SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Danh sách doanh nghiệp khoa học và công nghệ được chứng nhận năm 2020

DNKHCN2020

 

Đoàn đại biểu TP.HCM số 27 đã tổ chức thăm hỏi, chúc Tết các hộ dân và đơn vị, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái.

Ngày 5/2/2021, Đoàn đại biểu TP.HCM số 27 do lãnh đạo Sở KHCN TP.HCM làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, trao quà Tết cho 2 hộ nghèo ở phường 10, quận Tân Bình nhân dịp Tết Tân Sửu năm 2021. Đây là hoạt động thiết thực nhằm động viên các gia đình vui xuân đón Tết, chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.

ttet1

Đoàn đại biểu TP.HCM số 27 thăm hỏi, trao quà Tết cho hộ nghèo.

Đại diện cho Đoàn, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Thị Kim Huệ gửi lời chúc các gia đình trong năm mới nhiều sức khỏe, an khang, tiếp tục vươn lên ổn định cuộc sống.

Đoàn cũng đến thăm hỏi sức khỏe và chúc Tết cụ Cao Thị Năng (người cao tuổi, ngụ tại quận Tân Bình). Đoàn chúc cụ Năng luôn mạnh khỏe, sống vui, sống khỏe bên con cháu và là chỗ dựa vững chắc cho con cháu.

ttet2

Đoàn đại biểu TP.HCM số 27 chúc Tết cụ Cao Thị Năng.

Trước đó, Đoàn đã đến chúc Tết Trung tâm Mai Hòa (huyện Củ Chi). Đây là nơi chăm sóc bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối và nuôi dưỡng một số trẻ nhỏ bị bỏ rơi, không có nơi nương tựa. Trung tâm còn là nơi để bệnh nhân tham gia phối hợp các nhóm công tác xã hội triển khai các chương trình tuyên truyền phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS cho cộng đồng.

Buổi sáng cùng ngày, Đoàn đến chúc Tết và thăm hỏi sức khỏe tập thể y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi. Chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2008, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi triển khai công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân ở huyện Củ Chi và những khu vực lân cận.

ttet3

Đoàn đại biểu TP.HCM số 27 chúc Tết tập thể y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi

Vào buổi chiều, Đoàn đến thăm và chúc Tết Lữ đoàn Pháo binh 96 (Binh chủng Pháo binh) đóng quân tại Đồng Nai. Trong những năm qua, Lữ đoàn luôn thiết lập mối quan hệ gắn bó mật thiết, nghĩa tình với nhân dân Đồng Nai và TP.HCM, đảm bảo công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Bên cạnh đó, Lữ đoàn cũng phối hợp với các trường học tổ chức một số buổi ngoại khóa nhằm tạo điều kiện cho học sinh tìm hiểu, trải nghiệm thực tế.

Hoàng Kim - cesti.gov.vn

Nhân dịp tết nguyên đán Tân Sửu 2021, ngày 04/2, Công đoàn Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức trao quà hỗ trợ cho 28 công đoàn viên bị bệnh hiểm nghèo và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đang công tác tại Sở.

Theo đó, ban tổ chức đã trao 39 phần quà tết và tổng số tiền gần 65 triệu đồng cho 28 trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, có gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ.

Đây là hoạt động thường niên của Công đoàn Sở KH&CN TP.HCM nhằm góp phần chăm lo, động viên, hỗ trợ kịp thời cho các công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại Sở có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, nhân dịp xuân về.

qt1

Trao quà cho các trường hợp có gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ. 

Nguồn kinh phí của chương trình nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ Công đoàn Viên chức Thành phố và từ các đơn vị, phòng ban, các tổ công đoàn trực thuộc Sở KH&CN TP.HCM đóng góp.

qtet1

Chương trình hỗ trợ chăm lo tết Tân Sửu 2021 đã trao 39 phần quà và tổng số tiền 65 triệu đồng. 

Bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Sở KH&CN TP.HCM) chia sẻ, trong năm 2020, Công đoàn Sở đã triển khai nhiều chương trình như hiến máu nhân đạo, tháng công nhân hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn,… Tiếp nối nghĩa cử cao đẹp này, chương trình hỗ trợ chăm lo tết 2021 là hoạt động thiết thực theo truyền thống của Sở KH&CN hàng năm, cũng là để phát huy truyền thống của dân tộc Việt Nam "lá lành đùm lá rách". Đặc biệt, năm nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên những hoạt động trợ giúp các hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo càng thêm ý nghĩa. Với tinh thần “của ít lòng nhiều” giúp đỡ nhau cùng vượt khó, thông qua những món quà được trao, Sở mong muốn góp phần giúp các công đoàn viên, người lao động đón tết ấm áp, yên vui.

qtet2

Trao quà cho các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Trao đổi với công chức, viên chức, người lao động tại buổi lễ, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) cho rằng, trong tình hình khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chương trình hỗ trợ chăm lo tết là một trong những hoạt động thiết thực thể hiện sự nỗ lực, quan tâm của các cơ quan, đơn vị nhà nước nhằm kịp thời động viên, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ Sở KH&CN mà hàng năm các địa phương, các đoàn thể đều tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, công tác từ thiện, chăm lo tết cho các gia đình, đối tượng chính sách,… Việc chăm lo hỗ trợ cho chính những cán bộ, viên chức, người lao động trong Sở có hoàn cảnh khó khăn sẽ góp phần giúp họ cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác của mình.

Lam Vân - cesti.gov.vn

Phần mềm GIS dùng quản lý ca bệnh, vùng dịch, thể hiện trực quan trên bản đồ; camera ứng dụng AI… được ứng dụng khi Covid-19 bùng phát.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, năm 2020 có 98 nhiệm vụ được nghiệm thu và ứng dụng, trong đó nhiều đề tài phát triển và ứng dụng công nghệ phòng chống Covid-19. Một trong số đó là thành phố đã xây dựng hệ thống bảo vệ an toàn nhân viên y tế, người bệnh và tránh lây nhiễm chéo, thiết bị trợ thở có xâm lấn và mặt nạ thở bảo vệ bác sĩ, bệnh nhân. Các module container cách ly điều trị áp lực âm dã chiến cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 áp dụng trong bệnh viện tuyến đầu phòng chống dịch; module container đệm cách ly, tự động khử khuẩn bề mặt áp dụng trong bệnh viện dã chiến.

giscovid
Ứng dụng công nghệ GIS theo dõi danh sách phân bố các ca bệnh theo dải màu dịch tễ.

Sở Khoa học và Công nghệ đã chuyển giao cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) trong quản lý ca dương tính, nghi nhiễm (F0-F5), vùng cách ly, vùng dịch, địa điểm cách ly Covid-19. Danh sách phân bố các ca bệnh theo dải màu dịch tễ được thể hiện trên bản đồ; xây dựng cây sơ đồ mối quan hệ giữa các ca từ F0 đến F5... Trên nguồn dữ liệu này, các thông tin về diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam và trên thế giới được thể hiện trực quan, sinh động và liên tục được cập nhật, đáp ứng nhu cầu dữ liệu cho các bài toán phân tích dữ liệu GIS về tình hình dịch bệnh.

Hiện, công ty Nanogen tại Khu công nghệ cao là một trong bốn đơn vị ở Việt Nam đang thực hiện đề án nghiên cứu sản xuất vaccine Covid -19. Hiện đã nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng trên động vật và đã thử nghiệm trên người.

Trong 113 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ tại các quận huyện, cơ quan, doanh nghiệp, ngành y tế đã thành lập trung tâm điều hành thông minh kết nối với 48 camera của 8 bệnh viện kèm theo phân tích trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ phòng chống Covid-19, theo dõi quá tải cấp cứu, trộm cắp...

Theo đánh giá, đóng góp của khoa học công nghệ trong tăng trưởng kinh tế của TP HCM thông qua chỉ số TFP trong 5 năm qua luôn ở mức cao, tăng dần qua các năm. Cụ thể năm 2016 là 35,3%, năm 2017 là 36,7%, năm 2018 là 38,1%, năm 2019 là 40%, năm 2020 ước đạt 42%.

Hà An - vnexpress.net

Sở Khoa học và Công nghệ xin lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự thảo kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 đối với 02 sản phẩm, quy trình: Sản xuất giống gốc nấm bào ngư tại Thành phố Hồ Chí Minh và Nhân giống in vitro lan Dendrobium (đính kèm dự thảo nội dung kế hoạch và dự thảo các đề xuất xây dựng QCĐP năm 2021).

Thời gian lấy ý kiến từ ngày 02/02/2021 đến ngày 10/3/2021.

Các góp ý xin gửi về Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng).

Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

263 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 39.300.972 – Fax: (028) 39.300.906

Email: tbt.skhcn@tphcm.gov.vn

Hoặc gửi trực tuyến tại Lấy ý kiến dự thảo văn bản - Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM (hochiminhcity.gov.vn)

Nhiều ứng dụng hỗ trợ người dân tránh kẹt xe, tránh điểm ngập nước, dễ dàng tra cứu thông tin nhà đất, y tế hoặc thông báo cho cơ quan chức năng khi có sự cố đường ống nước, đường dây điện, cây đổ... đang được các sở ngành tại TPHCM áp dụng nhằm mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Các ứng dụng dễ dàng cài đặt cho cả hệ điều hành Android OS và iOS, sử dụng tiện lợi. 
 
khambenh

Tiếp nhận thông tin và chẩn đoán bệnh tại Bệnh viện Miền Đông, quận 9, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Giúp tránh ùn tắc giao thông, ngập nước

 Kẹt xe là vấn đề của các đô thị lớn, TPHCM cũng không tránh khỏi, do đó Sở GT-VT triển khai ứng dụng thông tin giao thông (TTGT) TPHCM với tính năng cập nhật thông tin tức thời tình trạng giao thông giúp người dùng tránh kẹt xe và tính toán lộ trình hợp lý. Với tiện ích này, người dùng có thể truy cập để biết thông tin giao thông, tìm hiểu trước lộ trình, tránh các điểm ùn tắc. Ứng dụng TTGT TPHCM hoạt động khá ổn định, giao diện dễ hiểu và trực quan trên thiết bị di động.

Ứng dụng TTGT TPHCM có giao diện khá đơn giản, gồm 3 tab (thẻ) chính gồm Cảnh báo, Camera và Bản đồ. Trong đó, tab Cảnh báo sẽ dựa trên GPS để xác định vị trí người dùng, tùy vào bán kính được chọn (từ 500m đến 10.000m) hiển thị các nút giao thông lân cận kèm tình trạng lưu thông khu vực đó. Người dùng có thể chia sẻ hoặc bình luận trên các thông báo này để bổ sung thông tin. Ở thẻ Camera, người dùng có thể chọn xem hình ảnh trích xuất từ camera tại các giao lộ. Đây đều là những hình ảnh được truy xuất tức thời (tại thời điểm xem), nên có thể biết ngay tình trạng giao thông ở khu vực đó. Ở tab Bản đồ, người dùng được cung cấp cái nhìn toàn cảnh về các tuyến đường. Màu xanh là bình thường, màu vàng là xe đông và màu đỏ là xe đông di chuyển chậm. 

Với “Ứng dụng truyền tải thông tin ngập UDI Maps” của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM phát triển, những hình ảnh ngập nước trên địa bàn được camera tại hiện trường truyền hình ảnh thực tế về trung tâm. Ngay sau đó, nhân viên công ty đến hiện trường tìm phương án ứng cứu kịp thời, giảm thiểu ngập. Từ khi ra đời giữa năm 2017 cho đến nay, rất nhiều lần UDI Maps đã hỗ trợ nhân viên công ty kịp thời “giải cứu” các điểm ngập trên địa bàn thành phố. 

Ngoài ra, người dân cũng dễ dàng sử dụng ứng dụng này để tránh những tuyến đường tụ nước, ngập nước vì với các tính năng: “Hiện trạng” báo tình hình mưa, triều cường, các vị trí đông xe, các điểm đang ngập; “Tìm đường tránh ngập” hỗ trợ tìm kiếm tuyến đường thay thế hay “Tin nhắn ngập” cập nhật tin mới nhất và những cảnh báo khẩn cấp liên quan đến ngập; “Gửi thông tin ngập”… giúp người dân có thể chủ động tham gia giao thông tốt hơn trong mùa mưa, thời điểm triều cường. 

Thuận lợi tìm thông tin y tế, nhà đất

 TPHCM có hơn 10 triệu dân sinh sống và làm việc; số lượng người dân từ các tỉnh thành khác đến khám chữa bệnh (KCB) là không ít… nên việc chọn lựa cơ sở KCB là cần thiết. Xuất phát từ thực tiễn này, đồng thời phát triển kho dữ liệu sẵn có về cơ sở KCB của thành phố, Sở Y tế đã xây dựng ứng dụng trên điện thoại thông minh để giúp người dân tra cứu nơi KCB thuận lợi và dễ dàng. 

Với ứng dụng “Tra cứu khám chữa bệnh”, sau khi cài đặt, người sử dụng chỉ cần nhập từ khóa tìm kiếm (sốt, đau ngực, tiêm chủng, khám sức khỏe…). Sau khi nhập từ khóa, ứng dụng sẽ cho danh sách các cơ sở y tế có cung ứng dịch vụ KCB tương ứng các dấu hiệu, triệu chứng hoặc bệnh lý mà người dân đang có. Khi chọn 1 cơ sở KCB trên trang kết quả, ứng dụng sẽ cung cấp thông tin chi tiết của cơ sở đó, như: thời gian làm việc, thời gian chờ khám trung bình, các loại hình khám (BHYT, không BHYT, dịch vụ), giá khám bệnh, điện thoại liên hệ… Chị Như Thu, ở quận 5, nhận xét: “Ứng dụng này còn tích hợp thông báo dưới dạng tin nhắn của Sở Y tế về dịch bệnh, về tiêm chủng… nên tôi thấy rất hữu ích, nhất là khi tôi đang có con nhỏ”. 

Sở Y tế TPHCM còn có ứng dụng Y tế trực tuyến, một công cụ hữu ích giúp người dân dễ dàng phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật của cơ sở KCB đến cơ quan quản lý nhà nước. Sở Y tế tiếp nhận hơn 100 phản ánh của người dân qua ứng dụng “Y tế trực tuyến” từ tháng 3-2020 đến 7-2020. Theo Sở Y tế, kết quả đạt được lớn nhất chính là người dân cùng tham gia giám sát, phản ánh, thanh tra sở đã tiếp nhận thông tin và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Với lĩnh vực nhà đất, việc tra cứu thông tin, hồ sơ… thường mất rất nhiều thời gian, nhưng với XD247, ứng dụng tra cứu nhanh thông tin nhà đất TPHCM do Sở Xây dựng phát triển cho phép người dân có thể tự tra cứu thông tin các dự án bất động sản, tình trạng xử lý hồ sơ, thực hiện các thủ tục hành chính... mang đến tiện lợi cho người dân đến cơ quan quản lý. SXD247 cập nhật đầy đủ, liên tục dữ liệu chính thống về những dự án do Sở Xây dựng quản lý; cung cấp thông tin chủ đầu tư, quy mô đầu tư, diện tích, tiến độ dự án, pháp lý và hình ảnh thực tế của dự án. Anh Trung Dũng, người dân ở Bình Thạnh, cho biết: “Với XD247, chúng tôi có thể đưa ra những ý kiến phản hồi về chất lượng dịch vụ, gửi thông tin phản ánh kèm hình ảnh về các sự cố xây dựng, chiếu sáng, ngập nước, trật tự xây dựng... cho cơ quan nhà nước ngay trên ứng dụng này”. 

Không ít người dân TP đã sử dụng các ứng dụng đều cho rằng đây có thể là những ứng dụng “nằm lòng”, phục vụ nhu cầu cơ bản cho người dân ở đô thị lớn và giúp xã hội thêm văn minh.

TPHCM còn có ứng dụng 1022, được phát triển từ hệ thống tổng đài trực tuyến 1022 do Sở TT-TT thực hiện; mới đây còn vận hành trên fanpage để mở rộng kênh tiếp nhận phản ánh, tương tác nhanh với người dân.

Hệ thống 1022 tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật địa bàn TPHCM ở 6 lĩnh vực: hạ tầng giao thông, cấp và thoát nước, chiếu sáng, cây xanh và giao thông công cộng.

Hệ thống cung cấp 5 phương thức để tiếp nhận thông tin: tổng đài 1022 (cung cấp thông tin sự cố bằng việc gọi điện đến tổng đài 1022); Mobile App “Tổng đài 1022” cho phép chụp hình và chọn địa điểm xảy ra sự cố trên bản đồ để phản ánh; nhắn tin SMS phản ánh, gửi đến tổng đài 1022; truy cập cổng thông tin điện tử https://1022.tphcm.gov.vn và hộp thư điện tử 1022@tphcm.gov.vn. 

BÁ TÂN - SGGP

Tại hội thảo tổng kết Đề án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và thiết bị, giải pháp dùng vi mạch Việt giai đoạn 2017-2020 do Sở KH-CN TPHCM và Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) vừa tổ chức cho thấy Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-IC) là chiếc nôi của nhiều startup công nghệ mang thương hiệu Việt. 
 

Tuy nhiên, khi đặt đề án trên vào “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030” mới thấy việc phát triển công nghiệp vi mạch thời gian qua dường như đang bị lơ là…

Ươm tạo cứ ươm tạo

Ngày 10-7-2018, UBND TPHCM ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và thiết bị, giải pháp dùng vi mạch Việt giai đoạn 2017-2020 và giao cho SHTP-IC là đơn vị thực hiện với sự quản lý của Ban quản lý SHTP và Sở KH-CN TPHCM. Qua quá trình hoạt động, việc thương mại hóa sản phẩm của các dự án ươm tạo đã có những bước phát triển vượt bậc, tổng doanh thu của các dự án năm 2019 đạt 19,6 tỷ đồng. 

Ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc SHTP-IC cho biết, chương trình với mục tiêu xây dựng nền tảng cơ bản cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, đưa sản phẩm vi mạch do các đơn vị trong nước nghiên cứu, sản xuất vào ứng dụng trong các sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin của doanh nghiệp Việt Nam, qua đó hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch.

Đề án ươm tạo thu hút 19 dự án trong lĩnh vực vi mạch tham gia; 100% dự án đều được hỗ trợ đăng ký và cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ; 10 doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp KH-CN. Nhiều dự án đã nhận được các giải thưởng danh giá trong và ngoài nước. Tổng doanh thu hàng năm của các dự án tham gia chương trình đạt gần 20 tỷ đồng.

vmachtk
Chip SG8V1 do ICDREC thiết kế sản xuất, từng được ứng dụng trong điện kế điện tử

Để hỗ trợ tốt nhất cho các dự án, SHTP-IC đã xây dựng mạng lưới các chuyên gia/cố vấn, các đối tác đến từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, các trường đại học. Trong quá trình triển khai chương trình, SHTP-IC tổ chức các sự kiện, cuộc thi ứng dụng những xu hướng công nghệ hiện nay như IoT, AI vào giải pháp vi mạch của các dự án ươm tạo, qua đó giúp nâng cao giá trị, tính bền vững, khả năng phát triển của doanh nghiệp.

Khó khăn 

Tại hội thảo, nhiều ý kiến liên quan đến Chương trình vi mạch của TPHCM cũng đã được đưa ra, như các dự án ươm tạo tham gia chương trình còn hạn chế trong việc sử dụng vi mạch Việt, cũng như số lượng các doanh nghiệp công nghệ vi mạch chưa nhiều, phần lớn là các dự án ứng dụng vi mạch vào các giải pháp, sản phẩm. Lý do chính là chất lượng các dự án ươm tạo còn chưa cao, các dự án, đề án triển khai chưa đồng bộ theo quyết định số 4022 của UBND TPHCM về “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030”. 

Dẫn chứng cụ thể, ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ewater Engineering, một doanh nghiệp KH-CN tham gia tích cực vào Đề án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và thiết bị, giải pháp dùng vi mạch Việt giai đoạn 2017-2020, cho biết, năm 2017, công ty sản xuất thiết bị xử lý cáu cặn Ewater, đã ứng dụng chip Việt SG8V1 của Trung tâm Nghiên cứu thiết kế vi mạch ICDREC.

Sau đó, thiết bị Ewater được xuất sang Malaysia, công ty tiếp tục dùng chip SG8V1 để sản xuất thiết bị ion hóa nước. Nhưng đến nay, không còn chip SG8V1 của ICDREC để ứng dụng sản xuất thiết bị, phải dùng chip ngoại nhập.

“Khi chúng tôi lắp đặt hệ thống xử lý cáu cặn Ewater cho một đơn vị quân đội, đơn vị này liền kiểm tra, thấy chip Việt Nam sản xuất, nguồn gốc rõ ràng, họ mới cho lắp thiết bị. Rõ ràng những đơn vị đặc thù luôn cần sự an toàn trong bảo mật thiết bị điện tử, vậy nhưng chip Việt không còn nên không thể đáp ứng nhu cầu của các đơn vị khác, tôi lấy làm tiếc!”, ông Lê Trung Hiếu nói. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM thừa nhận trong thời gian qua, việc thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều lý do, trong đó có cả lý do người điều hành, chỉ đạo chương trình nhiều lần thay đổi. 

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM bày tỏ: “Sở với vai trò hỗ trợ cho các nhóm nghiên cứu dù đạt một số kết quả nhưng nhìn tổng thể Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM thì lâu nay không ai nhắc đến, trong khi đây là ngành cần thúc đẩy, quan tâm nhiều hơn. Các tập đoàn hàng đầu về chip đã thống lĩnh thị trường nhưng không phải vì thế mà chúng ta không nghiên cứu, sản xuất chip Việt để phục vụ nhu cầu an ninh. Đã đến lúc việc thiết kế sản xuất chip Việt phải đi vào phục vụ nhu cầu này. Nếu ta tiếp tục nghiên cứu, sản xuất chip Việt thì mới có được năng lực nghiên cứu, sản xuất để phục vụ những nhu cầu khai thác, sử dụng cho một số lĩnh vực riêng của chúng ta”. 

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý SHTP cho rằng, Đề án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và thiết bị, giải pháp dùng vi mạch Việt giai đoạn 2017-2020 đã tạo được những kết quả khả quan nhưng đặt trong Chương trình phát triển vi mạch của thành phố thì cần những bước đi dài hạn. Để cạnh tranh với các tập đoàn danh tiếng thế giới rất khó, nên vi mạch Việt cần đi vào các hướng giá trị gia tăng cao, đặc thù và cần sự gắn kết hơn nữa của các doanh nghiệp, đơn vị để thúc đẩy chương trình phát triển.

BÁ TÂN - SGGP

Ngày 08 tháng 12 năm 2020, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch số 4719/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án Tuyên truyền về an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở đến năm 2025 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh với những nội dung chính như sau:
- Mục tiêu chung
+ Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, nhất là các quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông trên địa bàn
Thành phố Hồ Chí Minh. Xây dựng nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông; góp phần kéo giảm đến mức thấp nhất các vụ vi phạm và số vụ tai nạn giao thông, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh.
+ Tiếp tục nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác tuyên truyền đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
+ Từng bước đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền theo hướng thiết thực, cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, phù hợp với từng đối tượng;
đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
- Mục tiêu cụ thể
+ 100% báo in, báo điện tử của Thành phố có chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng, chống tác hại của rượu, bia.
+ 100% các đài phát thanh, truyền hình trên địa bàn Thành phố xây dựng, phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền về an toàn giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia.
+ 80% hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn Thành phố tổ chức biên tập lại nội dung thông tin tuyên truyền về an toàn giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với địa phương, để đăng, phát qua hệ thống loa truyền thanh xã, phường và các hình thức khác.
+ Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên các bậc học được giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn; 100% đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô được tuyên truyền kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho các lái xe.
- Nội dung tuyên truyền
+ Các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn giao thông trên các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và tuyên truyền phòng, chống tác hại của rượu, bia.
+ Tuyên truyền về cách ứng xử văn hóa, xử lý tình huống khi tham gia giao thông để hình thành văn hóa tham gia giao thông, nhất là đối với giao thông đường bộ; cách ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên; đấu tranh lên án các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; giới thiệu các mô hình, bài học kinh nghiệm trong công tác đảm bảo an toàn giao thông tại các nước trên thế giới.
+ Trong an toàn giao thông đường bộ: Đẩy mạnh tuyên truyền về quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng; hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông; phổ biến tuyên truyền về mức xử phạt, hình thức xử phạt khi vi phạm giao thông, những hậu quả sức khỏe, gánh nặng bệnh tật, gánh nặng kinh tế, gánh nặng cho xã hội, di chứng do tai nạn giao thông gây ra.
Tuyên truyền, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc phương tiện “xanh” (như xe đạp, đi bộ) nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
+ Trong an toàn giao thông đường thủy: Thường xuyên tuyên truyền các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thủy, trong hoạt động chở khách du lịch, chở khách trên sông; chủ phương tiện, người lái phương tiện đường thủy nâng cao điều kiện bằng, chứng chỉ điều khiển phương tiện, kiểm định định kỳ an toàn kỹ thuật phương tiện; vận động người tham gia giao thông đường thủy mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân.
+ Trong an toàn giao thông đường sắt: Tiếp tục tuyên truyền quy tắc an toàn giao thông đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt. Kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên các thanh chắn ngang đường sắt, đèn báo hiệu tại các điểm nút giao. Tuyên truyền để người dân không buôn bán, họp chợ, phơi nông sản, lấn chiếm hành lang giao thông đường sắt, mở các lối đi đường ngang tự phát.
+ Trong an toàn giao thông hàng không: Tuyên truyền về văn hóa giao thông hàng không; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn, an ninh hàng không và các dịch vụ có liên quan; hình thức xử lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm an toàn hàng không.
+ Trong phòng, chống tác hại của rượu, bia: Tuyên truyền về tác hại của rượu, bia; tác hại của rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; các mức độ nguy cơ khi uống rượu, bia; các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; vận động hạn chế uống rượu, bia và không điều khiển phương tiện giao thông, vận hành máy móc sau khi uống rượu, bia; tuyên truyền vai trò của gia đình, người thân trong việc thay đổi thói quen và hành vi giao thông liên quan đến bia rượu của các thành viên trong gia đình, thực hiện “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”.
+ Tuyên truyền nhân rộng các mô hình, giải pháp hiệu quả trong thực hiện giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố.

Nội dung chi tiết Kế hoạch số 4719/KH-UBND

 

Chính sách thu hút chuyên gia thời gian qua được TPHCM quan tâm, triển khai nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, xung quanh vấn đề này.

° PHÓNG VIÊN: Thưa ông, điểm mới của chính sách thu hút, tuyển chọn chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực TPHCM có nhu cầu là gì?

nvdthchuyengia
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM. Ảnh: PHƯƠNG BẢO
° Ông NGUYỄN VIỆT DŨNG: Ngày 4-7-2019, UBND TPHCM có Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND ban hành quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TPHCM có nhu cầu trong giai đoạn 2019-2021.

Đến ngày 9-11-2020, UBND TPHCM có Quyết định số 4116/QĐ-UBND ban hành quy trình thu hút, tuyển chọn chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TPHCM có nhu cầu trong giai đoạn 2019-2021 (gọi tắt là quy trình).

Điểm mới chính là quy trình ban hành được áp dụng rộng rãi cho các cơ quan, đơn vị tại TPHCM và hướng dẫn, quy định thời gian cụ thể các bước thực hiện, từ việc các cơ quan, đơn vị đề xuất lĩnh vực, nhu cầu thu hút đến tổ chức tuyển chọn và tiếp tục ký kết, gia hạn hợp đồng thu hút…

Cụ thể, thành phố đang cần thu hút 14 vị trí: Sở KH-ĐT 1 vị trí; Khu Nông nghiệp công nghệ cao 3 vị trí; Khu Công nghệ cao 5 vị trí; Viện Khoa học và Công nghệ tính toán 5 vị trí. Với số lượng cụ thể này, các đơn vị đã thuyết minh khá cụ thể nên đăng ký đúng nhu cầu. Qua đó, hội đồng khoa học tổ chức thẩm định, đề xuất để thu hút và tuyển chọn chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt. 

° Thực tế việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học tại TPHCM thời gian qua như thế nào, thưa ông?

° Từ năm 2014 đến 2019, thành phố đã thu hút được 19 chuyên gia, trong đó có 5 chuyên gia Việt Nam, 6 chuyên gia người nước ngoài cùng 8 trường hợp là người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, về công tác tại các đơn vị của thành phố, tập trung vào các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ cao.  

Có thể kể đến như, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán đã mời 6 chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài; Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố đã thu hút 4 chuyên gia phụ trách công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực chất lượng cao; Ban quản lý Khu Công nghệ cao thu hút 5 chuyên gia là người nước ngoài và 1 chuyên gia người Việt Nam giúp xây dựng đề án thành lập Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ Việt-Nhật, xây dựng các chương trình phát triển nhân lực kết hợp giữa Khu Công nghệ cao và Đại học Daegu Hàn Quốc…

Các chuyên gia hầu hết đều có nhiều thành tích nghiên cứu và uy tín trong ngành, lĩnh vực chuyên môn của các trường đại học tại các nước phát triển hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, số lượng các chuyên gia thu hút được thời gian qua còn rất hạn chế và nhiều trường hợp không tiếp tục làm việc sau khi kết thúc hợp đồng.

° Như vậy là chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học thời gian qua chưa phát huy hiệu quả?

° Chính sách thu hút phát triển nguồn nhân lực từ đội ngũ chuyên gia tuy đã được quan tâm nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong đợi. Số lượng chuyên gia, nhà khoa học đã và đang làm việc rất hạn chế và mới chỉ tập trung vào một số ngành nghiên cứu trên phạm vi hẹp. Một số lĩnh vực đang cần nhân lực chất lượng cao nhưng chưa được quan tâm, mở rộng diện được áp dụng.

nvdthchuyengia2
Chính sách ưu đãi về thu nhập chưa đủ sức cạnh tranh, chủ yếu thu hút các chuyên gia lớn tuổi, số lượng chuyên gia đang trong tuổi lao động, chuyên gia trẻ tuổi còn ít. Hạn chế còn thể hiện trong việc phân công, bố trí công tác cho chuyên gia: chủ yếu dừng lại ở vị trí chủ nhiệm, tổ trưởng các đề tài, công trình nghiên cứu, chưa tạo điều kiện giữ chân và phát huy năng lực lãnh đạo, tổ chức nghiên cứu. 
nvdthchuyengia3
Các kỹ sư trẻ làm việc tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM

° Nguyên nhân chính có phải là do chính sách đãi ngộ hiện chưa thực sự tạo nên sự kích thích?

° Chính sách đãi ngộ theo Quyết định số 17 có một số điểm đáng chú ý: được trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng (chỉ áp dụng một lần và áp dụng cho lần ký hợp đồng đầu tiên); chuyên gia, nhà khoa học được chi trả mức lương hàng tháng với số tiền bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số của bảng lương chuyên gia cao cấp…

Mỗi một công trình, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học, giải pháp, sáng kiến, đổi mới kỹ thuật… từ cấp thành phố và tương đương trở lên được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phê duyệt, công nhận bằng văn bản được hưởng phụ cấp khuyến khích bằng 1% tổng kinh phí ngân sách thành phố chi trả cho công trình đó.

Trường hợp tổng mức ngân sách thành phố đầu tư cho công trình đã được phê duyệt hoặc cấp phép, công nhận chính thức vượt quá 100 tỷ đồng thì mức khuyến khích tối đa là 1 tỷ đồng… Chính sách là thế nhưng thực tế sẽ khác và rất khó để được hưởng phụ cấp khuyến khích 1 tỷ đồng như chính sách đề ra. 

Về phụ cấp hàng tháng, hiện nay cũng chưa đủ hấp dẫn chuyên gia, nhà khoa học. Điều này tạo thêm khó khăn trong việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học làm việc lâu dài trong các cơ sở khoa học công nghệ của thành phố. Tất nhiên, với không ít nhà khoa học, chuyên gia, tiền không phải là vấn đề, họ đến với thành phố từ sự quý mến, mong muốn đóng góp cho nước nhà… 

° Vậy làm thế nào khắc phục những trở ngại trên, thưa ông?

° Để gọi đúng nghĩa là thu hút nguồn chuyên gia, nhà khoa học cần bài toán dài hạn, chứ thu hút một năm, vài tháng thì không đúng nghĩa và càng khó thu hút. Môi trường xung quanh cũng rất quan trọng. Muốn thu hút phải tạo môi trường làm việc, nghiên cứu phù hợp chứ không phải chỉ tiền lương là xong.

Một vấn đề đáng quan tâm là chênh lệch giữa nguồn nhân lực được thu hút và nhân lực hiện có. Lương chuyên gia gấp nhiều lần so với mặt bằng chung ngay lập tức tạo ra điều không hay. Như vậy, thà thuê chuyên gia về giải quyết một nhiệm vụ cụ thể sẽ hợp lý hơn, vì đó là hợp đồng thuê mướn, còn nếu vào để làm việc lâu dài sẽ rất khó để cân bằng giữa việc trả lương cho nhân lực chất lượng cao và chăm lo cho đội ngũ hiện tại. 

Qua đây tôi cũng kiến nghị, để quy trình thu hút, tuyển chọn chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TPHCM có nhu cầu hiệu quả, cần sự góp sức của nhiều cơ quan, đơn vị cũng như rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành có liên quan để có thể thực hiện quy trình, thủ tục hiệu quả hơn, chứ áp dụng cứng nhắc thì việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học không hề dễ. 

° Xin cảm ơn ông! 

BÁ TÂN thực hiện - SGGP

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch tổ chức Giải thưởng sáng tạo TP lần thứ 2 năm 2021. Thời gian nhận hồ sơ tham gia từ ngày 15/12/2020 đến ngày 28/2/2021. Thời gian tổ chức trao giải thưởng dự kiến ngày 19/5/2021.
gtst2
TPHCM phát động Giải thưởng sáng tạo TP lần thứ 1 năm 2019. (Nguồn: Thanhuytphcm.vn)

Theo đó, Giải thưởng sáng tạo TP lần thứ 2 nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có các công trình nghiên cứu, giải pháp, tác phẩm sáng tạo đóng góp tích cực cho sự phát triển của TP. Tuyên truyền sâu rộng, thúc đẩy tiềm năng và khẳng định năng lực sáng táo của các tổ chức, cá nhân; phát huy truyền thống sáng tạo của người dân TP góp phần xây dựng và phát triển TP trong tình hình mới. Động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân TP tham gia hưởng ứng các hoạt động sáng tạo nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và hội nhập quốc tế, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh.

Về đối tượng đăng ký tham gia giải thưởng gồm: Tác giả (nhóm tác giả) của các công trình nghiên cứu, giải pháp, tác phẩm phù hợp với một trong các nhóm lĩnh vực xét tặng giải thưởng theo quy định tại Điều 5 Quy chế xét tặng Giải thưởng Sáng tạo TP đã được áp dụng, triển khai trên địa bàn TP, mang lại hiệu quả.

Về cơ cấu giải thưởng được xét trao tặng cho các công trình nghiên cứu, giải pháp, tác phẩm theo 7 nhóm lĩnh vực như sau: Lĩnh vực phát triển kinh tế xét tặng cho các công trình nghiên cứu, giải pháp của tác giả (nhóm tác giả), góp phần tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế TP.

Lĩnh vực quốc phòng, an ninh xét tặng cho các công trình nghiên cứu hoặc giải pháp của tác giả (nhóm tác giả), góp phần đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn TP.

Lĩnh vực quản lý nhà nước xét tặng cho các công trình nghiên cứu, giải pháp của tác giả (nhóm tác giả) đã góp phần tăng cường hiệu quả của công tác cải cách hành chính; các công trình nghiên cứu, giải pháp của tác giả (nhóm tác giả) nâng cao hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình và nâng cao sự phục vụ của cơ quan nhà nước đối với yêu cầu của người dân, tổ chức.

Lĩnh vực truyền thông xét tặng cho các ứng dụng Thông tin và Truyền thông của tác giả (nhóm tác giả) thực hiện tốt công tác truyền thông giữa chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của TP.

Lĩnh vực văn học nghệ thuật xét tặng cho các tác phẩm, sáng tác, công trình của tác giả (nhóm tác giả) có tác động tích cực đến việc khơi dậy truyền thống và tinh thần sáng tạo, có giá trị cao về văn học và nghệ thuật góp phần xây dựng và phát triển TP.

Lĩnh vực khoa học kỹ thuật xét tặng cho các công nghiên cứu, các đề tài của tác giả (nhóm tác giả) đã được ứng dụng trong thực tiễn và đem lại hiệu quả, đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển TP thông minh, hiện đại.

Lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo xét tặng cho các công trình, giải pháp, mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tác giả (nhóm tác giả) có hiệu quả cao.

Số lượng giải thưởng sáng tạo tối đa là 70 giải. Mức tiền thưởng, giải nhất là 200 triệu đồng; giải nhì 150 triệu đồng; giải ba 80 triệu đồng. Các tập thể, cá nhân đạt giải thưởng được UBND TP tặng Bằng khen và biểu trưng giải thưởng.


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353