dây chuyền là các công việc AS (After Services) như bảo trì, bảo dưỡng sẽ được thực hiện nhanh chóng khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, do làm chủ được công nghệ của việc thiết kế, chế tạo dây chuyền chiên tôm Tempura nên hoàn toàn có thể linh hoạt thay đổi cấu hình, cấu trúc máy để có thể chiên được nhiều dạng sản phẩm của lĩnh vực thủy sản.

"Nhờ giá thành cạnh tranh và năng suất cao, ổn định, nên hiện đã có một đơn vị là công ty Stapimex là đơn vị đã hợp tác nghiên cứu khi triển khai thực hiện dây chuyền này và chủ động đề nghị với chúng tôi chuyển giao và lắp đặt dây chuyền hoàn chỉnh để nhanh chóng đưa vào sản xuất, góp phần năng cao năng suất lẫn chất lượng cho nhà máy", PGS. TS Võ Tường Quân cho biết, "Hay nói cách khác, sản phẩm của nhiệm vụ đã đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường, đồng thời khẳng định vai trò của tự động hóa trong các ngành sản xuất, đặc biệt là nhóm ngành chế biến thực phẩm chất lượng cao".

Về hướng phát triển trong thời gian tới, nhóm triển khai nhiệm vụ bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Sở KH&CN TP.HCM, các đơn vị liên quan cũng như từ phía cộng đồng doanh nghiệp để cải tiến một số tính năng cho dây chuyền vừa hoàn thiện, như nâng cấp hệ thống làm mát, hệ thống thu hồi nhiệt, và hệ thống bơm bột liên tục; hay bổ sung hệ thống phun bột để có thể phát triển dây chuyền chiên tôm 1 mặt như hiện này thành dây chuyền chiên 2 mặt hoặc có thể thay đổi cấu hình để có thể biến đổi dây chuyền này phục vụ cho nhiều sản phẩm chiên bán tự động hoặc tự động khác trong lĩnh vực thủy sản.

Thông tin liên hệ:

Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ Cơ khí Bách Khoa (Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc Gia Tp.HCM)

Địa chỉ: 268 Lý Thường Kiệt P.14 Q.10, TP.HCM

Số điện thoại: 0933327078 hoặc 028.38686996

Email: vtquan@hcmut.edu.vn  hoặc bk-recme@hcmut.edu.vn 


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353